GS Oláh György
Chỉ với gần 10 triệu dân, nhưng nước Hungary bé nhỏ đã là một cường quốc trong khoa học và kỹ thuật ở thế kỷ trước. Hơn 15 giải Nobel được trao cho giới nghiên cứu (gốc) Hung trên các lĩnh vực Vật lý, Hóa học, Kinh tế học, Y học... đã chứng thực cho vai trò của các nhà khoa học xứ sở này. Và, trong số những tên tuổi vĩ đại đó, phải kể đến GS. Oláh György (George Andrew Olah), giải Nobel Hóa học 1994, một người con ưu tú của nước Hung.
Nhà hóa học Oláh György ra đời tại Budapest ngày 22-5-1927. Thời trẻ, ông theo học trường Trung học Piarista (Budapest) và theo lời kể của ông, ông không quan tâm mấy đến các môn khoa học tự nhiên như Toán, Lý, mà lại chú trọng đến Lịch sử, Nghệ thuật, Ngoại ngữ và Triết học. Tuy nhiên, người thày môn Vật lý của ông, nhà giáo nổi tiếng Öveges József, tác giả những cuốn sách giáo khoa tuyệt vời về Vật lý, đã là người gợi lên trong ông niềm thích thú về môn khoa học này.
Sau Thế chiến thứ hai, Oláh György quyết định theo một ngành khoa học tự nhiên, dù đó không phải là lĩnh vực ông thật để tâm. Sau một khóa học về môn Hóa tại Đại học Kỹ thuật Budapest, đột nhiên ông cảm thấy hứng khởi với môn khoa học này và trở thành một nhà hóa học. Trả lời câu hỏi "tại sao ông lại yêu môn Hóa", GS. Oláh György đã có lời đáp hóm hỉnh: "Rằng tại sao một người lại yêu ư? Tôi không biết, nhưng chắc chắn trong Hóa học có một cái gì đó thú vị đối với tôi".
Trong những năm đầu sau cuộc Thế chiến, nước Hungary đang trong hoàn cảnh tái thiết; khoa Hóa trường Đại học Kỹ thuật Budapest bị tàn phá nặng nề, các phương tiện nghiên cứu đều rất thiếu thốn. Tuy nhiên, Oláh György cùng một số nhà hóa học trẻ khác đã lập nên một "ê-kíp" ăn ý, nhiệt tình và đó là khởi điểm cho những thành công sau này của ông trong sự nghiệp khoa học.
Ngay từ buổi đầu, Oláh György đã chọn một con đường riêng khi ông quan tâm khiên cứu hợp chất Flour (F), một lĩnh vực hầu như chưa được ai quan tâm ở Hung cũng như trên thế giới. Những năm 1951-52, tên tuổi của Oláh György bắt đầu được giới khoa học quốc tế biết đến với rất nhiều công trình nghiên cứu về nhiều thể loại. (Trong đời, GS. Oláh György đã có chừng 1.200 công trình và 100 phát minh, sáng chế trên 24 lĩnh vực và ông cho rằng "đây là điều tự nhiên vì không thể cứ làm mãi một việc, sẽ chán nản; hay hơn cả là thỉnh thoảng, con người ta lại thử mày mò những lĩnh vực mới").
Sự kiện 1956 đến với Oláh György khi ông đã là một nhà khoa học tên tuổi (khi đó, ông giữ chức Viện phó Viện Nghiên cứu Hóa học Trung tâm trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Hungary). Quyết định rời Tổ quốc của Oláh György được ông lý giải, phần vì giới thanh niên thế hệ ông muốn tìm tự do, phần vì ông muốn thoát khỏi cảnh "bế quan tỏa cảng" của Hungary thời đó, khi các nhà khoa học không có điều kiện gia nhập "guồng máy" vận hành của thế giới, và tương lai đối với họ là mù mịt.
Cùng người vợ yêu dấu, đã ủng hộ ông hết mình trong sự nghiệp khoa học, và đứa con trai mới lên ba, Oláh György bắt đầu cuộc sống mới - thoạt đầu ở Canada và sau đó tại Hoa Kỳ - với muôn vàn khó khăn. Ban đầu, để nuôi vợ con và gia đình, ông phải nhận một công việc không liên quan trực tiếp đến chuyên ngành Hóa học nhưng rồi tại đó, nhà hóa học cũng thuyết phục được mọi người, rằng một người ngoại quốc, đến từ một quốc gia nhỏ, cũng có thể có những ý tưởng độc lập và có hiệu quả.
GS. Oláh György đã trải qua những thăng trầm trong cuộc sống và sự nghiệp khoa học, và đã có không ít mẩu chuyện lý thú được kể về ông. Theo hồi tưởng của Rabó Gyula, một nhà hóa học nổi tiếng khác của Hung, hiện sinh sống tại Mỹ, vào năm 1962, GS. Oláh György đã đăng đàn giới thiệu về một đề tài mà ông đang nghiên cứu tại một hội nghị hóa học được tổ chức ở Mỹ.
Sau bài diễn trình, chủ tọa hội nghị, một nhà hóa học từng được giải Nobel đã gọi Oláh György ra một góc và bảo ông: "George, chúng tôi biết rất rõ anh, anh là một nhà nghiên cứu xuất sắc và sẽ có tương lai sáng lạn. Vì thế, chúng tôi coi mình có bổn phận phải nói với anh rằng những gì anh vừa trình bày là một học thuyết nguy hiểm và đáng ngờ; đừng đưa nó vào đời sống khoa học!" Không biết nhà hóa học kia có để ý không: 32 năm sau, GS. Oláh György đã được nhận giải Nobel cho công trình mà ông ta cho là "nguy hiểm và đáng ngờ" đó!
GS Oláh György phát biểu tại ÖKOHÁZ (16-6-2003)
Sau hơn 4 thập niên nghiên cứu, với những kết quả chấn động giới Hóa học và có hiệu quả trực tiếp đến nhiều ngành công nghiệp ứng dụng, năm 1994, giải Nobel Hóa học đã được trao cho GS Oláh György. Trong đời, ông còn được nhiều giải thưởng cao quý khác như Giải Alexander von Humboldt (1979), Giải Vì Danh tiếng Dân tộc Hung (1997) và gần đây nhất, năm 2001, Giải thưởng Corvin-lánc (Dây chuyền Corvin) do Thủ tướng Hung đích thân trao tặng (Corvin-lánc là một phần thưởng vô cùng cao quý của Hung, dành cho những đóng góp kiệt xuất trên các lĩnh vực khoa học, nghệ thuật, giáo dục và văn hóa Hung).
Tuy nhiên, theo lời thổ lộ của giáo sư, giải Nobel cũng những phần thưởng khác không làm ông thay đổi hay kiêu căng, cũng không chấm dứt sự nghiệp nghiên cứu khoa học của ông (như ở nhiều trường hợp khác), mà chỉ khiến ông càng ngày càng làm việc hăng say hơn, cần cù hơn.
Đối với GS. Oláh György, cuộc đời ông được dành hoàn toàn cho hóa học. Thời trẻ, ông đã thuyết phục bà Edit György, vợ ông, ghi danh vào một khóa học về Hóa, để bà có thể đồng cảm được với chồng trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học và như lời ông, nếu như người Mỹ thường nói "sau lưng một người đàn ông thành đạt đều có bóng dáng một phụ nữ", thì phu nhân của ông - một "hậu thuẫn gia đình vững mạnh" - hoàn toàn xứng đáng với câu nói đó.
Trong một bài trả lời phỏng vấn, GS. Oláh György tâm sự: ông có một triết lý lạc quan về cuộc đời. Theo ông, cuộc đời quá ngắn để con người ta có những suy nghĩ bi quan, chi bằng hãy tập trung vào mặt đẹp, mặt "đáng yêu" của cuộc sống: "Trong đời sống thường nhật, chúng ta thiếu gì điều có thể phàn nàn, nhưng không nên bỏ sức vào đó". Có may mắn được gặp mặt và trò chuyện ít phút với nhà bác học, thấy ông qua độ tuổi "xưa nay hiếm" đã lâu mà vẫn rất "phong độ" và yêu đời, có thể hy vọng rằng GS. Oláh György vẫn còn hàm chứa nhiều bất ngờ cho chúng ta và cho thế giới khoa học...
Nguyễn Hoàng Linh
Theo dòng sự kiện
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn