Nhà văn Trần Thị Hồng Hạnh
LTS: Hội nghị Quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam (diễn ra tại Hà Nội từ 5/10-1) chưa kết thúc nhưng đã râm ran nhiều lời ra tiếng vào, từ những “bất cập” trong tổ chức đến cách ứng xử của một số đại biểu tham dự.
Mở đầu là cái tên tiếng Anh của hội nghị - “International Conference to Introduce Vietnam Literature” - bị nhiều người cho là “đậm đà bản sắc dân tộc”, “không giống ai”, cho đến cảnh phát biểu búa xua, “lạc đề”, thảo luận thì “ai nói nấy nghe”, hoặc dài dằng dặc, tẻ nhạt, đã được nhiều tờ báo trong nước tường thuật.
Những kết quả sơ bộ, cho tới nay, không được khả quan lắm. Nhiều đại biểu nước ngoài được mời cho biết: họ không mấy biết về văn học Việt Nam. Các NXB ngoại quốc cũng không vội vã và vồ vập trong việc ký kết các hợp đồng hay văn bản hợp tác.
Không ai phủ nhận được tầm quan trọng của việc quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài, một hình thức “quyền lực mềm” mà nhiều nước (trong đó, có Trung Quốc) đã làm rất tốt. Nhưng dường câu hỏi quảng bá thế nào, ai quảng bá, cho ai..., đến giờ vẫn còn khá nan giải.
Nhân dịp này, NCTG đã đặt những câu hỏi dưới đây cho một số nhà văn, nhà thơ Việt Nam không có điều kiện tham gia hội nghị nói trên vì những lý do khác nhau:
1. Anh/ Chị có quan tâm đến kỳ hội nghị này không? Vì sao?
2. Anh/ Chị có nghĩ hội nghị sẽ đạt được một điều gì đó hay không?
3. Cá nhân Anh/ Chị có ý định đưa tác phẩm của mình ra nước ngoài hay không, và sẽ chọn con đường gì?
4. Anh/ Chị có đặt kỳ vọng vào ý kiến cần thành lập một trung tâm, một viện dịch thuật (nhà nước) để hỗ trợ các tác phẩm Việt Nam ra nước ngoài hay không? Theo Anh/Chị, văn học Việt Nam cần “xuất ngoại” theo con đường nào?
Sau đây là phần trả lời của nhà văn Trần Thị Hồng Hạnh (*).
*
1. Tôi có quan tâm đến hội thảo này. Vì đây là lần đầu tiên, Hội Nhà văn có một hội nghị lớn, chính danh và bàn đến vấn đề mà lẽ ra họ cần quan tâm đến từ rất lâu rồi. Tôi cho rằng cần phải có nhiều cuộc gặp gỡ hơn nữa.
Nhưng, quan trọng hơn cả vẫn là công tác tổ chức: làm thế nào để hội thảo không phải là những người được phân công đọc tham luận, rồi đi chơi, rồi… thôi!
Thêm nữa, việc xác định mời ai đến dự là một vấn đề quan trọng. Tôi tự hỏi mình, nếu những nhà văn ở phía Việt Nam mà không biết tiếng (ít nhất là tiếng Anh vì nó thông dụng) thì hội cái gì và thảo cái gì? “Thảo” mà thông qua phiên dịch thì quá là mệt mỏi. Phiên dịch không thể nào làm thay công việc giới thiệu tác phẩm của mỗi người viết được.
Có thể vì tôi chỉ là một người viết văn độc lập (như người làm phim độc lập vậy) không phải là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, cũng không được nổi tiếng lắm nên những thông tin về hội thảo đến với tôi khá ít ỏi. Làm sao tham dự? Ai là người tổ chức mời? Mời theo tiêu chuẩn gì?… Đại loại vậy!
Những người bạn ở William Joiner Center nói với tôi là họ sẽ đề nghị Ban tổ chức mời tôi. Tôi nói: “Cảm ơn, nhưng tôi không thích như vậy”. Người ta là khách mời, mà người ta lại yêu cầu Ban tổ chức mời thêm khách mời ở quốc gia của Ban tổ chức thì… hơi chướng!
2. Đạt được “cái gì” thì tùy thuộc vào đánh giá và mục đích của từng người tham dự hội thảo. Nếu xem đó là dịp gặp nhau đầu năm, họp mặt một cách chính danh thì đó cũng là một điều đạt được. Tôi cảm giác đa phần những hội thảo của ta thường là “hội” nhiều hơn “thảo”. Nếu nhìn như vậy thì cuộc hội thảo lần này là thành công tốt đẹp.
Nhưng, cá nhân tôi kỳ vọng nhiều hơn thế. Tôi đã đến khoảng hơn 20 thư viện của thành phố Boston và nước Mỹ. Ngoài ra cũng có cơ hội biết một số thư viện quốc gia khác. Nói thật thì dễ buồn lòng (và cũng dễ mất lòng nữa), “người ta” có biết gì về văn học Việt Nam đâu?
Thậm chí, đến những người thủ thư còn không biết nữa. Anh cũng biết thủ thư tại các thư viện lớn đều là những người rất giỏi, họ có thể đọc vanh vách tiểu sử nhiều tác giả và tóm tắt nội dung tác phẩm đó. Tôi đã hỏi một thủ thư giỏi và cảm thấy… chạnh lòng lắm khi người đó thậm chí còn chẳng nhớ Việt Nam có bao nhiêu tác phẩm ở thư viện mình. Điều ấy có buồn không?
Ngoại giao văn hóa qua văn chương là kênh ngoại giao không phải đạt hiệu quả tức thời, rầm rộ nhưng là mưa dầm thấm lâu. Bạn không thể hiểu về văn hóa một quốc gia nếu bạn không đọc sách văn học của dân tộc đó, quốc gia đó. Càng đi ra bên ngoài, tôi càng yêu Việt Nam và càng mong mỏi nhiều người biết đến nước mình, biết đến văn học Việt Nam và các lĩnh vực khác của văn hóa Việt.
3. Nếu nói “không” là nói dối. Tôi nghĩ rằng cái ước vọng (lẫn ảo vọng) của nhân vật Hộ trong “Đời thừa” của Nam Cao là phổ quát với những người cầm bút. Ai mà không muốn tác phẩm của mình được dịch ra nhiều thứ tiếng và đi xa hơn phạm vi của một quốc gia chứ? Chẳng lẽ cứ tự mình ta khen ta? Mà mẹ hát con khen hay hoài thì cũng… chán và cũng… chướng lắm. (Tôi còn cảnh giác, cẩn thận với những lời khen ngoại giao).
Tôi đang có một vài con đường để đi. Đường nhỏ, nhưng đi cũng tốt lắm. May mắn cho tôi là có chút ít ngoại ngữ. Và, quan trọng nữa, là tôi có được những người bạn thực sự, giúp đỡ tôi trong việc biên tập, chuyển ngữ và sắp tới là phát hành.
Dĩ nhiên, tôi không ảo tưởng về tác phẩm của mình hoặc về tài năng mình. Tôi (giả sử) có phát hành được tác phẩm ở nước ngoài chủ yếu là nhờ vào những quan hệ mang tính cá nhân của mình mà thôi.
Vả lại, có một sự thật mà tôi luôn nhắc nhở mình: văn chương, ở bất kỳ quốc gia nào trong thời hiện đại, đều không phải là lựa chọn hàng đầu của người thưởng thức. Phim ảnh, hội họa, trình diễn, sắp đặt, rồi trò chơi trực tuyến, cùng hàng nghìn thú vui, giải trí khác đang giành những độc giả của văn chương.
Bên cạnh đó, tác phẩm Việt Nam dịch ra nước ngoài mà không có quảng bá thì cũng chìm lấp giữa hàng triệu triệu sách của các nước. Nói ngay như ở Mỹ chẳng hạn, hàng triệu cuốn sách mới có một cuốn được vua biết mặt chúa biết tên, được giới thiệu trang trọng trên các tờ báo lớn để người xem còn biết mà đọc. Quảng bá ở các nước lại là chuyện… gần như không tưởng với những người viết văn độc lập… Lại phải nhờ vào mối quan hệ cá nhân tiếp tục.
4. Có một trung tâm dịch thuật thì tốt chứ. Đó là một trong những việc cần làm ngay để quảng bá văn học nước nhà. Tôi mong mỏi điều đó (dù cá nhân tôi nghĩ rằng để tác phẩm của mình được trung tâm này dịch thì còn khó hơn… lên trời!).
Tôi nghĩ rằng chỉ cần văn học Việt Nam được dịch ra càng nhiều càng tốt, bất luận của tác giả nào… Tôi đi nước ngoài, nhìn thấy cái gì made in Việt Nam là lòng cứ reo ca rộn rã. Cầm được tác phẩm nào của người Việt được dịch là thấy vui như trẻ con được quà và được dịp “vênh váo” với các bạn nước ngoài đi cùng: “Bạn thấy không? Tác phẩm của văn chương nước tôi đó”. (Tôi nghĩ tôi cũng là một kẻ theo chủ nghĩa quốc gia cực đoan).
Nói đi phải nói lại, mục đích thì tốt, nhưng thực hiện thế nào là cả vấn đề to tát. Không đơn giản để có một tác phẩm tử tế khi dịch sang một ngôn ngữ khác. Người viết phải viết làm sao để người dịch có thể dịch được – viết bằng một ngôn ngữ hiện đại và phổ quát.
Những vấn đề của tác phẩm phải vừa Việt Nam nhưng vừa mang tính toàn cầu nữa. Nói những chuyện đặc Việt Nam với ngôn ngữ địa phương, điển tích, điển cố văn hóa bản địa thuần túy thì làm sao dịch giả dịch nổi? Thêm nữa, phải có người biên tập là người sử dụng ngoại ngữ mà tác phẩm được dịch là tiếng mẹ đẻ thì mới mong không bị sai văn phạm, không bị sai câu, sai ý, sai cách diễn đạt của người nước đó…
(*) Nhà văn Trần Thị Hồng Hạnh sinh năm 1978, tốt nghiệp Khoa Ngữ văn (Đại học Cần Thơ) năm 1999. Hiện đang sinh sống tại TP HCM
Tác phẩm đã in: “Bài học đầu tiên” (NXB Trẻ, 2005); “Chuyện của nhóc Bill” (NXB Kim Đồng, 2008); “Quái vật” (NXB Văn học, 2009); “Tổ ấm của những người lạ” (NXB Trẻ, 2010).
Tác phẩm sắp in: tiểu thuyết song ngữ “Deep Breath”.
Tác phẩm đang viết (song ngữ Anh – Việt): “Touch” (Chạm).
Trần Thị Hồng Hạnh
Theo dòng sự kiện
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn