THANH TÂM TUYỀN (Phần2)

Thứ hai - 23/04/2012 14:06

“Là nhà thơ, Thanh Tâm Tuyền đem vào thế giới thi ca của mình những chất vấn cô đọng, những suy tưởng mãnh liệt về tồn tại và nhận biết, bởi đó cũng chính là giá trị sau cuối của thơ cũng như nghệ thuật và các sáng tạo văn hóa”.

 Xem Phần 1 của bài viết.
 

Tập thơ đầu của Thanh Tâm Tuyền Tôi “Tôi không còn cô độc” dấy nên một cuộc cách mạng trong thi đàn miền Nam trước 1975

Thế giới của Thanh Tâm Tuyền mở toang những ám ảnh sâu ngút, những vẻ đẹp kỳ lạ, và đặc biệt nhuốm đượm tất thảy một nỗi bi thương quánh đặc, không thể làm cách nào dời xa hay tẩy rửa.

Anh cần đốt điếu thuốc ấy/ Vì có nụ cười sau làn khói/ Với mầu mắt em hoàng hôn màu áo em/ Trong buổi chiều miền đồi núi/ Điếu thuốc như một lời trao gửi chưa thành nghĩa/ Như tên em hay tên loài hoa nào biết được/ Anh sợ những ngôn ngữ bơ vơ/ Khóm rừng quên dưới thung lũng/ Bầy cỏ hoang ven đường/ Mọc lên trong hồn anh dại dột…
Nhưng điếu thuốc bỗng trở niềm hắt hủi…
Em có biết sau lúc em từ biệt/ Điếu thuốc cháy trên môi như người bạn chết…
… Rồi anh bước trên những chiều dốc lạnh/ Con đường duỗi dài cánh tay người chết đuối/ Cầu cứu thành phố bỏ trốn đâu…
(“Bài hát buồn, tặng Ngọc Dũng”, “Liên Đêm Mặt trời tìm thấy”)

2.… Anh chìa hai bàn tay khô héo/ Nỗi tự do buồn phiền/ Hai bàn tay những con đường cỏ cháy…
4. … Khi em đi qua những đường phố giẫm nát những giấc mộng theo đòi/ Hi vọng dội lên từng hồi trống rỗng/ Anh ngắm hai bàn tay anh nhớ tàn lá về chiều/ Khóc thờ ơ ngoài không trung…
(“Sầu khúc”)

6. … Căn phòng nhốt những ý nghĩ mệt nhọc trời gần sáng
10. … Có ai gọi tên tôi giữa phố, phố hoảng sợ, cái tên lăn như một xác chết nhập hồn. Tôi dừng lại níu giữ lấy đêm tối lại, để cho tôi yên, đồ khốn kiếp, tôi không phải cái tên, tôi là một người không bao giờ biết giết người. Anh không phải một cái tên sao người ta cứ gọi như hú kêu loài ma quỷ?
(“Đêm, tặng Duy Thanh”, “Liên Đêm Mặt trời tìm thấy”)
    
Nửa đêm, mọi người ngủ ôm lấy mình/ Một người khác trong giấc mơ…
(“Thức giấc”, “Liên Đêm Mặt trời tìm thấy”)
    
Tôi vẫn sống thiết tha dù không còn hình ảnh/ Dù không còn âm thanh/ Làm sao tôi biết được thế nào là tự do…
… Hôm nào tôi thường lang thang dưới những rặng cây, không phải mùa thu hay mùa đông cũng chẳng phải mùa hạ hay mùa xuân/ Thời tiết đã trốn mất chỉ còn vầng trán và trời, bàn tay và mây, mắt với hư vô. Tôi tin rằng tôi sẽ nổi loạn, tôi sẽ làm cách mạng cùng với những người anh em của một ngày chưa ước hẹn…
… Khi tôi đã nằm giữa nơi sa mạc miệng đầy cát khô thì tôi không còn hình ảnh không còn âm thanh. Tôi vẫn hỏi thế nào là tự do…
(“Hơi thở”, “Liên Đêm Mặt trời tìm thấy”)

… Tôi đẹp như hình tôi/ Như cuộc đời/ Như mọi người…
(“Bài ngợi ca tình yêu”, “Liên Đêm Mặt trời tìm thấy”)
    
Có thể đối với một số bạn đọc, thơ Thanh Tâm Tuyền đòi hỏi những “giác quan” trừu tượng, nó không gần gũi với những xúc cảm thực thể hay lối hình dung sơ giản về tâm lý. Nhưng đó là nơi long lanh vẻ đẹp của tâm thức biết dừng trước ngưỡng cửa bất tri, cũng là “toàn giác”. Vừa tôn sùng tới cùng kiệt những giá trị cao cả của hiện tại như tự do, tình yêu, vừa ngạo mạn cuốn băng những ước định thời gian và không gian,  hiện hữu và trôi chảy, biến nó thành vô nghĩa. Thơ Thanh Tâm Tuyền đẹp cao siêu, kỳ vĩ, nhưng cũng rất đỗi khiêm nhường. Khi khái hoạt cao rộng không cần biết đến hiện tại, quá khứ, vị lai, “sắc - không”, khi khiêm nhường tới “vô ngã”. Cái vô ngã mà nhà thơ cần lấy hình tượng từ giác quan ngoại cảnh làm gương soi, khả dĩ làm hiện hình chủ thể.

Cái bi thương trong thơ Thanh Tâm Tuyền là tất yếu, nó phần nào mang năng lượng hủy hoại, đen tối, nhưng lại không xa lạ, thù nghịch hay làm con người khiếp sợ.

Nỗi đau thương vừa tất nhiên, vừa tự nhiên. Nỗi đau toàn bích.

Bi thương như một tiêu chí thẩm mỹ, một giá trị mẫu mực, một ẩn ức có trước mọi sinh tồn và niềm vui. Đầy ắp trong thơ Thanh Tâm Tuyền, từ bất cứ ý tưởng, hình ảnh nào, là những hình dung về sự huỷ hoại, cảm giác đau đớn. Tất thảy mọi chuyển động dù theo chiều hướng nào của thời gian, chiếm những chiều kích phi lý đến đâu của không gian, cũng đều làm lộ ra những vết thương, chảy máu, xương cốt của đổ vỡ và đau thương. Nó là quá trình chứng nghiệm không thể tách rời của sống, là phía khác của sự sống, bao trùm cuộc sống. Với nhà thơ, tồn tại có nghĩa là đau khổ, đau đớn, bị cắt xẻ và huỷ hoại. Bi thương, tan vỡ, rữa nát, gớm guốc… không phải đối trọng của cái hài hoà, cân xứng, hàn gắn, nuôi dưỡng… như hai phạm vi tư biện trong cảm nhận thế giới. Thơ Thanh Tâm Tuyền thảng hoặc cũng có sự hiền hoà, mủi lòng nhưng tuyệt đối không dễ chịu. Với cái bi thương gớm guốc, ông kiên quyết đặt ra một thách đố về thẩm mỹ. Liệu cái đau khổ, rách nát, gớm guốc ấy có phải là cái đẹp hay không? Và dường như Thanh Tâm Tuyền đã trả lời, cũng lại vẫn như một thách đố. Đó là cái đẹp muôn phần hơn “cái đẹp” thông thường, bắt mắt, có tác dụng xoa dịu hay trấn an, bởi vì nó day dứt, bắt người ta phải suy nghĩ, phải hoảng hốt, xoay chuyển, không còn là con người tất định và khép kín, phải đứng trước muôn vàn khả thể khác của cuộc đời.

Đọc thơ Thanh Tâm Tuyền có thể liên tưởng tới bi cảm (Aware) trong văn chương Nhật Bản. Tuy nhiên, nếu bi cảm của người Nhật chỉ giống như một giọng điệu sâu kín hay một giá trị thẩm mỹ tối cao, thì cảm quan bi thương của Thanh Tâm Tuyền tìm đến mọi biểu hiện, mọi phương cách để phát lộ chính nó. Coi cuộc đời như sự diễn ra và lan toả của cái bi thương, nhà thơ đến với một quan niệm về thế giới phi lý, hay thế giới không chịu định hình trong cái trật tự thông thường.

Sự lạ lùng, dị thường, không tuân theo bất cứ luận định nào trong thơ Thanh Tâm Tuyền, mà một số người đọc cho rằng đó là cách thức tạo ra hình ảnh siêu thực, chỉ là cái bề ngoài phi lý so với sự vật hữu thực. Ẩn sâu trong nó là dòng chảy giác ngộ, theo con đường riêng của nhà thơ đến với sự vận động không cùng của đời sống tự nhiên và con người.

Tiếng động cơ xô anh vào bẫy, trên cát lầy lún mãi, tuổi thiếu niên chạy về nhảy múa trên tóc anh và gọi. Mày đã trồng những mặc cảm sum suê trên thân đơn, những rễ chùm ác nghiệt luồn tới não tuỷ mày, biết không một loài cây ăn thịt. Mày đã đội vòng gai nhọn trên đầu, máu tuôn, gai tẩm độc làm rữa dần vô thức. Thôi mày hãy ôm khối lửa đỏ, định mệnh mày cừu địch, những hân hoan ngu tối cùng tự do khốn nạn…
(“Chiều trên phi trường”, “Liên Đêm Mặt trời tìm thấy”)

Một người da đen một khúc hát đen/ Bầu trời đen sâu không cùng/ Những dòng nước mắt/ Xé nát thân thể bằng tiếng kèn đồng/ Bằng giọng của máu của tủy của hồn bắt đầu ngày tháng/ Giữa rừng không lời rừng mãi trống không/ Ném mình ném đám đông vào trần truồng tủi cực hờn xác thịt/ Tan vỡ hôm qua hôm nay kể gì ngày mai/ Tội rằng không quên chẳng thể được quên/ Vì Blues không xanh vì điệu blues đen/ Trên màu da nức nở/ Trong hộp đêm/ Bắt đầu chảy máu thầm kín khóc cổ họng mình/ Ngón tay cấu lấy ống kèn như một bùa thiêng…
(“Đen”, “Liên Đêm Mặt trời tìm thấy”)
 
*

Thơ tình của Thanh Tâm Tuyền không chiếm dung lượng lớn so với những bài thơ chất chứa mối sầu thương tồn tại, bộc lộ chủ thể hòa mình và tin cậy vào cái mênh mông, vô định. “Liên, những bài thơ tình thời chia cắt” (“Tôi không còn cô độc”) và loạt bài mang cảm hứng luyến ái mà nhà thơ từ đó khởi sinh hình tượng lấy làm tên gọi của tập thơ thứ hai (“Liên Đêm Mặt trời tìm thấy”): “Nói về dĩ vãng”, “Chiều trên phi trường”, trích đoạn 6 của Đêm, Dạ khúc, Mặt trời tìm thấy.

Trong thơ, khi người viết thỉnh viện đến những hình tượng, biểu tượng của luyến ái, ví như “anh - em”, môi hôn, thân thể… thì chưa nhất thiết đó là thơ tình. Nhà thơ có thể mượn những hợp thành của ngôn ngữ yêu đương để biểu đạt những cảm thức khác. Ngôn ngữ thơ, mà một phần của nó dành cho nội dung tình yêu, với bản chất mở, đòi hỏi người viết không chỉ dựa trên những quy tắc nghệ thuật sẵn có, mà phải phá vỡ nó, truyền sinh khí mãnh liệt cho nó bằng những cảm xúc cũng như sáng tạo gắn liền với phẩm chất cá nhân. Sự lặp lại một tổ chức nghệ thuật dù nhỏ nhất từ người đi trước, cũng đầy khả năng trở thành “đạo văn”. Trong trường hợp này, cá tính, cơ chế cảm xúc độc đáo, những đặc thù nhân thân quy định hai phẩm chất nói trên và năng lượng sáng tạo ngôn từ sẽ xác quyết dấu ấn, thành tựu nghệ thuật của nhà thơ.

Tiêu chí để phân loại “thơ tình”, vì thế, là những bài thơ, tứ thơ, gắn liền với cảm xúc luyến ái thực có cũng như nhân thân của nhà thơ. Những bài viết về tình yêu nhưng lại hướng tới những giá trị hay niềm tin khác, như “Bài thơ của tháng Giêng”, “Mai”, “Nguyên”, “Cỏ”, “Mưa ngủ”… không nên kể là thơ tình.

Con người trong tình yêu của Thanh Tâm Tuyền chưa bao giờ tách bạch khỏi con người kiếm tìm những xác tín của tồn tại. Nói cách khác, tình yêu là một trong những chứng nghiệm tồn tại, hiển lộ bản ngã, là sắc hương say đắm, ẩn ức sâu kín, là động lực sinh tồn sánh ngang với nỗi đau thương.

Khuynh hướng ý tưởng, tự sự hoá, cảm quan triết lý vẫn rõ nét, nhưng bên cạnh đó là sự buông thả, bộc phát, thăng hoa về mặt cảm xúc.

I.
Sự em có mặt cần thiết như những sớm mai
(nếu đời người không có những sớm mai)
(“Liên những bài thơ tình thời chia cách”, “Tôi không còn cô độc”)

Vẫn hình dung tình yêu bằng biểu hiện lý tính, “có mặt”, “cần thiết”, nhưng các hình ảnh tươi sáng, mới mẻ, hiền hoà, thấm đượm cảm giác êm dịu và tinh khiết xuất hiện nhiều hơn, ví dụ “những sớm mai”. Nói về tình yêu, Thanh Tâm Tuyền tự cho phép mình mủi lòng, mềm yếu, thậm chí ngọt ngào. Sự đan xen của hình dung lý tính với cảm giác thuần khiết khiến cho câu thơ mang một vẻ lạ lẫm, vừa giãn cách, làm gián đoạn mạch cảm xúc thông thường, vừa dồn sự chú tâm của người đọc vào cảm nhận, khiến nó trở nên chói sáng, sắc nét rõ rệt hơn.

Cho tới than vãn, đắm đuối, hoảng hốt:

Hỡi Liên những Liên và Liên
(“Nói về dĩ vãng”, “Liên Đêm Mặt trời tìm thấy”)

Là Liên là Liên là Liên còn trong Hà Nội
(“Đêm”, “Liên Đêm mặt trời tìm thấy”)

Sự phá vỡ cấu trúc cú pháp “chuẩn” không chỉ bộc lộ trạng thái rối loạn, đảo lộn, trùng điệp của tâm thức, cảm xúc, mà còn là những dịch chuyển sống động của ngôn ngữ thơ. Nó vừa bộc phát tâm trạng, vừa là kết quả những ám ảnh từ ngữ.

Sự em có mặt cần thiết như những sớm mai/ (nếu đời người không có những sớm mai)/ anh trở dậy/ đọc thơ Nguyễn Du/ những câu lục bát buồn rưng rưng cuối đường của một ngày/ chợt anh muốn viết tặng em/ không thể được/ em làm con tin ở một thế giới/ mà lòng sầu héo là trọng tội/ anh cố gắng viết những lời thơ thật tự nhiên/ như câu chuyện buổi còn gặp gỡ/ như khoảng trời đơn sơ sau cửa sổ/ anh gọi thầm một mình/ trong giấc mơ phủ làn tóc biếc/ anh biết anh gọi thầm một mình/ LIÊN

II.
Anh nhớ em cùng một lúc với thành phố/ với những con đường anh đi qua một lần/ để đến nhà em anh băng ngang một vườn hoa vắng/ (lần trở về anh ngồi xuống một ghế dài/ nếu là buổi chiều quạnh hiu mây lá mùa thu)/ một phố bình dân có chợ và những quán ăn/ giản dị như trang nhật ký của anh/ ngày bắt đầu yêu em

VI.
… có thể em chết trước khi anh kịp về/ mùa lạnh gian phòng cũ/ không ai khép cửa sổ… có thể rồi anh sẽ yêu người đàn bà thứ hai/ anh không chối/ nhưng mãi mãi em còn là đất dĩ vãng/ mà rễ tình cảm đòi bén gần… em ơi tình yêu thường đến vào buổi chiều/ khoe cánh tay quyến rũ/ nhưng không là buổi chiều/ đúng hơn  là buổi sáng rừng tâm hồn ta/ vậy sao em lại ngủ/ ngủ trong lòng mộ trong nghĩa địa thân thể anh/ với áo cỏ may châm da thịt/ anh đã đến từ biệt lùa mái tóc vào những ngón tay… /thành phố đứng cao làm hiệu/ rằng anh còn trở về/ rằng anh còn người yêu/ nàng công chúa ngủ trong rừng không giận hờn/ LIÊN

Hoàn cảnh chia cắt, với nỗi đau thương u uất khó lòng giải toả có thể là điều kiện  thực có, nhen nhóm nuôi dưỡng trong nhà thơ những kỳ vọng khác thường về tình yêu. Như một điều quen thuộc, người ta thông qua tình yêu tìm đến sự cao cả, lớn lao, thậm chí là vĩnh viễn, vượt khỏi thân phận bé nhỏ. Thanh Tâm Tuyền nhờ tình yêu mà thừa nhận những phi lý, thừa nhận cái thường nhật, đơn sơ, nhỏ bé của cuộc đời. Tương đương ý nghĩa của những gì lớn lao.

Hồi tưởng về tình yêu, Thanh Tâm Tuyền thường thỉnh viện sự khởi đầu, buổi mai… như một niềm ao ước hồi sinh, nguồn năng lượng tràn đầy, những gì tinh khiết bản nguyên chưa hề bị phôi pha. Nhà thơ không hề giấu giếm lòng thành kính, không ngại ngần khổ luỵ, dời lui tính tự tôn, mở ngỏ tất thảy những gì yếu đuối của lòng mình, bởi tình yêu và người yêu cũng là một lý tưởng. Nhưng sự cắt chia, bị tước đoạt khỏi “lý tưởng” đã khiến thơ tình Thanh Tâm Tuyền mang màu sắc lặng lẽ, khiêm nhường, đầy hồ nghi, cảm giác không gian và thời gian xáo trộn, hướng tới cái nhỏ bé.

Khuynh hướng tự sự hóa trong thi ca đương đại thế giới thường đi liền với cách thức chi tiết hóa, miêu tả, thuật kể đến từng chi tiết cụ thể. Thơ tình Thanh Tâm Tuyền cũng tiếp nhận ảnh hưởng này, nhưng thẩm mỹ khiêm nhường, đơn sơ lại đến từ cảm thức về cắt chia và mất mát.

Thơ tình Thanh Tâm Tuyền cũng là lãnh vực của nỗi đau, không chỉ vì những gì chưa thoả nguyện của tình yêu, mà thông qua đó, hiện lên nỗi đau thương của phẩm cách và phận người.

Hỡi Liên những Liên và Liên
Dù một chút, đau thương, từ chối, tổ quốc ta chạy dài trên địa ngục, xoè mở hai bàn tay anh khóc đó- những ngón tay gầy trơ xương chọn. Con đường đi buổi chiều hấp hối, ôi buổi chiều sương mù.
Hỡi Liên những Liên và Liên
Anh muốn nghe một bài hát buồn - lời anh không thành điệu - muốn nghe một bản hát buồn. Thí dụ. Trưa nắng giữa ngã năm ngã sáu có chợ có ga đường tàu mải miết. Bóng tối lặng thinh em hát lên làm sao mà chịu đựng, hoa lá chia sầu. Một góc bàn anh hôn mầu gỗ trống.

Hỡi Liên những Liên và Liên
Chẳng là anh ngông cuồng kiếm tìm tổ quốc vậy em biết không. Mà tổ quốc ngàn đời nín thở vì trời thì xanh mà khổ đau nói sao cho hết. Chẳng là anh trót yêu em vậy em biết không? Mà khi yêu nhau, trong những đêm sao hằng hà, làm thế nào để quên được nhau
Hỡi Liên những Liên và Liên

Sự phá vỡ kết hợp cú pháp “chuẩn” thực hiện bằng hai cách. Thứ nhất, ngắt câu và tổ chức câu một cách bất thường, “bóng tối lặng thinh em hát lên làm sao mà chịu đựng”, theo cú pháp thuận lẽ ra là “bóng tối lặng thinh làm sao mà chịu đựng em hát lên” - cách này rõ ràng “tầm thường”, hay câu không trọn vẹn, dở dang “Chẳng là anh ngông cuồng kiếm tìm tổ quốc vậy em biết không”. Cách thứ hai, dùng các giới từ với mật độ dày đặc, “”, “chẳng là”, “vậy”, “thì”, “”… trong những kết hợp hoàn toàn mới, không theo quy tắc thông thường, khiến cho các thành phần nghĩa của câu không khép lại chặt chẽ trong tập hợp nội dung xác định, mà xoay mở theo nhiều hướng khác nhau. Vừa nhòe mờ lung linh vừa tiềm tàng những trữ lượng ngữ nghĩa nhiều tầng bậc, kể cả sự “dở dang”.

Phá vỡ đơn vị câu, tức là phá vỡ nội dung biểu đạt trọn vẹn theo cách thức thông thường, chính là mở ra những khả năng mới mẻ vô tận cho từ ngữ, không chỉ là những lối kết hợp khác về ngữ nghĩa mà còn làm sinh sôi nội hàm trong những từ nguyên.

Trong thơ tình, trong ẩn ức sầu thương của luyến ái, Thanh Tâm Tuyền bộc lộ rõ nhất những chuyển dời về năng lực ngôn ngữ của ông.
 
*

Không đa đa siêu thực/ thẳng thắn/ khởi từ ca dao sang tự do”, nhà thơ tự tuyên ngôn về đường thơ của mình. Tuy nhiên, những dấu vết của lối nói ca dao tương đối “lộ liễu” trong thơ Thanh Tâm Tuyền gần như chỉ có vài ba đoạn:

… những ngón tay những gót chân những nụ cười/ nắng tháng ba mưa tháng bảy sương tháng chín/ cho thơm đường hôm nay đến sớm mai…
… Thí dụ. Trưa nắng giữa ngã năm ngã sáu có chợ có ga đường tàu mải miết…
… sao chưa dừng lại em ơi/ trong kia làng mở hội/ em vào vườn trèo lên cây bưởi/ mời mọi người dự đám cưới đôi ta…
(“Người yêu”, “Tôi không còn cô độc”)

… Mưa bên kia sông mưa nửa dòng nước/ ta thương cô mình như bước nhớ chân…
(“Mưa ngủ, tặng Trần Thanh Hiệp”, “Tôi không còn cô độc”)

Ngoài cách thức liệt kê hàm ý tăng tiến, tạo hiệu ứng cộng hưởng, lối nói trùng điệp liên hoàn của đồng dao, rất ít hình ảnh, lối gieo vần của ca dao, thật khó lòng chỉ ra những “ảnh hưởng” khác về mặt tổ chức nghệ thuật từ thơ ca dân gian tới thơ Thanh Tâm Tuyền. Kể cả lối so sánh ví von cũng được ý tưởng hoá , “bước - nhớ- chân”, hình ảnh ẩn dụ giảm tối thiểu, “hồn nhiên tôi trở thành thi sĩ ca dao nhẹ những nhát cuốc đầu xới lần áo mỏng ruộng đồng”. Vậy thơ Thanh Tâm Tuyền “khởi đi” từ phẩm chất nào của ca dao? Tinh thần thẳng thắn, quyết liệt? Tính cách duy cảm? Tâm thế bi mẫn?

Có lẽ, thơ Thanh Tâm Tuyền khởi đi từ phẩm chất trong sáng của ca dao.

Ngay từ những tuyên ngôn về hình ảnh trong “Tôi không còn cô độc”:

Mỗi bài thơ khi viết tôi đều nghĩ đến một người…
chưa bao giờ tôi viết bài thơ nào trống trơn
tôi sống thường trực bằng hình ảnh
(“Hình ảnh”)

Đây là một ý tưởng thuần khiết chứ không phải hình ảnh.
Cho đến sự dư thừa chen lấn các hình ảnh, phá vỡ trật tự phối cảnh và trật tự mô tả:

… tôi sống thường trực bằng hình ảnh/ cửa sổ mở ánh sáng bình minh/ ngoại ô nhà ngói đường xe điện/ sân ga đường dan díu chân trời/ bến tàu phu khuân vác ống khói…

Cho đến những hình dung đầy cảm giác siêu thực:

… hãy yêu nhau rất tình cờ/ như mặt trăng may mắn thoát ra ngoài vòm mây/ chiếc đầu máy mệt nhọc dừng lại một ga nhỏ/ với một ngọn đèn đêm/ một người giữ ga già mặt đồng hồ kim không chuyển động/ và rừng khuya không tiếng vang
(“Tình cờ”, “Tôi không còn cô độc”)

Tất cả đều khởi đi từ những ý tưởng trong sáng, chặt chẽ, không sa đà vào phức rối, nhiễu loạn cảm giác hay hình ảnh. Mặc dầu sự buông lỏng và bộc phát của cảm xúc, thơ Thanh Tâm Tuyền bao giờ cũng sáng rõ bởi năng lượng phát kiến, ý nghĩa suy tưởng, và năng lực sáng tạo ngôn từ nhuần nhuyễn, vừa dễ dàng chạm tới cái phù ảo mộng tưởng của cảm thức, vừa chính xác, chân triết, mạch lạc của trí tuệ khác thường.

So với cái trong sáng sơ khởi của ca dao, được hiểu như là sự nhuần nhuyễn của kinh nghiệm, những triết lý dân gian với cảm giác ý vị, tiết chế, những rúng động nuột nà trau chuốt, đôi khi phá cách, thơ Thanh Tâm Tuyền có nét tương đồng nhưng là bước vượt xa về năng lượng suy tưởng, tính cách đa dạng, tinh tế của thế giới hình ảnh cũng như tri thức.
 
*

Biết chết trước khi biết sống, chứng nghiệm đổ vỡ mất mát trước khi thụ cảm sinh lực, an toàn, nuôi dưỡng… Đó không chỉ là thái độ ứng xử của con người trong một thời đại bất an, khi những giá trị được xây đắp bền vững dựa trên niềm tin, luận lý và một số giải pháp khoa học cũng như tưởng tượng được cho là ưu việt, bị lung lay đến tận gốc rễ. Con người bị xua đuổi khỏi nơi trú ẩn quen thuộc - ảo tưởng về một sự nhận biết thế giới thấu đáo, theo những logic phổ quát, lý tính. Trong bối cảnh ấy, sự thông tuệ cao nhất của con người chính là hướng tới kiếm tìm những động lực khác tiềm tàng trong đời sống, những ẩn ức bên ngoài lý tính, sự dị biệt, đơn lẻ, như những bằng chứng chống lại cái thấu suốt nghèo nàn, và sáng tạo cách thức suy tưởng xoay chuyển những gì đang có.

Là nhà thơ, Thanh Tâm Tuyền đem vào thế giới thi ca của mình những chất vấn cô đọng, những suy tưởng mãnh liệt về tồn tại và nhận biết, bởi đó cũng chính là giá trị sau cuối của thơ cũng như nghệ thuật và các sáng tạo văn hóa.

Xuất phát từ triết học Đông phương nhuần nhị, với tinh thần vượt thoát, đột phá của thế giới đương đại, nhờ một ngôn ngữ trau chuốt, tinh lắng, tiết giảm tối đa nhưng cũng đầy tràn năng lượng bùng nổ và phá hủy, nhà thơ dành cho bạn đọc một quan niệm mới mẻ về con người, đó là ẩn ức bi thương, trong niềm tin cậy chắc chắn vào tính vô định của thế giới. Vô định không phải một nguy cơ, mà là sự nuôi dưỡng, nguồn sinh lực tốt lành.

Như vậy cuộc đời dù sao cũng đáng phải nhìn nhận lại, không phải sinh ra, viên mãn rồi hủy diệt, mà thực ra là đã hủy diệt trước khi khởi đầu một quá trình mới. Người ta lẽ ra phải đặt nền móng cho mọi kiếm tìm, hình dung khởi từ đây…

Ghi chú: Bài viết chỉ khảo sát hai tập thơ “Tôi không còn cô độc”, Người Việt xuất bản, 1956 và “Liên Đêm Mặt trời tìm thấy”, Sáng Tạo xuất bản, 1964 của Thanh Tâm Tuyền, trong phạm vi sáng tác gắn liền với dòng chảy văn học miền Nam Việt Nam, theo phân kỳ lịch sử văn học. Trong giới hạn một bài tiểu luận, chúng tôi khó lòng giữ nguyên trình bày nguyên gốc của một số bài thơ ở các phần trích dẫn, mong quý bạn đọc lượng thứ.

(*) Bài viết rút từ tập tiểu luận, phê bình “Suy tưởng, giấc mơ, viết…” (NXB Hội Nhà văn, 2011). Xin cám ơn tác giả đã cung cấp!

Khánh Phương


 
 Từ khóa: Thanh Tâm Tuyền
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn