Nhà văn Cấn Vân Khánh: “KHÓ KHĂN KHÔNG PHẢI Ở CHẤT LƯỢNG”

Thứ sáu - 15/01/2010 17:25

(NCTG) “Tôi không đồng ý với quan điểm “tự ti” của những người luôn coi trọng văn học nước ngoài mà không để tâm đến văn học trong nước” – ý kiến của nhà văn Cấn Vân Khánh.

Nhà văn Cấn Vân Khánh

Trái với một số ý kiến cho rằng văn học Việt Nam hiện còn ở tầm quá thấp, ngay trong nước còn chưa được quan tâm thực sự, nói vì “đem chuông đi đấm xứ người”, Cấn Vân Khánh cho rằng “sự khó khăn ở đây không phải ở chất lượng”.

Sau đây là phần chia sẻ của nhà văn Cấn Vân Khánh (*) với NCTG.

*

1. Anh/ Chị có quan tâm đến kỳ hội nghị này không? Vì sao?

Trong thời gian này vì nhiều lý do cá nhân nên tôi không đủ tâm trí để quan tâm đến những sự kiện văn hóa văn nghệ đang diễn ra. Tuy nhiên, qua một số thông tin tôi cũng biết đã có một hội nghị như thế, nhưng dường như hiệu quả và mục đích của hội nghị này chưa đạt được như ý muốn.

Mà nếu có đưa được tác phẩm văn học ra nước ngoài thì còn là cả một chặng đường dài, sự khó khăn ở đây không phải ở chất lượng. Tôi không đồng ý với quan điểm “tự ti” của những người luôn coi trọng văn học nước ngoài mà không để tâm đến văn học trong nước.

Bản thân tôi đọc đủ các tác giả, các xu hướng, cả văn học nước ngoài và văn học trong nước với thái độ rất cầu thị và cởi mở. Tôi thấy sách văn học Việt Nam có những tác phẩm hoàn toàn có thể xứng đáng được dịch và đến với các độc giả trên thế giới.

2. Anh/ Chị có nghĩ hội nghị sẽ đạt được một điều gì đó hay không?

Xét cho cùng đây chỉ là một cuộc hội thảo, cái quan trọng là sau hội thảo, Ban tổ chức hay những người gánh trách nhiệm sẽ làm gì tiếp theo để đạt mục đích đã đề ra.

3. Cá nhân Anh/ Chị có ý định đưa tác phẩm của mình ra nước ngoài hay không, và sẽ chọn con đường gì?

Tôi đã từng may mắn và vinh dự có truyện ngắn được dịch và in trên tạp chí “Nhật ký Hungary” của Hội Nhà văn nước này, cùng với một số nhà văn tên tuổi ở Việt Nam. Như thế là đã ngoài sức tưởng tượng.

Còn việc ý định đưa những tác phẩm của mình ra nước ngoài thì tôi chịu thôi. Đôi khi tôi đặt câu hỏi vì sao các tác phẩm của các nhà văn trẻ Trung Quốc, Nhật Bản được bày bán nhan nhản ở các nhà sách và được độc giả Việt Nam nhiệt tình đón nhận còn ngược lại, những tác phẩm của các nhà văn trẻ Việt Nam lại không được như thế?

4. Anh/ Chị có đặt kỳ vọng vào ý kiến cần thành lập một trung tâm, một viện dịch thuật (nhà nước) để hỗ trợ các tác phẩm Việt Nam ra nước ngoài hay không? Theo Anh/Chị, văn học Việt Nam cần “xuất ngoại” theo con đường nào?

Nếu có một trung tâm như thế thì quá tốt, tuy nhiên như tôi đã nói, đó còn là cả một chặng đường dài. Mà tôi thì chỉ là một người viết văn trẻ…

(*) Cấn Vân Khánh sinh năm 1979 tại Hà Tây. Giải thưởng truyện ngắn “Tác phẩm Tuổi xanh” của báo “Tiền Phong” (năm 1988). Tốt nghiệp Khoa Sáng tác - Lý luận - Phê bình văn học, Đại học Văn hóa Hà Nội (2009). Hiện sống ở Hà Nội.

Các tác phẩm đã in: “Chàng hề của em” (tập truyện ngắn, NXB Trẻ, 1998), “Hạnh phúc mơ hồ” (tập truyện ngắn, NXB Văn hóa Sài Gòn, 2006), “Vũ điệu thân gầy” (tập truyện ngắn của 12 tác giả nữ, NXB Trẻ, 2007), “Khi nào anh thuộc về em” (tập truyện ngắn, NXB Hội Nhà văn, 2007), “Người đàn ông có đôi mắt trong” (tập truyện ngắn, NXB Hội Nhà văn, 2008), “Đi lạc vào thế giới của anh” (tập truyện ngắn, NXB Hội Nhà văn, 2009).

Cấn Vân Khánh


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

loading