Hoàng Cầm và các liền chị liền anh Kinh Bắc thời nay - Ảnh: diendan.org
Tôi không đọc nhiều và đọc kỹ lưỡng thơ Hoàng Cầm, nhưng chắc chắn, có những câu, bài ở lại trong những khoảng mộng tưởng ảo diệu nhất của ký ức, những câu thơ như trăng vỡ ra trên mặt sông đêm vô tận ánh sáng lẫn bóng tối.
Tung tóe dội gầu trăng nước giếng
mát lùa kẽ tóc
Còn bùn rủn sẹo ngang sẹo dọc
Vắt áo nghe thầm tiếng vải kêu
(“Tắm Đêm”)
“Về Kinh Bắc” là một thi phẩm lạ lùng, gồm 8 nhịp, một hành trình tưởng niệm, một cuộc tuần du về ký ức, một cuộc tế lễ ít nhiều mang màu sắc một vở kịch hay một nghi lễ dân gian. Sự trở về với Ký Ức, truy tìm những gì chân thực nhất như cội nguồn thi ca đưa thi nhân phiêu dạt qua những nẻo mộng, những kiếp đời để “
về với ta”, với cái bản nguyên. Nổi bật nhất trong khí quyển thơ này, tôi cảm nhận, không hẳn là không gian văn hóa Kinh Bắc như một vẻ đẹp và huyền thoại ít nhiều hữu hình và được “vật chất hóa” bằng sông, bằng đồng, bằng cây cỏ, bằng các hội hè…mà đúng hơn, một không gian tâm linh nguyên thủy với đêm Thổ, đêm Kim, Mộc, đêm Thủy, đêm Hỏa với kiếp trước, với bến Lú sông Mê, với “
nắng phù sa” “
gió lông ngỗng”… Có “
sương cầu Lim” “
Khói Yên Thế” đó, nhưng Yên Thế, Cầu Lim dường như là của “
kiếp trước”, là sự hóa thân, là kinh nghiệm không gian của một thi sĩ phương Đông hơn là một vùng văn hóa cụ thể. Có thể chính vì lẽ đó, ở Nhịp Sáu (“Điểm Trang”), khi thơ đi qua “kiếp trước”, đã “
rũ bụi gia phả”, qua ám ảnh cô đơn “Còn Em”, trở về với hội hè – thế giới “vật chất” đời thực, thì dường như mất đi nhiều sự sống của cái ảo diệu phiêu bồng kì lạ kia. Những bài thơ trong phần này mang như một lớp son phấn và thiếu vắng con người.
Thành ra, những bài hay nhất trong “Về Kinh Bắc”, thậm chí có bài gây ấn tượng về vẻ đẹp toàn bích, đặc biệt trong Nhịp Năm (“Còn Em”) như: “Cây Tam Cúc”, “Lá Diêu Bông”, “Quả Vườn Ổi”, “Cỏ Bồng Thi”, “Nước sông Thương”, “Mưa Thuận Thành”… là những cuộc phiêu bồng vượt qua kinh nghiệm của hữu thức.
Cách nhau ba bước vào vườn ổi
Chị xoạc cành ngang
Em gốc cây
- Xin Chị một quả chín
- Quả chín quá tầm tay
- Xin chị một quả ương
- Quả ương chim khoét thủng
Lẽo đẽo em đi vườn mai sau
cúi nhặt chiều mưa dăm quả rụng
(“Quả Vườn Ổi”)
Thứ quả rụng Em lẽo đẽo nhặt cũng như một hóa thân của tình yêu và thơ ca, mà Em, Kẻ Yêu, Người Thơ sẽ còn đeo đẳng mãi ẩn ức về một sự bất toàn, một khao khát tuyệt vọng. Cách một thi sĩ tìm ra nguồn thơ đích thực nhiều khi là sự phát lộ thế giới hồi ức thơ ấu, đồng thời là cuộc thám hiểm vô thức, tiềm thức, điều mà nhà thơ chỉ đi đến tận cùng trong tĩnh lặng, trong cùng quẫn, trong cô đơn, trong âm u. Vậy là, cũng như những người bạn thơ của ông, Hoàng Cầm ngẫu nhiên “
được cái hoạn nạn” (chữ của Trần Dần), để con chữ tìm được ra mình. Sau này, Hoàng Cầm thành nhà thơ của quê hương sông Đuống, nhưng cái bản lai diện mục của ông không phải con sông Đuống “
nằm nghiêng trong kháng chiến trường kỳ”, mà có lẽ là thứ nước sông Thương chảy đôi dòng “
Em tơ tưởng sao bắt Em đừng nhớ” “
Cuốn chiếu xa rồi/thơ thẩn vách chiêm bao”. (“Nước sông Thương”).
Tôi vẫn chờ đợi được biết nhiều hơn về số phận đoạn trường của tập thơ này, cụ thể hơn của nhiều bài thơ trong tập, nhất là từ phát ngôn của những người chứng. Ra đời trong
giai đoạn bi kịch của tác giả sau vụ Nhân Văn – Giai Phẩm, phải đến 34 năm sau mới hiện diện chính thức như một tập thơ (NXB Văn học, 1994), đến 8 năm sau đó nữa xuất hiện lại trong “Hoàng Cầm - Tác phẩm Thơ” do nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân biên soạn (NXB Hội nhà văn – Trung tâm Văn hóa Ngôn Ngữ Đông Tây, 2002), rồi năm 2007, nguyên vẹn tập thơ được giới thiệu trong Tủ sách Talawas với lời tâm sự của tác giả và đến nay, gia tài thơ ông đã sum vầy trọn vẹn hơn trong tuyển thơ Hoàng Cầm “Mắt thời gian” ( NXB Hội nhà văn – Công ty Văn hóa truyền thông Nhã Nam, 2011) cùng cuốn sách về thơ ông “Hoàng Cầm – Hồn thơ độc đáo”, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây và NXB Hội Nhà văn vừa ấn hành. Có lẽ cũng là hiếm có trong lịch sử người đọc thơ Việt, khi một tập thơ lại gây hệ lụy ân-oán cả với người đọc-người yêu thơ và yêu tự do, như tập Về Kinh Bắc, với “tội” “
lưu truyền văn hóa phẩm phản động” của
nhà thơ Hoàng Hưng.
Có thể nói, “Về Kinh Bắc” là tập thơ “thơ” nhất trong đời thơ Hoàng Cầm, một tập thơ không chỉ phát lộ chân dung thơ, mà còn làm lộ ra chân dung những con người với những khoảnh khắc sang-hèn cùng hệ lụy của thời đại, mà bất cứ nghệ sĩ chân chính nào cũng không tránh khỏi nuốt phải những vị đắng. “Về Kinh Bắc”, do đó, cần được thưởng thức như một tác phẩm nghệ thuật, đồng thời, như một cách để hiểu lại vấn đề còn day dứt của của quá khứ.
Tôi vẫn muốn lật lại những trang giấy cũ, để cảm nhận sâu hơn vẻ đẹp của một nỗi đau và một giấc mộng trong bóng tối. Ở đó, người đọc có thể nhận ra con đường thực sự của thơ, bao giờ cũng là con đường đi hút vào cá nhân mình.
Uống nước mắt con vành khuyên nhớ tổ
vừa rụng chiều nay
dềnh mặt nước huơng xe
Ta soi
chỉ còn ta đạp lùi tinh tú
Ngủ say rồi
đôi cá đòng đong
(“Về với ta”)