Buổi hòa nhạc Hungary - Việt Nam: TRÀN ĐẦY NGẪU HỨNG VÀ TÀI NGHỆ

Thứ bảy - 30/01/2010 01:24

(NCTG) Vô cùng hoành tráng, bay bổng và ngẫu hứng - đó là ấn tượng của các khán thính giả có dịp thưởng thức tài nghệ của các nghệ sĩ Hungary, Việt Nam cùng các nhạc công dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam trong một buổi hòa nhạc đặc biệt, mở đầu cho Năm kỷ niệm Việt Nam - Hungary 2010, diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội tối 29-1-2010.


Băng-ron của buổi hòa nhạc


Được tổ chức bởi ĐSQ Cộng hòa Hungary tại Hà Nội, Quỹ Vì văn hóa Hungary-Việt Nam và Hội Hữu nghị Việt Nam - Hungary, sự kiện văn hóa lớn này là sự mở màn đầy ý nghĩa cho chuỗi những hoạt động văn hóa nhân kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hungary (3-2-1950 - 3-2-2010).

Đêm nhạc đã quy tụ các nghệ sĩ đẳng cấp của Hungary và Việt Nam - nghệ sĩ vĩ cầm Banda Ádám, nghệ sĩ dương cầm Farkas Gábor, nghệ sĩ clarinet Trịnh Hoàng Hải, nghệ sĩ cello Ngô Hoàng Quân - cùng Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng người Nhật Honna Tetsuji, Giám đốc Âm nhạc của Dàn nhạc.

Ngoại trừ một tiết mục (“Tiếng hát sông Hương” của PGS, NGND Hoàng Dương, được trình diễn bởi con trai ông, NSƯT, Giám đốc Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam Ngô Hoàng Quân cùng Dàn nhạc), phần còn lại của chương trình là một bữa tiệc âm nhạc thịnh soạn đậm chất Hungary.


Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam trong bản “Những khúc dạo đầu” của Liszt Ferenc


Trong dịp này, Liszt Ferenc (1811-1886), danh cầm vĩ đại nhất của mọi thời đại, đồng thời là nhà soạn nhạc bậc thày của trường phái Lãng mạn thế kỷ 19, đã đến với khán thính giả thủ đô qua “Những khúc dạo đầu” (Les Préludes), bản thơ giao hưởng nổi tiếng nhất của Liszt, và “Khúc ngẫu hứng Hungary” (Hungarian fantasia).

Nghệ sĩ dương cầm Farkas Gábor (SN 1981) đã hoàn toàn làm chủ được kỹ thuật và cảm xúc, chơi xuất thần tác phẩm của Liszt vốn đòi hỏi bản lĩnh và trình độ biểu diễn bậc thầy, góp phần thành công trong việc đưa những cuồng tưởng khúc (rhapsodies) lừng danh của Liszt đến với người yêu nhạc thủ đô.

Hai nhà soạn nhạc Hungary khác trong đêm nhạc cũng là những tên tuổi lớn của nền âm nhạc Hungary và thế giới. Đó là Hubay Jenő (1858-1937), một trong những nghệ sĩ vĩ cầm hàng đầu thế giới cuối thế kỷ 19, nhà sư phạm nổi tiếng đã làm rạng danh trường phái vĩ cầm và Nhạc viện Hungary; và Weiner Leó (1885-1960), đại diện xuất sắc của âm nhạc Hungary thế kỷ 20.

Cùng dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, nghệ sĩ vĩ cầm trẻ Banda Ádám (SN 1986) cũng có phần biểu diễn hết sức điệu nghệ và ngẫu hứng, với phong cách tự tin và kiêu hãnh, khiến khán giả vỗ tay tán thưởng không ngớt.

Cần nói thêm rằng tuy tuổi đời còn trẻ, nhưng hai nghệ sĩ kể trên đã là những cái tên quen biết trong giới hâm mộ nhạc cổ điển Hungary và đã trình diễn tại rất nhiều nơi trên thế giới.


Farkas Gábor trình diễn “Khúc ngẫu hứng Hungary” (Liszt Ferenc)


Farkas Gábor học dương cầm từ năm lên 5 tuổi, tốt nghiệp Đại học Âm nhạc Liszt Ferenc (Budapest) năm 2005 trên cương vị giảng viên và nghệ sĩ biểu diễn. Từ năm 2004, anh đã giảng dạy tại Đại học Âm nhạc và hiện tại, đang theo học Tiến sĩ âm nhạc.

Sở hữu rất nhiều giải thưởng trong các cuộc thi trong nước và quốc tế, Farkas Gábor đặc biệt có duyên với nhạc của Liszt Ferenc: cuối năm ngoái, anh vừa đoạt giải nhất và giải khán giả ưa thích nhất tại Cuộc thi Dương cầm Quốc tế Liszt Ferenc lần thứ 6 (tổ chức tại CHLB Đức).

Trước đó, CD cá nhân đầu tay “An Evening With Liszt” (Warner Music Hungary) của anh cũng được Giải thưởng lớn Quốc tế Liszt, với nhận định rất ưu ái của nhà phê bình Jeremy Nicholas (tạp chí uy tín “Gramophone” chuyên về nhạc cổ điển của Anh): “Sự ra mắt rất thuyết phục, vượt qua những thử thách kỹ thuật của Liszt. Trong những năm qua, tôi chưa được nghe buổi trình diễn ra mắt nào chói lọi như thế”.

Tương tự như vậy, dù còn rất trẻ (2 năm nữa mới tốt nghiệp Đại học Âm nhạc), nhưng danh sách những thành tựu của Banda Ádám đã rất đáng nể với nhiều giải thưởng như Junior Prima Primissima 2007 (giải thưởng cho nghệ sĩ trẻ tài năng trong năm) và hai giải nhất trong các cuộc thi vĩ cầm quốc tế mang tên Flesch Károly và Szigeti-Hubay (năm 2003).

Tuy nhiên, quan trọng nhất với anh vẫn là thành công giải nhì trong cuộc thi vĩ cầm quốc tế Yampolsky (Moscow): anh là nghệ sĩ vĩ cầm đầu tiên của Hungary đoạt giải trong cuộc thi nổi tiếng này. Trả lời phỏng vấn báo chí Hungary, Banda Ádám từng chia sẻ: “Tôi đã lao động nghệ thuật cho từng âm thanh vì bản thân tài năng thiên phú chưa đủ. (…)

Từ năm 11 tuổi tôi đã xác định rằng sẽ ra thế giới với chiếc vĩ cầm trong tay và chí hướng của tôi là đại diện cho nghệ thuật một cách xứng đáng. Và đây là một nhiệm vụ cho cả đời người, nghĩa là nhiều thập niên sau tôi vẫn chơi nhạc”.

Buổi hòa nhạc đã diễn ra hết sức thành công và có lẽ đã khá lâu, khán thính giả Việt Nam mới có dịp tái thưởng thức một số tinh hoa của nền âm nhạc Hungary. Một khán giả chia sẻ sau buổi diễn: “Chương trình thật tuyệt vời, lần đầu tiên tôi được đắm mình trong suối nhạc như vậy, lúc nhanh lúc chậm, lúc bổng lúc trầm, lúc nhẹ nhàng du dương, lúc róc rách... Hai nghệ sĩ người Hungary đều chơi thật điệu nghệ, vô cùng ngẫu hứng và không cần bản nhạc, khiến cả khán phòng vang lên tiếng vỗ tay và cứ như vậy không dứt…


Dịch giả Giáp Văn Chung ký tặng sách


Cũng nhân dịp này, một số tác phẩm văn học dịch của Hungary (ấn hành bởi NXB Tri Thức, NXB Thanh Niên và Công ty Nhã Nam) cũng đã được giới thiệu tại Nhà hát Lớn. Dịch giả Giáp Văn Chung từ Budapest cũng đã có dịp cho ra mắt 2 cuốn sách dịch “Thế giới là một cuốn sách mở” (NXB Văn Học và Nhã Nam, 2009) và “Những người Hungary đoạt giải Nobel” (NXB Tri Thức, 2009).

Ngoài ra, trong thực đơn của tiệc chiêu đãi tại Nhà Gương, các vị khách mời còn có cơ hội thưởng thức một đặc sản nổi tiếng của nghệ thuật ẩm thực Hungary – món xúc xích xông khói (füstölt kolbász) - do Công ty Cổ phần liên doanh Szalami Việt - Hung vừa bắt đầu sản xuất theo công thức và gia vị truyền thống của Hungary tại huyện Gia Lâm, Hà Nội.

Sau một thời gian chững lại trong thập kỷ 90 thế kỷ trước,  thời gian gần đây, mối quan hệ nhiều mặt Hungary - Việt Nam đã được thắt chặt và phục hưng.

Trên địa hạt văn hóa, nhân 60 năm kỷ niệm thiết lập quan hệ ngoại giao, nhiều sự kiện đáng chú ý sẽ được tổ chức tại Việt Nam như chuyến lưu diễn của anh em nhà soạn nhạc Benekdekfi (soạn nhạc phim “Đừng đốt…” của đạo diễn Đặng Nhật Minh), chiếu phim Hungary, triển lãm các tác phẩm về Việt Nam của điêu khắc gia quá cố Farkas Aladár.

Đặc biệt, theo dự định, di tích kiến trúc mang tính văn hóa – tôn giáo duy nhất có liên quan tới Hungary tại Việt Nam - đài tưởng niệm học giả, nhà nghiên cứu Phương Đông Kőrösi Csoma Sándor, vị “Bồ tát Hungary” - sẽ được tôn tạo để trở thành nơi hành hương chung của Việt Nam và Hungary.

NCTG - Ảnh: Bích Ngọc


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn