MURAKAMI HARUKI, NHÀ VĂN CỦA TÌNH YÊU

Thứ năm - 22/03/2012 22:07

“Con người của Haruki không tha hóa, “biến dạng”, không trở nên mù lòa, vô phương hướng, tới mức được hình dung như những đồ vật hay loài vật trong thế giới khách quan, mà sống động và tự do trong thế giới của những giấc mơ”.


Nhà văn Murakami Haruki

Với các tác phẩm quan trọng lần lượt được giới thiệu ở Việt Nam trong vòng một năm: “Rừng Na Uy”, “Biên niên ký chim vặn dây cót”, “Phía Nam biên giới phía Tây mặt trời”, và “Kafka bên bờ biển”, Haruki Murakami (*) trở thành sự xuất hiện ấn tượng nhất của văn học thế giới trong năm qua. Tên tuổi ông vượt lên với phong cách tiểu thuyết độc đáo, đại diện cho một “nước Nhật mới” được khai phóng mãnh liệt năng lượng của cảm giác, dục tính và tâm linh, một thể loại văn chương thách thức lối viết duy lý và vượt ra ngoài sự bế tắc của các trường phái tri thức trong lối kể chuyện hậu hiện đại. Ông còn được xem là nhà văn của tuổi trẻ và tình yêu, khi đề cập tới lĩnh vực mang lại một trong những xung năng sống lớn lao nhất, có sức quyến rũ mãnh liệt nhất, bằng ngòi bút tỏa hương của sự phóng túng, sự thành thực tận cùng. Haruki cũng là người đưa ra với bạn đọc trẻ một triết lý sống hấp dẫn, triết lý của tình yêu.

Không phải ngẫu nhiên mà tác phẩm đầu tiên của ông được chọn để ra mắt độc giả Việt là “Rừng Na Uy”, cuốn sách mà khoảng hai chục năm về trước đã không thể xuất bản. Ấn bản “Rừng Na Uy” đầy đủ về nội dung, với lối diễn đạt mượt mà thăng hoa nhưng vẫn sắc sảo khúc chiết, xứng đáng đóng vai trò mở ra một “gu” thưởng thức mới cho bạn đọc, khi đã mệt mỏi với loại văn sự kiện dài dòng hay hoang mang trước lối viết hỗn độn, nhòe mờ chưa quen giải mã. Cuốn tiểu thuyết tuyệt đẹp về tình yêu, được viết nhẹ tay hơn (cùng dòng với “Phía Nam biên giới phía Tây mặt trời”, “Nhảy, nhảy, nhảy”, “Người tình Spoutnik”…) đã làm được hai điều quan trọng cho độc giả trẻ. Đó là mở ra thế giới nghệ thuật độc đáo, nơi con người trút bỏ những thành kiến, ngụy tạo, trút bỏ vỏ bọc xã hội, để sống duy cảm, tận hiến, tận đam mê với con người bản năng và bản thiện của mình, mà tình yêu là một trong những khía cạnh biểu hiện mãnh liệt và chân thực của con người ấy. Điều thứ hai, bằng một quan niệm phóng túng và nhân ái, Haruki giải thoát cho tình yêu khỏi những bi kịch éo le giả tạo, ông khẳng định sống hết mình, với mọi cảm giác của tình yêu chính là hạnh phúc, niềm hạnh phúc to lớn và đích thực vượt lên mọi quan ngại của đời sống con người. Không có một nhân vật nào của Haruki từng yêu mà bản thân tình yêu đó lại không là niềm hạnh phúc lớn lao.

Một điều không thể không bàn tới trong tác phẩm của Haruki là quan niệm về tính dục và tình dục trong lĩnh vực luyến ái của con người. Ông không phải là nhà văn “siêu” trong chuyện miêu tả tình dục đơn thuần, nhưng những xúc cảm về vấn đề “nhạy cảm” này, qua ngòi bút tinh tế và nhân hậu của Haruki, trở thành tấm gương phản ánh những vấn đề tinh thần sâu kín. Tình cảm ham muốn được diễn tả như một kênh bộc lộ nỗi khao khát được chia sẻ và đồng cảm, được tạm lánh nỗi cô đơn. Bạn đọc hẳn ngạc nhiên và không quên chi tiết nhỏ mà cảm động, Watanabe Toru của “Rừng Na Uy”, “ngủ” với cô gái mới quen ở ga tàu điện, đó là cách nâng đỡ khả thể duy nhất, sự an ủi về tình cảm duy nhất hữu ích mà hai thanh niên, trong hoàn cảnh đó có thể dành cho nhau. Tình dục, tự thân nó, cởi bỏ dễ dàng những ranh giới về điều “không thể” trong luân lý và tình cảm giữa con người. Haruki đã rất độc đáo khi miêu tả cái hành vi “bình thường” mà Naoko dành cho Watanabe khi cậu tới thăm cô trong một khu điều dưỡng tinh thần, trong khi việc làm tình, đương nhiên bị cấm, mà họ thì tràn đầy yêu thương. Tình dục, cũng là thông điệp của nỗi cô đơn và sự đóng kín đầy bí mật, sự độc lập đầy thách thức và thoáng chút mỉa mai của con người, khi Shimamoto - San, nhân vật nữ chính trong “Phía Nam biên giới phía Tây mặt trời”, gặp lại người yêu đầu đời sau những mất dấu tưởng chừng vĩnh viễn, lại nhất thiết phải “tự mình” trước khi chia sẻ cảm xúc với người yêu dấu.

Thế giới nghệ thuật của Haruki mở ra trọn vẹn, đầy sức mê hoặc trong loạt tiểu thuyết nặng ký của ông, tiêu biểu là “Biên niên ký chim vặn dây cót” và “Kafka bên bờ biển”. Ông chối từ việc miêu tả thế giới với những logic và vận động vật chất quen thuộc cùng những ý tưởng duy lý liền kèm, làm lu mờ nó bằng một thế giới của trực cảm sống động và tinh tế, của những cảnh trí rộng lớn, hoang vu và bí ẩn của nội giới và tiềm thức, mà không sa đà vào siêu hình hư vô. Con người của Haruki, khởi đầu bằng sống trực cảm, bản thể, như một cánh cửa để bước vào thế giới của những câu hỏi muôn đời: đâu là ý nghĩa của sự sống, chết? Đâu là hủy diệt và sáng tạo?

Không một hành động bình thường nào, thậm chí cả những cảnh trí tự nhiên như mưa, nắng, sáng trăng hay tuyết rơi… trong tiểu thuyết của Haruki lại không được miêu tả như một sự lay động của cảm giác và sự tiếp nối dòng chảy tâm thức. Toru Okada trong “Biên niên ký chim vặn dây cót” làm quen với cô bạn nhỏ Kashahara May trong một chiều mùa hạ nồng nực, được miêu tả như sự khởi nguồn của lòng ham mê những điều bí ẩn kỳ diệu, hai tâm hồn đồng cảm trong chuyến phiêu lưu mới được nhóm lên, phiêu lưu vào bản thể mênh mông đầy bí ẩn của chính họ. Nhân vật của Haruki luôn sẵn lòng, hay là không bao giờ để lỡ bất cứ cơ hội nào lang bạt theo những tiếng gọi, những lời mách bảo sâu kín của linh cảm và điều bí ẩn, chứ không phải theo những logic vật chất. Đây chính là điều mới mẻ và hấp dẫn khiến cho những nhân vật này được độc giả trẻ yêu mến như một hình tượng mới của sự lãng mạn và lòng say mê tri thức. Cậu lái xe ít học, thô lỗ và hay phụ tình… trong “Kafka bên bờ biển”, chỉ bằng linh cảm và sự tình cờ, dần dà trở thành người phụ tá trung thành của ông lão Nakata kỳ dị trong chuyến hành hương lạ lùng về thành phố biển Nagakawa, để khám phá điều bí mật mà vào thời điểm đó họ chỉ lờ mờ cảm nhận, là hệ trọng với con người. Nhân vật của Haruki được dẫn dụ bằng chính tiếng nói từ bên trong, bằng con đường nội giới, kỳ ảo để khám phá chân tính của con người, cũng là của vũ trụ.

Cái kỳ ảo trong tiểu thuyết của Haruki không “chừng mực” như một thủ pháp, theo cách của châu Mỹ - Latin, mà trở thành một nhãn quan nhuần nhị bao trùm. Con người của Haruki tự do đi về, hành động trong những không gian giấc mộng, mà lý trí cùng những logic vật chất không thể can thiệp, lý giải. Bước chân vào ranh giới của tiềm thức và vô thức sâu kín (với phương Đông, là khái niệm tâm linh) cũng đồng nghĩa với trở về ngọn nguồn, điểm xuất phát của cái đã và sẽ được phóng chiếu thành toàn bộ “thế giới khách quan” bao quanh con người. Sự hủy diệt, cái chết, cái phi lý của tồn tại… những vấn đề thực tiễn, làm đau đầu các nhà tư tưởng qua mọi thời, thật giản dị, lại xuất phát từ bản thể tâm linh sâu thẳm của chính con người. Toru Okada “xuất vía”, lang bạt trong những hành lang đen tối lạ lẫm của giấc mơ để truy tìm căn nguyên người vợ yêu của anh biến mất, nàng bị giam hãm trong ám ảnh nô lệ tình dục của quỷ Râu xanh, nô lệ cho chính ham muốn của bản thân. Okada, trong giấc mơ, vung cây gậy bóng chày hạ sát kẻ thù giấu mặt, một hành động nước đôi, vừa tiêu diệt vừa sản sinh cái ác. Ông lão Nakata ngây ngô, lành như đất, trong giấc mộng, đã giết chết kẻ tàn sát mèo để cứu lấy hai mèo con, mà hành động đó, cũng với ý nghĩa nước đôi, chính là “thay thế” Kafka giết chết cha cậu, nhà điêu khắc trứ danh Koyichi, theo lời nguyền định mệnh. Kafka, khi đó đang ở cách xa hàng ngàn cây số cũng “xuất vía” tới nơi để chứng kiến, rồi hiện về Nagakawa trong chiếc áo pull vấy máu. Những hành động không thể lý giải bằng quan niệm thiện - ác thông thường, mang đậm tính nước đôi, “tố giác” bản thể mâu thuẫn và phi lý của con người: cái chết sẵn nằm trong sự sống, cái ác, sự nô lệ và hủy diệt cũng là chân tính.

Bên cạnh đó, tình yêu, lại được xem như một đối trọng và câu trả lời cho cái phi lý. Tình yêu kỳ diệu vượt qua sự ngăn cách của thời gian giữa Kafka, cậu bé 15 tuổi và Miss Saeki, 15 tuổi trước đó 40 năm, bất chấp mối đe dọa loạn luân, là lời khẳng định thoáng chút cay đắng về tình yêu và sự sống. Cái chết của Miss Saeki, khi con người ta dùng “ham muốn chết” của cá nhân điều khiển cái chết tự nhiên, mà không cần tới một giải pháp cơ giới nào, chính là lời mách nước của tự nhiên để khuất phục cái giới hạn phi lý của sự sống, khuất phục cái chết vật chất.

Không gian giấc mơ trải rộng và chiếm ưu thế trong tiểu thuyết của Haruki, từ những hành lang tối lơ lửng phấn hoa vàng trong “Biên niên ký chim vặn dây cót” hay khu rừng bất tận trong “Kafka bên bờ biển”… là biểu tượng trọn vẹn cho sự tiếp dẫn, cho khoảng trống mênh mông của tâm thức - thách thức lớn phải vượt qua, và sự giác ngộ về tâm linh dành cho các nhân vật và cả cho người đọc. Giấc mơ trở thành cơm ăn nước uống của tâm hồn.

Không có gì lạ khi tiểu thuyết của Haruki tràn ngập những biểu tượng: những lòng giếng cạn với bóng tối của thiền và thức tỉnh, tiếng hót của Chim Vặn dây cót, biên niên ký của Chim Vặn dây cót, bóng ma Thế chiến Hai, những cuộc tàn sát đẫm máu phi lý, bờ biển và khu rừng bất tận… Mỗi hình ảnh biểu trưng cho một góc khuất hoang vu của tâm thức con người. Ông cũng là người vận dụng đầy khéo léo thủ pháp cắt dán (chứ không đồng hiện) để tạo nên không gian nghệ thuật đan xen giữa những linh cảm, báo ứng, cảm giác và chứng nghiệm của con người hiện tại với con người trong quá khứ xa xăm.

Điều mới mẻ và quyến rũ nhất mà Haruki dành cho bạn đọc khắp phương Đông và phương Tây, chính là cảm hứng mãnh liệt và nhất quán về cái phi thực, hay cái hiện thực phi vật chất của cảm thức. Con người của Haruki không tha hóa, “biến dạng”, không trở nên mù lòa, vô phương hướng, tới mức được hình dung như những đồ vật hay loài vật trong thế giới khách quan, mà sống động và tự do trong thế giới của những giấc mơ. Thừa nhận và mở ra cánh cửa vào thế giới diệu kỳ, Haruki đã đưa ra một bình diện mới để nhận chân giá trị con người. Với những nỗ lực ấy, bất chấp sự đánh giá dễ dãi xếp ông vào những thần tượng của văn hóa đại chúng, Murakami Haruki xứng đáng là nhà văn - chiến sĩ tiền phong của những tư tưởng nhân đạo và mới mẻ, gạt sang bên những định kiến và ngộ nhận giả tạo trói buộc; để kiếm tìm sự tồn tại và niềm hạnh phúc đích thực, trong “cuộc tranh đấu của chúng ta, cuộc tranh đấu vì con người” (A. Garaudy)…

Ghi chú (của NCTG):

(*) Murakami Haruki (1949-), một trong những tiểu thuyết gia Nhật Bản được biết đến nhiều nhất hiện nay ở Nhật cũng như trên thế giới. Các tác phẩm đã ấn hành tại Việt Nam:

- “Rừng Na Uy”, Hạnh Liên và Hải Thanh dịch theo bản tiếng Anh của Alfred Birnbaum, Bùi Phụng hiệu đính, NXB Văn học, Hà Nội, 1997.

- “Rừng Na Uy”, Trịnh Lữ dịch theo bản tiếng Anh của Jay Rubin, Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2006.

- “Biên niên ký chim vặn dây cót”, Trần Tiễn Cao Đăng dịch, Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2006.

- “Sau nửa đêm”, Huỳnh Thanh Xuân dịch, NXB Công an Nhân dân, Hà Nội, 2007.

    
- “Phía Nam biên giới, Phía Tây mặt trời”, Cao Việt Dũng dịch theo bản tiếng Pháp, có tham khảo bản tiếng Nhật, Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2007.

- “Kafka bên bờ biển”, Dương Tường dịch, Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2007.
    
- “Truyện ngắn Murakami Haruki, nghiên cứu và phê bình”, Hoàng Long tuyển dịch và giới thiệu, NXB Tổng hợp TP. HCM, 2006.

- “Người tình Sputnik”, Ngân Xuyên dịch, Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2008.

-“Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới”, Lê Quang dịch, Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2010.
    
- “Ngầm”, Trần Đĩnh dịch, Nhã Nam và NXB Sài Gòn xuất bản, 2009.

- “Cuộc săn cừu hoang”, Minh Hạnh dịch, Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2011.

- “Nhảy, nhảy, nhảy”, Trần Vân Anh dịch, Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2011.

- Các tập truyện ngắn do Phạm Vũ Thịnh dịch, NXB Đà Nẵng ấn hành, gồm “Ngày đẹp trời để xem Kangaroo”, “Đom đóm”, “Sau cơn động đất”, “Người Ti-vi” và “Bóng ma ở Lexington”.

(Theo “Thư mục văn học Nhật Bản ở Việt Nam”).

(**) Bài viết rút từ tập tiểu luận, phê bình “Suy tưởng, giấc mơ, viết…” (NXB Hội Nhà văn, 2011). Xin cám ơn tác giả đã cung cấp!

Khánh Phương


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn