Dịch giả Lê Xuân Giang cùng tấm Huân chương Chữ thập Vàng Cộng hòa Hungary - Ảnh: Hồng Trang
Lễ trao huân chương được tổ chức trọng thể vào ngày 11-3-2011 tại Budapest, nhân kỷ niệm cuộc cách mạng dân chủ tư sản 15-3-1848 (một trong 3 Quốc lễ của Hungary), tại Phòng Khánh tiết Bảo tàng Mỹ thuật Công nghiệp. Thay mặt Chính phủ, Bộ Nguồn lực Quốc gia Hungary - được thành lập bởi sự hợp nhất của 3 Bộ: Bộ Văn hóa và Giáo dục, Bộ Y tế, Bộ Lao động và Xã hội - là đơn vị tổ chức sự kiện này.
Với sự hiện diện của 1 Bộ trưởng và 5 Quốc vụ khanh trên ghế Chủ tịch đoàn, buổi lễ đã diễn ra trong bầu không khí trang trọng, nhằm biểu dương và vinh danh những cá nhân đã có thành tích, mẫu mực trong sự nghiệp phục vụ dân tộc Hungary, hỗ trợ sự phát triển, thúc đẩy những lợi ích của đất nước và gia tăng những giá trị con người phổ quát.
Trong số 54 đại diện xuất sắc trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học được nhận Huân chương Cộng hòa Hungary từ Bộ trưởng, Tiến sĩ Y khoa - Bác sĩ Réthelyi Miklós, Lê Xuân Giang là người nước ngoài duy nhất. Sinh tại Hà Tĩnh năm 1937, ông từng là sinh viên Đại học Bách khoa Budapest thời kỳ 1956-1963. Tốt nghiệp và trở thành kỹ sư khoa Chế tạo máy, nhưng khi trở về nước, ông lại say mê với những dịch phẩm văn học Hungary.
Là người đầu tiên chuyển ngữ các tác phẩm văn học Hungary từ nguyên bản, Lê Xuân Giang là dịch giả cuốn tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng “Những ngôi sao Eghe” (Egri csillagok), ấn hành năm 1972 và lập tức, đã trở thành một “sự kiện xuất bản” với lượng ấn bản lớn được bán hết trong thời gian rất ngắn. Trong những năm sau, ông đã chuyển ngữ thành công các tác phẩm văn học cổ điển và hiện đại Hungary từ nhiều tác gia lớn của nền văn học nước này.
Những nỗ lực (*) của Lê Xuân Giang trong lĩnh vực dịch thuật từ 4 thập niên nay đã được giới chuyên môn và nhà nước Hungary ghi nhận thích đáng. Năm 1990, ông được nhận Giải Déry Tibor cho sự nghiệp truyền bá văn học Hungary. Hiện tại, tuy đã về hưu, nhưng ông vẫn bền bỉ và thường xuyên làm công việc dịch thuật - thời gian gần đây, ông còn nhận được nhiều “đơn đặt hàng” trực tiếp từ Quỹ Sách Hungary.
Trong chuyến sang Hungary lần này, ngoài việc nhận huân chương, Lê Xuân Giang còn tham gia Nhà Dịch thuật Hungary (Balatonfüred) trong vòng 1 tháng để hoàn thành bản dịch tác phẩm cuốn “Scientia sacra” của Hamvas Béla, nhà văn, triết gia lớn của Hungary. Trao đổi với NCTG, Lê Xuân Giang tâm sự: trở lại mảnh đất Hungary sau 24 năm, ông không hề có cảm giác xa lạ vì xứ sở thân thương này đã trở thành một phần của cuộc đời ông!
Chùm ảnh của Hồng Trang và Trần Lê về lễ trao Huân chương Cộng hòa Hungary:
Bảo tàng Mỹ thuật Công nghiệp (Budapest)
Các đại diện cộng đồng Việt Nam tại lễ trao huân chương
Bộ trưởng, TS BS Réthelyi Miklós và các vị Quốc vụ khanh Bộ Nguồn lực Quốc gia
Trao tặng huân chương cho nữ danh ca cựu trào Kovács Kati (hai nghệ sĩ quen biết khác - nhạc sĩ, ca sĩ Balázs Ferenc và nam danh ca Varga Miklós - cũng được trao tặng các phần thưởng cao quý)
Dịch giả Lê Xuân Giang nhận huân chương từ Bộ trưởng Réthelyi Miklós
Cùng các phóng viên ảnh Việt Nam và Hungary
Bà Trần Ngọc Liễu, Tham tán Công sứ ĐSQ Việt Nam tại Hungary (giữa) cùng các bạn hữu Việt - Hung chúc mừng dịch giả Lê Xuân Giang
Cùng bà Trần Thị Hồng Hạnh, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hữu nghị Hungary - Việt Nam, một người bạn cũ
(*) Các tác phẩm dịch đã xuất bản của dịch giả Lê Xuân Giang:
“Những ngôi sao Eghe” (Egri csillagok, tiểu thuyết của Gárdonyi Géza)
“Bản hùng ca Các-pát” (Kárpáti rapszódia, tiểu thuyết của Illés Béla)
“Hai mươi giờ” (Húsz óra, tiểu thuyết của Sánta Ferenc)
“Nhà nguyện Kristôphơ” (Kristóf kápolnája, tiểu thuyết của Galgóczi Erzsébet)
“Đêm thánh Silvester” (Szent Szilveszter éjszakája, tiểu thuyết của Hegedűs Géza)
“Con trai người có trái tim đá” (A kőszívű ember fia, tiểu thuyết của Jókai Mór)
“Nhiếp chính Bang” (Bánk bán, Katona József)
“Nêrô - nhà thơ bạo chúa” (Néró, a véres költő, tiểu thuyết của Kosztolányi Dezső)
“Triển lãm hoa hồng” (Rózsakiállítás, tiểu thuyết của Örkény István)
“Bảy xu” (A hét krajcár, tập truyện ngắn Hungary)