CHUYỆN “HẬU TRƯỜNG” CỦA CÁC NHÀ BÁO NỮ XỨ TA

Thứ bảy - 03/12/2011 11:11

(NCTG) Làm báo (truyền hình) đã nhiều năm, tiếng thế nhưng mình cũng chỉ “ngồi nhà” biên tập tin quốc tế là chính, chứ ít có dịp đi tác nghiệp ở “hiện trường”. Nhưng chừng ấy năm trong nghề và qua quan sát học hỏi từ các đồng nghiệp, cũng xin chia sẻ đôi điều về chuyện “hậu trường”, mà cụ thể ở đây là chuyện ăn mặc, bếp núc của các nữ ký giả khi đi tác nghiệp, nhất là khi đi công cán ở nước ngoài.


Tác giả trong chuyến tác nghiệp tại Washington (Hoa Kỳ, tháng 3-1998) - Ảnh do nhân vật cung cấp

Kỷ niệm “đáng nhớ” gần đây nhất của mình về chuyện phục trang hành nghề là vào hồi giữa năm 2009, khi đi làm tin về Hội nghị Bộ trưởng ASEAN tại Hà Nội,  diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Mỹ Đình). Mình phải đi xe máy từ nhà đến cơ quan, rồi từ đó đi xe của Đài (cùng với quay phim và thiết bị) tới hội nghị. Bình sinh, mình là người tương đối cẩn thận trong ăn mặc, và thông thường với một sự kiện như vậy mình sẽ ăn vận trang trọng hơn, nhưng hôm đó, giữa tiết trời nắng nóng gay gắt, không hiểu sao mình lại “tự tin” và giản dị với bộ quần “bò”, áo “phông” (tất nhiên là áo có cổ bẻ), và “xỏ ngón” đôi guốc thấp. Tới “hiện trường”, chả mấy mình đã ngộ ra sự lạc lõng về phục trang của bản thân, nhất là giữa nhóm đồng nghiệp truyền hình (vì Việt Nam là truyền hình chủ nhà nên cắt cử khá đông phóng viên tới hội nghị). Trung tâm Hội nghị Quốc gia thì rộng, phải di chuyển nhiều, kết cục là bữa đó bộ trang phục “đời thường” của mình đã được trình diễn kha khá, trước nhiều ánh mắt chắc là không được thiện cảm cho lắm, nhất là của “sếp”. Tin làm xong về phát là xong, nhưng cái cảm giác ngượng ngập, day dứt thì còn mãi…

Là các biên tập viên thời sự quốc tế, thường ngày bọn mình đi làm với trang phục khá thoải mái, không gò bó. Nhưng khi đi làm tin bên ngoài, chắc chắn không thể đơn giản như thế. Đối với các chủ đề “đời thường”, phục trang của phóng viên có lẽ chỉ cần tuân thủ nguyên tắc “trang nhã và phù hợp với bối cảnh và nội dung tin, bài”. Còn đối với các đề tài trang trọng hơn, phóng viên cũng cần ăn vận đúng nghi thức hơn. Theo mình thì nghi thức đơn giản, dễ nắm bắt và dễ được thừa nhận nhất ở đây có lẽ vẫn là âu phục - ngoại trừ một số rất ít trường hợp hết sức đặc biệt, còn thì trang phục dân tộc truyền thống (áo dài) tỏ ra không phù hợp với vai trò của người nữ phóng viên.

Đối với phóng viên truyền hình, luôn phải chuẩn bị cho khả năng xuất hiện trước ống kính trong những đoạn “dẫn hiện trường” - và kể cả đối với phóng viên báo viết, báo mạng nếu có ý định xuất hiện trên ảnh -, việc chăm lo cho hình thức và phục trang khi đi tác nghiệp là điều không thể thiếu. Để có thể “hiện diện” một cách khả dĩ nhất, trong hoàn cảnh không có điều kiện đầu tư nhiều cho trang phục, có lẽ nên “quán triệt” nguyên tắc “ưu tiên chất lượng” - tập trung cho một bộ “tiêu chuẩn” thay vì nhiều bộ “đại trà”. Với các phóng viên nữ, việc chăm sóc ngoại hình còn phức tạp hơn vì phải thêm khâu trang điểm. Nhưng có lẽ cũng không nên nặng nề vấn đề này, vì thực ra phóng viên khi xuất hiện nên thu hút khán giả bởi phong thái (và nội dung chuyển tải) hơn là ngoại hình đơn thuần.


Cùng các nhà báo ASEAN tại Bắc Kinh (Trung Quốc, tháng 10-2009)

Khi đi công tác xa, nhất là đi tác nghiệp ở nước ngoài, các nữ phóng viên phải “lo” lắm việc hơn rất nhiều so với các đồng nghiệp nam. Về mặc, các “chàng” có khi chỉ cần một bộ comple, vài chiếc sơ-mi cũng xong. Còn các “nàng”, thôi thì đủ thứ. Riêng về trang phục cũng đã nặng gánh hơn, vì bị để ý hơn, và vì áp lực “mới mỗi ngày”. Có một “mẹo” nhỏ ở đây là “phối chéo”, tức là tận dụng tối đa các kiểu kết hợp để đa dạng hóa phục trang, trên cơ sở một số lượng tối thiểu đơn vị trang phục. Trang phục nên chọn chất liệu ít nhàu, và khi đóng gói hành lý cũng cần lưu ý xếp đồ phẳng phiu ngăn nắp, áo “vét” cần gấp đúng cách (lộn trái áo và lồng hai vai áo vào nhau), khi đến nơi nên dỡ đồ treo lên mắc ngay. Có một bí quyết đơn giản giúp làm quần áo phẳng lại như… được là hơi: xả nước nóng đầy bồn tắm rồi treo đồ bên trên. Giày dép, phụ kiện nên tính sao để mang ít nhất và nhẹ nhất mà hiệu quả sử dụng cao nhất. Ngoài ra, các vật dụng thiết yếu như máy sấy tóc, bàn là,… cũng cần phải lưu tâm vì không phải khách sạn nào cũng có. Còn một vấn đề, do thay đổi môi trường, khí hậu, đồng hồ sinh học… nên có thể nhiều “chu kỳ” cũng sẽ thay đổi, phải dự phòng khả năng này. Mình đã từng bị như vậy, từng phải cầu viện các bạn người bản xứ vì nơi ở rất biệt lập, chả biết đằng nào mà xoay xở (!).

Chuyện ẩm thực của các ký giả khi đi tác nghiệp báo chí ở ngoại quốc cũng là vấn đề. Trong nhiều trường hợp, họ phải chuẩn bị và mang theo đồ ăn thức uống từ nhà, ngoài lý do khẩu vị và tiết kiệm chi phí (chế độ công tác phí của nhà nước ta ở mức nào thì ai cũng biết), còn là để tiết kiệm thời gian và chủ động hơn. Chẳng hạn đối với các phóng viên truyền hình, ngoài viết bài, còn phải lo dựng hình và gửi hình để cập nhật liên tục cho các bản tin, nếu không thu xếp ổn thỏa và khoa học chuyện hậu cần sẽ không đủ thời gian và sức khỏe để hoàn thành công việc. Ở khâu này, một lần nữa áp lực đối với các nhà báo nữ chắc chắn cũng nhiều hơn so với các nhà báo nam. Mình đã từng chứng kiến nhiều nữ đồng nghiệp phải lo liệu đủ thứ khi đi công tác, từ gạo, mỳ, thực phẩm, rau củ, hoa quả, cho đến nồi cơm điện, bát đũa, dao dĩa… Mà đã lo thì cùng một công lo luôn cho đồng nghiệp quay phim (thường là nam). Rồi sang đến nơi lại phải chịu trách nhiệm về “bếp ăn”, cũng là để phục vụ bản thân là chính, người ké vào chỉ là “thêm bát thêm đũa”… Cá nhân mình chưa lâm vào hoàn cảnh phải “đứng bếp” khi đi công tác như thế bao giờ, nhưng với những chuyến đi ngắn ngày vất vả, mình luôn phải phòng thân một hộp sữa bột Ensure và thuốc bổ để đảm bảo không bị kiệt sức (các bạn có thể lực tốt và không khó ăn uống như mình chắc không đến nỗi thế!).

Mỗi chuyến đi thật là vất vả với rất nhiều “trọng trách”. Nhưng gần như chưa thấy ai nói lời thoái thác. Được giao nhiệm vụ là hết thảy lại hăm hở lo toan lên đường, với tất cả nhiệt huyết của tuổi trẻ, và cả tuổi không còn trẻ nữa.

Thu Thủy, từ Hà Nội


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn