TẢN MẠN NGHĨ VỀ THƠ

Thứ sáu - 09/04/2004 09:18

(NCTG) “Bây giờ đôi khi đọc một số bài thơ “đang nổi” của các thi sĩ “đang mốt” khi viết về ái ân tôi cảm thấy ghê ghê đến lợm giọng. Ðiều này khiến tôi liên tưởng đến sự so sánh khi xem “Playboy” và phim sex rẻ tiền”.


Vi Thùy Linh - người từng được coi là hiện tượng của thi đàn Việt Nam với những vần thơ táo bạo, cuồng nhiệt - trong một buổi trình diễn thơ cùng nghệ sĩ Đào Anh Khánh


Có lẽ đây là việc của người làm nghiên cứu văn học chuyên nghiệp. Nhưng tôi nghĩ bất cứ người nào yêu thơ hay ít nhất là đọc thơ đều có những phút suy ngẫm về những vần thơ mình đọc. Thơ theo tôi là sự kết hợp giữa âm nhạc và văn học. Trong thơ nói ít mà cần hiểu nhiều, sau mỗi vần, mỗi từ là cả nhân sinh quan của người viết. Bên cạnh đó, mỗi bài thơ còn là một bản nhạc, âm điệu của nó ngân nga, đọng lại trong tâm tưởng của người đọc. Cũng như văn học, thơ có những dòng thơ khác nhau. Cũng như âm nhạc, thơ có các thể loại khác nhau.

Các dòng thơ thì thường theo trào lưu của xã hội, nói cách đơn giản hơn là theo “mốt”. Trong thời chiến thì nhiều thơ cách mạng, tình yêu trong thơ cũng cách mạng. Thời mở cửa thì thơ hay viết về kinh tế thị trường, tình yêu trong thơ cũng tự do, thực dụng. Ðiều đó cũng dễ hiểu, ai viết thơ cũng muốn nhiều người đọc thơ mình, nói về mình, không muốn mình bị lạc hậu với thời cuộc.

Nhưng tôi nghĩ con người bao giờ cũng là con người, tình yêu vẫn là tình yêu. Mà thơ thì gắn liền với tình yêu. Bây giờ khi đọc những dòng thơ của Pushkin tôi vẫn thấy Tatiana trong mối tình với Oneghin cũng dằn vặt và dám chủ động không kém gì các cô gái hiện đại mặc dù Pushkin dùng ngôn ngữ thật mộc mạc và dễ hiểu chứ không cần tới những từ mạnh, rắc rối, khó hiểu như một số nhà thơ đương đại.

Hiện nay, có “mốt” viết về tình yêu là phải phơi trần cái yếu tố xác thịt của nó. Hơn nửa thế kỷ trước Xuân Diệu đã viết:

Hãy sát đôi đầu! Hãy kề đôi ngực!
Hãy trộn nhau đôi mái tóc ngắn dài...
...
Hãy khăng khít những cặp môi gắn chặt
Cho anh nghe đôi hàm ngọc của răng
Trong say sưa, anh sẽ bảo em rằng
“Gần thêm nữa! Thế vẫn còn xa lắm!”

Cái đam mê đời thường trong tình yêu đã được miêu tả rất sát mà vẫn rất thơ. Hoặc ai còn vẽ đẹp hơn cảnh đôi lứa đợi chờ ái ân như trong thơ Hàn Mạc Tử:

Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu
Ðợi gió đông về để lả lơi...

Bây giờ đôi khi đọc một số bài thơ “đang nổi” của các thi sĩ “đang mốt” khi viết về ái ân tôi cảm thấy ghê ghê đến lợm giọng. Ðiều này khiến tôi liên tưởng đến sự so sánh khi xem “Playboy” và phim sex rẻ tiền. Xem “Playboy” cũng là cô gái khỏa thân nhưng ta thấy sự hấp dẫn của cái đẹp, của nghệ thuật trong từng đường nét. Còn xem loại phim rẻ tiền thì cũng khỏa thân nhưng sao thô tục và nhiều khi có cảm giác bẩn thỉu.

Tôi vẫn nhớ ấn tượng khi đọc bài “Ðêm chuyển mùa” của nhà thơ Giáp Văn Chung đăng trên báo NCTG. Tình yêu đấy, ái ân đấy rất hiện thực nhưng đồng thời cũng rất lãng mạn, rất đẹp. Hoặc nữ thi sĩ Phạm Thị Ngọc Liên có viết những dòng rất gợi tình mà cũng rất nghệ thuật:

Vẻ trễ tràng bộ ngực
Vẻ kiêu hãnh bờ vai
Vẻ thầm kín hoa sen
Vẻ lả lơi bướm bạc

Tôi có may mắn được đọc bản thảo chưa được xuất bản của một nữ thi sĩ đang khá nổi bây giờ. Có lẽ cô đã đạt được nguyện vọng của bất cứ người nào dấn thân vào con đường thơ ca - đó là sự nổi tiếng. Nhưng mấy chục năm sau có ai nhớ đến thơ của cô không thì theo tôi còn là dấu hỏi.

Thơ là tâm hồn của người viết. Thời cuộc thì thay đổi, nhưng “làm người” thì vẫn là “làm người”. Do vậy dù “mốt” hay “lạc hậu” nhưng thơ vẫn không thể đánh mất bản năng hướng tới cái đẹp của tâm hồn con người. Thơ là phải đẹp. Những người đọc thơ là những người muốn tìm đến cái đẹp. Thơ không thể thô thiển, thậm chí khi viết về những gì sống sượng nhất. Ðiều đó được nữ thi sĩ Tuyết Ba thể hiện thành công khi viết những câu đọng lại lòng người:

Mây đã trôi đi
Mưa cũng trôi rồi
Chỉ còn đứa con mới sinh thôi

Trong nghệ thuật, người ta hay nói đến sự tìm tòi, khám phá cái mới. Nhưng suy cho cùng ở thế kỷ XXI này, những buổi hòa nhạc cổ điển, hay thậm chí nhạc nhà thờ vẫn tìm được đông đúc khán giả. Hoặc đơn giản như tôi (vẫn tự cho mình chưa phải là già) thì không thể chịu nổi loại nhạc Metal hoặc Rap. Có lẽ mỗi thể loại âm nhạc đều tìm được tầng lớp hâm mộ của mình. Tôi nghĩ trong thơ cũng vậy. Người mê lục bát, người khoái thơ bảy chữ...

Bây giờ các nhà thơ hay bàn đến sự đổi mới để khỏi nhàm chán trong thơ. Nhiều lúc tôi nghĩ thế nào là thơ mới. Có người nói là loại thơ văn xuôi. Nhưng cũng chẳng phải, ví dụ như Chế Lan Viên đã viết kiểu đó từ những năm 50 thế kỷ trước. Người khác coi phải là lối thơ thả chữ, nhưng Nguyễn Vỹ đã viết với phong cách này thật tuyệt vời trong bài “Sương rơi” (1935).

Nghĩ đến đây tôi nhớ tới sự so sánh khi viết về chuyện đổi mới trong thơ của nhà thơ Phạm Tiến Duật mà tôi rất thích: “Thơ là đàn bà. Mà đàn bà thì lạch bạch”. Thật là chính xác. Ðàn bà thì khó mà đổi mới. Nhưng ngay cả khi chưa đổi mới họ vẫn rất đẹp, chỉ cần phải nhìn thấy cái đẹp đó thôi.

Ðối với tôi, một người yêu thơ thì cái quan trọng trong thơ có lẽ không phải là hiện đại hay cổ điển, mốt hay không mốt mà là sự phong phú của tâm hồn, sinh động của ngôn ngữ và cái đẹp. Trong người đọc chỉ đọng lại những vần thơ đẹp.

(*) Mục “Diễn đàn văn nghệ” được mở ra để đăng tải những ý kiến, quan điểm về các đề tài nghệ thuật và, theo mong muốn của NCTG, sẽ là một diễn đàn mở để tất cả các bạn đọc cũng như CTV của NCTG có điều kiện trao đổi, tranh luận trên tinh thần dân chủ và tôn trọng lẫn nhau.

Bài vở đăng trong mục này không nhất thiết phản ánh quan điểm của NCTG (BBT).

Phan Bích Thiện, Budapest tháng 4-2004


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn