THỜI BỎ MỐI

Thứ ba - 28/04/2015 17:29

(NCTG) “Cắn răng ra khu Tân Định mua cho con cây thông Noel nho nhỏ có chăng đèn nhấp nháy. Đấy là món quà xa xỉ đầu tiên mà các con có được nên cả mùa Noel đến Tết năm ấy các con rất vui. Còn mẹ thì bị bà ngoại “la” quá trời vì hoang phí”.

Đường phố Sài Gòn thời bao cấp - Ảnh: Internet

Đường phố Sài Gòn thời bao cấp - Ảnh: Internet

Những năm 1987-1993 tôi có một nghề làm thêm: bỏ mối hàng chợ.

Hồi đó việc mang hàng từ nơi sản xuất hay từ các đầu mối gom hàng đến chợ hay cửa hàng hầu hết do những người làm nghề “bỏ mối”, có xe máy chở hàng thì tốt nhất, còn thì đa số là xe đạp. Bỏ mối hàng là mang hàng đến các sạp trong chợ, các cửa hàng “thương nghiệp hợp tác xã” giao hàng họ đã mua hoặc là để ký gửi. Thường thì gửi hàng theo kiểu “gối đầu” còn tiền thì lấy sau. Tùy theo “dây hàng” (số lượng người nhận hàng) nhiều hay ít mà thời gian quay lại bỏ hàng lấy tiền lâu hay mau, một tuần hay mười ngày. Cũng có khi chưa lấy được tiền vì hàng lần trước chưa bán hết, nhưng vì không muốn mất mối nên vẫn bỏ tiếp hàng. May thì không mất tiền nhưng cũng có người phải đền vì bạn hàng… trốn mất. Đấy, đại khái bỏ mối hàng là như vậy.

Đầu tiên tôi đi bỏ mối quần áo, đó là loại quần áo trẻ em may bằng loại thun trắng mỏng lét, in hoa sặc mùi dầu lửa. Lấy hàng từ một cơ sở may gia công ở đường Nguyễn Văn Mai (Tân Định) và đi bỏ cho các sạp ở những chợ nhỏ, cửa hàng lẻ tuốt trong Chợ Lớn hoặc bên Bà Chiểu, Gò Vấp, gửi cả về chợ các tình nữa… Phần lớn những “mối” này do bên gia công giới thiệu, có một số mối do chị em làm chung nhường lại. Quần áo các loại bỏ theo giá có sẵn, hàng tuần quay lại nhận đơn hàng, nhận tiền… mang về cho bên gia công rồi lại lấy hàng mang đi… Cuối tháng tiền công tính theo số bộ quần áo bỏ mối và thu tiền về được, lâu rồi không nhớ bao nhiêu tiền nhưng nhớ là mỗi lần “lĩnh lương” thì mua được khoảng 10 kg gạo, cả nhà đủ ăn một tháng.

Vừa bỏ hàng quần áo trẻ em, tôi còn bỏ thêm sữa chua do chị dâu tôi làm. Mỗi sáng tôi mang 20 hũ sữa chua lên một căng-tin trên Quận 1, lấy hũ và tiền hôm trước về. Hôm nào họ chưa bán hết thì họ không lấy hoặc chỉ lấy thêm vài hũ, lại hộc tốc đạp xe quay về nhà cho vào tủ lạnh (hồi đó hầu như chưa có điện thoại di động).

Chưa có xe máy, tôi đi bỏ mối toàn bằng xe đạp. Chiếc xe đạp hiệu Motobecane má tôi mua cho hồi mới về Sài Gòn. Xe sản xuất tại Sài Gòn, nhà máy hình như bên Quận 4, rất tốt. Với tôi nó là cả một gia tài vì nhỏ lớn ở Hà Nội đi học toàn đi bộ hoặc tàu điện.

Đâu được gần hai năm thì hàng may mặc ở Thái Lan, Campuchia về nhiều, hàng gia công dội chợ không ai nhận bán. Tôi quay sang bỏ mối kem đánh răng và xà bông. Nhờ chị gái tôi quen biết xí nghiệp Hóa Mỹ phẩm Quận 3 (ngay sau lưng nhà thờ Tân Định) chuyên sản xuất kem-xà bông nhãn hiệu Camly (nhái nhãn hiệu Camay) nên xin cho tôi một chân bỏ mối. Anh giám đốc xí nghiệp khi biết tôi là cô giáo thì nhận ngay, vì anh vốn cũng là thầy giáo dạy hóa bị thất nghiệp, xoay xở thế nào mà quay sang làm kem đánh răng, xà bông, rồi có một tổ hợp nho nhỏ, rồi thành xí nghiệp.
 
Chợ búa thời bao cấp - Ảnh: Internet
Chợ búa thời bao cấp - Ảnh: Internet

Bỏ hàng xà bông thì phải đi xa hơn và chở hàng nặng hơn, vô tuốt Chợ Lớn, An Lạc, Bình Chánh… Đến chợ tự vác thùng hàng khoảng 10kg vô từng sạp, có sạp lấy vài chục cục xà bông và hộp kem, có cửa hàng lấy nguyên thùng… Nói chung hàng ngày chở khoảng 5,6 thùng đi về như thế bằng xe đạp oải lắm. Sau đó mua được cái xe PC Honda cũ rất hay chết máy giữa đường, nhưng chở nhiều hàng hơn. Rồi cũng mua được một xe Honda dame cũ còn khá tốt. Từ lúc này mấy tiệm sửa xe máy “phục hồi phuộc nhún” ở khu Bảy Hiền nhẵn mặt tôi vì tháng nào cũng ghé đó. Mấy anh thợ lần nào cũng hỏi: ủa chứ chị làm gì mà “phuộc nhún” hư hoài vậy? tôi thật thà trả lời: dạ ngày nào cũng xài nên mau hư. Mấy ảnh cười quá trời mới biết họ nói giỡn. Sau họ biết cô giáo đi bỏ mối hàng nên sửa cho kỹ lắm, lại còn mua tặng những sợi dây thun cột đồ rất tốt, xài hoài không hư.

Lại cũng nhờ là cô giáo mà mấy chị trong chợ thương, lấy hàng nhiều, ưu tiên trả tiền không nợ lâu. Một lần quay đi rồi nghe mấy chỉ nói “tội nghiệp, hồi xưa giáo sư đại học ghê lắm, sao cô này hiền khô mà cực quá vậy không biết”… tự nhiên nước mắt tràn ra, lúc đó mới nghe tủi thân…

Nhưng cũng có người ghê gớm, tới kỳ không trả tiền, đòi thì giả lơ rồi dọa không lấy hàng nữa, hoặc mắng lại sa sả làm như mình nợ chứ không phải họ. Có vài lần phải bỏ luôn vì không cãi lại dù có sổ sách ghi đàng hoàng. Mà sau thấy mấy người đó cũng không khá nổi.

Thời đi bỏ hàng là thời tôi biết nhiều hẻm hóc trong vùng Chợ Lớn, vì đi đến mấy chợ nhỏ, đến nhà bạn hàng, cả chuyện đi vào hẻm để tránh mấy ông quản lý thị trường buồn buồn hỏi thăm chở gì đi đâu…

Bắt đầu đi bỏ hàng lúc hai con gái còn nhỏ xíu: Châu Quyên gần ba tuổi còn Mai Quyên mới gần một tuổi vẫn bú mẹ. Có lần về trễ con đói khóc khan tiếng, bế con rồi, con cười mà nước mắt mẹ rơi… Rồi hai con đi học, Châu Quyên rất ngoan đi học không bao giờ khóc nhưng Mai Quyên còn nhỏ rất quấn mẹ, hôm nào đón ở nhà trẻ về cũng đói vì không chịu ăn gì, chỉ ăn khi nào mẹ cho ăn. Hôm nào mẹ lĩnh tiền hàng là mua cho hai con gói bánh ngọt trong chợ Bình Tây hoặc cho đi ăn phở (một tô phở kèm hai cái bánh mỳ).

Cuối năm 1993 trước khi xí nghiệp xà bông Camay giải thể vì không cạnh tranh được với hàng Thái hàng Campuchia nhập lậu, tôi được thưởng vì năng xuất bỏ hàng cao. Cắn răng ra khu Tân Định mua cho con cây thông Noel nho nhỏ có chăng đèn nhấp nháy. Đấy là món quà xa xỉ đầu tiên mà các con có được nên cả mùa Noel đến Tết năm ấy các con rất vui. Còn mẹ thì bị bà ngoại “la” quá trời vì hoang phí.

Sau đó có khoảng nửa năm đi làm ô-sin giúp việc nhà (tôi đã kể trong tạp bút “Một thời chưa xa”). Rồi khoảng giữa năm 1994 tôi chuyển về Bảo tàng Lịch sử, thế là lại có thêm một nghề mới: nấu đám cưới. Bữa nào rảnh sẽ kể cho bạn bè nghe.

Tưởng đã chấm dứt nghề bỏ mối hàng nhưng bây giờ tui đang quay lại nè, là ngồi viết bài theo “đặt hàng” của bạn bè, và “chuyển hàng” bằng email. Coi bộ tui không tránh khỏi cái số làm cửu vạn.

Nguyễn Thị Hậu, Sài Gòn, tháng Tư 2015


 
Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 2 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn