Nhà văn Lê Minh Hà
Nhà văn Lê Minh Hà sinh năm 1962 tại Hà Nội, tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Ðại học Sư phạm năm 1983. Trước khi sang định cư tại CHLB Ðức, chị đã có 8 năm giảng dạy tại trường PTTH Hà Nội - Amsterdam. Chi đã sáng tác từ khi còn ở trong nước và cộng tác với nhiều tạp chí văn nghệ hải ngoại như “Hợp Lưu”, “Văn”, “Văn Học”, “Gió Ðông”... trước khi cho ra đời cuốn sách đầu tiên vào năm 1998.
Một số tác phẩm đã ấn hành: “Trăng góa” (tập truyện ngắn, Thanh Văn, Mỹ, năm 1998); “Gió biếc” (tập truyện ngắn, Văn Mới, Mỹ, năm 1999), “Thương thế, ngày xưa...” (tản văn, Văn Mới, Mỹ, năm 2001), “Gió tự thời khuất mặt” (tiểu thuyết, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội 2005), “Thương thế ngày xưa & Những giọt trầm” (tản văn và truyện ngắn, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội 2005), “Sâm cầm” (tập truyện ngắn, in chung với Phạm Hải Anh, NXB Phụ nữ, Hà Nội 2004), “Truyện cổ viết lại” (in chung cùng Lê Ðạt, NXB Trẻ, TP HCM 2006)...
Lê Minh Hà là nhà văn của những hoài niệm, có lúc êm dịu nhưng đa phần là khắc khoải và chua xót, từ những năm cuối của cuộc chiến và thập niên đầu thời hậu chiến. Truyện ngắn, tản văn và tiểu thuyết của chị, bởi thế, thông qua những trải nghiệm cùng năm tháng và thời thế, luôn bàng bạc nỗi hoài nhớ về một thời, mà như nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên từng nhận xét, “xao xác, xót xa rất nhiều trên những trang sách này”.
Có lẽ vì vậy mà cuộc gặp gỡ văn chương với nhà văn tại TP München được xoáy quanh chủ đề “Thương thế ngày xưa”, cho dù những bàn luận văn chương với Lê Minh Hà thì đã được mở rộng đến nhiều đề tài lý thú có liên quan như quá trình, quan niệm sáng tác, tâm thế của người cầm bút, vị trí của nhà văn trong giới trí thức, đối với những hệ lụy của đời sống xã hội, của dân tộc, v.v...
Ðược tổ chức bởi một nhóm thân hữu yêu văn nghệ gồm Lê Văn Cát, Trọng Tuấn, Minh Thư và Bùi Lộc, chương trình còn có sự góp mặt của nữ ca sĩ Ái Thanh, nam ca sĩ Kiều Lê, nghệ sĩ đàn violon Thanh Thủy, nghệ sĩ piano Thảo Hương và nhà văn Nguyễn Văn Thọ. Nằm trong loạt chương trình văn hóa nghệ thuật, buổi giao lưu “Thương thế ngày xưa” là một đóng góp mới trong đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng Việt Nam tại München.
Sau đây là nội dung cuộc trao đổi với nhà văn Lê Minh Hà, được thực hiện bởi Minh Thư và Trọng Tuấn. Chân thành cám ơn BTC cuộc giao lưu đã cung cấp và chia sẻ các tư liệu cho NCTG!
Cùng Minh Thư và MC Trọng Tuấn trong cuộc giao lưu
- Chị có thể tự giới thiệu sơ qua một chút về bản thân? Tác phẩm đầu tiên của chị là gì và chị viết nó khi nào? Chị còn nhớ hoàn cảnh nào đã khiến chị viết nó không?
Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Từng được nhầm là người quê vì có vẻ biết nhiều thấm nhiều chuyện nhà quê. Cũng từng được nhầm là công an do có vẻ cũng biết về ngành này.
Từng sống bằng nghề giáo, làm việc ở một trường rất có tiếng tại Hà Nội và nhờ thế có cái may mắn được là đồng nghiệp nhí của một thế hệ giáo viên cực giỏi, được một thế hệ học sinh cực giỏi vẫn gọi là cô, dù đã thành giáo dở từ lâu.
Hiện làm
Hausfrau (nội trợ) không lương.
Nếu coi tác phẩm là những gì viết ra và cho xuất bản thì tác phẩm đầu tiên là “Trăng góa”, do Thanh Văn ấn hành tại Mỹ, cách nay 14 năm.
Nhưng tác phẩm hiểu theo nghĩa không như thế thì được viết từ rất lâu, từ cái dạo còn bỏ bạn trẻ để tụ bạ nghe hóng với mấy nhà thơ nhà văn già hơn, như Phạm Tiến Duật, Nhật Tuấn, khi còn học phổ thông.
Xa hơn nữa chắc là lúc năm sáu tuổi gì đó, lần đầu mần thi “
Sáng nay ăn cơm với cà - chan canh rau muống đậm đà tình quê…”.
- Chị viết một loạt tản văn về các món ăn, thức quà, về những thứ rất đỗi bình dị như dưa cà, rau củ, bánh trôi bánh chay. Điều gì đã thôi thúc chị viết về đề tài ấy?
Thơ và truyện thì tôi viết rất sớm. Tản văn về các món ăn, thức quà, tóm lại là miếng ngon thời khó nhọc tôi chỉ viết khi quyết định làm thuyền theo lái. Xung động buộc phải viết thì nhiều. Giờ bị hỏi… là cái gì nhỉ. Thật ra thì những ngẫm nghĩ về cái thời khó nhọc đó tôi có từ khi mà tuổi chúng tôi được ăn rất ít và riêng tôi có được ăn thì vì ốm cũng chả ăn được bao nhiêu. Cuộc sống xa xứ buổi đầu trong bối cảnh Việt Nam lúc đó còn gần như khép kín dễ làm người ta thấy như như bị cắt lìa khỏi con người mình một thời, trong một không khí mà chúng ta giờ hay nói là thời đó, phiếm chỉ đấy nhưng nghe là hiểu ngay. Thế đấy, tôi viết các tản văn này vì thế, chứ không hẳn là nỗi thèm ăn thúc viết.
- Đôi khi đọc tản văn về các món thương nhớ của chị, người ta lại liên hệ đến Vũ Bằng. Chị có chịu ảnh hưởng của nhà văn này không?
Các anh chị đã đặt một cái tên thật là hay cho các tản văn của tôi: “Món thương nhớ”. Sao ta không biết nhau sớm hơn nhỉ? Như thế có thể là tôi đã đặt tên cho tập hợp các tùy bút viết về chuyện ăn uống ngày xưa là “Món nhớ món thương”.
Ba năm trước, khi trả lời phỏng vấn của truyền hình Việt nam, tôi cũng có nghe một liên tưởng tương tự, tôi, với Vũ Bằng, Thạch Lam, Nguyễn Tuân.
Mới hai ba hôm trước trên mạng vô tình tôi có đọc được một bài điểm sách cuốn “Thương thế, ngày xưa” và “Những giọt trầm”, cũng gặp một liên tưởng tương tự. Nhưng có thể cùng viết về chuyện ăn uống khi không thể ăn ngon, theo định nghĩa của Tản Đà, mà tôi hay được so sánh với Vũ Bằng hơn.
Cử tọa của buổi giao lưu văn chương
Tuy nhiên, tôi không ảnh hưởng Vũ Bằng. Tôi không viết về ngày xưa hạnh phúc trước chiến tranh như Vũ Bằng, với những miếng ngon, nghĩa tình thương nhớ bên người vợ tấm mẳn, khi đã trưởng thành, được thừa nhận là một tài danh. Mà đằng nào thì tôi cũng không thể tìm đâu ra cảm xúc bên một người vợ tấm mẳn mình không thể cưới… Khác Vũ Bằng, tôi viết về những ngày khó nhọc, miếng nghèo, của một tuổi trẻ bị khó khăn thời chiến tranh và hậu chiến ghì sát đất nhưng vẫn không từ bỏ được khát khao.
- Truyện ngắn là thể loại viết chính của chị. Chị thường lấy các đề tài từ đâu, hay hỏi một cách khác, chị chọn đề tài hay đề tài chọn chị?
Truyện ngắn đúng hơn là một trong các thể loại tôi thường chọn.
Đề tài lấy từ đâu? Chọn đề tài hay bị nó chọn? Hỏi khó nhỉ.
Tôi thường chỉ chú tâm tới đề tài khi viết báo. Nhưng trong sáng tác ít để ý cái này.
Viết xong hàng loạt rồi ngồi sắp xếp lại thì bảo à đây hình như là viết về Hà nội à đây là viết về nông thôn hay viết về người Việt ở Đức. Thế thôi.
Tất cả đều tới rất bất ngờ, viết, có truyện ào cái xong ngay có truyện vật vã cả hai năm trời, mà cũng vẫn cứ là truyện ngắn. Viết xong hỏi tại sao viết thế tôi chịu không trả lời được.
Ví dụ: hồi mới sang, hai vợ chồng đi mua máy tính, là vật dụng lúc đó tôi không biết dùng, giờ cũng không khôn hơn bao nhiêu. Ông chồng đang cài đặt, tôi thì ghé vai chỉ trỏ hỏi cái gì để làm gì. Dĩ nhiên chồng cáu. Sau đó là vợ cáu. Hậm hực ngồi ngắm lưng chồng, nắng rọi gáy, đột nhiên cái câu “
Sơ tán về thì tôi lên cấp 2” hiện ra, thế là viết ào cái, và đó là “Những giọt trầm”. Truyện “Châu Long” cũng vậy, đêm không ngủ được, cứ có một câu trở đi trở lại “
Châu Long bước mải”, mà trước đó thì tuyệt nhiên không nghĩ gì tới ba cụ táo này. Vì bốn chữ đó tôi có truyện mở đầu tập hợp “Truyện cổ viết lại”.
Nói chung mọi truyện ngắn đều bắt đầu từ một vài chi tiết lơ mơ, vụn vặt, vô tình thấy vô tình nghe nhưng không tài nào đẩy được ra khỏi trí nhớ. “Mùa tử đinh hương”, “Thành sương”, “Những gặp gỡ không ngờ”… Và sáng tác với tôi là làm cái việc bịa để nối những cái thực nho nhỏ đó lại với nhau, tạo ra một cái gì đó đôi khi viết xong mình cũng tưởng thật và xúc động.
- Viết về những chuyện hàng ngày, những con người bình thường mà cuộc sống cứ đều đặn tẻ nhạt trôi đi chị có lo ngại truyện mình viết ra thiếu hấp dẫn lôi cuốn? Chị làm cách nào để câu chuyện còn để lại dư âm trong người đọc?
Ớt xé lưỡi, xóc óc. Nhưng ai ăn được ớt suông không. Tôi đặc biệt mê trinh thám, nhưng lại không viết được thể loại này. Khi viết, tôi luôn bị những người bình thường mà cuộc sống, như anh chị nói đều đặn và tẻ nhạt … quyến rũ. Thế nhưng cái tôi viết ra vẫn tạo được hấp lực, đúng không. Bằng chứng là tôi được mời tới đây và hi vọng có một phần năm quý vị có mặt ở đây muốn nghe tôi nói chứ không chỉ muốn nghe bạn tôi hát.
Cách lôi cuốn người đọc của tôi ấy à? Bí quyết đấy nhé. Sử dụng kỹ thuật dồn nén trong từng chi tiết của trinh thám và điện ảnh để huy động vốn sống tích được từ thời đại này, vốn văn hóa nhiều tầng của một xứ sở mà chúng ta cùng thụ hưởng, dĩ nhiên, cuối cùng phải tính tới vốn nghề mà tôi đã học: khoa học văn chương, cụ thể hơn là lịch sử phê bình văn học. Nhưng không thể nói trong đôi ba câu điều tôi học được trong nhiều năm, qua nhiều thầy, ở nhiều bộ môn và sách vở chuyên ngành.
- Các nhân vật của chị thường có nguyên mẫu từ đời thật hay là sản phẩm của trí tưởng tượng? Chị có gặp khó khăn khi nguyên mẫu là những người quen biết, mà khi viết về họ có thể làm họ không hài lòng?
Mọi người đã đọc Harry Potter cùng bọn nhóc chưa nhỉ. Gạt bỏ tất cả tính kỳ ảo, còn lại trần trụi một đời sống, không sơ lược hóa như trong huyền thoại mà đúng như nó đã và đang diễn ra khắp toàn cầu, kể cả đảo chính và khủng bố, có khi còn kinh khiếp hơn, như nhân vật chỉ được gọi là
Du weisst schon Wer.
Cũng có nghĩa là không có trí tưởng tượng nào bắt đầu từ chân không như ở phòng thí nghiệm.
Nhưng khi nhân vật giống hệt nguyên mẫu, gợi ra cảm giác ám chỉ thì đó là thất bại. Nó cũng giống như hình vẽ cơ thể người trong phòng khám ấy, kỹ đến từng khớp xương, mao mạch, nhưng không hề gợi cảm giác về sức sống như chẳng hạn màu da mu bàn tay người đàn bà trong tranh Renoir chưa nói tới tranh lập thể của vân vân. Mỗi một nhân vật, trong một tác phẩm thực sự, phải là tích hợp của rất nhiều nguyên mẫu, cấu thành từ trí tưởng và cả khả năng phân tích của người viết.
Thế nên tôi chẳng gặp khó khăn gì kể cả khi mang người quen ra làm người mẫu. Một phần như đã nói ở trên, tôi thường chỉ vịn vào đôi ba chi tiết rất đỗi vu vơ khi viết. Phần khác, khi đã thành nhân vật của tôi, dù đó là đàn ông hay đàn bà, già hay trẻ, tử tế hay chưa tử tế, thì trên đại thể, nhân vật đó chỉ là biến thể của Tôi - Người viết. Và người đọc sẽ tìm thấy một phần mình ở đó, dù có thể tiểu sử nhân vật chẳng giống bất kể ai ngoài đời. Nói như Nam Cao, tôi – là ông đấy - chỉ viết về tôi, cái mặt không chơi được, không dám viết về buổi hoàng hôn, cục đất, gã say hay con lợn, vì sẽ có người nhận mình là gã say, con lợn, cục đất, hay buổi hoàng hôn và dọa cho ăn bạt tai Có vẻ cực đoan, nhưng điều đó lại chỉ ra thực tế thành công của nghệ sĩ.
Duy nhất có một lần tôi phải băn khoăn về nguyên mẫu, đến mức suýt hủy bản thảo. Đó là khi viết “Trăng góa”.
- Bên cạnh mảng tản văn, bút ký và truyện ngắn chị còn viết một loạt những “truyện cổ hay truyền thuyết viết lại”. Là một sự ngẫu hứng hay là ý định từng được ấp ủ từ lâu? Và mục đích viết lại của chị là gì, nêu ra một cách nhìn khác, nhân văn hơn hay là đặt lại hoàn toàn vấn đề mà truyền thuyết gốc đưa ra?
Tôi vừa kể ở trên, truyện đầu của serie này ngẫu hứng từ một câu đột nhiên hiện ra trong đầu: “
Châu Long bước mải”.
Nhưng trong sáng tác, hình như ngẫu hứng thực ra là sự bùng nổ của một tích tụ về chủ đề, đề tài được ý thức tới một độ nào đó. Hoặc ngược lại, ý thức về một vấn đề khi tới một độ nào đó sẽ làm bật ra chủ đề và tư tưởng chủ đề. Đề tài có thể là của chung, chủ đề vẫn có thể là của chung, nhưng tư tưởng thì khác. Ở loạt truyện này, đề tài thật sự chỉ là phương tiện nhằm giải hoặc một số các giá trị tinh thần dân tộc mình tôn vinh. Và tôi viết lúc đầu là để tặng các cháu nhà tôi, sau nữa, như là lời thưa thốt lại với những đấng học trò cũ.
Ca sĩ Ái Thanh trong tiết mục văn nghệ tại buổi gặp gỡ
Đây là truyện ngắn, không phải là huyền thoại, là giải huyền thoại,
tuyệt nhiên không cùng cấp độ thể loại, do đó cũng không thể nói là nhân
văn hơn hay đặt lại vấn đề huyền thoại gốc đưa ra. Folklore là
folklore, nó đặt vấn đề, lý giải vấn đề theo cách nhìn dân gian, trong
buổi con người đang loạng choạng trên đường thành người hiện đại, với sự
ngây thơ tuyệt diệu chỉ có khi khoa học lý tính chưa phát triển.
- Từ lúc nào chị chuyển sang
viết tiểu thuyết? Điều đó đến một cách tự nhiên hay chị tự đặt ra đích
cho mình là phải viết một cái gì dài hơi hơn?
Tiểu thuyết, cũng như thơ, luôn luôn là một ám ảnh đối với người viết, do khả năng đặc thù của thể loại.
Thơ thì tôi có thể ngồi đồng tuôn ra cả trăm câu vần vèo kiểu kẹo kéo vừa dẻo vừa dai, nhưng thật sự tôi bất lực trước thơ.
Còn tiểu thuyết? Tự đặt ra cho mình mục đích viết tiểu thuyết thì tôi không có. Đây thực sự là chuyện nội dung tự đi tìm hình thức cho mình. Để bao quát cả một thời đại lịch sử, truyện ngắn không đủ sức, dù ở truyện ngắn thành công, bao giờ người đọc cũng thấy bóng dáng thời đại qua nhân vật.
- Chị có thể giải thích về tên gọi của cuốn tiểu thuyết này: tại sao lại là “Gió tự thời khuất mặt”? Và ngoài ra, vì sao hình tượng “gió” rất hay xuất hiện trong văn chị?
Khi đặt tên cho cuốn tiểu thuyết, tôi nghĩ tới không phải mình, mà là mấy thế hệ người Việt. Chị nói đúng, gió trong nhiều tác phẩm của tôi không dừng lại ở cấp độ hình ảnh, mà thật sự là một hình tượng.
Gió tự thời khuất mặt. Tôi muốn dừng lại ở hai chữ
khuất mặt đã không đến với tôi một cách tình cờ. Viết, tôi đã nghĩ tới mấy thế hệ người Việt trước hết là ở miền Bắc cứ thúc nhau dàn hàng ngang tiến. Nói như nhà thơ Lê Bi ở Mỹ “
những đứa trẻ hát đồng ca đi tới – đi chưa hết những cơn mưa hoang đường.”
Gió như là tác nhân của đổi thay, như là đồng hành của những xung động trong tâm hồn nhân vật.
Gió ám ảnh tôi còn vì tôi là bệnh nhân chuyên nghiệp nữa.
- Trong cuốn sách này chị viết về Hà Nội và những con người của nó vào khoảng từ những năm sáu mươi của thế kỷ trước. Những ngày tháng ấy, những con người ấy có điều gì khiến chị phải viết về?
Đúng hơn là viết về Hà Nội của thời tôi mới lớn, chưa kịp hăm hở hết mình đã rất hoang mang trước tương lai, không phải là cái gì to tát đâu mà là một ngày mai chưa kịp sống. Bạn hãy hình dung từng ngày phố biến đổi, không theo cái nhịp độ biến đổi hiện giờ ở Việt nam, mà là thế này, trong cái thời tôi, chúng tôi như cây sấu trẻ lần đầu hăm hở gió. Một ngõ vắng chợt đầy dần người buổi sáng vì đôi ba hàng ăn điểm tâm do cư dân trong ngõ mới bày ra, rồi dần biến thành chợ ngồi xổm. Một cô bạn kỹ sư bỏ công trình thủy điện sông Đà về loay hoay đi bán cháo lòng. Một tiến sĩ sinh học ngoài giờ lên giảng đường thì về nghiên cứu động tác quạt chả sao cho đỡ mỏi, đỡ tốn than, chả chín mà không tóp… Một bà mẹ bạn cực kỳ tinh tế, áo thêu là phải hoa rơi, một hôm quyết định tậu về con lợn con và hàng ngày đi xin nước gạo nuôi lợn trong nhà tắm… Hỏi làm sao chúng tôi không hoang mang trước ngày mai. Nói thật, hồi đó chúng tôi còn đùa học là để đẩy tương lai về phía trước. Ký ức về con người và năm tháng tuổi thơ được huy động chỉ là để phục hiện lại đúng khoảnh khắc thời gian lịch sử đó mà lứa tuổi tôi phải đi qua: tuổi trẻ thời hậu chiến.
- Tại sao chị lồng những đoạn thơ nhiều khi không liên quan gì đến nội dung vào đầu mỗi chương của cuốn truyện? Có phải là thơ của chị không?
Thơ thì thú thực là tôi “đạo” xong, đưa in mới thông báo. Tác giả là Đỗ Quang Nghĩa.
Nhưng tại sao anh chị lại cho rằng các trích đoạn đó nhiều khi không liên quan tới nội dung. Nếu ta xác định lại “Gió tự thời khuất mặt” không viết về quá khứ, mà là viết về cảm giác của một lớp người trẻ trong quá khứ, về ngày họ hằng sống và đã đi qua thì sẽ thấy khác. Cảm giác của lớp người đó cho thấy sự phá sản của một niềm tin vẫn được tụng niệm hàng ngày cho tới tận bây giờ, mà biểu hiện lúc đó là nỗi hoang mang, tuyệt vọng. Vì niềm tin bị đánh tráo.
Nam ca sĩ Kiều Lê
Những câu thơ được trích cho thấy nỗi hoang mang đó, và cả một ý thức cá nhân sâu sắc của nhân vật chính và bè bạn. Đặt chúng vào đầu mỗi chương, nó làm tan tác thêm cấu trúc trần thuật thường thấy trong tiểu thuyết Việt mà tôi đã cố tình xé nát, làm nặng lên cảm giác về thời gian không gian và con người.
- Không có một cốt truyện cụ thể rõ ràng, câu chuyện được dẫn dắt bởi hồi ức của nhân vật chính là Ngân, bút pháp này được gọi là “dòng ký ức”. Chị chủ động chọn cách viết này hay tự câu chuyện lôi chị đi theo? Chị có thể giải thích một chút về bút pháp này được không?
Chủ động chọn sau khi gạt bỏ các thủ pháp khác. Để viết có mấy trăm trang đó, tôi đã phải kì công đọc lại gần như trọn vẹn các tiểu thuyết của các tài danh thế giới. Vẫn thấy tuyệt vời, nhưng cũng thấy không phù hợp, trước hết vì nếu viết với kỹ thuật tái hiện thời gian lớp lang như thế, chia tuyến nhân vật chặt chẽ thế, tôi phải có điều kiện tra cứu, điều rất khó làm ở đây và càng khó làm với một quý đàn bà lấy chồng con làm trọng như tôi.
Khai mở kỹ thuật viết này là các nhà văn phương tây và những tên tuổi lớn nhất của trào lưu dòng kí ức cũng là những tên tuổi lớn nhất của văn chương thế giới: James Joyce, William Faulkner (tác giả “Âm thanh và cuồng nộ”), Marcen Proust. Nói về thủ pháp đặc trưng của một trào lưu trong một khoảng thời gian ngắn thì e sẽ đơn giản hoá vấn đề. Chỉ lưu ý: kỹ thuật viết này không phải để nhằm tái hiện ký ức của con người hay quá khứ của một cộng đồng, một dân tộc, mà là thông qua việc chối từ cấu trúc kể theo trật tự tuyến tính của thời gian nhằm tới việc phân tích tâm lý con người trong những tầng sâu chưa từng thấy, trong một không gian thời gian cụ thể. Từ đó, hiện thực sẽ được soi rọi từ nhiều góc độ và người đọc sẽ nhận diện được hiện thực đó sâu sắc hơn.
- Một tác giả Việt Nam cũng đã rất thành công trong bút pháp “dòng ký ức”, đó là Bảo Ninh. Có một vài đoạn văn trong “Gió từ thời khuất mặt” mà văn phong hơi giống “Nỗi buồn chiến tranh”. Chị có thấy nhà văn này có ảnh hưởng đến chị?
Tôi biết mình thích Bảo Ninh bậc nhất trong số các nhà văn Việt hiện đại, ngay khi đọc “Nỗi buồn chiến tranh”. Nhưng tôi không nghĩ mình chịu ảnh hưởng trực tiếp từ Bảo Ninh, dù xuất hiện sau. Có thể là điều kiện sống của chúng tôi, và nhiều anh chị có mặt ở đây có những điểm giống nhau do thời thế, và nó quy định một cách cảm nghĩ. Điều này không nhất thiết bó chặt trong một quốc gia hay một lãnh thổ ngôn ngữ. Chắc vì thế mà khi đọc bản thảo ”Gió tự thời khuất mặt” ông Nguyễn Mộng Giác đã hỏi tôi có phải tôi thích Kundera trong khi tôi chưa hề đọc tác giả này. Ngoài ra phải tính tới thể tạng cảm xúc gần nhau. Đọc Bảo Ninh, tôi tin là tôi và anh ấy có một điểm chung nữa là mê Erich Maria Remarque.
- Những nhà văn nào chị yêu mến và những ai có ảnh hưởng đến chị?
Nhà văn nhà thơ nào mà chúng ta đọc qua đều có ảnh hưởng tới ta hết, dù điều đọc được từ họ là dở hay hay. Có lần ông Vũ Thư Hiên và tôi gật gù với nhau rằng cứ ai làm mình đọc xong phát cáu thì người đó chính là người thúc được mình viết nhanh nhất.
Nếu rút gọn lại trong các nhà văn Việt Nam, thì theo nghĩa tích cực nhất, xa trong thơ có Vũ Hoàng Chương, và sau này có Thanh Tâm Tuyền, văn có Nam Cao và sau này có Võ Phiến, Dương Nghiễm Mậu, Trần Thị Ng. H., Nguyễn Thị Hoàng – một loạt các nhà văn nhà thơ ở miền Nam trước 75 mà mãi sau này tôi mới được đọc có hệ thống để lại dấu ấn hết sức đặc biệt với tôi. Còn trong thời chúng ta, có Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Quang Lập, Bảo Ninh, Nguyễn Việt Hà, Phan Thị Vàng Anh, tính lắt nhắt ra thì nhiều: người viết về đời sống miền núi hay có Đỗ Bích Thúy, miền Tây hay có Nguyễn Ngọc Tư. Chẳng hạn như gần nhất, tôi đang choáng váng với tiểu thuyết của Đỗ Phấn, Đặng Thân, tản văn của Trương Quý, thơ Đinh Vũ Hoàng Nguyên.
- Nếu phải nói về những điều hay và dở của các nhà văn Việt Nam nói chung và của các nhà văn nữ Việt Nam nói riêng thì chị sẽ nói gì?
Điều hay thì có mà gặp nhau mỗi tuần một cuộc nói cũng không hết. Xin chỉ nói điều dở của các nhà văn Việt, và tôi không loại trừ mình ra khỏi đó.
1. Thiếu hiểu biết thật sự về triết học nên dễ mua nước mắt nhưng khả năng khái quát hóa không cao.
2. Sa đà vào triết lý vụn lại tưởng cao siêu.
3. Hoặc sự học lỗ mỗ nên lấy kinh nghiệm sống loè người. Hoặc học hành bài bản nhưng thay vì tích lũy kinh nghiệm sống, tích lũy cảm xúc thì lo đi mượn. Và ít người thật sự quan tâm tới kinh nghiệm nghệ thuật. Nhà văn Việt không phải ai cũng chịu đọc nhau.
4. Đàn bà viết văn thì hay lắm điều nhiều lời.
- Các nhà văn hải ngoại có lợi thế và thiệt thòi gì so với các nhà văn trong nước? Với riêng chị, nếu còn ở Việt Nam chị có viết như chị đã viết?
So với nhau thì ai ở đâu cũng lợi hơn hoặc thiệt hơn điểm này điểm khác. Nghĩ mà xem, không vượt biên thì Du Tử Lê sẽ quẩn quanh với hình ảnh “con dế buồn tự tử giữa đêm sương”, tuyệt diệu, nhưng sẽ không thể có “Khi tôi chết hãy đưa tôi ra biển”, Mai Thảo có “Đêm giã từ Hà Nội” và rất nhiều tiểu thuyết, nhưng người đọc sẽ không có Mai Thảo thơ “Ta thấy hình ta những miếu đền”, nhà văn Lê Đình Điểu sẽ không thành thi sĩ Cao Tần hào sảng, bi thống trên nước Mỹ sau 1975 “Ta làm gì cho hết nửa đời sau”.
Nhưng người ở xa, thâm nhập được vào đời sống bản địa thì quan hệ với đời sống ở nhà sẽ lỏng lẻo hơn, ngôn ngữ nếu không chịu đọc sẽ khô dần mòn dần. Lấy ví dụ đọc những câu trong “Sát thủ đầu mưng mủ”, kiểu
đã dốt lại còn tỏ ra nguy hiểm, đã si đa lại còn xông pha hiến máu mà nhăn mặt thì e khó viết rồi đấy. Thế nhưng khi viết lại có được liên tưởng rộng trong một so sánh tự thân. Ngược lại, với người viết ở nhà. Nói như nhà Phật trong phúc ẩn họa, và ngược lại.
- Đợt gần đây rộ lên một cuộc tranh luận thế nào là trí thức và vai trò phản biện xã hội của trí thức. Với tư cách một nhà văn, có nghĩa cũng là một trí thức, chị có ý kiến gì về vai trò của trí thức nói chung và nhà văn nói riêng trong xã hội?
Hì, phải thống nhất với nhau thế nào là nhà văn? Nếu nhà văn là người có sách in ra thì họ không nhất thiết phải là trí thức. Tôi nói vậy bởi vì văn chương với người Việt, dù được dạy lập thân tối hạ, nhưng vẫn quyến rũ lắm và khối người muốn làm dáng bằng chữ. Và tôi cũng muốn nói thêm rằng tôi quan niệm trí thức là người không muốn dừng lại trên hành trình khai sáng cho mình, học vấn hay kiến thức chuyên ngành lớn chỉ là điều kiện cần, chưa đủ để làm nên gương mặt trí thức.
Không phải lúc nào trong giới trí thức cũng có những bậc đại trí thức kiểu Einstein, Sartre, hay Zola, để vừa phát minh ra chuyện năng lượng tự giải phóng làm tiền đề sản xuất bom hạt nhân lại vừa ra sức vận động chính trị ngừng chạy đua vũ trang, vừa kêu gọi trí thức dấn thân vừa ra trước thế giới nhận mình sai lầm khi dấn thân ủng hộ cộng sản và đứng ra lo cứu người vượt biển, vừa sáng tác theo lối tự nhiên chủ nghĩa vừa viết “Tôi tố cáo” ủng hộ Dreyfus, đòi chính trực không chỉ cho một con người, chống lại những âm mưu chính trị mang tính mị dân của cả một chính thể.
Nhưng cũng không nhất thiết phải là đại trí thức như họ thì mới được nói.
Có điều, cách lên tiếng không cần phải như nhau. Tôi tán thành Ngô Bảo Châu khi anh nhìn trí thức trước hết qua kết quả lao động của anh ta. Đó không phải thu hẹp tầm vóc trí thức thành chuyên gia, mà là xác định tư thế cần thiết để lên tiếng cho người trí thức, tránh được cái sự chẳng ra thợ chẳng ra thầy mà lại to miệng. Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng ý thức về xã hội, phản biện xã hội không được phép là đặc quyền của người lao động trí óc.
Văn học không phải là phương tiện để thương vay khóc mướn. Văn học có tính tiên cảm xã hội. Nhà văn nói bằng tác phẩm sao cho hay, sống sao cho tử tế một cách bình thường, như anh giáo Thứ của Nam Cao ấy, vừa run vừa đi đầu, có khi được nghe nhiều hơn là đăng đàn cầm micro đả đảo hay hoan hô.
- Với chị thế nào là một tác phẩm có giá trị, điều gì chị quan tâm nhất khi viết một câu chuyện hay một cuốn sách?
Giá trị của tác phẩm phải được xem xét trong thuộc tính của nó, mà trong đó có tính giải trí, khả năng gây ngủ. Xem xét điều này vậy là phải quay lại quan niệm văn học của từng nhóm đối tượng mà văn học hướng tới. Với riêng tôi, một tác phẩm đáng nói không nhất thiết phải được số đông bạn đọc đồng thanh ca ngợi, không nhất thiết phải dễ hiểu, nhưng nó có thể buộc người đọc buông sách và nghĩ tiếp, dù sự nghĩ đó cực nhọc, nhiều khi rất buồn.
Chụp ảnh kỷ niệm với BTC đêm giao lưu
Vì thế khi viết, tôi không tìm cách thuyết phục ai. Sau khi đọc xong, trong người đọc còn lại một chút gì, một cảm giác, một ý nghĩ, ngay cả khi đó là ý nghĩ đối nghịch với tôi, thì với tôi đó là thành công.
- Chị làm việc như thế nào? Theo một lịch trình quy định trong ngày hay theo cảm hứng? Cầm bút viết ra giấy hay gõ máy tính?
Chẳng theo cảm hứng hay lịch trình cụ thể, nếu nghĩ làm việc là ngồi vào bàn đọc hay viết. Rất nhiều truyện nguyên liệu ủ chín trong đầu, chán chê mới nấu nướng ra món. Còn nếu quên thì tặc lưỡi vậy là cái đó chưa thành ám ảnh, chẳng đáng gì. Gõ máy là việc tôi bắt mình tập, mặc dù ưa viết tay hơn, vì buổi đầu không chịu được cái tiếng lọc cọc của bàn phím. Nó phá mất cảm giác về ngữ âm. Nhưng cuối cùng thì cũng phải đi cùng thời đại chứ, mà lý do đầu tiên là vì chữ của tôi ai người Trung gõ lại bản thảo dễ sai dấu, lạc mất âm vang.
- Chị có hay cảm thấy bế tắc và bất lực không biết viết gì không? Những lúc đó chị thường làm gì?
Tôi đang bế tắc đây. Kéo tới gần 10 năm nay rồi. Hầu như không viết được truyện. Nhưng kệ nó. Đó là quá trình tích tụ lại mình. Nếu tích mãi vẫn không đầy để trào thoát ra cái gì đó có ý nghĩa thì buông thôi. Mà thú thật, tôi thích đọc hơn thích viết. Viết chỉ trong hai trường hợp: hoặc đọc thấy cái gì đó tuyệt diệu, và muốn mình làm được một chút gì như thế. Hoặc cáu vì đọc thấy một cái gì đó mình khó chấp nhận. Nhưng đây là sáng tác. Làm báo thì không thể lúc nào cũng được phép ngồi chờ cơn cáu tới.
- Trong “Gió tự thời khuất mặt” chị đã viết: “Và cũng sẽ đến cái ngày cô ta hiểu ra rằng dính vào chuyện văn chương chữ nghĩa là dính vào một trò chơi nguy hiểm, mà kẻ đặt cược vào chữ nghĩa thường là kẻ thua. Sẽ chuốc lấy cho mình những băn khoăn day dứt không có kết thúc. Sẽ tự làm mình rủi ro khi cứ cố phân tích bản thân, cố đi tìm mình trong bóng đời. Điều ấy, người đời sẽ hiểu ra thôi, rất nhanh. Chỉ cần một cơn bệnh trọng. Chỉ cần một lần mấp mé bên bờ sống chết.”
Văn chương đối với chị có ý nghĩa như thế nào? Vì sao chị viết?
Ý nghĩa của văn chương trên cuộc đời tôi thì chắc cũng không khác gì với bất kỳ ai mê nó.
Nếu còn đi dạy thì tôi vẫn có văn chương, theo một cách khác có lẽ nhẹ nhàng hơn là viết. Nhưng bây giờ thì thế đấy, tích rồi phải xả, viết thôi.