VỀ NHỮNG “NGƯỜI HỎA TINH” ĐÃ LÀM NÊN LỊCH SỬ THẾ KỶ XX (*)

Thứ ba - 12/01/2010 15:53

(NCTG) “Ở Mỹ người ta đồn đại rằng có hai nhân chủng trí tuệ trên Trái Đất: loài người và người Hungary” (Isaac Asimov)

Bìa cuốn sách “Những người Hungary đoạt giải Nobel”

1. GS. VS. người Hungary Marx György, tác giả của nhiều bộ sách về lịch sử Vật lý nổi tiếng, trong cuốn “Sự đổ bộ của Người Hỏa Tinh: Những nhà khoa học Hungary đã làm nên lịch sử thế kỷ XX tại Phương Tây” (NXB Viện Hàn lâm, Budapest 2000) (**), đã thuật lại nhiều giai thoại lý thú về một nhóm đông đảo các khoa học gia Hungary di tản sang Hoa Kỳ, đã góp phần lớn lao cho sự phát triển của khoa học và kỹ thuật thế kỷ trước.

Thoạt đầu, ông dẫn lời Isaac Asimov, nhà sinh hóa học, tác giả nhiều cuốn sách lừng danh về đề tài khoa học giả tưởng, theo đó: “Ở Mỹ người ta đồn đại rằng có hai nhân chủng trí tuệ trên Trái Đất: loài người và người Hungary”.

Nhà khoa học Francis Crick (Giải Nobel Sinh lý và Y khoa năm 1962 vì phát minh cấu trúc phân tử ADN), đã mở đầu cuốn sách “Nhiễm sắc thể của cuộc sống” (The Life Itself, 1981) bằng một câu chuyện rất được truyền tụng trong giới khoa học Mỹ, về Enrico Fermi, một thiên tài có sự quan tâm rất rộng đến nhiều vấn đề khác ngoài Vật lý Hạt nhân. Ông cũng được biết đến như người có khả năng đặt những câu hỏi nổi tiếng.

Những “câu hỏi của Fermi” thường được mở đầu bằng một đoạn “mào đầu” dài. Chẳng hạn, một lần, Fermi đã dẫn dắt “tràng giang đại hải” về Vũ trụ cùng vô vàn hành tinh, trong số đó có những hành tinh tương tự như Trái Đất. Theo ông, khả năng để hình thành những nền văn minh - có nền khoa học, kỹ thuật phát triển - tại các hành tinh khác cũng rất lớn, nhưng cho đến nay họ vẫn chưa tới thăm Trái Đất. Và ông đặt câu hỏi nổi tiếng: “Nếu tất cả đều đúng như vậy thì họ đang ở đâu?

Szilárd Leó, nhà vật lý vĩ đại người Hungary, rất có khiếu hài hước, đã điềm nhiên đáp: “Họ ở đây, quanh chúng ta, nhưng họ tự gọi mình là người Hungary!” (Ở một dạng khác của giai thoại này, Szilárd Leó đã nhiều lần gật gù khi được hỏi có phải ông và các đồng nghiệp đến từ Hungary, là “Người Hỏa Tinh” hay không)

Và, những câu chuyện nửa đùa nửa thật như vậy còn rất nhiều, từ thập niên 30 thế kỷ trước. Nhà vật lý người Đức Hans Bethe suy ngẫm: phải chăng bộ óc vĩ đại của Neumann János là biểu hiện của một nhân chủng “thượng đẳng” hơn cả loài người?

Cũng về cha đẻ của máy điện toán hiện đại, ký giả nổi tiếng người Mỹ Richard Rhodes kể lại: “Ở Princeton, có tin đồn rằng vị giáo sư trẻ nhất của Institute for Advanced Studies (năm 1933, Neumann János mới 29 tuổi) thực chất là một á thánh, nhưng sau khi đã khảo sát kỹ càng hành tinh chúng ta, anh ta đã đóng giả làm con người”.

Không dừng lại ở mức những câu chuyện vui thoảng qua, thuyết “Người Hỏa Tinh” - ám chỉ các nhà bác học lỗi lạc đến Hoa Kỳ từ Hungary hai thập niên 30-40 thế kỷ trước - còn được bổ sung và hoàn thiện trong giới khoa học quốc tế. Chẳng hạn, nhóm “Người Hỏa Tinh” này đã “đột nhập” vào các trường đại học, các viện khoa học lừng danh nhất thế giới, tuy nhiên, cho dù đã khổ luyện rất nhiều, họ vẫn không thể nói thật chuẩn bất cứ thứ tiếng nào trên Trái đất.

Bởi vậy, họ đã khéo léo “nhập vai” những người Hungary di tản, vì ai cũng biết bằng dân Hung dù đi đến đâu, ở đâu bao lâu đi nữa, vẫn giữ “thổ âm” đặc biệt của dân tộc mình. Thậm chí, người ta còn “phát hiện” ra rằng, đóng vai trò chuẩn bị và tổ chức chính yếu cho sự “xâm nhập” của “Người Hỏa Tinh” chính là Nam tước Eötvös Loránd, nổi tiếng với quả lắc xoắn và hiệu ứng mang tên ông, từng được Albert Einstein gọi bằng danh hiệu “ông hoàng của Vật lý” khi ông qua đời.

Bỏ qua mọi giai thoại cùng một nội dung tôn vinh các khoa học gia Hungary, hãy lấy trường hợp của Telegdi Bálint - một nhà vật lý nguyên tử Hungary di cư ra nước ngoài khi còn rất trẻ - làm ví dụ. Khởi đầu sự nghiệp, ông đã phải giấu xuất xứ Hungary của mình vì ngại nếu được biết là người Hung, giới khoa học sẽ đòi hỏi nhiều hơn ở ông.

Trong một công trình nghiên cứu mang tựa đề “Những người nhập cư xuất chúng: Sự di cư của giới trí thức Châu Âu (1930-1941)” (Illustrious Immigrants: Intellectual Migration from Europe, 1930-41), bà Enrico Laura, vợ nhà Vật lý Enrico Fermi, cũng nhận xét rằng với dân số 10 triệu người, Hungary đã có tác động và ảnh hưởng đến sự thăng tiến của nền khoa học Mỹ thời kỳ 1930-1950, không kém gì CHLB Đức, cường quốc khoa học bậc nhất ở Châu Âu thời bấy giờ, với 60 triệu dân!

2. Có lẽ, ngoài Hungary, không có nhiều dân tộc trên thế giới lại sản sinh ra các thế hệ khoa học gia được tôn vinh như thế tại Hoa Kỳ, và trên toàn thế giới!

Là một quốc gia nhỏ nằm giữa lòng Châu Âu, đứng về phe bại trận trong cả hai cuộc Thế chiến, chịu nhiều khổ đau trong biến cố 1956, Hungary đã trải qua nhiều làn sóng di cư, trong đó, đáng kể nhất là làn sóng thứ nhất vào thập niên 30, trước Đệ nhị Thế chiến, và làn sóng thứ hai, thời kỳ 1956, khi tinh hoa của giới trí thức, khoa học nước này phải rời quê hương đi lập nghiệp ở nước ngoài.

Tuy nhiên, trong cái rủi có cái may, chính những người con ưu tú ấy của Hungary, về sau, lại làm rạng danh Tổ quốc mình, bằng những cống hiến cho đời sống khoa học kỹ thuật, văn hóa và tư tưởng trên bình diện thế giới.

Hơn 10 giải Nobel dành cho họ (có những tính toán cho thấy, con số những cá nhân có liên quan tới Hungary từng đoạt giải Nobel phải lên tới con số hơn 20!) là những bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy trí tuệ Hungary, được phát triển trong những môi trường thuận lợi và phù hợp, có thể đạt được những thành tựu rực rỡ đến mức nào.

Và, cuốn sách mà bạn đọc đang cầm trên tay của tác giả Hungary Bödők Zsigmond, được TS Giáp Văn Chung chuyển ngữ với sự cẩn trọng và phong cách tận tâm quen thuộc, là nói về họ và về cả những danh nhân Hungary khác, mặc dầu không được nhận, nhưng hoàn toàn xứng đáng với giải Nobel, sự thừa nhận cao quý nhất đối với các cá nhân và cả quê hương đã sản sinh ra họ.

Đọc cuốn sách, chúng ta có thể thấy, cuộc đời và sự nghiệp của đa số các khoa học gia kể trên đều không suôn sẻ, nhất là trong trường hợp họ phải rời bỏ quê hương và phải đối mặt với những gian nan nơi xứ người. Thế nhưng, với nghị lực tuyệt vời, với những tri thức tổng hợp được thu nhận trong những năm tháng thời thanh niên tại Hungary (và Châu Âu), với “tinh thần thế giới” bao trùm, họ đã chinh phục được sự kính trọng và vị nể của giới khoa học quốc tế.

Đây cũng là dụng ý của tác giả Bödők Zsigmond, được ông thổ lộ trong “Lời nói đầu” của cuốn sách: “Trước hết tôi muốn dành cuốn sách này cho tuổi trẻ học đường. Hy vọng các bạn tìm thấy những tấm gương về lòng kiên nhẫn, sự bền bỉ, tính tỉ mỉ và chính xác - những yếu tố bảo đảm của tất cả mọi thành công. Hy vọng các bạn sẽ tự hào về những bậc tiền bối vĩ đại, để có thêm sức lực đi tiếp con đường họ đã đi, đặng đạt tới những tri thức chỉ có thể chiếm lĩnh bằng nhiều nỗ lực và hy sinh, nhưng nó sẽ bù đắp xứng đáng cho các bạn”.

Và, cần nói thêm rằng một điểm đáng quý ở các nhà khoa học Hungary được giải Nobel, là cho dù đa phần sinh sống tại nước ngoài, nhưng cội nguồn và tính cách Hungary trong họ vẫn được gìn giữ, bên cạnh sự tri ân dành cho Tổ quốc mới. Như lời nhà hóa học Oláh György, giải Nobel Hóa học 1994, tâm sự: “Tổ quốc... Một câu hỏi khó. Chúng tôi là người Mỹ gốc Hungary. Chúng tôi sống ở Mỹ lâu hơn nhiều so với ở Hungary. Đối với tôi, Mỹ là nhà, nhưng khi trở về Hungary, chúng tôi thấy như về nơi chôn rau cắt rốn. Những khi ở Hungary, chỉ trong thời gian rất ngắn, mọi thứ lại trở lại rất rõ nét”.

Hay như thổ lộ của Wigner Jenő, Giải Nobel Vật lý 1963, mà Bödők Zsigmond dẫn trong sách: “... Những ca khúc và những bài thơ đơn giản tôi đã thuộc từ trước năm 1910, tới nay đôi khi tự chúng vẫn ngân lên trong tôi. Sau 60 năm sống trên đất Hoa Kỳ, tôi vẫn cảm thấy mình là người Hung hơn là người Mỹ; nhiều nét văn hóa Mỹ cho tới nay vẫn xa lạ với tôi. Ở Budapest tôi nghe được nhiều cuộc trò chuyện sâu sắc hơn về văn hóa, so với ở Hoa Kỳ. Thi ca Hungary có lẽ là nền thi ca đẹp nhất ở Châu Âu...”.

3. Tác giả Bödők Zsigmond, cạnh việc khắc họa chân dung và sự nghiệp những danh nhân Hungary, cũng đưa ra một số lý giải cho thành tựu rực rỡ của họ.

Có ý kiến nhắc đến yếu tố di truyền, hoặc cho rằng do phải gánh chịu những tổn thất (trong đó có những tổn thất bi thương) trong lịch sử mà người Hungary trở nên dẻo dai, năng động hơn. Điều này dường như được minh chứng bởi một thực tế là Hungary đã sản sinh không ít những nhà phát minh, sáng chế lớn của thế giới, như Irinyi János (1817-1895, phát minh ra diêm an toàn), Bíró László (1899-1985, phát minh ra bút bi), Rubik Ernő (1944, tác giả “Khối vuông kỳ ảo” mang tên ông)...

Tuy nhiên, có cơ sở hơn cả, phải nhìn nhận rằng cội nguồn căn bản của thành công là ở nền giáo dục lâu đời, truyền thống, đạt trên cơ sở khích lệ sự sáng tạo của đất nước Hungary.

Bödők Zsigmond đã đơn cử một nhận định của Harsányi János, giải Nobel Kinh tế 1964, cho thấy tính chất tổng hợp, quảng bác và phổ quát của nền giáo dục đó: “Người Hungary thường không tôn trọng những giới hạn của khoa học... Hệ thống giáo dục của Hungary trước đây rất ưu việt, tôi hy vọng ngày nay cũng như vậy. Khi tôi còn đi học, tất cả đều phải học tiếng La Tinh, toán học, vật lý. [...] Nếu ta nói chuyện với một kỹ sư hay một bác sĩ Hungary, chớ ngạc nhiên vì họ quan tâm tới âm nhạc hay triết học. Ở Hoa Kỳ không có chuyện đó. Ở Hungary trình độ văn hóa phổ quát cao hơn nhiều. Tôi có may mắn được học trung học ở Pest...

Ở đây, Harsány János nhắc tới nền giáo dục của Hungary thời ông đi học, tức là những thập niên đầu của thế kỷ XX. Sau khi Đế chế Áo - Hung được thành lập (năm 1867), kết thúc thời kỳ của những cuộc cách mạng và nổi dậy đòi độc lập dân tộc, nền kinh tế và văn hóa Hungary phát triển vũ bão. Nhờ đó, hệ thống trường học ở Hungary được đổi mới theo đề xướng của Nam tước Eötvös József (1813-1871), Bộ trưởng Văn hóa và Giáo dục, kiêm Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Hungary.

Hàng loạt các trường trung học nổi tiếng được thành lập trên cơ sở tham khảo và tổng hòa những yếu tố tối ưu của các nền giáo dục trung học Đức, Anh và Pháp: được nhắc đến nhiều nhất là Trường Trung học Phúc âm Fasor và nhà giáo Rátz László (1863-1930), người thày dạy môn Toán cho nhiều thế hệ các thiên tài Hungary (trong số đó, có cả Neumann János, Wigner Jenő), nhưng cần biết rằng trên nước Hung vào thời gian ấy, có cả trăm ngôi trường trung học ở tầm vóc tương tự, với đội ngũ nhà giáo có trình độ sư phạm tuyệt vời.

Cũng phải nói thêm về vai trò của Hiệp hội Khoa học Tự nhiên Hungary (thành lập năm 1841) và “Tạp chí Khoa học Tự nhiên” của Hội (số đầu tiên ra vào năm 1869), nơi tập trung nghiên cứu, trao dồi kiến thức của giới giáo viên trung học Hungary. Đồng thời, với sự ra đời của Hội Toán học Bolyai János (năm 1891), của “Tạp chí Toán - Lý Trung học” (KŐMAL, năm 1894) và của những cuộc thi học sinh giỏi Toán - Lý, nền giáo dục cơ bản của Hungary đã đạt tới mức hoàn thiện vào đầu thế kỷ XX, là bệ phóng cho rất nhiều nhà khoa học đương thời.

Thêm vào đó, sau năm 1867, việc đi vào thực thi đạo luật cho phép sắc dân gốc Do Thái được bình đẳng trong đời sống giáo dục và khoa học đã khiến cộng đồng Do Thái tại Hungary, vốn có truyền thống hiếu học và cần cù, có cơ hội được khởi sắc. Trong số họ, nhiều gia đình trung lưu có điều kiện đã cho con theo học tại các đại học xuất sắc nhất ở Châu Âu, và không ít khoa học gia lớn của Hungary sau này đã có bước khởi đầu như thế.

Tựu trung, có thể khẳng định rằng, bên cạnh những nỗ lực của cá nhân, những kiên trì và năng động của “tính cách Hung”, thì nền giáo dục và truyền thống khoa học mà các nhà khoa học Hungary được thừa hưởng ngay tại quê hương họ đã là yếu tố rất quan trọng để họ đạt thành công.

4. Và đó cũng là điều may mắn đối với TS Giáp Văn Chung, dịch giả cuốn sách, cùng 3-4 ngàn du học sinh, nghiên cứu sinh Việt Nam từng có dịp học hỏi và nghiên cứu tại các cơ sở giáo dục và khoa học Hungary trong gần 6 thập niên qua. Trong số họ, có nhiều người trở thành những trí thức, những nhà khoa học lớn có nhiều cống hiến trong chuyên ngành của mình và cho xã hội.

Tất cả, đến nay, vẫn luôn giữ được những tình cảm sâu nặng, tốt lành với Hungary, quê hương thứ hai, và luôn đánh giá cao nền giáo dục mà họ đã được hưởng trong những năm tháng trên đất bạn Hungary.

Như lời TSKH Nguyễn Quang A trong phát biểu khi nhận giải thưởng “Vì các mối quan hệ quốc tế của Cộng hòa Hungary” tháng 8-2008, cách suy nghĩ và hành động mà ông học được suốt 13 năm học tập và nghiên cứu tại Hungary đã có vai trò quan trọng giúp ông giải tỏa hai vấn đề: sự đóng kín về địa lý và sự đóng kín về tư tưởng. Giải tỏa để cho đầu óc mở mang với những luồng tư tưởng mới, mang tính khai phóng, rất quan trọng cho tư duy khoa học.

Bản dịch Việt ngữ của “Những người Hungary đoạt giải Nobel”, ngoài việc đem đến cho độc giả Việt Nam nhiều thông tin về những nhà khoa học Hungary tầm thế giới, còn có một ý nghĩa đặc biệt: Việt Nam và Hungary đang chuẩn bị kỷ niệm 60 năm ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (1950-2010) và năm 2009 này cũng được Việt Nam chọn làm Năm ngoại giao Văn hóa.

Trong gần 6 thập kỷ nay, lĩnh vực thành công nhất trong hợp tác giữa hai quốc gia Việt Nam và Hungary vẫn là giáo dục, đào tạo, và như thế, sự ra đời của bản dịch Việt ngữ không đi ngoài mong muốn thắt chặt và phát triển hơn nữa sự hiểu biết lẫn nhau về văn hóa và giáo dục giữa hai nước.

Là một cuốn sách đả động đến rất nhiều ngành khoa học, hàm chứa rất nhiều thuật ngữ chuyên môn, cộng với những khó khăn khi chuyển ngữ từ một thứ tiếng rất đẹp, giàu biểu cảm và tinh tế, nhưng cũng hết sức “khó nhằn” - ngôn ngữ Hungary -, bản dịch Việt ngữ là một thử thách thực sự đối với dịch giả, đòi hỏi sự tra cứu, đối chiếu dày công.

Âu cũng là sự tri ân đối với đất nước và con người Hungary, mảnh đất mà dịch giả đã sống qua nhiều thập niên của tuổi trưởng thành, có ý thức, đất nước mà nền văn hóa của nó nay đã thành một phần máu thịt của TS Giáp Văn Chung.

Với những tâm tình và ước mong như trên, hy vọng độc giả Việt Nam sẽ ưu ái cuốn sách và tìm được trong sách những tấm gương sáng, hữu ích, để học tập và noi theo!

Ghi chú:

(*) Lời bạt cuốn sách “Những người Hungary đoạt giải Nobel” (“Nobel díjas magyarok”, Bödők Zsigmond), Giáp Văn Chung dịch từ nguyên bản tiếng Hungary, NXB Tri Thức ấn hành (2010).

(**) Bản tiếng Anh mang tựa đề “The Voice of the Martians”.

Nguyễn Hoàng Linh - Budapest, 29-3-2009


 
 Từ khóa: Nobel
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn