Poster của đêm nhạc
“Ðến hẹn lại lên”, đúng vào ngày mà 11 năm trước nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (TCS) rời “cõi tạm”, Cộng đồng yêu nhạc Trịnh tại Việt Nam lại có những hoạt động sôi nổi tưởng niệm người nhạc sĩ lớn này, mà nổi bật nhất là một đêm nhạc đặc biệt tổ chức tại Hà Nội.
Mang tên “Đời cho ta thế” (tựa đề một ca khúc của TCS), chương trình hội tụ nhiều giọng ca không chuyên và đã có nhiều năm gắn bó với box nhạc Trịnh, có thể coi là nơi gặp gỡ của những tâm hồn đồng cảm với nhạc sĩ và những tác phẩm của ông.
Ngay trước giờ mở màn, NCTG đã có dịp trao đổi với Nguyệt Ca (Bạch Thị Thùy Linh), người phụ trách box nhạc Trịnh, và Hoàng Lân - cả hai đều là những ca sĩ trẻ rất được biết đến trong giới trẻ, đặc biệt là những người ái mộ nhạc Trịnh.
Hoàng Lân và Nguyệt Ca trong đêm nhạc “Người về soi bóng mình” tưởng niệm 10 năm ngày mất của TCS (31-3-2011) - Ảnh: Phạm Tuấn Anh
- Là những người trẻ, trưởng thành khi dòng nhạc lãng mạn của những tác giả thời “tiền chiến”, cũng như nhiều tác phẩm của các nhạc sĩ miền Nam trước 1975 đã được lưu hành tương đối rộng rãi, lý do gì khiến anh/chị gắn bó với dòng nhạc của TCS? Anh/chị đến với dòng nhạc ấy như thế nào?
Nguyệt Ca: Nguyệt Ca thuộc thế hệ 8x đời giữa, sinh ra khi đất nước đã không còn chiến tranh, chỉ biết đến chiến tranh qua lời kể của ông bà, bố mẹ bằng những câu “cái ngày xưa của chúng tao...”.
Khi còn nhỏ, Nguyệt Ca sống gần ông ngoại, một cựu chiến binh bị liệt nửa người, không còn khả năng đi lại. Nằm một chỗ, thú vui giết thời gian duy nhất của ông là đọc sách và nghe nhạc Trịnh. Và với Nguyệt Ca, nhạc Trịnh cứ thế ngấm vào mình lúc nào không hay nhờ những buổi chiều êm ái tha thẩn chơi bên cạnh ông.
Rồi cũng từ duyên nợ ấy, năm 17 tuổi, Nguyệt Ca bước vào thế giới mạng internet, cùng một nhóm cư dân mạng khởi xướng ra CLB yêu nhạc Trịnh, trở thành moderator chuyên tổ chức những đêm nhạc offline “hát cho nhau nghe”. Và cứ thế, thấm thoắt đã 10 năm rồi...
Hoàng Lân: Hoàng Lân hát Trịnh vì từ nhỏ Hoàng Lân thích hát nên thuộc rất nhiều bài hát đủ các thể loại. Qua năm tháng chọn lọc tự nhiên, những thứ không phù hợp dần dần bị đào thải và trong những thứ còn lại cho đến hôm nay có nhạc Trịnh.
Hoàng Lân trong chương trình “Nối tấm lòng chung” (11-6-2010)
- TCS là một tác giả mà kho tàng âm nhạc của ông rất phong phú về nội dung, ko chỉ là những tình khúc như chúng ta thường được nghe. Nét nào trong tâm cảm của nhạc sĩ gần gũi nhất với anh/chị?
Nguyệt Ca: Với số đông, nhạc Trịnh gần gũi hơn cả ở nhạc tình, những tình khúc mong manh với hình ảnh những nàng thiếu nữ gầy guộc như sương như khói, những câu chuyện tình buồn, nhưng không day dứt, bi lụy...
Thế nhưng với riêng Nguyệt Ca, có lẽ thấm thía hơn cả lại là những “ca khúc da vàng” của ông. Đó là những bản nhạc phản đối chiến tranh, đứng lên kêu gọi người ngừng bắn giết lẫn người.
Chắc chắn ít ai tin ngay giữa thời bình, một cô gái sinh ra giữa thời bình, cuộc sống hàng ngày bận rộn với việc kinh doanh, cơm áo nhưng mỗi khi có dịp hát nhạc Trịnh, lại muốn cất lên những “Người già em bé”, “Người con gái Việt Nam da vàng”, “Gia tài của mẹ”...
Bởi đơn giản ở thời nào cũng vậy, con người sống để yêu thương chứ không phải để hủy diệt lẫn nhau.
Hoàng Lân: Gia tài âm nhạc của TCS có 4 mảng chính:
da vàng - tình yêu - quê hương - thân phận. Tùy từng người, từng thời điểm lại tìm được sự đồng cảm với các mảng khác nhau đó.
Bản thân Hoàng Lân trước đây trong những năm đại học toàn hát tình ca, sau này mới hát
thân phận và
quê hương, còn
da vàng thì chỉ thích và hát một số.
Ðêm nhạc gây quỹ từ thiện “Nối tấm lòng chung” (11-6-2010) - Ảnh: Nguyễn Vũ Dzũng
- Ðã nhiều năm tham gia Cộng đồng yêu nhạc Trịnh, có thể gọi là một CLB những người trẻ yêu thích người nhạc sĩ và các nhạc phẩm của ông, anh/chị có thể kể 1-2 kỷ niệm để lại ấn tượng nhất trong thời gian sinh hoạt, trình diễn trong khuôn khổ các hoạt động của nhóm? Với anh/chị, box nhạc Trịnh có ý nghĩa gì?
Nguyệt Ca: Với Nguyệt Ca, một người sáng lập và phát triển cộng đồng yêu nhạc Trịnh từ năm 2002 đến nay, thì Cộng đồng yêu nhạc Trịnh là một cái gì đó gắn bó và thiêng liêng lắm, như thể một mái nhà thứ hai của mình vậy.
Dù chặng đường 10 năm không ít cô đơn khi cứ lầm lũi một mình đứng lên tổ chức những đêm nhạc Trịnh phi lợi nhuận, một mình tạo dựng cộng đồng những người hát - người nghe nhạc Trịnh và gắn kết họ lại, cùng gìn giữ một tinh thần nhạc Trịnh thuần khiết, mộc mạc.
Trong khi bên ngoài thì thế giới vận động không ngừng, kể cả với nhạc Trịnh, như trào lưu nghe nhạc Trịnh nổi lên từng đợt sóng như một thứ “mốt”, như việc phá cách nhạc Trịnh bằng lối hát gào thét, sến hóa, hoặc rock hóa...
Về kỷ niệm thì có nhiều lắm, vui cũng có, buồn cũng có. Buồn nhất là có những người nghĩ rằng việc mình bỏ cả thời gian, tâm sức để gây dựng cộng đồng, hay tổ chức các đêm nhạc mà thu chỉ đủ bù chi, là việc kinh doanh hoặc đánh bóng danh tiếng bản thân.
Nhưng rồi sau mỗi đêm nhạc thành công, có những khán giả U60, U70 lên tận sân khấu hoặc vào tận trong cánh gà chỉ để nắm tay Nguyệt Ca nói một lời cám ơn, làm mọi nỗi buồn kia cũng theo “gió cuốn đi” mà thôi.
Trong chương trình “Chờ dưới ngọn tình ca” (11-6-2011)
Hoàng Lân: Từ trước đến nay, quả thực Hoàng Lân chưa bao giờ tham gia đóng góp được bất cứ việc gì vào chuyện tổ chức những hoạt động của box Trịnh, ngoài việc đến ngày đến giờ thì vác thân đến... hát (
cười).
Bản tính Hoàng Lân vốn lười nhác và cá nhân (
cười). Nên, những hoạt động gì mang tính cộng đồng nhiều là Hoàng Lân hầu như không tham gia. Mọi thành quả cũng như vị trí mà box Trịnh có được đến ngày hôm nay hầu hết đều là nỗ lực của Nguyệt Ca và mấy năm gần đây có thêm An Ly.
Cũng như mọi tổ chức khác, box Trịnh cũng ko tránh khỏi nhiều thăng trầm thị phi nhưng có thể khẳng định một điều nếu không có nhiệt huyết của hai bạn ấy, và một số những cộng tác viên âm thầm lặng lẽ (chứ không... chường mặt ra sân khấu đều đặn như Hoàng Lân) thì box Trịnh không thể tồn tại đến ngày hôm nay.
Kỷ niệm với box Trịnh thì nhiều nhưng Hoàng Lân sẽ kể kỷ niệm đầu tiên tại quán Nhạc Tranh vào tháng 8-2003. Hoàng Lân bắt đầu hát Trịnh tại quán Nhạc Tranh từ 4-2001, vài ngày sau khi nhạc sĩ mất khi tình cờ đến Nhạc Tranh trong đêm tưởng nhớ Trịnh với vài người bạn.
Đương nhiên Hoàng Lân không có tên trong chương trình đó nhưng do năn nỉ hoài, chủ quán đã cho Hoàng Lân được lên hát “Ru tình” và kể từ đó, Hoàng Lân hay hát Trịnh ở đó.
Tháng 8-2003, Nguyệt Ca gọi cho Hoàng Lân, xưng là mod gì đó của box Trịnh và mời Hoàng Lân hát trong đêm nhạc gây quỹ từ thiện cho một thành viên trong box không may qua đời trong một tai nạn.
Chương trình mang tên “Hát cho người nằm xuống” và Hoàng Lân là người hát bài đó cùng với các ca khúc khác như “Phôi pha”, “Cánh chim cô đơn”. Bắt đầu từ lần đó Hoàng Lân mới biết và làm quen giao lưu với những thành viên của box. Trí Trung cũng hát lần đó với bài “Xin cho tôi” và hôm nay anh ấy sẽ hát lại bài đó.
Hoàng Lân vẫn nói với Nguyệt Ca là mình không phải thành viên của box, Hoàng Lân chỉ là một cộng tác viên và Hoàng Lân thích tự do như thế hơn, như là một cánh chim cô đơn (
cười).
Ðêm nhạc “Nối tấm lòng chung” - Ảnh: Nguyễn Vũ Dzũng
- Hàng năm, nhân những dịp kỷ niệm lớn có liên quan đến cuộc đời của người nhạc sĩ này, box nhạc Trinh lại tổ chức định kỳ những chương trình ca nhạc lớn. Chương trình năm nay có điểm gì đặc biệt, khác với những dịp thường niên trước đây?
Nguyệt Ca: Chương trình năm nay tổ chức ở Sum Villa, một phòng trà với sức chứa 300-400 chỗ ngồi tại khu biệt thự Hồ Tây, Hà Nội. Nguyệt Ca đặt tên “Đời cho ta thế” cho chương trình, với một ý tưởng xuyên suốt như trong lời bài hát “
Đời cho ta thế cứ hãy cất bước đi mọi nơi - Gặp nhau trong phố xin yêu không nguôi những thân người - Đời cho ta thế cứ hãy sống tới như mọi ai - Mặc giòng sông kia sẽ cuốn đất cát ra biển khơi”.
Dù là nhạc tình, nhạc quê hương, thân phận hay phản chiến, cũng sẽ là những ca khúc ánh lên màu yêu đời đằng sau nỗi buồn thâm trầm vốn có.
- Ðược biết đến, đầu tiên và trước hết với những nhạc phẩm của TCS, anh/chị có muốn có lúc thay đổi sang tác giả khác, những dòng nhạc khác? Những dự định có liên quan tới âm nhạc trong tương lai của anh/chị.
Nguyệt Ca: Mười năm (và sẽ còn hơn thế) gắn bó với nhạc Trịnh, nên nhiều người mặc định trong đầu hình ảnh “
Nguyệt Ca hát nhạc Trịnh”. Nhưng với bất kỳ một người hát nào, dù nghiệp dư hay chuyên nghiệp, thì cũng không chối từ những ca khúc với ca từ, giai điệu đẹp.
Ngoài nhạc Trịnh ra, Nguyệt Ca cũng rất mê mẩn những bản nhạc tiền chiến, hay những tác giả thế hệ sau TCS như Thanh Tùng, Trần Tiến, Quốc Bảo, Đỗ Bảo, Việt Anh...
Năm 2010, Nguyệt Ca cũng thu âm 8 ca khúc nhạc pop/ country tiếng Anh trong một album với tên “Another portrait” (Một chân dung khác), như một sự thử nghiệm nghiêm túc ngoài nhạc Trịnh, và rất may, album cũng nhận được nhiều lời động viên, khen ngợi.
Ðêm nhạc “Này em có nhớ” (1-4-2010)
Hoàng Lân: Không phải lúc nào Hoàng Lân cũng lựa chọn hát Trịnh, vì cái gì nhiều quá cũng nhàm. Bản thân Hoàng Lân là người tự chán mình đầu tiên nếu lúc nào cũng “nhai đi nhai lại” một dòng nhạc. Âm nhạc cũng như cuộc sống như con người cần phong phú muôn màu muôn vẻ.
Hoàng Lân thích Trịnh chứ không thần tượng, vì thế có lúc nghe có lúc không nghe, có lúc hát có lúc không hát, nhưng nếu đã hát thì phải cảm nhận được. Hoàng Lân không chuyên nghiệp và không được học thanh nhạc bao giờ nên nếu những bài mình không thích thì chịu chết không hát được (
cười).
- Anh/chị có muốn giữ mãi hình ảnh là những giọng ca không chuyên (hiểu theo nghĩa không sống bằng nghề ca hát), đến với âm nhạc bằng tấm lòng và sự đam mê cá nhân? Ðều là những doanh nhân trong cuộc sống đời thường, âm nhạc có vai trò thế nào với công việc của mỗi người?
Nguyệt Ca: Nguyệt Ca quan niệm: ca sĩ không chuyên và chuyên nghiệp chỉ khác nhau ở chỗ kiếm sống hay không kiếm sống bằng giọng hát.
Trong xã hội coi trọng hình thức, đồng tiền và thẩm mỹ âm nhạc của số đông còn bát nháo như ở Việt Nam hiện nay, để sống được bằng giọng hát có lẽ không chỉ cần... có giọng, ca sĩ nổi tiếng không chỉ bằng “hữu xạ tự nhiên hương” như ngày xưa.
Nguyệt Ca chọn cách kiếm sống bằng một nghề khác, và coi âm nhạc như một người bạn, một tri kỷ để sẻ chia những hạnh phúc và cả những khổ đau trong cuộc sống.
Và có thể, việc tiếp tục thu âm, ra đời những album nhạc “online”, hay tổ chức những mini show, như một sự trả ơn đến cuộc đời đã ban cho mình giọng hát, cho mình những thính giả trung thành lộ mặt/ giấu mặt trên internet trong suốt những năm qua...
Hoàng Lân: Âm nhạc đối với Hoàng Lân là một thứ ko thể thiếu trong cuộc sống, cũng như tennis vậy (
cười), đã vào trận là phải hết mình.
Lúc trẻ thì Hoàng Lân cũng khao khát thành ca sĩ rồi nổi tiếng này nọ nhưng đến nay đã đủ lớn để hiểu mình hiểu người hiểu đời nên mọi thứ cứ để cho nó tự nhiên, không cưỡng cầu. Tự mình biết riêng mình và có thêm vài người bạn hiểu mình, chia sẻ với mình là đủ rồi!
- Chúc hai bạn và những người yêu nhạc Trịnh có một tối tràn ngập ký ức và tình yêu thương!