Tác giả Phan Hà Dương - Ảnh do nhân vật cung cấp
Tôi xa Hà Nội khi vừa đọc xong “Cám dỗ cuối cùng của Chúa” (1).
Tôi muốn hỏi một câu, chỉ một câu thôi, mà không kịp.
Mùa đông đã sập đến, một mùa đông không tuyết. Tôi chỉ là một con bé con rất tẩm, mặc xù xù cái áo bludong bên trong và khoác luôn cả áo dạ bên ngoài, trong lớp học vẫn để y nguyên như thế, hệt như khi ở Việt Nam, càng vào lớp, càng ngồi lâu càng lạnh. Lạnh cứ như thế gió của những sớm tinh sương của tất cả các con phố Mouffetard, Cardinal Lemoine, Monge, Jussieu vẫn còn nguyên trong ngực.
Đêm đông, tôi ngồi một mình trong ga metro vắng lặng. Tôi đã không xem được “Cám dỗ cuối cùng của Chúa”. Tôi đã chờ mãi cả tuần, tôi đã ngồi cả tối dán mắt vào ti vi ở nhà chị, hóa ra người ta chỉ giới thiệu các bộ phim thôi, làm gì có phim đâu. Đêm đông khi tôi đang co ro trên ghế sắt, tiếng hát của người hát rong da đen cất lên, dội thẳng vào lồng ngực tôi hơi ấm, tiếng rung
Strangers in the night exchanging glances
Wond'ring in the night what were the chances
We'd be sharing love before the night was through.
Something in your eyes was so inviting,
Something in your smile was so exciting,
Something in my heart, told me I must have you. (2)
Tôi đã không kịp hỏi bạn tôi, chỉ một câu thôi. Trên bến tàu xưa ấy, trong tiếng rung ấy, tôi hiểu rằng tôi đã không kịp hỏi bạn tôi. Bạn tôi đã nói: “
Dương đọc “Cám dỗ cuối cùng của Chúa” chưa?”. “
Chưa”. “
Cũng của Kazantzakis đấy”. Cũng của Kazantzakis đấy, tôi biết lắm, nhưng sau Zorba (3) tôi đã không đọc sách một thời gian dài.
Mùa đông là giữa học kỳ một, tôi đã học đuổi, như điên. Cả mùa đông ấy học, học, và chỉ học. Suốt hai tuần nghỉ Noel, tôi học, và xót xa cho từng ngày từng giờ trôi qua. Cả người bỗng trở nên rỗng tuếch, chỉ để cho kiến thức chui vào.
Đêm Noel, dứt mình khỏi việc học, tôi đi cùng anh chị và bạn bè đến Nhà thờ Đức Bà.
Đông nghịt. Chúng tôi đã chờ đợi, đã len vào theo dòng người, và cuối cùng đã kẹt lại ở góc bên phải, bên một cái cột tròn có chân cột hình vuông. Xung quang chật kín, những người cao lớn. Tôi may mắn đứng được chân phải gá gá lên bệ cột, cái góc nơi hình vuông trồi ra so với hình tròn, và vòng tay ôm được một nửa vòng tròn, chân trái và tay trái thõng xuống lơ lửng.
Tôi đã đứng suốt hai tiếng đồng hồ như thế, không còn cảm giác về chân tay nữa. Chỉ còn câu hỏi ấy hòa trong tiếng hát, tiếng hát từ đâu lan tỏa lấp đầy khoảng trống mênh mông mênh mông trong tôi.
Tôi nhìn lên đội hợp xướng, những thanh niên trong bộ choàng trắng. Tuy rằng họ ở khá xa, nhưng tôi vẫn có thể nhận ra những cảm xúc trên gương mặt họ, vẫn có thể nhận ra ánh mắt họ. Và rồi, từ lúc nào tôi bỗng bị thu hút bởi vẻ thanh tú thánh thiện của một chàng trai dong dỏng cao. Tôi không còn nhìn ngắm buổi lễ nữa, và chỉ nhìn vào đôi mắt ở xa ấy. Tất cả xung quang như nhòe đi, chỉ một đôi mắt ấy, khi thật gần như thể cả ánh mắt ấy đã nằm trọn trong ánh mắt tôi, khi mờ xa bỗng nhiên không thể nắm bắt, bỗng nhiên hòa vào với gương mặt, hòa vào với bộ áo choàng trắng, hòa vào dàn hợp xướng, hòa vào hương nến của cả nhà thờ. Tôi muốn nắm bắt ánh sáng ấy, với tất cả tâm trí mình. Và tôi bỗng tin rằng nếu tất cả tâm trí mình hướng đến một ánh sáng thôi thì nó sẽ đủ sức làm rung động ánh sáng ấy, và nó sẽ được đáp lại. Tôi đã không ngỡ ngàng khi ánh mắt ấy hướng về phía tôi, dường như đó là một sự thật, một sự thật tất yếu sẽ phải đến. Từ tận xa trên cao ấy, ánh mắt ấy đã nhận ra ánh mắt tôi, hay nhận ra tâm trí tôi, để cuối cùng đã hướng về phía tôi, từ khi ấy cho đến bài hát cuối cùng của dàn hợp xướng, trọn vẹn. Tôi thầm cảm ơn khoảng cách mà tôi không thể vượt qua, chỉ ở khoảng cách này, tôi mới có thể dõi ánh nhìn của mình mãi mãi về một hướng ấy, chỉ ở khoảng cách này, giờ đây, tôi mới có thể để ánh mắt mình trọn vẹn ngập trong ánh mắt ấy.
Những bài thánh ca đã vang lên, những bài thánh ca đến từ đâu, tôi không biết. Âm thanh nào lan tỏa trong tôi, tôi không biết. Chỉ còn là một ánh sáng choàng ngợp người tôi.
Choàng ngợp tôi suốt Noel đầu tiên của tuổi hai mươi.
Ghi chú (của NCTG):
(1) Tiểu thuyết viết năm 1953 của Nikos Kazantzakis (1883-1957), tiểu thuyết gia, thi sĩ, nhà soạn kịch và triết gia người Hy Lạp, một trong những nhà văn Hy Lạp được dịch nhiều nhất trên thế giới. Ðã được đạo diễn Martin Scorsese dựng thành phim năm 1988.
(2) Lời ca khúc nổi tiếng “Người lạ trong đêm” (Strangers In The Night).
(3) Tác phẩm “Zorba the Greek” (bản tiếng Việt: “Alexis Zorba – Con người hoan lạc”, Dương Tường dịch).