Một tăng lữ chép lại “Halotti beszéd és könyörgés” (1192-1195) - văn bản xưa nhất được viết hoàn toàn bằng tiếng Hungary - tại nhà thờ nhỏ mang tên Thánh István
Trên cơ sở định nghĩa rộng đó, nền văn học Hungary đã có chừng một ngàn năm lịch sử, phù hợp với lịch sử hình thành, lập quốc và phát triển của dân tộc Hungary ở vùng lòng chảo Carpathian (Kárpát).
Khởi đầu (thế kỷ 11-14)
Sự hình thành của ngôn ngữ Hungary được các nhà nghiên cứu ấn định là vào cuối thiên kỷ thứ hai trước CN, khi tiếng Hungary được tách khỏi “người anh em” gần gũi nhất của nó là hệ ngôn ngữ Ugor (
ugrian), tuy nhiên, ngôn ngữ cổ Hungary thì chỉ khởi đầu từ thời lập quốc của dân tộc Hungary (cuối thế kỷ 9, đầu thế kỷ 10). Cho dù không còn giữ được những văn bản của Hungary trước thế kỷ XI, nhưng căn cứ những di tích chữ khắc cổ sơ trên đá của Hungary, có thể giả định rằng vào thời lập quốc hoặc thậm chí trước đó, dân tộc Hungary đã có chữ viết, và có lẽ đã có một nền văn học.
Sau khi vua István Đệ nhất đăng quang vào năm 1.000 và thành lập Vương quốc Hungary Công giáo, nền văn học Hungary thoạt tiên được viết bằng tiếng Latin và có liên quan mật thiết đến giới tăng lữ, được coi là những người đi đầu trong sự phát triển văn hóa và khoa học của đất nước. Mốc khởi đầu của nền văn học Hungary là tác phẩm “Libellus de institutione morum ad Emericum” (khoảng 1015), là những lời dặn dò, khuyên nhủ của vua István viết gửi con, hoàng tử Imre.
Trong những thế kỷ sau của thời Trung cổ, nền văn học Hungary được đánh dấu bởi những huyền thoại về các vị Thánh có xuất xứ Hungary (như István, Imre, Gellért, László, András...), những cuốn biên niên sử, mà đáng kể nhất là “Gesta Hungarorum” (cuối thế kỷ 12, đầu thế kỷ 13), cuốn sử viết đầu tiên còn giữ lại được của một tác giả vô danh (Anonymus, có lẽ là thư ký của vua Béla Đệ tam) và những cuốn sách ghi chép du hành, ký sự đi đường, mà khởi đầu là tác phẩm “De facto Ungariae Magnae” (1237) của một tăng lữ nổi tiếng thuộc dòng Dominican tên là Julianus, người đã thực hiện hai chuyến du hành về phương Đông để tìm thủy tổ của dân tộc Hungary.
Mặc dù trong nhiều thế kỷ, chữ viết chính thức được sử dụng tại Vương quốc Hungary là Latin, nhưng nhiều khả năng là văn học tiếng Hungary đã tồn tại từ rất sớm. Dấu vết của một vài từ ngữ Hungary được tìm thấy trong văn kiện thành lập tu viện Tihany (1055), viết bằng tiếng Latin, được coi là văn bản Hungary cổ nhất còn được lưu lại cho đến nay. Văn bản xưa nhất được viết hoàn toàn bằng tiếng Hungary là “Halotti beszéd és könyörgés” (Văn điếu và khẩn cầu, 1192-1195), bản dịch một bài giảng tiếng Latin, hàm chứa khoảng 130 từ tiếng Hungary. Cần ghi nhận bài thơ đầu tiên bằng tiếng Hungary là “Ómagyar Mária-siralom” (Cung oán Mária Hungary cổ, thế kỷ 13), cũng là bản dịch khá tự do của một văn bản tiếng Latin.
Những thế kỷ phát triển (thế kỷ 15-19)
Sau những thế kỷ đầu, văn học Hungary đã trải qua nhiều thời kỳ phát triển như Phục hưng (thế kỷ 15-17), Baroc (thế kỷ 17-18), Khai sáng (1772-1800), Cổ điển và Lãng mạn...(đầu thế kỷ 19), với nhiều tác gia quan trọng như Janus Pannonius (1434-1472, giám mục, nhà thơ viết bằng tiếng Latin, được coi là thi sĩ Hungary đầu tiên mà tên tuổi được biết đến một cách chính xác), Bornemisza Péter (1535-1584, linh mục Tin lành, người khởi động và đại diện đầu tiên của văn xuôi cổ điển Hungary), Balassi Bálint (1554-1594, thi sĩ, đại diện xuất sắc đầu tiên của thi ca Hungary, được coi là tác gia kinh điển đầu tiên của nền văn học Hungary), Mikes Kelemen (1690-1761), Csokonai Vitéz Mihály (1773-1805, một trong những thi sĩ quan trọng nhất của văn học Hungary)...
Tất cả đã tạo nên một tiền đề để khi Hungary bước vào thời kỳ Đổi mới ngôn ngữ và Cải cách (1825-1849) - cùng với sự hứng khởi trong phong trào yêu nước, mộng ước giành độc lập khỏi đế chế Áo (vương triều Habsburg), xây dựng một nước Hungary độc lập, dân chủ, phú cường về văn hóa, khoa học - đời sống tinh thần Hungary nói chung và nền văn học Hungary đã có những bước tiến mạnh mẽ. Năm 1825, Viện Hàn lâm Khoa học Hungary được thành lập, nhiều tờ báo ra đời truyền bá tư tưởng cải cách, các nhà văn trước đó thường sáng tác đơn độc, co cụm, ít có sự liên hệ thì giờ đây có điều kiện trao đổi, thảo luận cùng nhau những vấn đề lớn tại các trung tâm văn hóa của đất nước, mà địa điểm chính là Pest.
Có thể kể đến ở đây những gương mặt xuất chúng nhất ở giai đoạn này như Kazinczy Ferenc (1759-1831, nhà thơ, nhà văn, thủ lĩnh phong trào đổi mới ngôn ngữ Hungary), Katona József (1791-1830, tác gia xuất chúng của nền kịch nghệ Hungary, tác giả vở kịch “Bánk bán” (1)), Kölcsey Ferenc (1790-1838, nhà thơ, nhà đổi mới ngôn ngữ, tác giả thi phẩm “Hymnus, a' Magyar nép zivataros századaiból”, sau được nhạc sĩ Erkel Ferenc phổ nhạc thành bản Quốc ca Hungary), Vörösmarty Mihály (1800-1855, nhà thơ, nhà văn, đại diện lớn của trường phái Lãng mạn Hungary, tác giả bài thơ “Szózat” lừng danh ngợi ca tình yêu quê hương đất nước), Arany János (1817-1882, nhà thơ với tác phẩm nổi tiếng “Toldi”), Petőfi Sándor (1822-1849)...
Trong số đó,
Petőfi Sándor nổi lên với cương vị thi hào vĩ đại nhất của Hungary thế kỷ 19, như nhận định của nhà phê bình văn học Hegedűs Géza: “
Nếu ai đó nói bằng tiếng Hung từ “thi sĩ”, người đó trước hết đã nghĩ đến Petőfi. Kể từ khi bước chân vào văn đàn, ông hiện diện không ngừng ở đó. Ông là tấm gương và là thước đo” (2). Tên tuổi Petőfi được thế giới đánh giá cao và xếp ngang hàng những văn sĩ lớn của Châu Âu thời bấy giờ, như Byron (Anh), Pushkin (Nga), Heiné (Đức), Mickiewicz (Ba Lan) và Viktor Hugo (Pháp).
Nhận định về cuộc đời và sự nghiệp của Petőfi, GS. VS. Németh G. Béla đã có một đánh giá ngắn gọn và chuẩn xác: “
Ở nước ngoài, cho đến nay, Petőfi là nhà thơ được biết đến nhiều nhất của Hungary. Ông là người Hungary được thánh thần sủng ái. Ông được nhận tất cả để trở thành một thi hào lớn: tài năng, lịch sử và số phận. Sống hai mươi sáu năm, ông để lại một sự nghiệp mang tầm kích thế giới, đánh dấu bước biến chuyển thời đại trong nền văn học của xứ sở ông”. (3)
Không chỉ là một nhà thơ lớn, Petőfi còn được biết tới như nhà anh hùng dân tộc và điều này đã để lại dấu ấn đặc biệt trong thi nghiệp của ông với hai mảng thơ đề tài tiêu biểu - tình yêu lứa đôi và hồn dân tộc, bổn phận ái quốc của người trượng phu thời ly lạc. Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, ông còn là người đổi mới thi ca Hungary bằng cách đưa nhiều đề tài mới vào thơ: thơ ngợi ca tình cảm gia đình,
tình yêu đôi lứa, vợ chồng, ngợi ca những miền đất, phong cảnh của quê hương đất nước...
Thơ Petőfi mang sức mạnh biểu cảm mạnh mẽ vì ông đi thẳng vào nhân dân, sử dụng thứ ngôn ngữ tinh tế, nhưng dễ hiểu và đơn giản của người dân. Petőfi chủ trương coi trọng nội dung, xem phần tư tưởng như trung tâm của các thi phẩm, coi nó quan trọng hơn sự hoàn thiện hình thức thi ca. Tuy nhiên, có thể coi rất nhiều bài thơ nổi tiếng của ông như những viên ngọc toàn bích cả về nội dung lẫn hình thức thể hiện, như “Az alföld” (Vùng bình nguyên, 1844), “A Tisza” (Sông Tisza, 1847),
“Reszket a bokor, mert…” (Bụi cây run rẩy, vì…, 1846),
“Szeptember végén” (Cuối tháng chín, 1847),
“Szabadság, szerelem...” (Tự do và ái tình, 1847), “Minek nevezzelek?” (Anh biết gọi em là gì?, 1848),
“Nemzeti dal” (Bài ca Dân tộc, 1848), “Föltámadott a tenger…” (Biển thét gào, 1848), “Európa csendes, újra csendes…” (Châu Âu lại tĩnh lặng…, 1849)... (4)
Qua đời khi mới 27 tuổi, Petőfi để lại hàng ngàn bài thơ và một di sản tinh thần lớn lao cho các thế hệ thi sĩ Hungary mà “
bất cứ một nhà thơ nào viết bằng tiếng Hungary, không thể tránh được mối tương giao tinh thần với ông” (5). Thi nghiệp và con người của thi sĩ - người đã thổi lửa vào những vần thơ - còn có ảnh hưởng lớn đến nhiều nhà thơ - chiến sĩ Việt Nam thông qua những bản dịch Việt ngữ giữa thế kỷ 20, cho thấy sự đồng điệu giữa tình cảm và tâm thế của những nhà thơ, những dân tộc cách nhau một khoảng rất xa về địa lý.
*
Sau khi cuộc cách mạng dân chủ tư sản 1848 thất bại, Hungary phải chịu ách thống trị độc đoán của Áo cho đến năm 1867, khi Đế chế Áo - Hungary (hay chính xác hơn là Nền Quân chủ Áo - Hungary) ra đời như kết quả của sự thỏa thuận giữa triều đình Áo không đủ lực để biến Hungary thành một phần của đế chế Áo đơn độc, và Hungary luôn có ý muốn giành độc lập nhưng cũng không đủ sức mạnh để thực hiện ý nguyện đó.
Trong những thập niên cuối của nửa sau thế kỷ 19, Hungary có những bước phát triển vượt bậc về kinh tế, đặc biệt là nền công nghiệp. Thủ đô Budapest sau khi được hợp nhất từ các thành phố Buda, Pest và Óbuda, được hình thành và hoàn chỉnh với những đại lộ và công trình kiến trúc nổi bật, nhiều nhà hát, tòa soạn báo xuất hiện, các nhà xuất bản cũng mọc lên hàng loạt. Tinh thần tự tôn dân tộc và ái quốc vẫn được gìn giữ trong lòng giới trí thức, văn nghệ sĩ - đặc biệt, được gia tăng trong dịp kỷ niệm một ngàn năm Vương quốc Hungary (896-1896) - và tiếp tục được duy trì trong các sáng tác của họ.
Trên đà ấy, sau thi ca một bước, nhưng nền văn xuôi và kịch nghệ Hungary đã sản sinh nhiều tên tuổi lớn như Kemény Zsigmond (1814-1875, tiểu thuyết gia lớn của trường phái Lãng mạn Hungary), Madách Imre (1823-1864, nhà văn, nhà thơ, tác giả vở kịch được coi là kinh điển nhất trong nền kịch nghệ Hungary, “Az ember tragédiája” (6)), Jókai Mór (1825-1904, tiểu thuyết gia, tác giả “A kőszívű ember fiai” (7), tác phẩm lớn ca ngợi cuộc cách mạng giải phóng dân tộc 1848-49), Mikszáth Kálmán (1847- 1910, nhà văn, ký giả), Gárdonyi Géza (1863-1922, nhà văn, tác gia nổi bật của văn học Hungary đầu thế kỷ 20 với những tác phẩm lớn đề tài lãng mạn lịch sử như “Egri csillagok”, “Láthatatlan ember”, “Ido regénye”... (8)).
“Trăm hoa đua nở” (1900-1945)
Sự thăng hoa của đời sống tinh thần và việc giới thị dân, tiểu thị dân có điều kiện phát triển trong hòa bình trong những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 là những yếu tố khiến nền văn học Hungary đã có chừng hơn 4 thập niên rạng rỡ đầu thế kỷ 20 với nhiều nhóm văn bút, văn đoàn và trường phái văn học với những tên tuổi xuất sắc.
Đại diện cho nền văn học mới với tiêu chí đưa nền văn học Hungary lên tầm Phương Tây (và thế giới) là các tác giả quy tụ bên tờ tạp chí “Nyugat” (Phương Tây, 1908-1941), được coi là nơi bảo trợ và đảm bảo “đất dụng võ” cho những hướng đi mới, phong cách mới trong văn học Hungary, đồng thời, giới thiệu những nỗ lực mới nhất của văn học Phương Tây đương thời.
Dưới sự chủ trì của Osvát Ernő (1876-1929, nhà văn, nhà phê bình văn học danh tiếng, nhà tổ chức đại tài của nền văn học hiện đại Hungary), với một chương trình xuất phát nhấn mạnh vào các yếu tố
Dân tộc Hungary - Chất lượng sáng tác - Tự do sáng tạo -, tạp chí “Nyugat” đã liên kết các thành viên thuộc ba thế hệ để trở thành địa chỉ sáng tác nổi bật nhất của văn học Hungary thế kỷ 20.
Các nhà văn, nhà thơ thuộc “thế hệ Phương Tây”, hoặc đơn thuần đã có những gắn bó với tờ tạp chí, như Ady Endre (1977-1919), Krúdy Gyula (1878-1933), Kaffka Margit (1880-1918), Csáth Géza (1887-1919), Juhász Gyula (1883-1937), Kosztolányi Dezső (1885-1936), Babits Mihály (1883-1941), Tóth Árpád (1886-1928), Móricz Zsigmond (1879-1942), Tamási Áron (1897-1966), Márai Sándor (1900-1989), Szabó Lőrinc (1900-1957), Németh László (1901-1975), Illyés Gyula (1902-1983), Déry Tibor (1894-1977), Weöres Sándor (1913-1989)..., trong sự nghiệp sáng tác cá nhân, đều đã trở thành những bậc thày của văn xuôi và thi ca hiện đại Hungary thế kỷ 20.
“Nyugat” cũng đã nâng đỡ và trân trọng nhiều ngòi bút có quan điểm sáng tác không nhất thiết tương đồng với “Thế hệ Phương Tây”, mà
József Attila (1905-1937), gương mặt lớn nhất của thi ca Hungary nửa đầu thế kỷ 20 là một ví dụ điển hình. Là người nối tiếp truyền thống thi ca Hungary từ Petőfi Sándor, qua Ady Endre và người bạn, người thày Juhász Gyula, “
người con của đường phố và ruộng đồng” (
az utca és a föld fia) József Attila đã có ảnh hưởng vô cùng lớn đến nền thi ca Hung nửa đầu thế kỷ trước.
Với toàn bộ
thi nghiệp của mình, József Attila đã đề cập - một cách thiên tài - đến toàn bộ những chủ đề chính của thơ ca và con người: cuộc sống,
tình yêu, cái chết, tình mẫu tử, thân phận con người, Tổ quốc, thế giới… và bao trùm lên tất cả, là vẻ đẹp trong trăn trở của kiếp người. Đáng nói là ngoài những đề tài “vĩnh cửu”, thi sĩ còn đưa vào thi ca nhiều đề tài mới, cấp thời (về phong trào lao động, giới công nhân lao khổ, nhà máy, công xưởng…) và khi thể hiện chúng, ông đã tránh được những mô-típ sáo mòn, thiên về tuyên truyền, cổ động mà thế hệ các nhà thơ “vô sản” cùng thời với ông thường phạm phải.
Cho dù
qua đời khi còn rất trẻ ở tuổi 32, József Attila đã để lại một thi nghiệp đồ sộ về số lượng và bao la về phạm vi đề tài được ông đề cập, gồm trên dưới 600 tác phẩm, trong đó có những thi phẩm lớn đã được độc giả Việt Nam biết tới và yêu thích như “Tiszta szívvel” (Trái tim trong trắng, 1925), “Juhász Gyulához” (Gửi Juhász Gyula, 1922), “Mẹ” (Mama, 1934), (“Anyám”, 1931), “Bús magyar éneke” (Bài ca của người Hung buồn, 1922), “Kertész leszek” (Thành thợ làm vườn, 1925), “Tedd a kezed…” (Hãy đặt tay em…, 1928),
“Óda” (Tụng ca, 1933)... (9)
Xứng đáng ngôi vị thi bá Hungary thế kỷ 20, ngày sinh của József Attila (11-4) đã được chọn làm Ngày Thi ca Hungary. Nhà phê bình László Zoltán (mạng Literatura.hu) đã có lời đánh giá trân trọng về ông: “
Tất cả những gì đã tồn tại trong nền thi ca của chúng ta đến lúc bấy giờ, đều hội tụ vào József Attila; tất cả những gì có từ hồi ấy, đều bắt đầu từ ông. Ông là tác gia kinh điển của “tinh thần và tình yêu”, của chủ nghĩa nhân văn, của người Hungary ở châu Âu. Ông đã trở thành một tác gia kinh điển, của dân tộc và của văn đàn thế giới”.
Ngoài tầm ảnh hưởng của “Nyugat”, thời kỳ 1900-1945 còn chứng kiến sự hiện diện của những cây bút độc lập trên văn đàn Hungary, trong đó đáng kể nhất là Móra Ferenc (1879-1934, một trong vài nhà văn Hungary được biết đến nhiều nhất trên thế giới), Kassák Lajos (1887-1967, thủ lĩnh trường phái avant-garde Hungary), Radnóti Miklós (1909-1944, nhà thơ gốc Do Thái bị sát hại trong Đệ nhị Thế chiến), Molnár Ferenc (1878-1952, tác giả tiểu thuyết thiếu nhi “A Pál utcai fiúk” (10), tác phẩm văn học Hungary được dịch và biết đến nhiều nhất trên thế giới), Wass Albert (1908-1998, nhà văn, nhà thơ Hungary sống tại vùng Transylvania (Erdély))...
Ghi chú (đối với các tác phẩm chưa được dịch ra tiếng Việt, các tựa đề sách chỉ mang tính tham khảo):
(1) “Nhiếp chính bang”, Lê Xuân Giang dịch.
(2) “Bảng chân dung của nền văn học Hungary” (A magyar irodalom arcképcsarnoka).
(3) “Lịch sử Văn học Hungary” (A magyar irodalom története, NXB Kossuth, năm 1982).
(4) Các thi phẩm của Petőfi đã được nhiều dịch giả chuyển ngữ ra tiếng Việt.
(5) Hegedűs Géza, sđd.
(6) “Tấn thảm kịch con người”, Vũ Ngọc Cân dịch (sắp xuất bản).
(7) “Con trai người có trái tim đá”, Lê Xuân Giang dịch.
(8) “Những ngôi sao thành Eger”, Lê Xuân Giang dịch; “Tâm hồn bí ẩn” và “Nàng Iđo”, Hà Anh My dịch.
(9) Xin tham khảo bản dịch các thi phẩm nói trên trong tập “Gió trắng” (thơ và thơ dịch của Nguyễn Thụ).
(10) “Những cậu con trai phố Pál”, Vũ Thanh Xuân dịch.
Xem Phần 2 của bài viết.