VĨNH BIỆT CHÀNG ĐAM SAN THỜI HIỆN ĐẠI CỦA TÂY NGUYÊN

Thứ bảy - 02/10/2010 00:23

(NCTG) Theo tin từ trong nước, NSND Y Moan (tên khai sinh là Y Bliêo), “huyền thoại thứ tư của đại ngàn Tây Nguyên” (sau cồng chiêng Tây Nguyên, voi bản Đôn và anh hùng Núp - lời nhạc sĩ Nguyễn Cường), đã ra đi tại nhà riêng tại TP Buôn Ma Thuột vào hồi 15 giờ 25 chiều ngày 1-10-2010, sau 5 tháng đối mặt với căn bệnh ung thư dạ dày di căn, hưởng dương 54 tuổi.


Giọng ca lớn của núi rừng Tây Nguyên


Sinh năm 1957 trong một gia đình nông dân Ê Đê nghèo có bảy anh em ở Đắk Lăk, Y Moan khởi nghiệp ca hát vào giữa thập niên 70 thế kỷ trước. Cuối 1976, ông tham gia Hội diễn ca múa chuyên nghiệp các tỉnh tại Quy Nhơn và đoạt Huy chương vàng, giải thưởng đầu tiên trong đời, với ca khúc “Gánh thóc vào kho”. Năm 1979, sau chiến tranh biên giới, ông ra Bắc theo học Nhạc viện Hà Nội, rồi trở về Tây Nguyên và giữ cương vị giọng ca chính của Đoàn ca múa nhạc dân tộc Đắc Lắk.

Sự nghiệp của Y Moan thăng tiến và lên tới đỉnh cao sau khi ông có cuộc hạnh ngộ với người anh lớn, người thày trong âm nhạc, nhạc sĩ Nguyễn Cường vào năm 1981. Ông trở thành người thể hiện xuất thần nhất những ca khúc mang âm hưởng đại ngàn Tây Nguyên của Nguyễn Cường như “Ơi M’Drak”, “Anh muốn sống yêu em trọn đời”, “Ly cà phê Ban Mê”, “Em hát thương ai”, “Đôi mắt Pleiku”, “H’zen lên rẫy”, “Còn thương nhau thì về Buôn Ma Thuột”, “Xốn xang mênh mang cao nguyên Đắk Lắk”, “Tango Ê Đê”...

Thời gian sau, Y Moan có mối giao tình với nhạc sĩ Trần Tiến khi cùng nhóm “Du ca Đồng nội” đi biểu diễn ở mọi miền đất nước. Ông cũng đã trình diễn nhiều ca khúc khác về miền quê bazan đất đỏ như “Giấc mơ Chapi”, “Ngọn lửa cao nguyên”... (Trần Tiến), “Đi tìm lời ru thần Mặt Trời”, “Chim phí bay về cội nguồn”, “Đôi chân trần”... (Y Phon K’Sor)...

Sở hữu chất giọng cao vút, phong cách biểu diễn đầy kịch tính và hoang dã, mạnh mẽ và mãnh liệt, vang vọng trong các ca khúc đầy chất lửa của Tây Nguyên, nhưng cũng hết sức đằm thắm, sang trọng và khát khao khi ca những giai điệu trữ tình, Y Moan được nhạc sĩ Trần Tiến đánh giá là giọng ca hàng trăm năm chưa chắc đã có một.

Hai con trai ông - Y Vol (SN 1980) và Y Garia (SN 1983) - cũng theo nghiệp bố: cả hai đều được theo học và tốt nghiệp Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội (Hà Nội). Chính Y Moan, huyền thoại của núi rừng Tây Nguyên, sau những giờ phút thăng hoa trên sân khấu, lại trở về làm rẫy nuôi cho hai con ăn học.


Nghệ sĩ Y Moan đón nhận danh hiệu NSND do Chủ tịch nước đặc cách phong tặng - Ảnh: T.B.D.


Cuối xuân 2010, ông bị phát hiện mắc chứng ung thư nan y. Sau 35 năm hoạt động nghệ thuật và cống hiến hết mình, vào tối 6-8, Y Moan mới có được live show riêng đầu tiên (và cũng là cuối cùng) tại Trung tâm Biểu diễn Nghệ thuật Âu Cơ (Hà Nội) do các bạn đồng nghiệp tổ chức cho.

Trong đêm nhạc đầy bi tráng có một không hai trong lịch sử âm nhạc Việt Nam ấy, khi Ban tổ chức đã phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, Y Moan - dù phải truyền đạm, thở ôxy liên tục và không ăn được chút gì trong vòng 3 tháng trước đó - đã một lần nữa xuất thần để giã từ khán thính giả mến mộ ông.

Là người anh rất được vị nể của nhiều thế hệ các giọng ca Tây Nguyên, trước khi ra đi, thổ lộ với báo chí, Y Moan chỉ tiếc một điều: “Ai sẽ là cầu nối gắn kết các dân tộc với nhau. Ai xứng đáng là sứ giả văn hóa giữa các vùng dân tộc?” Bởi theo Y Moan, các con ông, dù đã tốt nghiệp đại học và đã khôn lớn, “nhưng chưa đủ sức gánh vác trọng trách này”, còn Siu Black và những người khác, “mỗi người đều có bản sắc riêng song tiếc rằng tính dân gian bắt đầu mất đi nhiều”...

Được phong tặng danh hiệu NSƯT (năm 1997), Huy chương Vì sự nghiệp văn hóa Việt Nam (Bộ Văn hóa Thông tin, năm 2000), Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp âm nhạc Việt Nam (Hội Nhạc sĩ Việt Nam, tháng 8-2010), trước khi từ trần, ngày 16-9, Y Moan còn kịp nhận danh hiệu NSND tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Ðắk Lắk, quê hương ông.

Trước đó, trong dịp sinh nhật 6-9, Y Moan cũng còn dịp phát hành (miễn phí) 2.000 đĩa DVD “Trở về buôn làng xưa” do ông bỏ tiền túi thực hiện trong thời gian nằm trên giường bệnh, tập hợp 12 ca khúc để tri ân buôn làng Đắk Lắk.

Sự ra đi của Y Moan để lại một khoảng trống vô cùng lớn trong nền văn hóa các dân tộc Tây Nguyên - nền âm nhạc Việt Nam mất đi một giọng ca “rất riêng, mang đậm bản sắc núi rừng mà 100 năm trước cũng chưa ai có được và 100 năm sau chưa hẳn đã có” (nhạc sĩ Nguyễn Cường)

NCTG


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn