KENG: “ĐỌC “MUỐN CHẾT” ĐỂ THẤY MUỐN SỐNG VÀ TRAO ĐI YÊU THƯƠNG…”

Thứ sáu - 07/10/2011 23:12

(NCTG) “Tôi viết về những khía cạnh thực đến trần trụi của cuộc sống hiện đại đến nỗi nhiều độc giả may mắn có cuộc đời tròn trịa, viên mãn, ấm êm không tin rằng xã hội chúng ta đang sống lại có những mảng tối đen đúa và bi đát đến vậy” – tác giả trẻ Keng (Đỗ Thị Thùy Linh) chia sẻ.


Nhà văn Keng trong buổi ra mắt sách tại Hà Nội

Chiều 6-10-2011, tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia (87 Láng Hạ, Hà Nội) đã có buổi ra mắt cuốn sách “Muốn chết” của Keng.

Nếu “Dị bản”, “Hồng gai”, “Đôi mắt không còn ướt nước” được Keng viết về chủ đề tình yêu và tính dục  thì “Muốn chết” lại đả động tới một đề tài hoàn toàn khác: bạo hành trẻ em trong gia đình.

PV NCTG đã có một cuộc trò chuyện với tác giả Keng ngay sau khi buổi ra mắt sách kết thúc.


Tác phẩm thứ tư của Keng

PV: Hà Nội mưa suốt cả tuần nay, hôm nay chị cũng biết là vẫn có mưa nhiều, sao chị lại quyết định tổ chức ra mắt sách tại Hà Nội trong mùa mưa bão thế này?

Keng: Mưa bão đến ngoài dự tính thôi! Vì buổi ra mắt sách hôm nay đã được lên kế hoạch ngay từ khi cuốn sách được phát hành trên toàn quốc. Nói đúng ra,  khi thời tiết Hà Nội xấu đi thì bên Công ty Thái Hà Books cũng tính đến phương án rời ngày ra mắt sách sang tuần sau. Song cuối tuần này tôi phải bay vào Sài Gòn rồi, nên không thể có “plan B” được.

Thế nên dù mưa gió bão bùng thì buổi giới thiệu sách hôm nay cũng là định mệnh không thể thay đổi được. Dầu mưa bão nhưng buổi giao lưu hôm nay cũng cho tôi thấy được tình cảm nồng nhiệt của độc giả Hà Nội dành cho mình. Khiến tôi cảm thấy rất ấm áp trong khi ngoài kia trời đang lạnh.

PV: “Muốn chết” là một tác phẩm nói về bạo hành trẻ em và đích nhắm đến là các bậc phụ huynh. Nhưng tại đây tôi thấy toàn là các bạn trẻ chưa có gia đình. Vậy chị có dự định như thế nào để thông điệp của chị đến đúng đối tượng?

Keng: Dự định thì giản dị lắm! Các bạn trẻ đọc xong, sẽ vô tình hay cố ý để cha mẹ đọc được chẳng hạn. Các bậc phụ huynh chẳng may bị hay phải đọc “Muốn chết” sẽ vì thông điệp “ngạo nghễ” của nhân vật “người con” trong sách mà dẫn đến việc tranh luận hoặc truyền miệng lẫn nhau, tạo nên tâm lý tò mò khiến người chưa đọc tìm đến với tác phẩm.

Nói tóm lại, tôi tin kiểu gì cuốn sách cũng sẽ đến đúng đối tượng độc giả mà tôi có thể chia sẻ, hoặc đồng cảm được với tôi. Bởi sách thực sự mang một thông điệp rất trực diện!

PV: “Muốn chết” là một câu chuyện dài và những bất hạnh mà chị đặt lên vai nhân vật chính có quá nặng lắm không?

Keng: Những bất hạnh của nhân vật trong “Muốn chết” là một chuỗi logic nhân quả. Bất hạnh sau nảy mầm từ những xô đẩy của bất hạnh trước, kết thành một sợi dây trói buộc nhân vật trong những nỗi đau khởi nguồn từ thơ ấu. Nên tôi không nghĩ đến cái “nặng”, tôi chỉ cho rằng nó bó “chặt” toàn bộ tâm hồn nhân vật vào một không gian chật chội, tức thở, tăm tối và không biết phải thoát ra bằng cách nào.

Cái nặng trên vai ít ra có thể được hóa giải được bằng một động thái giản đơn kiểu “quẳng gánh lo đi mà vui sống”. Song khi ta bị trói, bị lèn chặt trong mớ hỗn độn bất hạnh, chạm đâu cũng thấy đau thương, thì ta chắc chắn sẽ bế tắc. Và chính tôi cũng bế tắc với cuộc đời nhân vật nên mới không thể cho cô ấy một kết thúc có hậu.

PV: Chị có thể giải thích ý đồ của chị khi xử lý cấu trúc truyện theo kiểu sắp xếp các ký ức lộn xộn gắn với các độ tuổi khác nhau của nhân vật?

Keng: Đó là sự mông lung, miên man không có định hướng của một tâm hồn hết tha thiết với cuộc sống.

Khi viết tác phẩm này, tôi đặt mình vào vị trí của một người đang muốn chết và nghĩ rằng mình sắp chết, vậy là ký ức cứ ào ạt ùa tới theo một diễn trình lộn xộn về thời gian nhưng có sự phân luồng bằng những nối kết mạch lạc trong cùng một chủ đề.

Thế nên “Muốn chết” mới bao gồm 9 chương, mỗi chương là một gương mặt khác của cuộc đời nhân vật. Vo tròn nó tạo ra một thấu kính hội tụ mọi khía cạnh sống của một con người, đa diện nhưng cho chúng ta một cái nhìn tổng thể.

Vốn dĩ loài người thông minh nhưng sống rất bản năng, không ai tốt một cách hoàn hảo và cũng không có ai hoàn toàn xấu xa. Cách xử lý truyện của tôi chỉ là mong độc giả có thể nhìn thấy toàn diện nhân vật, để tìm kiếm được nhiều hơn những thông điệp ngầm ẩn trong từng lát cắt số phận của một kiếp sống nhỏ nhoi và ngắn ngủi.


Cử tọa trong buổi giao lưu ra mắt sách tại Hà Nội
 
PV: Cuốn sách này đã nói được hết những điều chị muốn truyền tải về vấn nạn bạo hành trẻ em trong gia đình chưa?

Keng: Nạn bạo hành trước tiên là hạt giống gieo mầm trong tôi ý tưởng viết cuốn sách này. Và rồi nó là nguồn gốc cho sự phát triển tính cách của nhân vật lúc trưởng thành trong tác phẩm.

Tôi đứng ở góc độ hạn hẹp của bản thân, nhìn qua một vài hoàn cảnh mình được tiếp cận để viết nên câu chuyện, nên chắc chắn “Muốn chết” chỉ là một mô phỏng nhỏ, không thể truyền tải trọn vẹn vấn nạn bạo hành trẻ em được.

Có chăng nó là tín hiệu trực diện đầu tiên đầy xót xa được gửi đi từ một đứa con từng là nạn nhân của bạo hành trẻ em trong gia đình. Hy vọng tín hiệu này được tiếp nhận và lan tỏa trong xã hội, để cùng bùng lên ngọn lửa thiêu trụi những tư tưởng xấu mang tính chất hay tinh thần cổ vũ quyền đánh đập con cái của các bậc cha mẹ ưa bạo lực.

PV: Trang 260 của cuốn sách “Muốn chết” có một bức thư mở đầu như sau: “Mẹ! Có người nói với con rằng tất cả các mối quan hệ đều có rất nhiều version. Bạn bè có hàng tá, bồ bịch có thể đếm theo đầu ngón tay, chồng có thể hơn một, con cái có thể có vài đứa, nhưng mẹ thì chỉ có một, duy nhất, không gì thay thế được”.

Chẳng lẽ tính chất “duy nhất, không gì thay thế” này lại không đủ cho cha mẹ một chút đặc quyền dạy dỗ con cái bằng đòn roi?

Keng: Đấy là “có người nói...”, còn những gì Keng quan sát được trong đời thực thì hầu như đi theo một motif: “Đối với cha mẹ, con cái là tất cả, song đối với con cái, cha mẹ chỉ là chiếc cầu nhảy đưa chúng vào tương lai”.

Đòn roi ban đầu - nếu như nó hợp lý - có thể tạo nên sự sợ hãi, để con cái phải nghe lời . Nhưng lạm dụng đến mức bạo hành thì là cách cha mẹ tự biến mình thành hung thần khiến con cái oán hờn xa lánh. Có vị phụ huynh nào mong muốn hoặc không đau lòng khi “tất cả” của mình nhảy đi và chẳng chịu quay trở lại không?

PV: Như vậy chẳng phải là quá khắt khe với các bậc cha mẹ và dung túng cho những người làm con cái ích kỷ sao?

Keng: Làm mẹ là thiên chức, còn con cái giống như món quà của thượng đế ban tặng. Một bên là sứ mệnh, một bên là may mắn đều bắt đầu từ mốc 0. Việc cộng trừ để tạo nên những kết quả âm hoặc dương ngay từ đầu đã được định mệnh trao vào tay người mẹ có tri thức, nhiều năm trải nghiệm cuộc sống, chứ không phải là dành cho những đứa trẻ sơ sinh với trí tuệ vô minh khi chào đời.

Cha mẹ đau khổ hay con cái ích kỷ, xét cho cùng là hệ quả sinh ra từ những phương pháp giải bài toán cuộc sống của các bậc phụ huynh. Bởi vậy với tôi, “cha mẹ sinh con trời sinh tính” không phải là tiếng thở dài đáng thương mà chỉ là một cách chối bỏ việc gieo nhân không lành cho những trái đắng phải hái của những bậc làm cha làm mẹ thất bại.


Ký sách cho các độc giả trẻ

PV: Với những đầu sách đã ấn hành, chị tự xếp mình vào dòng văn học nào?

Keng: Tôi đặt mình vào nhóm tác giả thị trường và những tác phẩm đã xuất bản của tôi có thể xếp vào nhóm “hiện thực không phê phán”.

Tôi viết về những khía cạnh thực đến trần trụi của cuộc sống hiện đại đến nỗi nhiều độc giả may mắn có cuộc đời tròn trịa, viên mãn, ấm êm không tin rằng xã hội chúng ta đang sống lại có những mảng tối đen đúa và bi đát đến vậy.

Trong mỗi câu chuyện, tôi không nhân danh quan điểm đạo đức nào để đánh giá hay phê phán, mà chỉ thuật lại theo cách hiểu và cảm nhận của bản thân để có thể đồng cảm được với những nỗi đau làm mình xúc động.

PV: Chị muốn các độc giả đón nhận cuốn sách này của chị như thế nào?

Keng: Đọc “Muốn chết”, để rồi thấy Muốn Sống và tự nhủ với lòng phải trao đi yêu thương sớm hơn, nhiều hơn, trọn vẹn hơn... cho những người quan trọng, gắn bó đối với cuộc đời mình.

PV: Cảm ơn chị đã chia sẻ! Chúc chị thành công trên con đường văn chương của mình và có nhiều tác phẩm hay đến với độc giả!

Bài và ảnh: Bích Ngọc, từ Hà Nội


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn