Dịch giả Giáp Văn Chung: DỊCH ĐỂ CHIA SẺ NHỮNG GIÁ TRỊ VĂN HÓA CỦA MỘT DÂN TỘC

Thứ ba - 10/03/2015 11:31

(NCTG) “Rất vui vì tuy văn học Hung không dễ đọc, các tác giả mình đã dịch càng kén chọn độc giả, nhưng đã tìm được số độc giả khá đông đồng cảm và yêu thích, đặc biệt là các bạn trẻ. Những bạn đọc như thế là sự khích lệ rất lớn đối với dịch giả, vì ai cũng biết dịch văn học là một công việc rất nhọc nhằn, thiếu sự đam mê và phản hồi tích cực từ phía độc giả thì khó có thể làm tốt được” - chia sẻ của dịch giả Giáp Văn Chung.


Dịch giả Giáp Văn Chung ký tặng sách độc giả


Lời Tòa soạn: Mới đây, “Bảo tàng Ngây thơ”, một tác phẩm nổi tiếng được nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ Orhan Pamuk sáng tác sau khi ông được trao giải Nobel Văn chương đã được ra mắt độc giả Việt Nam, cùng tiểu thuyết “Cánh cửa” của Szabó Magda, “bà hoàng của văn học Hungary”. Cả hai tác phẩm lớn nói trên đều được dịch giả Giáp Văn Chung dịch từ bản tiếng Hung, và do Công ty Nhã Nam & NXB Văn học ấn hành.

Là người trong vòng bảy, tám năm gần đây đã chuyển ngữ rất nhiều đầu sách quan trọng của Márai Sándor, Kertész Imre (Giải Nobel Văn chương 2002)..., Giáp Văn Chung đã đưa độc giả Việt Nam tiếp cận một số tên tuổi lớn của một nền văn học lớn, nhưng trước nay ít được biết đến ở Việt Nam vì một lý do đơn giản: sự dị biệt, đơn lẻ và xa lạ của ngôn ngữ Hungary, bên lề những đại gia đình ngôn ngữ Châu Âu.

Tuy nhiên, như nhận xét của tác giả Bödök Zsigmond, tiếng Hung trong nhiều trường hợp và giai đoạn kéo dài đã là “giá trị lưu truyền và chốn nương náu duy nhất của dân tộc Hung”, giúp nó “trường tồn qua những thế kỷ máu lửa tới hôm nay”, và điều đó đã được thể hiện qua rất nhiều tác phẩm mang tầm vóc thế giới của các văn hào Hungary, mà Giáp Văn Chung đã chuyển ngữ rất xác tín, tinh tế và nhiều lúc tài hoa.

Nhân chuyến về thăm Việt Nam của dịch giả Giáp Văn Chung, Công ty Nhã Nam tổ chức buổi tọa đàm “Sự sống lại của một thế giới bị quên lãng” xoay quanh dịch phẩm mới nhất của ông. NCTG đã có dịp trao đổi với ông trước sự kiện này về một số chủ đề liên quan tới hoạt động dịch thuật và sáng tạo của ông. (NCTG)




- Xin chào dịch giả Giáp Văn Chung, rất vui được gặp lại anh ở Hà Nội!
 
- Vâng, thời gian trôi đi thật nhanh: tròn hai năm trước mình cũng đã có dịp cùng Nhã Nam giới thiệu các tác phẩm văn học Hungary - “Casanova ở Bolzano” và “Lời bộc bạch của một thị dân”, cả hai đều của nhà văn lớn Márai Sándor - trong một buổi giao lưu ngắn, nhưng thân mật và rất vui.

Còn nhớ, hôm đó đúng lúc Nhã Nam mất điện, trời lại nóng, nên dịch giả toát hết mồ hôi, không chỉ vì các câu hỏi xoáy của bạn đọc. Các “fan” của văn học Hung, các biên tập viên của Nhã Nam, bạn đọc trẻ từ quầy sách Nhã Nam ở bên cạnh đã mang khá nhiều sách đến xin chữ ký.

Mình rất vui vì tuy văn học Hung không dễ đọc, các tác giả mình đã dịch càng kén chọn độc giả, nhưng đã tìm được số độc giả khá đông đồng cảm và yêu thích, đặc biệt là các bạn trẻ.

Chẳng hạn khi dịch hai cuốn tản văn “Bốn mùa - Trời và đất” của Márai Sándor mình có chút e ngại, không biết bạn đọc Việt Nam có chia sẻ được những suy tư, chiêm nghiệm, cảm xúc rất sâu sắc của một nhà văn châu Âu đã viết ra cách đây trên 70 năm, nhưng thật bất ngờ cuốn đó đã được đón đọc và đánh giá rất tốt trong giới trẻ.

Mình còn nhớ, bữa đó, có một độc giả tự giới thiệu là Nga “béo” còn nói: “Hôm nay em đến đây về là sẽ bị kỷ luật vì bỏ đi trong giờ làm việc, nhưng không thể không đến! Em rất mê “Casanova ở Bolzano”, cuốn sách hay từng câu, từng chữ”.

Sau khi xin chữ ký, bạn này đã xin “phỏng vấn” dịch giả năm phút. Bạn ấy, hình như làm việc ở hiệu sách, nói đã giới thiệu cho nhiều người đọc cuốn sách này, từ người đạp xích lô đến học giả, ai cũng cảm ơn bạn ấy vì đã giới thiệu cho họ mua cuốn sách.

Những bạn đọc như thế là sự khích lệ rất lớn đối với dịch giả, vì ai cũng biết dịch văn học là một công việc rất nhọc nhằn, thiếu sự đam mê và phản hồi tích cực từ phía độc giả thì khó có thể làm tốt được. Cuối buổi ký tặng sách và giao lưu lần đó, mình còn được tặng hoa và chụp ảnh chung với các bạn, rất vui.

- Trong lần này, được biết anh ra mắt hai cuốn sách dịch, trong đó một cuốn là của nhà văn Hungary Szabó Magda? Xin anh cho vài lời giới thiệu về tác phẩm này.

- Từ hai năm trước, mình đã “lên kế hoạch” giới thiệu một vài tác phẩm tiêu biểu của một tác giả nữ rất nổi tiếng, người đã hai lần được đề cử giải Nobel, mới mất cách đây gần chục năm: bà Szabó Magda, một nhà văn nữ được mệnh danh là “người đàn bà viết” của văn học Hungary.

Trong chín mươi năm của cuộc đời và sự nghiệp sáng tác, bà Szabó Magda đã hai lần được đề cử giải Nobel và là chủ nhân của rất nhiều giải thưởng về văn học, trong đó có Giải Kossuth là giải thưởng cao quý nhất của nền văn hóa Hungary.

“Cánh cửa” (Az ajtó, 1987) là tác phẩm được biết rộng rãi nhất ở nước ngoài và được đọc nhiều nhất ở trong nước của Szabó Magda. Tiểu thuyết này đã được dịch ra gần bốn mươi ngôn ngữ, và năm 2012 đã được đạo diễn nổi tiếng Szabó István (người từng đoạt giải Oscar năm 1982) dựng thành phim.

Đây là một tác phẩm rất đặc biệt, thể hiện khả năng phân tích tâm lý tinh tế là một trong những mặt mạnh của ngòi bút Szabó Magda. Bà có khả năng kể chuyện và khái quát từ những chi tiết tưởng như rất nhỏ nhặt. Câu chuyện chỉ xoay quanh hai nhân vật chính là bà quản gia và nữ nhà văn.

Mối quan hệ của họ cứ chao đảo giữa đôi bờ yêu thương và hờn dỗi. Thủ pháp phân tích tâm lý và bút lực thâm hậu của nhà văn đã khiến tác phẩm lôi cuốn người đọc từ đầu đến cuối.

Mình có dự định trong thời gian tới sẽ giới thiệu thêm một vài tác phẩm của Szabó Magda để bạn đọc Việt Nam thấy rõ hơn chân dung của nhà văn lớn này, người thuộc hàng những cây bút Hungary được dịch nhiều nhất trên thế giới.

- Thế còn “Bảo tàng Ngây thơ”, một tác phẩm đã nhận được rất nhiều hồi âm tốt từ độc giả Việt Nam, của nhà văn Thổ Nhĩ kỳ Orhan Pamuk? Điều gì khiến anh bắt tay vào dịch một cuốn sách của một tác giả không phải là người Hung?

Mình chủ trương chỉ giới thiệu văn học Hungary với độc giả Việt Nam, việc dịch “Bảo tàng Ngây thơ” có lẽ là do một cái duyên ngẫu nhiên nào đó.

Như các bạn đã biết, Orhan Pamuk đã có khoảng bảy tác phẩm được giới thiệu ở Việt Nam, chủ yếu dịch từ các ngôn ngữ khác như Anh, Pháp, Nga, Đức. Theo chỗ mình được biết chưa có tác phẩm nào của ông được dịch thẳng từ tiếng Thổ. Cơ sở xuất bản, Công ty Nhã Nam đã đề nghị mình làm thử mười trang và họ đã chấp nhận để mình dịch tác phẩm lớn này.

Sau khi làm được một vài chương, chính mình cũng bị lôi cuốn bởi nội dung và phong cách nghệ thuật của tác phẩm. Như báo chí đã nhận xét, “Bảo tàng Ngây thơ” xứng đáng là tác phẩm mở đầu cho văn chương thế giới trong thế kỷ 21.

Nó không chỉ là một câu chuyện tình say đắm, man mác buồn mà còn là một bách khoa toàn thư văn chương về đời sống xã hội, phong tục tập quán, lối sống, giao tiếp của Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là Istanbul, thành phố nằm trên hai lục địa Á, Âu và là nơi giao thoa của hai nền văn hóa Đông Tây.


Làm việc bên bản thảo

- Một câu hỏi mà nhiều người vốn tò mò xưa nay: văn học Hungary, một xứ sở nhỏ và có ngôn ngữ rất khó, “không giống ai”, theo anh, có điểm gì đặc sắc mà độc giả Việt Nam có thể, và nên chia sẻ, tìm hiểu?

- Vâng, văn học không phải là lịch sử của một dân tộc, nhưng bao giờ nó cũng phản ánh lịch sử của dân tộc đó. Hungary là một quốc gia nhỏ, nhưng có vị trí rất quan trọng ở châu Âu, có lịch sử rất oanh liệt và bi thương, đặc biệt là lịch sử cận hiện đại. Dân tộc Hungary đã phải trải qua nhiều thế kỷ máu lửa để khẳng định chỗ đứng của mình giữa lòng châu Âu.

Trong thế kỷ 20, Hungary đã hai lần đứng về phe bại trận trong hai cuộc Thế chiến, đất nước bị các cường quốc phe thắng trận chia năm xẻ bảy cho các nước xung quanh. Điều này đã để lại dấu ấn đặc biệt bi lụy, nặng nề trong tâm hồn nhiều thế hệ người Hung, cũng là niềm trăn trở khôn nguôi của các nhà văn, nhà tư tưởng Hungary.

Vấn đề này nói ra thì rất dài, bạn đọc Việt Nam quan tâm có thể xem thêm những bài viết trên “Nhịp cầu Thế giới” về các chủ đề liên quan.

- Trong vòng bảy, tám năm, anh đã chuyển ngữ thành công gần mười lăm tác phẩm văn học: quả là một số lượng lớn trong thời gian không thật dài! Anh bố trí thời gian để dịch những tác phẩm đó như thế nào?

- Mình thường tranh thủ dậy sớm dịch vài tiếng lúc đầu óc còn tỉnh táo, trước khi đi làm, và làm thêm vào những ngày nghỉ cuối tuần. Quan trọng nhất là làm đều đặn và liên tục, tuy nhiên không phải bao giờ cũng thực hiện được.

Những lúc nản hay mệt mỏi mình thường tự nhủ: “Hôm nay không làm thì mai kia cũng phải làm, có ai làm thay mình một câu một chữ nào đâu”, và luôn nhớ tới câu ngạn ngữ nghe nhớ từ thuở bé: “Việc hôm nay chớ để ngày mai”. Đơn giản vậy thôi, chứ chẳng có bí quyết gì đâu. (cười)

- Trong quá trình dịch, trở ngại nào là lớn nhất đối với anh?

- Mình dịch văn học Hung vì yêu thích, vì thật sự muốn giới thiệu với độc giả trong nước những tác phẩm kinh điển xuất sắc của một nền văn học rất đặc sắc của châu Âu.

Trở ngại lớn thì không có, vì mình đã sống và học tập ở Hungary trên ba chục năm, có thể khiêm tốn mà nói mình đã hiểu ở chừng mực nào đó về ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử, đất nước, tập tục, cách suy nghĩ của người Hung, nên việc tiếp cận và hiểu văn bản không phải là vấn đề khó nhất. Có điều lúc nào mình cũng cảm thấy thiếu thời gian.
 
- Khi dịch anh chọn tác giả hay chọn tác phẩm để dịch?

- Thường thì mình muốn giới thiệu các tác giả kinh điển, mà muốn hiểu một tác giả lớn phải giới thiệu ít nhất vài ba tác phẩm tiêu biểu của họ. Cũng có khi dịch giả không có sự lựa chọn, mà làm theo đơn đặt hàng của nhà xuất bản, tất nhiên có sự thỏa thuận của đôi bên.

Nguyên tắc của mình là chỉ nhận làm những tác giả, tác phẩm có giá trị lâu bền, chứ không chạy theo thị hiếu nhất thời của thị trường.

- Tác phẩm nào ấn tượng nhất với anh? Anh có thể chia sẻ với bạn đọc về quá trình dịch cuốn đó được không?
 
- “Những ngọn nến cháy tàn” của Márai Sándor là bản dịch đầu tay mình rất dụng công và được bạn đọc đánh giá là bản dịch có hơi văn rất Márai, tuy nhiên vì là bản dịch đầu tiên, chưa có kinh nghiệm nên bản in còn một số hạt sạn cần sửa chữa.

Bên cạnh đó mình rất thích “Casanova ở Bolzano” cũng của Márai Sándor về mặt văn phong, đây cũng là bản dịch mình ưng ý nhất. Bản dịch đã được hoàn thành trong vòng khoảng ba tháng, mấy tháng sau khi sách được in ra, đọc lại một số đoạn chính mình cũng rất thú vị. Hình như cố gắng để giữ được lối hành văn quý phái, sang trọng, rất đặc trưng của tác giả đã thành công ở mức độ nhất định.

- Một số bạn bè, thân hữu của NCTG - những người quan tâm tìm hiểu văn hóa, văn học Hungary - có cho hay là tìm sách dịch văn học Hung nhiều khi là “bất khả”, đặc biệt trong trường hợp các cuốn “Bốn mùa - Trời và đất” và “Casanova ở Bolzano”.

- Sách hết và việc tái bản khi nào là việc của nhà xuất bản, chứ không phải của dịch giả. Mà sách hết là tín hiệu đáng mừng lắm, nó chứng tỏ ở Việt Nam vẫn tồn tại một lượng khá đông độc giả yêu văn học (cười). “Bốn mùa - Trời và đất” đã được tái bản năm 2012, chắc Nhã Nam sẽ còn tái bản nữa.

- Được biết, bên cạnh dịch thuật, anh còn tham gia hoạt động báo chí của cộng đồng Việt bên đó, từ hai chục năm nay. Báo chí và dịch thuật có giúp đỡ, hỗ trợ nhau không? Là một trí thức sống xa quê từ mấy thập niên nay, anh đánh giá thế nào về sinh hoạt văn hóa của bà con mình bên Hungary?

- Mình rất thích câu ngạn ngữ “một nghề cho chín hơn chín mười nghề” do đó chỉ chủ yếu tập trung vào khâu dịch thuật, viết báo chỉ là một thú vui cũng là để thư giãn sau những giờ phút làm việc căng thẳng.

Cộng đồng Việt Nam ở Hungary là một cộng đồng nhỏ, số người viết, làm thơ, làm văn có thể đếm trên đầu ngón tay nhưng mọi người cũng đã làm được khá nhiều việc. Chẳng hạn, “Nhịp cầu Thế giới” hiện nay đã có hệ thống cộng tác viên uy tín trên khắp thế giới, có số lượng bạn đọc tương đối cao và được đánh giá là tờ báo nghiêm túc, có nhiều nỗ lực.

Bên cạnh đó, văn học Hung tuy còn ít nhưng sau mấy thập niên gián đoạn đã bắt đầu được giới thiệu tương đối có hệ thống ở Việt Nam trong vòng gần một chục năm trở lại đây.

- Độc giả đã được biết tới anh như một dịch giả, một người viết báo. Đặc biệt, một số bài thơ anh dịch cũng rất hay, truyền cảm và sát ý. Có bao giờ anh nghĩ sẽ thử sức như một nhà văn, nhà thơ không?

- Trước đây có thời gian mình cũng đã làm thơ, nhưng chủ yếu là thơ để nói lên tâm trạng của người xa xứ, sau này nhận ra là mình “không được trời cho cái lộc thơ” nên rất ít khi dám bén mảng đến lâu đài sang trọng của thi ca (mỉm cười).

- Câu hỏi cuối cùng, anh có thể hé mở cho độc giả yêu văn học biết dự định sắp tới của anh được không?

- Dự định thì nhiều, làm được đến đâu chủ yếu vẫn phụ thuộc yếu tố thời gian. Hiện mình đang dịch một tác phẩm hậu hiện đại khá khó đọc nên làm rất chậm. Lần này sau khi về dự Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài, mình dự định dành thời gian để giới thiệu văn học Việt Nam với độc giả Hungary.

Đầu tiên mình sẽ dịch “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng sang tiếng Hung. Về việc này mình đã có trao đổi với Nhà xuất bản Nhật ký Hungary của Hội Nhà văn Hung và được họ nhiệt tình ủng hộ.
 
- Xin cảm ơn anh, chúc cho những dự định của anh thành công!

Bích Ngọc thực hiện


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn