“NẾU TÔI LÀ BÔNG HỒNG” - BÀI CA CỦA KHÁT VỌNG TỰ DO

Thứ năm - 26/04/2012 16:12

(NCTG) Từ thập niên 70 thế kỷ trước, thoạt đầu tại các concert nhạc Rock, rồi đến các cuộc tuần hành, “tập trung đông người” tại đường phố Hungary, có một bài ca luôn được cất lên mang âm hưởng dân ca, với phần lời giản dị nhưng rất đẹp và vang vọng tình yêu tự do. Đó là “Nếu tôi là bông hồng” của nhạc sĩ, ca sĩ cựu trào nổi tiếng Brody János.


Ca khúc ấy, được coi là bản quốc ca của nhiều thế hệ trẻ Hungary, gần đây đã được chính tác giả trình bày trong cuộc biểu tình lớn trước Nhà Quốc hội do các tổ chức dân sự tổ chức, nhằm phản đối Đạo luật Truyền thông mới bị coi là phi dân chủ, vi phạm tự do báo chí, tự do ngôn luận.

“Nếu tôi là bông hồng” cũng là bài ca được hát lên để mừng thượng thọ 90 tuổi nhà văn, dịch giả, tổng thống đầu tiên (trong hai nhiệm kỳ đầu, 1990-2000) của Ðệ tam Cộng hòa Hungary, ông Göncz Árpád, người từng bị kết án tù chung thân vì tham gia cuộc cách mạng dân chủ mùa thu 1956.

Trong lịch sử tân nhạc Hungary, ca khúc này còn được biết đến vì một sự kiện đặc biệt: vì nó mà album “Jelbeszéd” (1973) của “Người đàn bà hát” Hungary - nữ danh ca Koncz Zsuzsa -, ngay sau khi phát hành, đã bị chính quyền ra chỉ thị thu hồi lại từ các cửa hiệu băng đĩa và sau đó, mang đi tiêu hủy!
 
Nếu là hoa hồng, hơn một lần tôi nở
Mỗi mùa về tôi sẽ thắm sắc hoa
Cho bạn cho em cho tất cả
Cho tình chân chính, cho phôi pha.

Là cánh cổng, tôi sẽ luôn rộng mở
Dẫu từ đâu, xin bạn cứ bước qua
Cổng không hỏi ai chỉ đường bạn tới
Tôi sẽ vui, nếu tất cả đến nhà.

Là cửa sổ, tôi sẽ là cửa lớn
Cả thế gian hiện ra trước mắt người
Triệu mắt cảm thông nhìn qua ô cửa
Bạn thấy hết rồi, tôi sẽ vui.  

Nếu là phố, tôi tinh tươm mỗi sớm
Mỗi đêm về tôi sẽ sáng lung linh
Nếu xích sắt quần nát tôi một buổi
Đất dưới thân tôi sẽ tự chôn mình.

Nếu là cờ tôi sẽ chẳng tung bay
Sẽ căm giận muôn loài gió bão
Dẫu bị căng thây, tôi sẽ sung sướng bảo
Ta không làm trò giỡn của phong ba. (*)
 
*

Ca khúc huyền thoại đó đã được ra đời như thế nào?

Trở lại những năm cuối của thập niên 60 thế kỷ trước, nhạc Rock Hungary đã hình thành được chừng 5-6 năm với các ban nhạc lớn như “Illés”, “Omega”, “Metro”, “Locomotiv GT”..., trong đó, nổi tiếng và có tác động, ảnh hưởng lớn nhất đến giới trẻ là “Illés” với cặp Szörényi Levente & Bródy János, được ví như Lennon & McCartney của Hungary.

Đặc biệt, cho đến khi ấy, Bródy János đã khẳng định mình như một người viết lời đại tài: nếu như trước đó các ban nhạc Hung thường chơi lại các bản nhạc Rock của Âu - Mỹ thì với sự xuất hiện của Brody, các “fan” nhạc trẻ của nước này đã bị thuyết phục, rằng Hungary hoàn toàn có thể có những ca khúc Rock với ca từ trẻ trung, mạnh mẽ và đầy ý nghĩa, không kém gì nước ngoài.

Hơn thế nữa, có thiên hướng xã hội rất rõ nét, thông qua những ca khúc, Bródy luôn tìm cách nói lên điều cần nói, nói lên điều mà ngày hôm qua còn chưa thể cất lời nói, dưới một dạng tinh tế và đi vào lòng người. Ông đã trở thành ngôi sao, nói đúng hơn là người phát ngôn của “thế hệ Beat” Hungary thập niên 60, với khả năng đưa được nhiều suy tư tưởng chừng “vô hại” lọt lưới kiểm duyệt vào những lời ca cửa miệng của giới trẻ thời ấy.

Nói về bối cảnh ra đời của “Nếu tôi là bông hồng”, người nghệ sĩ hồi tưởng: “Thoạt đầu tôi chỉ muốn viết cho riêng mình, vào hè năm 1969. Ngay từ khi chơi trong ban nhạc “Illés”, tôi đã muốn viết lời cho các làn điệu dân ca”.

“Nếu tôi là bông hồng” đương nhiên đã được viết ra dưới tác động, cảm xúc của Mùa xuân Prague 1968, khi nỗ lực cải cách dân chủ - để CNXH có một bộ mặt nhân tính - của Tiệp Khắc bị đè bẹp bởi chiến xa Liên Xô và quân đội khối Hiệp ước Warsaw. Tuy nhiên, do bị coi là “có vấn đề” và trong tình hình căng thẳng thời đó, “Illés” không thể nghĩ tới chuyện chơi bài ca này.

Phải chờ tới hơn 3 năm sau, vào mùa đông 1972, lần đầu tiên “Nếu tôi là bông hồng” mới được công khai hát lên tại Nhà hát Erkel (Budapest) và năm sau, nó được đưa vào album “Jelbeszéd” của Koncz Zsuzsa, người bạn đường luôn song hành với Bródy trong suốt sự nghiệp âm nhạc của hai người.

Ngay từ lần ra mắt đầu tiên, ca khúc đã được giới trẻ chào đón nồng nhiệt vì “thế hệ Beat” lập tức cảm thấy trong bài hát với âm điệu truyền thống, nhưng vẫn có nét hiện đại này, một bản “quốc ca” riêng của họ đã chào đời, mà vai trò của nó đối với Hungary có thể sánh với những bài ca phản chiến, phản kháng (protest song) của Tây Phương như “We Shall Overcome” hoặc  “Happy Xmas, War is Over”.

Về sau, khi đã được lan truyền trong phạm vi rộng rãi hơn, nhanh chóng, ca khúc hết sức được ưa chuộng và bất kể đảng phái, tuổi tác, bất cứ ai cũng có thể cất lời hát nó một cách chân thành, tự sâu thẳm trái tim, như một biểu hiện của tinh thần dân tộc và ước vọng độc lập.

Cố nhiên, chính quyền cũng lập tức nhận ra một thứ “vũ khí nguy hiểm” tiềm ẩn trong bài hát, và ngay sau buổi diễn đầu tiên, cơ quan chức năng đã bị cảnh báo rằng ca từ của “Nếu tôi là bông hồng”, cũng như việc nó được ưa chuộng quá mức như vậy, trong bầu không khí chính trị căng thẳng thời bấy giờ, rất có thể khiến “hiểu nhầm”.

Trong Trung ương đảng, một số quan chức cho rằng khi “tình hình quốc tế đang căng thẳng” và ngay hoàn cảnh trong nước cũng có nhiều biến động, nhắc tới những hình ảnh mang tính biểu tượng như “xích sắt”, “lá cờ” hay “cửa sổ” là nguy hiểm - vì đó là thời ngăn sống cấm chợ, đóng cửa, chứ đâu có thể “luôn rộng mở” như ca khúc mong muốn.

Rốt cục, bài hát đã bị cho vào danh sách “cấm cửa” hàng chục năm, album của Koncz Zsuzsa bị thu hồi và đến tận năm 1983 mới được tái ấn hành. Ngày nay, đã có thể biết được rằng những đoạn nào của ca từ “Nếu tôi là bông hồng” bị các vị quan chức văn nghệ coi là “nhạy cảm”. Brody cho biết:

Không phải khổ thơ có nhắc đến lá cờ, mà là khổ này: “Nếu là phố, tôi tinh tươm mỗi sớm - Mỗi đêm về tôi sẽ sáng lung linh - Nếu xích sắt quần nát tôi một buổi - Đất dưới thân tôi sẽ tự chôn mình”. Tôi viết những dòng ấy trên cương vị một người yêu hòa bình, nhưng các đồng chí hay nghi hoặc thì coi đó là sự ám chỉ những sự kiện ở Tiệp Khắc.

Hai câu “Là cửa sổ, tôi sẽ là cửa lớn - Cả thế gian hiện ra trước mắt người” cũng bị coi là “có vấn đề”: chúng bị coi là có liên quan tới dòng chảy tự do của các tư tưởng, điều mà chúng tôi cũng đồng tình trên nguyên tắc, nhưng trớ trêu thay đó lại là quan điểm chính của ý thức hệ Phương Tây.

Thời đó vừa diễn ra [sự hòa dịu trong quan hệ Đông Tây với bản Hiệp ước] Helsinki, có thể tôi là thiên tài và cảm nhận được những điều đó, nhưng chắc chắn đó không phải là có ý thức...”.

Bors Jenő, người đứng đầu hệ thống ấn hành băng đĩa của Hungary thời bấy giờ, thì cho hay: “Tôi nghĩ rằng ca từ bài “Nếu tôi là bông hồng” là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của Bródy. Đáng tiếc là tôi đã không tính đến chuyện album [của Koncz Zsuzsa] ra đời ngay trước một đại hội đảng mà tại đó, phe cánh tả “cứng” trong đảng chuẩn bị cho cuộc tấn công mạnh mẽ vào [Tổng bí thư, người có tư tưởng hòa dịu] Kádár và rút kinh nghiệm từ Mùa xuân Prague, họ muốn thắt chặt bằng mọi giá.

Đáng kinh ngạc là không phải đoạn “Nếu là phố, tôi tinh tươm mỗi sớm...”, mà đoạn “Nếu là cờ tôi sẽ chẳng tung bay...” khiến họ dị ứng. Tôi cố gắng giải thích, nhưng vô hiệu, rằng với Brody thì đây là biểu tượng của tính thường xuyên, trước sau như một - khi đó tôi chưa thể biết rằng tại kỳ đại hội sắp tới họ muốn những thay đổi lớn và chính dòng thơ này đã trở nên nhạy cảm đối với họ...”.
 
*

Gần ba mươi năm sau ngày ra đời, “Nếu tôi là bông hồng” với sự trình diễn của tác giả , hoặc nữ danh ca Koncz Zsuzsa, đã trở nên một biểu tượng, một thương hiệu của sự khát khao tự do, dân chủ. Đối với nhiều thế hệ DHS Việt Nam tại Hungary, đây cũng là bài ca “vỡ lòng” mà họ đã được học qua những người bạn, những thày cô giáo Hung, khi vừa đặt chân tới mảnh đất Hungary.

Bởi lẽ, “Là cánh cổng, tôi sẽ luôn rộng mở - Dẫu từ đâu, xin bạn cứ bước qua - Cổng không hỏi ai chỉ đường bạn tới - Tôi sẽ vui, nếu tất cả đến nhà”, cho đến nay, vẫn là ước mơ của không ít quốc gia, không ít mảnh đất trên thế giới, nơi chiến tranh, độc đoán hoành hành, cũng như, những giá trị dân chủ và nhân bản chưa được thừa nhận, tôn trọng... (**)
 
(*) Bản dịch của Giáp Văn Chung.

(**) Nguyên bản tiếng Hungary:
 
Ha én rózsa volnék
(Bródy János)

Ha én rózsa volnék, nem csak egyszer nyilnék,
Minden évben négyszer virágba borulnék,
Nyílnék a fiúnak nyilnék én a lánynak
Az igaz szerelemnek és az elmúlásnak.

Ha én kapu volnék, mindig nyitva állnék,
Akárhonnan jönne, bárkit beengednék,
Nem kérdezném tőle, hát téged ki küldött,
Akkor lennék boldog, ha mindenki eljött.

Ha én ablak volnék, akkora nagy lennék,
Hogy az egész világ láthatóvá váljék,
Megértő szemekkel átnéznének rajtam,
Akkor lennék boldog, ha mindent megmutattam.

Ha én utca volnék, mindig tiszta lennék,
Minden áldott este fényben megfürödnék,
És ha egyszer rajtam lánckerék taposna,
Alattam a föld is sírva beomolna.

Ha én zászló volnék, sohasem lobognék,
Mindenféle szélnek haragosa lennék,
Akkor lennék boldog, ha kifeszítenének,
S nem lennék játéka mindenféle szélnek.

Bản dịch của Lâm Việt Tùng, một cựu DHS Việt Nam tại Hungary, hiện cư trú tại Hà Lan:
 
Nếu như tôi là cây hồng

Nếu như tôi là cây hồng
sẽ không chỉ nở một lần
Cứ mỗi năm lại bốn bận
sẽ trĩu nặng hoa lẫn hoa
Tôi nở cho các chàng trai
và cô gái bước vào xuân
Quà cho tình yêu chân chính
và những năm tháng đã qua.

Nếu như tôi là cánh cổng
sẽ luôn luôn đứng rộng mở
Mặc dù ai đến từ đâu
tôi sẽ gật đầu cho qua
Không phiền hà một lấy lời
rằng: Ai đã sai anh tới
Tôi chỉ hạnh phúc nếu như
mọi người đều được đến nơi.

Nếu như tôi là cửa sổ
sẽ rộng to như biển trời
Để mọi người trên thế giới
có thể nhìn tới bên trong
Họ sẽ hiểu và cảm thông
khi trông rõ tấm thân này
Tôi chỉ hạnh phúc nếu như
tất cả đều được phơi bày.

Nếu như tôi là con đường
luôn là con đường sạch sẽ
Tôi khát khao trong đêm đen
được tắm mình trong ánh đèn
Và nếu như có một lần
xe xích sắt nghiền nát thân
Mảnh đất dưới chân tôi cũng
khóc và vỡ ra muôn phần.

Nếu như tôi là lá cờ
sẽ không bao giờ tung bay
Tất cả cơn gió tới lay
sẽ làm cho tôi tức giận
Tôi chỉ hạnh phúc nếu như
được căng thẳng dưới trời cao
Và không là trò tiêu khiển
của bất kỳ cơn gió nào.

Nguyễn Hoàng Linh


 
 Từ khóa: Bródy János
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn