Đạo diễn Đặng Nhật Minh tại Hollywood - Ảnh do nhân vật cung cấp
Những ngày cuối tuần qua, tại Trung tâm Điện ảnh Thế giới Hollywood (Mỹ), NSND Đặng Nhật Minh được Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ (AMPAS) tôn vinh vì những cống hiến đối với điện ảnh Việt Nam.
Tối 10-11-2010, AMPAS đã tổ chức buổi tôn vinh đạo diễn Đặng Nhật Minh tại Trung tâm Điện ảnh Thế giới Hollywood, vì những đóng góp của ông với nền điện ảnh Việt Nam.
Như vậy, những nỗ lực của đạo diễn Đặng Nhật Minh - thể hiện qua các tác phẩm xuất sắc như “Thị xã trong tầm tay”, “Thương nhớ đồng quê”, “Bao giờ cho đến tháng Mười”, “Cô gái bên sông”, “Mùa ổi”, “Đừng đốt…” - đã được giới điện ảnh Hoa Kỳ ghi nhận thông qua AMPAS, một tổ chức có uy tín và danh giá, quy tụ hơn 6.000 hội viên từ 40 quốc gia trên thế giới.
Được thành lập để hỗ trợ và thúc đẩy các ngành khoa học và nghệ thuật liên quan tới điện ảnh, Viện AMPAS cũng chính là nơi tổ chức và bầu chọn giải thưởng điện ảnh thường niên lớn nhất của Mỹ, Giải Oscar, từ năm 1929.
Ngay sau buổi lễ tôn vinh đạo diễn Đặng Nhật Minh được tổ chức dưới hình thức tọa đàm với các đại diện ngành điện ảnh Hoa Kỳ, bộ phim “Mùa ổi” của ông đã được chiếu giới thiệu.
Song song với sự kiện đạo diễn Đặng Nhật Minh được vinh danh, Tuần phim Việt Nam tại Hollywood - mang tên “Những âm thanh mới đến từ Việt Nam” (New Voices from Vietnam - cũng đã diễn ra trong thời gian từ ngày 5-11 đến 14-11-2010.
Một số bộ phim của các đạo diễn trẻ như “Bi, đừng sợ” (Phan Đăng Di), “Cánh đồng bất tận” (Nguyễn Quang Bình), “Trăng nơi đáy giếng” (Nguyễn Vinh Sơn), “Chơi vơi” (Bùi Thạc Chuyên), “Bẫy rồng” (Lê Thanh Sơn)... đã được trình chiếu trong khuôn khổ Tuần lễ phim này.
*
Sau đây là toàn văn bài phát biểu của đạo diễn Đặng Nhật Minh trong buổi tôn vinh tại rạp chiếu bóng Samuel Goldwyn (Beverly Hills, Holywood) tối 10-11-2010.
Đạo diễn Đặng Nhật Minh và diễn viên Đỗ Hải Yến - Ảnh do nhân vật cung cấp
Thưa quý vị,
Khi nhận được thư thông báo của chị Ellen Harrington, tôi ngạc nhiên không hiểu sao mình lại có được cái vinh dự lớn lao này, một vinh dự mà thú thật trong đời làm phim, tôi không bao giờ nghĩ tới. Tôi hiểu rằng đây là một vinh dự không phải chỉ riêng tôi mà cho cả nền điện ảnh Việt Nam.
Trước hết cho tôi được bầy tỏ lòng cám ơn chân thành tới Viện Hàn lâm Điện ảnh Hoa kỳ, tới ông chủ tịch Viện Tom Sherak. Cám ơn ông Phil Robinson, chị Ellen Harrington - những người tổ chức chính của sự kiện này. Tôi cũng cám ơn ông Michael Digregrio, người đã điều phối và giúp tôi trong chuyến đi này.
Tôi là đạo diễn của một nền điện ảnh, mỗi năm sản xuất chừng 10- 15 phim truyện nhựa, phim truyền hình thì có nhiều hơn, hàng trăm phim mỗi năm. Nền điện ảnh đó nằm trên bán đảo Indochina nhưng nó không Indo mà cũng không China. Trong hơn nửa thế kỷ tồn tại của mình, nó cũng đã hình thành cho mình một bản sắc riêng. Điều đó quý vị có thể nhận thấy qua các phim được giới thiệu trong dịp này tại Los Angeles.
Một thời gian dài nền điện ảnh của chúng tôi chỉ có một nhà sản xuất duy nhất là Nhà nước và một nhà phát hành duy nhất cũng là Nhà nước. Nhà nước cấp cho chúng tôi kinh phí để làm phim vì những mục đích mà nhà nước thấy cần, hoàn toàn không nghĩ đến lợi nhuận. Tuy vậy trong nền điện ảnh đó vẫn còn một mảnh đất, dù hẹp cho những ai muốn nói lên những thân phận con người trong đời sống đầy biến động ở đất nước chúng tôi. Và trên mảnh đất hẹp đó tôi đã làm những phim của mình.
Khi tôi bước vào điện ảnh, đó là những năm 70 của thế kỷ trước. Điện ảnh không có khái niệm giải trí. Ngày đó muốn giải trí người ta đi xem xiếc hoặc nghe hòa nhạc. Đi xem phim là để nhận thức thêm một điều gì đó về con người, về xã hội xung quanh mình. Xem phim là để suy ngẫm và tự hoàn thiện mình.
Nhưng bức tranh của điện ảnh Việt Nam bây giờ đã đổi khác. Sau Đổi mới, nền kinh tế Việt Nam vận hành theo cơ chế thị trường và điện ảnh cũng vậy. Nhà nước tuy vẫn còn cấp kinh phí để làm phim nhưng số lượng ngày càng giảm dần. Một khu vực sản xuất phim của tư nhân được hình thành, ngày càng năng động.
Hiện nay điện ảnh tư nhân chiếm đến 70% lĩnh vực sản xuất phim nhựa và gần 90% sản xuất phim truyền hình. Trong lĩnh vực phát hành thì gần như 100%. Những người làm phim ngày nay quan tâm đến lợi nhuận và họ bắt đầu nghĩ đến khán giả, những người bỏ tiền ra mua vé để xem phim của họ. Trong chiều hướng này đã có nhiều phim do tư nhân sản xuất đã thu hút được đông đảo người xem, đạt doanh thu cao.
Thưa quý vị,
Tôi ít khi xem lại những phim của mình, bởi vì mỗi lần xem tôi lại nhận ra những khiếm khuyết về nghề nghiệp mà không thể khắc phục được vì phim đã làm xong rồi. Tôi không phải là người có những tìm tòi phát hiện mới mẻ về hình thức và ngôn ngữ điện ảnh. Tôi chỉ là người kể chuyện về đất nước mình. Kể chuyện một cách chân thành. Điều quan tâm duy nhất của tôi là cố gắng làm sao để làm những bộ phim nói lên được tâm tư tình cảm, số phận của những con người Việt nam qua những thăng trầm của lịch sử, qua những biến động của xã hội.
Phải chăng vì lẽ đó mà tôi được có mặt hôm nay ở đây, để làm một người kể chuyện trong bộ phim mà quý vị sắp xem sau đây.
Đối với tôi tối nay là một buổi tối đặc biệt và thật có ý nghĩa.
Xin cám ơn tất cả quý vị khán giả đã có mặt cùng tôi trong đêm nay, tại đây.
Một lần nữa xin trân trọng cám ơn Viện Hàn lâm Điện ảnh Hoa Kỳ.
Cám ơn tất cả quý vị!