ÐINH VŨ HOÀNG NGUYÊN

Thứ hai - 26/03/2012 11:25

(NCTG) “Anh à, em nhận mess của anh, rất vui và ấm áp trong lòng! Những lúc này em chẳng biết nói gì cả! Chỉ biết là có những tình cảm anh em như thế thì phải sống sao cho là người tử tế” là những dòng cuối cùng mình nhận được từ Đinh Vũ Hoàng Nguyên, ngày 7-3 vừa rồi. Một con người rất tốt, rất lương thiện đã về với cát bụi, để lại sự trống vắng vô biên trong lòng bạn bè xa gần...


Ðinh Vũ Hoàng Nguyên - Ảnh: “Tuổi Trẻ”

Mình không được may mắn quen Ðinh Vũ Hoàng Nguyên như nhiều bạn trên Facebook (FB) này và cũng không vào FB của Nguyên đều đặn hàng ngày. Mỗi lần thấy note hay những message của Nguyên trôi lững lờ trên “nhà” mình, bao giờ mình cũng xem kỹ, hầu như bao giờ cũng like, nhưng comment thì họa hoằn thôi.

Trong mắt mình, trên những trang viết, blog hay FB, Nguyên là người thông minh nổi trội với óc hài hước, u-mặc vừa thâm trầm chua cay, vừa đẫm tình người và sâu sắc, rất hiếm thấy. Và mình nghĩ, điều đáng quý trong nụ cười mà Nguyên chia sẻ cho bè bạn, là ẩn sau đó, luôn có cái gì đấy day dứt, thậm chí căm giận và đầy dông tố.

Ngoài những ý tưởng độc đáo và nhiều khi khiến mình cảm thấy... khiếp đảm vì tại sao có người nghĩ ra những cái “quái” như thế, tất nhiên, Nguyên làm thơ, viết truyện ngắn rất hay, hào hoa, lãng tử - cái này thì nhiều nhà văn, cây bút nhà nghề đã đánh giá. Cũng là duyên nợ, nhân một truyện ngắn của Nguyên, hẳn là rất hay, nên mới có người bên này “đạo lại” và vì thế mình mới có dịp trao đổi lần đầu với Nguyên, cách đây cũng gần 1 năm rồi.

Kế đến, một lần khác, Nguyên nhắn hỏi mình Hải chiến Hoàng Sa 1974 tổn thất của Việt Nam Cộng Hòa là bao nhiêu chiến sĩ, vì Nguyên có bài thơ (*) cần chi tiết này mà Nguyên lại chưa có được thông tin chính xác. Dạo ấy mình đang đi xa, vào Net khó khăn, nên cũng không kịp giúp được gì cho Nguyên.

Lần cuối cùng, từ cuối tháng 11 năm ngoái, nhân sinh nhật 10 năm báo NCTG, mình đánh bạo nhắn xin bài của Nguyên. Nguyên rất lịch sự và chân tình, bảo rằng NCTG thì em thích lâu rồi, nếu mà có cái gì hợp thì em viết thôi, nhưng em thành thật là không dám nói gì anh ạ vì em cứ làm cái gì nghiêm túc là dở lắm, anh cứ thấy bài nào hợp, hay không thì anh cho đề... mà em thấy phù hợp thì em viết. 

Làm mình lại mở máy một tràng, rằng cứ hết sức thoải mái thôi, muốn viết đề tài gì, thể hiện ra sao, quan điểm thế nào... cũng được, mà “nhảm nhí” như Ðinh Vũ Hoàng Nguyên style thì càng quý. Nguyên bảo Nguyên hiểu mà, và cứ ghi nhớ như thế... Rồi hơn nửa tháng sau, Nguyên nhắn thằng cu nhà em đang ốm nên em ít thời gian quá, nếu viết kịp thì em sẽ góp cho vui, chứ không biết có phù hợp với tiêu chí của báo mình không nữa, v.v... 

Trong những bận trao đổi chớp nhoáng ấy, Nguyên không một lời phàn nàn về bệnh tật của mình và mình thì vô tâm, cũng không hề hay biết. Ðến hẹn lại lên, cuối năm ngoái, mình lại PM nhắc Nguyên lần nữa, rất... trơ tráo..., dai như đỉa, đâu biết Nguyên đã lâm trọng bệnh như bây giờ. Nên những tin nhắn ấy đã không có lời đáp...

Nhắc lại những kỷ niệm (rất mỏng, rất thưa thớt) này với Nguyên, mình muốn nói rằng, cuộc đời là như thế: có những cái hôm nay mình thấy bình thường thì vài tháng sau, thậm chí vài ngày sau, vài giờ sau đã có thể trở thành quá khứ, thành ký ức, kỷ niệm. Chuyện ấy, có thể xảy ra với bất cứ ai, với mình, với các bạn, hay với Nguyên - không ai có thể nói trước được điều gì.

Mấy bữa nay, thấy các bạn thân thiết của Nguyên nhắc nhiều đến Nguyên, nhìn những tấm ảnh Nguyên trong viện, mình thấy xót xa cho Nguyên và gia đình, cháu nhỏ. Nhưng biết rằng Nguyên là người nghị lực có thừa, hay nói như anh Mai Kỳ, Nguyên là thế - “lạc quan và bản lĩnh, biết bệnh, hiểu bệnh” và kể cả nếu ông trời bắt phải từ bỏ cuộc đời này, Nguyên cũng “bình thản ra đi” - mình chỉ muốn nhắn Nguyên rằng: bằng mọi giá, hãy ở lại nhé!

Mình đã quên từ lâu, “món nợ” báo chí bài vở vớ vẩn, và sẽ không bao giờ hạch sách đòi hỏi giục giã Nguyên nữa...

Và mỗi sáng mỗi tối, sẽ thành tâm cầu nguyện cho Nguyên, bằng cách và khả năng của mình...

*

Những dòng trên đây, mình viết vào hôm 27-2, ngay sau khi nghe tin Nguyên bị bệnh hiểm nghèo. Từ đó, mình cũng chỉ là một trong hàng ngàn, hàng vạn người bạn trên mạng Internet của Nguyên, hàng ngày mong ngóng tin từ nơi xa, với tâm nguyện là, biết đâu, một điều kỳ diệu gì đấy sẽ xảy ra với bạn.


Những ngày cuối của Nguyên, bên con trai (Bệnh viện Y học Dân tộc, Bộ Công an) - Ảnh: Nguyễn Lân Thắng


Bất ngờ thay, giữa những cơn đau, Nguyên vẫn còn sức, thi thoảng tung ra một status hóm hỉnh như thường lệ lên FB khiến bạn bè mừng rỡ với những hy vọng rụt rè. Nguyên cũng nhắn tin cho mình, hai anh em hẹn gọi điện, trò chuyện với nhau vào chiều 7-3, nhưng mình gọi không được. Sau đó còn vài lần nữa, cũng không thành, mình đoán chắc khi đó Nguyên mệt. Thực ra, nghĩ lại, nếu gọi được cũng chắc mình đã biết nói gì, cùng lắm là nghe giọng nhau...

Thế rồi, sinh nhật Nguyên. Sáng sớm tỉnh dậy ở bên này, vừa rờ đến điện thoại định nhắn tin chúc thì bàng hoàng trước một sms của người bạn ở nhà, báo tin Nguyên đã ra đi. Mở máy tính, đọc những dòng nhắn của anh Mai Kỳ: “Nguyên đi 2 giờ 30 sáng nay rồi! Nó nhẹ nhàng ra đi, dù biết mọi người luôn yêu thương nó. Nó gửi lời chào và xin được cám ơn anh em xa gần”.


Sáng mai, gia đình và bạn bè tiễn Nguyên về cõi vĩnh hằng. Bọn mình, cách xa Nguyên nửa vòng trái đất, chỉ biết từ giã Nguyên qua những dòng này. Nguyên à, người Hungary có câu: “Ký ức và tâm hồn còn lại mãi mãi, chỉ người bị quên lãng mới thực sự chết” (A lélek és az emlék örök, csak az halt meg, akit elfelejtenek). Mọi người sẽ nhớ Nguyên, chắc chắn thế, một huyết cầu của Tổ quốc, một người vừa đi qua phố rạng sáng hôm ấy...

“Hãy cháy lên một ngọn nến
Cho những người không thể ở đây
Cho những người mà tinh thần chúng ta luôn gìn giữ
...
Hãy cháy lên, và chúng ta muốn
nó đừng bao giờ tàn lụi
Hãy cháy lên, suốt cuộc đời chúng ta...” (**)

Mình sẽ châm một ngọn nến để vĩnh biệt Nguyên, một người bạn chưa từng gặp mặt!

Ghi chú:

(*) Bài thơ “Những huyết cầu Tổ quốc”:

Xin lỗi con!
Khi hôm qua ôm con
Có một phút giây, ba chợt siết con vào lòng hơi mạnh
Ba làm con đau!

Bởi hôm qua
Ba đọc câu chuyện về đồng bào mình – những huyết cầu Tổ quốc.
Máu lại tuôn…, xô dập, mảnh ván tàu…
Con ơi
Ba sẽ kể con nghe
Câu chuyện những ngư dân
Đang hóa thân thành hồng cầu
để Trường Sa, Hoàng Sa
Vẫn là thịt trong huyết hình Tổ quốc.

Con phải khắc tâm
Câu chuyện những bạch cầu:
là 58 người lính Việt Nam chết giữa Hoàng Sa.
là 64 người lính Việt Nam chết giữa Trường Sa.
Những con số sẽ không là con số
Khi ngẩng đầu: Tổ quốc 4.000 năm.

Mỗi con đường – mạch máu đất nước mình
Vết thương đạn bom vừa yên trong đất
Vọng phu còn trên nét mặt mồ côi.
Nhưng những mũi tàu vẫn xẻ trùng khơi
Nơi sóng rẽ cũng là nơi máu chuyển
Và trong mỗi người Việt mình có mạch máu nối liền với biển
Mạch máu này con phải thấy bằng tim
Nếu một ngày sóng nộ, cường lên
Giữa lòng Việt bốn nghìn năm cũng dậy.

Thứ lỗi cho ba
Khi bài thơ đầu đời cho con, không thể bình yên!
Kẻ thù lăm le cướp biển nước mình
Đất nước bốn nghìn năm trên sóng.
Đừng quên: sau lời thề, lông ngỗng…
Giai nhân, huyết ngọc đổ bên trời.

Một ngày
Khi con nếm trên môi,
Con sẽ thấy máu mình vị mặn.
Bởi trong máu luôn có phần nước mắt
Ta hiểu căm thù, ta biết yêu thương.

Con sinh ra rạng rỡ một huyết cầu
Của đất nước bốn nghìn năm không ngủ
Để điều này lớn lên con hiểu
Bây giờ, ba phải kể cùng con.

(**) Ca khúc “Những ngọn nến” (Gyertyák, 1982) của ban nhạc Hungary “V'Motor-Rock”.

Nguyễn Hoàng Linh


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn