NÀY, CÓ GIANG TRANG

Thứ năm - 01/03/2012 22:33

(NCTG) Có những lúc “cười với âm u” giữa một Hà Nội nắng bàng hoa nắng sấu như Đinh Vũ Hoàng Nguyên viết, bất chợt thấy mình băn khoăn ngày đó đêm nghe tiếng đại bác người ta cảm Khánh Ly qua Trịnh Công Sơn như thế nào? Có giống mình, giữa một ngày xứ sở mình thôi đánh nhau?


Giang Trang trong đêm diễn “Lênh đênh nhớ phố” tối 28-2 tại L’Espace (Trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội) - Ảnh: Bích Ngọc

Có những lúc nhìn những mùa thu đi đã biết ngày sau sỏi đá giữa một châu lục khác nắng trong mà không sao có được cái màu vàng nặng ẩm của những ngày Hà Nội ấy, hay giữa trời tuyết rơi, nghe Trịnh, câu hỏi ấy trở về.

Rồi biết, Trịnh Công Sơn là của tất cả, của Khánh Ly, của Lệ Thu thời đang chiến, của Thanh Hà, Sĩ Phú, Thùy Dung, Hồng Nhung Bống, Thanh Lam, Mỹ Linh, Quang Dũng, của những ông tây mê ta… xa, gần, những mãi về sau.

Trịnh của Lệ Thu ấm và tối, có khả năng mê mị, nhưng vẫn có thể dứt mình ra. Mỹ Linh, với Trịnh, không có và không cần phải có tâm thế trầm tĩnh ưu phiền của thế hệ Lệ Thu, giọng cũng không sâu dày như thế, nhưng cũng có cái gì tối ấm, hình như chưa thể thăng hoa. Thùy Dung, không giống như mình hình dung về du ca. Hồng Nhung trong sáng, nhưng Trịnh Công Sơn dường như chưa bao giờ nhẹ nhõm. Thanh Lam dục tính tràn trề. Trịnh Công Sơn không sướt mướt nhưng hình như chưa bao giờ phồn thực. Sĩ Phú mềm mại quá. Quang Dũng cẩn trọng quá. Đàm Vĩnh Hưng e chừng đơn giản hóa Trịnh Công Sơn…

Mỗi người một kiểu. Ca sĩ hát mà lại chẳng hay à. Có điều riêng với nhạc Trịnh, ai hát không ra cái chất mình cảm được thì tự mình làm ca sĩ, lên cao thất thanh xuống trầm mất hút, ừ, vẫn thấy hay hơn.  

Lại nhớ một chiều ngồi góp lời trong tư cách dân ngoại đạo với người có đạo – ca sĩ Vũ Dậu - người có chất giọng làm cho cái thời nửa nước còn trông lên Trường Sơn chờ bão nổi lên rồi bớt căng hơn. Chiều ấy hết chiến tranh, Akai cũ to như hòm lương khô đã nhiều nhà có ngày đêm kéo Khánh Ly băng cối rệu rão hết cả. Vũ Dậu nói nhạc Trịnh không khó hát về kĩ thuật, nhưng ca sĩ Hà Nội không thể hát được. Không thể hát cho ra Trịnh, cho ra cái tâm thế của miền đất ấy thời ấy, thời cả nước phải chia sẻ cùng nhau nhưng không hẳn đã là biết cho nhau. Mình hiểu vậy. Không biết ca sĩ Lệ Quyên lúc đó đang rất nổi với chú bé trèo cành me với cô bé nhòm qua khelắng nghe của Trần Tiến nghĩ gì, nhưng thấy cũng gật đầu.

Sau này, nghe nhiều Trịnh Công Sơn, trong những hoàn cảnh không thể nào khổ vẫn còn vô tư lự nữa, mới tự giảng được cho mình. Rằng cái thiền ở Trịnh Công Sơn không hoàn toàn tĩnh tại, cái sầu muộn ở Trịnh Công Sơn không ẻo, cái giản dị ở Trịnh là biểu hiện dĩ nhiên của sự lịch lãm chỉ có ở người từng trải chữ nghĩa. Ở Trịnh có sự thống nhất sâu sắc tinh thần trí thức và nghệ sĩ, điều không hẳn lúc nào cũng thấy trong giới hoạt động nghệ thuật Việt Nam chẳng cứ thời nào.

Hát cho ra được Trịnh, cho ra cái chất đó của một nghệ sĩ cạn mình với thời đại của mình, đâu dễ. Muốn thế, ca sĩ đâu phải chỉ cần có giọng và đôi ba phút ma làm. Ca sĩ cần, cùng với giọng, là một tình yêu cũng hệt như thế với đời sống này, là một bản lĩnh văn hóa ngang tầm nhạc sĩ. Cái duyên giữa Trịnh với Khánh Ly phải chăng là khởi từ đây. Ngẫu nhiên đẩy ngã đánh đùng một cái vào nhau, lấy đâu ra ở đời cái duyên làm nên tuổi tên như thế.

Và khi đó, hát Trịnh cuối cùng là hát lên cái Tôi của mình, chứ không phải thay ông hát cái Tôi của ông. Thay làm sao cho được. Mình thích Khánh Ly là vì thế, vì cái Tôi Khánh Ly quạnh quẽ mà không rã rượi; ưu phiền một cách sang cả; tự tin, trong đau và trong vui, không chỉ với một nhạc Trịnh Công Sơn, nhưng trước hết và trên cùng là với Trịnh Công Sơn.

Và còn vì, nói rất nhỏ thôi, vì cách nhả chữ của Khánh Ly. Rất Hà Nội. Không phải gốc Hà Nội, không thể nào có cách nhả các âm mở hay các âm bắt đầu bằng nguyên âm sáng và nhẹ  thế. Nghe thử lại mà xem, giả dụ, một “em” thôi. Nhìn những mùa thu đi em… Em qua công viên bước chân âm thầm… Nơi em về trời xanh không em… Hạ trắng trên vai em gầy đường xa áo bay…

Và bây giờ, hoàn toàn khác, không điêu luyện bằng đâu, không khàn khàn mê đắm và ma quái.

Mà trong vắt, tinh mẫn, mộc, mộc chứ không phải là mộc mạc, Trịnh Công Sơn đã có một Tôi khác hát mình.

Rất Hà Nội.

Không lẫn với một ai.

Nhà văn Lê Minh Hà, từ Berlin


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn