H(O)À(I) NHỚ - SEHNSUCHT

Thứ hai - 07/05/2012 18:19

(NCTG) “Những gặp gỡ không ngờ” là một tập sách đáng đọc, cho tất cả những ai đã có một thời như thế, cho những cảm thông sâu sắc với tâm thức khát khao hoài nhớ của những con dân Việt xa xứ. Để mỗi khi muốn quay ngược thời gian tìm về quá khứ, tôi lại lần giở sách Lê Minh Hà”.



Tôi sinh ra ở Hà Nội - thuộc thế hệ đầu 7x - như lời mở đầu bài hát “Hà Nội và Tôi” của Lê Vinh: “Nơi tôi sinh Hà Nội. Ngày tôi sinh một ngày bỏng cháy…”. Thời học cấp I, tôi thường được ra Hà Nội chơi với ông bà ngoại và sinh hoạt hè với các bạn, dạo trước cùng học lớp mẫu giáo với tôi ở khu tập thể “Phố Nhà Binh” Lý Nam Đế. Rồi tôi rời quê hương đi du học từ sân bay Nội Bài, cũng y hệt như lời mở đầu ca khúc “Nỗi lòng người đi” của Anh Bằng: “Tôi xa Hà Nội năm lên mười tám khi vừa biết yêu…”.

Lớn lên ở Sài Gòn quê Cha, sinh sống tại Sài Gòn kể từ ngày về nước, số lần tôi ra Hà Nội trong mười lăm năm qua đếm chưa hết số ngón tay trên hai bàn tay. Vậy mà Hà Nội trong tôi vẫn luôn là một miền nhớ, một nỗi xốn xang mừng vui ngay từ khi đặt chân xuống sân bay mỗi khi có dịp ra Bắc. Nhiều lần tôi tự hỏi, điều gì đã làm cho tôi gắn bó với Hà Nội đến thế, sao tôi lại tha thiết với Hà Nội đến thế? Sao ký ức về Hà Nội lại hằn sâu trong tôi đến thế?

Rốt cục, nhà văn Lê Minh Hà đã cho riêng tôi một lời giải đáp nhân một note về Hà Nội trên mạng xã hội facebook: ấy là do tôi đã sống Hà Nội vào cái thời bao cấp, ở độ tuổi 17-18. Hà Nội thời ấy có tông màu xám bạc (từ được nhắc đến nhiều lần trong tập truyện mới ấn hành của chị), ít xe máy nhiều xe đạp (Mifa, Eska đã là sang lắm), và tĩnh lặng. Không đông đúc, không ồn ào xô bồ như Hà Nội bây giờ (âu cũng là một quy luật phát triển tất yếu).

Đó chính là khoảng thời gian một năm tôi học tiếng Đức ở Thanh Xuân (trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội), trước khi sang CHDC Đức học Đại học cuối thập kỷ tám mươi. Hồi đó từ “du học” còn chưa phổ biến. Chúng tôi được gọi là “lưu học sinh”, là sinh viên đi học nước ngoài để phân biệt với các anh chị đi “hợp tác lao động” hay đi “công nhân kỹ thuật”; gọi một cách dân dã là đi “xuất khẩu lao động”... Và nước Đức, Berlin cũng chính là một điểm chung nữa để tôi háo hức với tập truyện ngắn “Những gặp gỡ không ngờ” (*) vừa xuất bản của chị Hà.

Tôi “gặp” chị Hà thật tình cờ cách đây tám năm. Lần Hội sách TP. HCM cuối tháng Ba 2004, hai chị ở quầy NXB Phụ Nữ nhiệt tình giới thiệu cho tôi cuốn sách mới “Sâm cầm”, tập truyện ngắn in chung của Lê Minh Hà và Phạm Hải Anh. Với tôi, lúc đó hai cái tên Lê Minh Hà và Phạm Hải Anh hoàn toàn lạ lẫm và mới mẻ. “Em đọc đi, toàn truyện hay đấy!”, có một cái gì đó khiến tôi tin ngay hai chị, không phải vì hai chị muốn bán được sách mà nói vậy. Thêm nữa, khi đọc qua lời giới thiệu, tôi thấy hai nhà văn nữ “hải ngoại” đều sinh ra ở Hà Nội; một điểm chung giữa tôi và Phạm Hải Anh là bằng tuổi nhau và một cảm tình riêng với Lê Minh Hà là chị đang sinh sống ở Đức.

Từ độ đó, tôi để tâm tìm đọc Lê Minh Hà qua những tác phẩm của chị xuất bản ở Việt Nam sau “Sâm Cầm” (như tiểu thuyết “Gió từ thời khuất mặt”, tập truyện ngắn và tùy bút “Những giọt trầm” và “Thương thế ngày xưa”), cũng như hầu hết tất cả những gì đăng trên các mạng “Diễn Đàn”, “Hợp Lưu”, “Hoa Sen Trắng”, “Tiền Vệ”, “Việt Nam Thư Quán”…

Rồi khoảng thời gian này năm ngoái, chị Hà “gia nhập” mạng facebook và tôi là một trong những người đầu tiên xin kết bạn với chị. Để rồi chỉ qua vài dòng comment, chị đã nhận ra tôi “họ Mọt”. Tuy nhiên, cái làm nên sự gần gũi chia sẻ giữa tôi và chị Hà và những người bạn cũng yêu văn chương phải chăng trước hết là tình yêu Hà Nội. Chị Hà đã nhiệt tình chia sẻ trên facebook một số truyện ngắn, tản văn viết trong thời gian qua. Cho nên, có thể nói tôi đã được đọc hầu hết những truyện ngắn về sau được công bố trong tập “Những gặp gỡ không ngờ”.


Ra mắt cuốn sách “Những gặp gỡ không ngờ” tại Hà Nội - Ảnh: Bích Ngọc

Vậy nhưng khi có trong tay và đọc tập truyện ngắn, ký ức giữa nhớ và quên lại tràn trề. Tôi nghĩ đó cũng là một thành công của Lê Minh Hà, khi tác phẩm của chị có thể khiến độc giả đọc đi đọc lại, mà cảm xúc vẫn vẹn nguyên tươi mới. Bởi vì chị có khả năng chia sẻ sự đồng cảm, nỗi hoài nhớ, từ sự chân thành mà tôi tin chị đã rút ruột viết ra từng câu, từng chữ.

Văn của Lê Minh Hà thường mạch lạc, giản dị. Nhưng từng câu chữ thấm đẫm hình ảnh, dẫn dắt người đọc về những ngày đã xưa những mùa đã xa. Miên man gợi nhớ và liên tưởng. Có lẽ tôi thuộc nhóm độc giả mê cái “duyên” Lê Minh Hà, như nhà văn đã có lần dành tặng “cho những ai tuổi ngoài 40”, là độ tuổi mà người ta hay nhớ về ký ức. Nostalgia có nghĩa là hoài nhớ, mà cũng là hoài hương.

Tôi rất tâm đắc cách mà nhà văn - dịch giả Trịnh Y Thư đã dịch và dẫn Milan Kundera từ tiểu thuyết “Ignorance” (mà Trịnh Y Thư dịch là “Bất tri”, và Cao Việt Dũng dịch là “Vô tri” trong bản dịch xuất bản ở Việt Nam) trong truyện ngắn “Tự truyện của kẻ đi tìm quá khứ”, đặc biệt là đoạn có liên quan đến từ Sehnsucht trong tiếng Đức mà tôi xin trích lại ở đây:

Người Đức rất hiếm khi dùng từ Nostalgie gốc Hy Lạp, họ có khuynh hướng nói Sehnsucht khi diễn tả lòng khao khát cái gì vắng mặt, không còn. Nhưng lại có thể dung từ Sehnsucht để ám chỉ cái hiện hữu và cái chưa bao giờ hiện hữu (một cuộc phiêu lưu mới chẳng hạn), và bởi thế nó không nhất thiết ám chỉ ý tưởng notos; nếu muốn dùng từ Sehnsucht cho nỗi ám ảnh muốn quay về thì phải điền thêm cụm từ bổ túc như sau: Sehnsucht nach der Vergangenheit, nach der verlorenen Kindheit, nach der ersten Liebe (khát khao quá khứ, khát khao tuổi thơ đã mất, khát khao tình yêu đầu)”.

Có rất nhiều Sehnsucht trong văn của Lê Minh Hà. Đó là thông điệp mà tôi tìm thấy trong “Những gặp gỡ không ngờ”. Quả có thế, văn chị phảng phất một vẻ đẹp buồn lãng mạn, u hoài nỗi xa xứ của con dân Việt. Có một chút cảm giác thích thú khi đọc mà không cần xem chú thích ở bên dưới truyện.

Tôi tìm thấy tôi và bạn bè thời sinh viên du học (“Mùa Tử Đinh Hương cho những ngày bó tay”, “Khoảng giữa cơn mơ”). Tìm thấy Hà Nội xa xưa (“Gió biếc”, “Chiều cà phê quán nhỏ”, “Thiên đường”, “Nơi ấy Trăng”, “Bài hát ấy còn ai hát nữa”). Thấy lại Berlin nơi lưu giữ tuổi trẻ của tôi (“Những ký họa dang dở”). Và nước Đức (“Có chồng”, “Trăng suông”, “Giai điệu Nga”, “Huệ”, “Thành Sương”, “Tầng có năm phòng”…).

Trong truyện ngắn “Những gặp gỡ không ngờ”, tôi như được sống lại cái thời gian cách đây hai chục năm, trong một không gian nước Đức những ngày mới tái hợp. Những đồng hương “Cộng” mê mải làm ăn kiếm tiền DM, vất vả căn cơ nhiều lần hơn đám sinh viên có học bổng tụi tôi… Thấy những con cháu Lạc Long Quân - Âu Cơ xứ Nghệ đứng bán thuốc lá lậu trước siêu thị Kaiser gần ký túc xá của tôi ở Berlin, miệng mời chào “Bitte schoen Danke” mắt dáo dác ngó chừng Polizei (cảnh sát) rượt bắt.

Trong khi với những người bạn “Việt kiều Tây Đức” mới quen thì đó là một thế giới hoàn toàn xa lạ khác biệt. Thấy những hành lang hun hút tối và ám mùi đồ ăn Việt ở những Wohnheim có người Việt sinh sống. Những ám ảnh bị trục xuất mà tờ giấy Tạm dung (Duldung) mang lại cho những đồng hương còn muốn ở lại mà không biết cơ quan Ngoại kiều Đức có cho phép (“Khoảng giữa cơn mơ”). Văn của chị giàu sức chuyển tải, thường khiến tôi “lên cơn” nhớ nước Đức.

Tôi cũng muốn nói về nỗi dịu dàng trong cái nhẹ nhàng hài hước mà cũng rất thực của tình yêu, của đời sống vợ chồng, xuất hiện ngay cả trong những truyện ngắn mà Lê Minh Hà đã “đổi tông” khi viết, như “Cu (Q) ám” hay “Không nhìn về một hướng”. Đặc biệt, truyện ngắn “Opa, con chó và tôi” cho bạn đọc một câu chuyện chân thực về lòng trắc ẩn và nhân ái sâu sắc của người Đức. “Chính qua ông và gia đình ông, tôi đã hiểu ra cái hạn hẹp của mặc định về bản sắc dân tộc, và hiểu rằng bất cứ khi nào bất cứ ở đâu, chúng ta cũng có thể gặp nhau trên tính người”.

Không hiểu sao, tôi cứ hình dung ra chị Hà chính là nhân vật “Tôi” trong truyện ngắn này. Da diết Nostalgia, khắc khoải Sehnsucht, chân thành bao dung người với người. Và tôi thương nhân vật “Tôi” ấy đến chảy nước mắt, vì tôi biết chị đã nói hộ cho rất nhiều người tâm trạng xa quê hương “Nhưng tôi biết, tôi sẽ cô đơn hơn rất nhiều… Những hồi ức này, những khao khát này tôi sẽ phải giữ đến bao giờ? Ngày về của một nắm tro?”.

Hà Nội cũng là mảng đề tài trở đi trở lại trong những truyện ngắn của Lê Minh Hà. Một Hà Nội của “một thời đạn bom một thời hòa bình”, của thời bao cấp khó khăn chồng chất, “thèm nhạt đủ thứ”. Những chi tiết về Hà Nội trong văn Lê Minh Hà hiện lên vô cùng tinh tế, khiến những ai đã sống qua thời ấy không thể không xao xác lòng khi đọc. Đó có thể là những bài hát, những giai điệu quen thuộc trong một quãng thời gian dài (“Bài hát cũ bây giờ ai hát nữa”). Là tem phiếu mậu dịch là đặt gạch xếp hàng (“Khoảng giữa cơn mơ”). Là “xô tôn chậu nhôm và choeng choeng ở máy nước công cộng” (“Những ký họa dang dở”).

Riêng tôi, cảm ơn chị vì đã cho tôi quay về với Hà Nội của tôi, với “những bông hồng non dại gầy guộc của thời xưa, lá nhiều hơn hoa, phả vào tôi mùi hương nồng nàn, ướt át” (“Gửi một người tình cũ”). Những bông hoa hồng Ta gói lá dong mà khoảng thời gian một năm tôi học ở Hà Nội thường thấy mợ tôi đặt lên ban thờ thắp hương ngày Rằm, Mùng Một đã hằn sâu trong ký ức tôi như thế. Rồi sắc bằng lăng tím phố Thợ Nhuộm những chiều bạt gió (“Chiều cà phê quán nhỏ”)… - những hình ảnh ấy mãi theo tôi, theo chị và những người ai “dù có đi bốn phương trời - lòng vẫn nhớ về Hà Nội” (ca khúc “Nhớ về Hà Nội” của Hoàng Hiệp).

Thương thế những mảnh đời những tâm hồn người Việt định cư ở nước ngoài. Thương thế Hà Nội của những ngày tháng cũ. Và tôi tin, chính vì lẽ đó mà “Những gặp gỡ không ngờ” là một tập sách đáng đọc, cho tất cả những ai đã có một thời như thế, cho những cảm thông sâu sắc với tâm thức khát khao hoài nhớ của những con dân Việt xa xứ. Để mỗi khi muốn quay ngược thời gian tìm về quá khứ, tôi lại lần giở sách của Lê Minh Hà.

(*) Tập hợp 24 truyện ngắn của Lê Minh Hà, do NXB Trẻ ấn hành tháng 4-2012.

Vương Minh Thu, từ TP HCM


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn