“THƯƠNG NHỚ MƯỜI HAI” TRONG “BỐN MÙA” CỦA MÁRAI SÁNDOR (Kỳ 3)

Thứ tư - 09/05/2012 14:07

(NCTG) “Theo Goethe thì việc tới đích cũng không quan trọng. Du hành mới là quan trọng. Chỉ có những chuyến đi là quan trọng, lửng lơ giữa hai trạng thái, giữa nơi cư ngụ và chốn xa xăm, giữa đầm ấm tin cậy và hiểm họa.” (Márai Sándor).

Xem Kỳ 1Kỳ 2  của loạt tản văn.



THÁNG NĂM

Tháng Năm có giai điệu riêng của nó, đã có biết bao nhạc sĩ quốc tế đã cố phổ nhạc, nhưng vô ích. Họ đã thử tất cả để làm việc đó: nhưng lần nào cũng chỉ đẻ ra những sự ầm ĩ có giai điệu, với những ám chỉ đến hoa lan chuông và ái tình được đáp lại hững hờ.

Giai điệu thật của tháng Năm sâu lắng hơn, và hoàn toàn không ủy mị. Trong giai điệu đó có một điều gì đó từ một vụ động đất. Nhưng cũng có một chút gì đó của cái chết. Một tháng đáng sợ. Những người già cả không thích tháng Năm, họ thận trọng với vị, với ánh sáng và mùi hương của nó, nếu có thể họ trốn khỏi hay tránh xa tháng Năm.

Bàn ăn được bày nom mới cuốn hút kỳ lạ, với các loại rau gia vị và thịt gia cầm. Nhưng tự tâm người ta thấy bồn chồn. Ngày lễ tháng Năm dân dã và náo nhiệt. Tất cả đều ầm ĩ như muốn nói điều gì. Không gian ngai ngái chát nồng, nắng gắt, thứ ánh sáng chói lóa của những lễ hội thời cổ đại. Có kẻ tự vẫn tháng Năm, cũng như có hoa lan chuông tháng Năm, gà rán tháng Năm. Trước cuộc tấn công này, con người bất lực chạy trốn vào sau những thành trì của nền văn minh. Không thể viết sách vào tháng Năm. Đọc cũng hầu như không. Tất cả đều cảm thấy những tia nắng, mùi hương kia là một cuộc tấn công chống lại lý trí. Nắng tháng Năm ác hiểm hơn cả nắng dữ dội tháng Tám, như lưỡi kiếm vàng băm vằm tứ phía, như một võ sĩ đông phương, mắt vằn đỏ, bạo liệt. Tháng Năm giết người bằng nọc độc và kim vàng, như sát thủ giấu mặt, không thể phòng vệ. Có cả đột quị tháng Năm. Thiên nhiên không duy cảm.

Đây là tháng của tình yêu: đúng hơn, nó giống như trong các tiểu thuyết rất xoàng và rất hay, tình yêu và cái chết. Trong những hiện tượng tự nhiên có cái gì đó tài tử, cẩu thả và tuyệt tác. Đến tháng này nhiều người hốt hoảng, vội vã tìm tình yêu như một nghĩa vụ, như thể mùa đông mua giày đi tuyết, mùa hè mua vé tháng vào bể bơi. Tình yêu tháng Năm không thể tin cậy. Hầu hết tình tháng Năm không hướng tới một con người cụ thể nào, nó chỉ thuần phục nỗi hốt hoảng ngự trị trong bầu không khí chung, thuần phục tháng Năm.

Đến tháng Chín ta sẽ nhìn lại mối tình tháng Năm thán phục và kinh ngạc. Có thể như thế ư?... Mắt mũi ta để đâu thế nhỉ?... Tháng Năm mỗi phụ nữ đều hơi giống Titania. Tới một ngày nàng tỉnh mộng, ngạc nhiên nhìn lên tấm lịch, ngắm chiếc đầu con lừa mà nàng yêu thích.

Tôi nhớ một tháng Năm ở biển, không có hoa và cây, giữa châu Phi và châu Âu, khi tất cả những gì trên đất liền làm người ta bất yên trong tháng năm bí ẩn này, biển đã ùa đến phía tôi, trong nắng chói chang và gió nóng. Không có hoa tháng Năm vẫn dữ dằn. Tôi nhớ một sáng tháng Năm thuở bé, chúng tôi giúp cha đạo làm lễ trong nhà thờ nhỏ của gia đình, trước bệ thờ Maria, giữa hoa loa kèn và hoa mẫu đơn. Thi thoảng tôi vẫn thấy âm điệu của những buổi sáng ấy. Tôi nhớ một chiều tháng năm, khi tôi suýt chết vì một người phụ nữ. Nay thì điều đó không thể xảy ra với tôi nữa. Tôi đã từng trải, cẩn trọng. Tôi ngửa mặt đón nắng non tháng Năm, và lim dim mắt nghĩ: “Thật đáng tiếc!”.

THÁNG SÁU

Mấy tuần nay tôi lẳng lặng đi chơi.

Độ này tôi không thích đi xa nữa. Chỉ hướng nội mà thôi. Mấy năm trước, nếu thả trí tưởng tượng, ít nhất cũng phải Bombay hay Trung Hoa là mục tiêu gần mà vừa ngáp dài tôi vừa nghĩ tới, trước mắt tôi lửng lơ là San Francisco. Nhưng đến nay tôi chỉ muốn du hành chầm chậm, rất chậm. Việc con tàu chuyển dịch không quan trọng. Điều quan trọng là tôi xê dịch. Cái đó khó hơn nhiều.

Theo Goethe thì việc tới đích cũng không quan trọng. Du hành mới là quan trọng. Chỉ có những chuyến đi là quan trọng, lửng lơ giữa hai trạng thái, giữa nơi cư ngụ và chốn xa xăm, giữa đầm ấm tin cậy và hiểm họa. Tháng Sáu tôi luôn tái khởi hành, thận trọng và cân nhắc, với sự chu đáo của thuyền trưởng Scott, và với sự nghi ngại, như một người mới ốm dậy tập đi. Đôi khi tôi chỉ khoác áo mỏng, chống gậy, xách cặp dạo qua con phố gần nhà. Tôi thức giấc trong một căn phòng lạ, và thích thú nhìn sự thay đổi như một cuộc phiêu lưu kỳ thú, với đôi mắt hấp háy, xúc động. Một chiếc tủ lạ có thể đặc biệt như Baghdad. Thế giới ở trong ta. Đôi khi phải đi về phía ấy.

Tháng này là lúc căn hộ ta ở xuất phát như một con tàu rời bến, cùng với cuộc sống của ta, nó đi về những vùng đất hiền hòa hơn, ấm áp hơn. Đêm qua trời còn mưa, tháng Năm, ở đâu đó trong thành phố Trieste của riêng ta, nhưng sáng ra ta bỗng nhận thấy đời ta đã tới một bến cảng mới. Lúc tảng sáng lên bờ, dụi mắt thấy ta đã đến một thành phố lạ, phụ nữ và đàn ông ăn mặc khác, trên đường phố cuộc sống cũng khác, mang vẻ Á Đông, và một mảnh trăng bạc lạ lùng treo trên nền trời. Những sáng tháng Sáu, khi thành phố còn phập phồng trong làn hơi nóng đầu mùa, từ trên cầu Xích tôi nhìn xuống dòng Đanuýp qua cửa xe ngựa kéo, nó có vẻ hoang sơ hơn ngày hôm qua, đầy hơn và dữ dội hơn. Hôm qua tôi nghĩ nó chảy về phía Göd, nhưng hôm nay tôi chợt nghĩ nó chảy về phía biển. Trên hai bờ sông những người phụ nữ mặc áo hoa , mắt lóng lánh sáng, tay cầm vợt bóng và đeo túi vải nhựa màu đỏ đem đồ lót đi về phía dòng sông. Những gã đồng bóng đã đội mũ cói. Cái nóng buổi trưa nhắc cho ta biết ta đang đi về phía Đông, về phía những đàn cá sấu, những người Thổ Nhĩ Kỳ bán mật, những cuộc tình mùa hạ và khả năng nổ ra chiến tranh. Tôi đổi tiền, từ từ dạo bước trên bờ, trên bờ một châu lục xa lạ, bờ tháng Sáu.

Căn hộ tràn ngập hoa từ khi nào không rõ. Những ngày thường bỗng hóa như lễ hội, gắn những vòng hoa lên trán, tất cả hơi mỡ màng, phồn thực trong mấy tuần này. Ở phòng ngoài hoa cũng đua nhau nở, trong lọ ngâm hoa quả, trên nóc tủ đâu cũng thấy những chùm hoa, hơi giống như nhà thường xuyên có đám hỷ, đầy tiếng reo vui, khói xì-gà và những nụ hôn trên má họ hàng. Tôi ngất ngây trong độ chín mỡ màng, trong cảm giác thân xác không hẳn ngây thơ và vô tư này, trong sự phồn thực ấm áp, bung mở, khơi gợi tháng Sáu này. Ngoài ban công các nhà nghỉ đâu đâu cũng thấy những thiếu phụ lấm láp, hơi mập, ngả mình trên những ghế xích-đu, mặt mũi ửng đỏ sau giấc ngủ ngang chiều, và chưa tỉnh hẳn giấc nồng các nàng uể oải ngoái nhìn qua những lùm cây về phía cổng. Chắc hẳn họ đang chờ một người nào đó. Có tiếng sỏi lạo xạo trên con đường xuyên qua vườn. Mùa hè đã về, họ nghĩ và lim dim mắt, ngái ngủ đưa tay lên che miệng ngáp. Các nàng nghĩ gì vào lúc này? Các đấng ông chồng, những gã tình nhân, hãy coi chừng! Đang là tháng Sáu. Có kẻ đi qua khu vườn.

Giáp Văn Chung chuyển ngữ - Còn tiếp


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn