Liên hoan phim (LHP) Quốc tế Titanic lần thứ 17: CHỦ ĐỀ CHIẾN TRANH LÊN NGÔI

Thứ sáu - 02/04/2010 07:39

Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1993, trở thành LHP Quốc tế từ năm 1998, cho đến nay, Liên hoan phim (LHP) Titanic là ngày hội điện ảnh thường niên quan trọng nhất của Hungary, diễn ra vào tháng 4 hàng năm.


Poster của LHP Quốc tế Titanic lần thứ 17 tại Budapest


Chú trọng những tác phẩm mang tính khai phá

Trong năm nay, LHP Titanic lần thứ 17 sẽ khai mạc ngày 8-4 và kéo dài đến 18-4, với sự góp mặt của 61 bộ phim đến từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ trong 9 hạng mục.

Về căn bản, LHP Titanic thiên về những tác phẩm điện ảnh độc lập, có cách lựa chọn đề tài bất ngờ, mạnh dạn và mang tính khai phá trong suy nghĩ. Đại đa số các phim có mặt tại Titanic chưa được công chiếu tại Hungary, và thuộc thể loại phim mà khán giả Hungary rất ít khi, hoặc không hề được xem, thông qua hệ thống nhập phim được đặt căn bản trên điện ảnh giải trí Hollywood.

Xuất phát từ cách đặt vấn đề như vậy, tham dự Titanic thường không phải là những bộ phim có kinh phí khổng lồ, hoặc có sự thủ diễn của các tài tử ngôi sao, đắt giá, nhưng lại rất phong phú về thể loại, có nội dung nghiêm túc, đáp ứng được đòi hỏi đa dạng từ giới phê bình đến đông đảo khán giản yêu chuộng điện ảnh.

Trong hoàn cảnh tài chính rất hạn chế, lại là một LHP độc lập, Titanic rất nỗ lực trong cố gắng duy trì và giữ vững thị hiếu nghệ thuật ổn định, sự phong phú trong các thể loại điện ảnh, cũng như thường xuyên lưu tâm đến nhu cầu mới của khán giả.

Sau 17 năm, LHP Titanic đã thực sự hội nhập vào “guồng máy” của các LHP quốc tế trong khu vực và trên thế giới, trở thành một địa chỉ quen biết và hay được viện dẫn của giới đạo diễn, làm phim và các cơ sở văn hóa ngoại quốc.

“Chơi vơi”, phim Việt Nam đầu tiên dự thi tại Titanic

Từ 3 năm nay, đã có 2 lần Việt Nam tham gia LHP Titanic trong hạng mục phim Trình chiếu, với “Sống trong sợ hãi” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên và “Chuyện của Pao” của đạo diễn Ngô Quang Hải.

Trong năm nay, bộ phim “Chơi vơi” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã được lựa chọn, và được mời tham dự hạng mục phim Dự thi cùng 8 bộ phim quốc tế khác.

Lý giải sự lựa chọn này, trong một trao đổi riêng, ông Vízer Balázs - tổng điều hợp của LHP - cho biết trong 3 bộ phim do Việt Nam gửi đăng ký thì “Chơi vơi” phù hợp với khán giả nước ngoài nhất, đồng thời, cũng là bộ phim từ khi ra đời đã từng tham dự, gây nhiều tiếng vang và gặt hát một số thành công tại các LHP quốc tế lớn.

Ông Vízer cũng nói thêm rằng, phim có nhiều nét tương tự về nội dung với tiểu thuyết “Những mối quan hệ nguy hiểm” (Les Liaisons dangereuses) của Pháp, đã được chuyển thể điện ảnh và cả sách lẫn phim đều rất được ưa chuộng tại Hungary.

Bản thân ông Vízer thì ưu ái bộ phim vì một lý do cá nhân: ông đã theo dõi diễn xuất của diễn viên chính Đỗ Hải Yến qua các bộ phim trước và đánh giá cao khả năng của cô, cùng ngoại hình mà ông cho là “rất tuyệt vời”.

Được biết, BTC Titanic đã mời đạo diễn Bùi Thạc Chuyên và diễn viên Đỗ Hải Yến sang dự LHP, cũng như tham dự các chương trình giao lưu với báo giới và khán giả.

Nói thêm về điện ảnh Việt Nam và các vùng đất xa xôi nói chung, ông Vízer cho hay: trong các kỳ LHP tới, BTC rất muốn giới thiệu thêm nhiều phim Việt Nam vì một trong những đặc trưng của Titanic là rất cởi mở với điện ảnh Đông Nam Á và Viễn Đông. Theo ông, đã từ nhiều năm nay, những bộ phim đặc sắc thường đến từ Châu Âu từ Á Châu!

Chủ đề chiến tranh lên ngôi

Mô-típ quan trọng nhất của LHP lần này là các bộ phim đề tài đụng độ vũ trang - chiến tranh, nội chiến, bạo loạn... - vì theo lý giải của BTC, thông qua cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan, cũng như các cuộc khủng bố, đề tài chiến tranh đã trở thành một phần của đời sống thường nhật, trong điện ảnh và trong cả tâm thức con người.

Điểm tích cực duy nhất của điều này, theo BTC Titanic, là thời gian gần đây, đã có nhiều tác phẩm điện ảnh tuyệt vời về đề tài chiến tranh, như bộ phim đen trắng, được quay bằng camera cầm tay mang tựa đề “Nam Kinh, Nam Kinh! Thành phố của cuộc sống và chết” của đạo diễn Trung Quốc Lục Xuyên, có trong hạng mục phim Dự thi.


Một cảnh trong bộ phim Pháp "L’armée du crime" (2009) của đạo diễn Rober Guédiguian, đề tài về nhóm kháng chiến nổi tiếng Manouchian trong Đệ nhị Thế chiến


Theo lệ thường, trong mỗi kỳ LHP, Titanic lại có một hạng mục phim riêng để giới thiệu nền điện ảnh của một quốc gia, hay một khu vực, một vùng đất. Trong năm nay, vai trò đó thuộc về Trung Quốc, một mảnh đất mà BTC đánh giá là sự phát triển về lượng và nhất là về chất của “Nghệ thuật thứ bảy” đã là một phần của sự phát triển bão táp của đất nước. (Trong hạng mục mang tên “Năm Dần”, điện ảnh Trung Quốc sẽ được bổ sung bởi một số bộ phim Đài Loan.)

Theo truyền thống, có nhiều phim Pháp hiện diện tại Titanic trong hạng mục phim Dự thi và một hạng mục riêng mang tên “Những dải cát ngầm Pháp”. Theo giới thiệu của phó giám đốc Học viện Pháp tại Hungary, 8 tác phẩm có mặt trong Titanic lần này - gồm các thể loại phim hài, tâm lý xã hội, chiến tranh... - cho thấy sự phong phú của nền điện ảnh Pháp, và đều là những tác phẩm lớn của điện ảnh Pháp, vừa được ra mắt trong năm qua.

Cuối cùng, trong năm nay, có lẽ là lần đầu tiên, LHP Titanic chủ trương hướng tới một số mục đích xã hội, như hưởng ứng đề xuất đòi trả tự do cho đạo diễn nổi tiếng người Iran Jafar Panahi, từng được giải tại các LHP lớn như Berlin, Cannes và Velence, và là khách mời của Titanic năm 2001. Ông đã bị bắt giữ tại tư gia ở Tehran ngày 1-3 vì hành động ủng hộ công khai phe đối lập, phản đối tổng thống Iran theo khuynh hướng bảo thủ.

LHP Titanic cũng tham gia đề án quốc tế BROAD của Viện Eötvös Károly (Budapest), khi công chiếu các bộ phim ngắn đề tài xã hội của đề án, với nội dung bảo vệ các quyền riêng tư, những thông tin cá nhân, coi quyền tự quyết của cá nhân trong vấn đề này là một giá trị một xã hội hiện tại, khi đời tư rất dễ bị nhòm ngó và xâm phạm.
(*) Bản tin đã đăng trên RFI.

Hoàng Nguyễn, từ Budapest


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn