“ĐỪNG ĐỐT!” - CUỘC CHIẾN VIỆT NAM QUA CON MẮT MỘT NỮ BÁC SĨ

Thứ tư - 12/05/2010 22:48

(NCTG) Với kịch bản dựa theo cuốn nhật ký từng gây tiếng vang ở 22 nước, bộ phim “Đừng đốt” đã được nhận 3 giải thưởng, trong đó có Giải nhất tại LHP Fukuoka (Nhật Bản). Thú vị nữa là phần nhạc phim do hai nhạc sĩ trẻ người Hungary viết - bài viết của ký giả Nagy Áron trên tờ “Dân tộc Hungary” (Magyar Nemzet).

Đạo diễn Đặng Nhật Minh tại Budapest - Ảnh: Farkas Tibor (NCTG)

Thế nhưng bộ phim đề tài chiến tranh này của đạo diễn Đặng Nhật Minh vẫn chưa được trình chiếu tại các rạp phim ở Hungary, DVD của phim cũng chưa được lưu hành ở đây. Phóng viên báo “Dân tộc Hungary” có dịp xem bộ phim cảm động này - nói về câu chuyện cuộc đời nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm - trong một buổi chiếu nội bộ, cùng với đoàn làm phim.

Bộ phim không phải là một bản anh hùng ca, nhưng tôi muốn làm cho nó xứng danh với sự hy sinh quên mình, với tình người cao cả mà bộ phim đề cập đến” - đạo diễn Đặng Nhật Minh nói lên chủ định của mình khi làm phim trong buổi nói chuyện sau khi chiếu phim.

Nhà làm phim Việt Nam từng đoạt nhiều giải thưởng này không hề có ý định lý tưởng hóa cuộc chiến tranh tàn khốc xảy ra trên quê hương ông, cũng như, không lý tưởng hóa cái thể chế mà nhân vật chính, nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm, đã hy sinh khi phục vụ nó.

Chẳng hạn, một trong những chi tiết nhiều ý nghĩa của phim là khi cô bác sĩ trẻ người Hà Nội lên tiếng phê bình anh chính trị viên đơn vị, khi người cán bộ đảng định bỏ các đồng đội bị thương để trốn chạy khỏi bệnh xá trước những đợt tấn công ngày càng ác liệt của quân đội Mỹ.

Những năm gần đây, khán giả Hungary ít có điều kiện biết đến các tác phẩm điện ảnh mô tả sự kinh hoàng của cuộc chiến Việt Nam. Có lẽ một ngoại lệ duy nhất là phim “Chúng ta là chiến binh” của Mel Gibson - tất nhiên, như thường lệ, bộ phim đó chỉ đem lại cái nhìn về cuộc nội chiến tàn khốc của xứ sở châu Á theo góc nhìn của phía Mỹ.

Ngược lại, “Đừng đốt” thì khác. Mặc dù là phim Việt Nam, kịch bản dựa theo cuốn nhật ký của một bác sĩ Việt Cộng hy sinh trong chiến tranh, nhưng không hề thấy ở đó sự chia rẽ hai bên, không thấy việc mô tả kẻ thù như quỷ dữ.

Bởi lẽ, đạo diễn Đặng Nhật Minh không muốn trả lời và đặc biệt là không muốn đưa ra quan điểm trong những câu hỏi ai tốt ai xấu, vì sao cuộc chiến bùng nổ, hay ai phải chịu trách nhiệm về những tội ác chiến tranh.

Đạo diễn nói với chúng tôi là ông muốn đưa cái tình người đằm thắm trong chiến tranh lên màn ảnh. Với sự tinh tế nhẹ nhàng thường thấy trong các tác phẩm nghệ thuật phương Đông, ông đã thể hiện những suy nghĩ và cảm xúc dồn nén của Đặng Thùy Trâm, sự đổi thay chầm chậm theo thời gian trong quan niệm của Fred Whitehurst - người lính Mỹ tìm thấy cuốn nhật ký - và của những người Mỹ xung quanh qua nhiều tình tiết mang tính phúng dụ.

Diễn biến trong phim, một phần đưa người xem trở về thời kỳ 1968-1970, nhưng phim không mô tả theo trình tự thời gian cuộc đời người nữ bác sĩ trẻ trong những năm chiến tranh. Chen vào giữa câu chuyện là những sự việc thời hậu chiến, kéo dài đến năm 2005: Whitehurst giải ngũ, hồi hương, có em dâu là người Việt, nhưng theo phe quốc gia, người phải chiến thắng những định kiến cá nhân để cảm nhận được rằng kẻ thù của cô cũng chính là một cô gái nhạy cảm giống cô.

Để rồi cho đến năm 2005, người cựu chiến binh xưa tìm được gia đình của Đặng Thùy Trâm và trao lại cuốn nhật ký cho người thân của cô. Tất nhiên mọi sự không đơn giản như thế: bao nhiêu mâu thuẫn, bao sự nhìn nhận càng khiến câu chuyện vốn dĩ đã cảm động lại càng thêm ấn tượng.

Theo đạo diễn Đặng Nhật Minh, khán giả Âu - Mỹ khó hiểu, cảm hết ngôn ngữ phim Châu Á. Vì thế - cũng như đạo diễn nổi tiếng Hồng Kông Vương Gia Vệ (Wong Kar-Wai) từng làm trong nhiều phim của ông -, ông đã tìm cách dùng âm nhạc như chiếc cầu nối giữa các nền văn hóa. Hai nhạc sĩ trẻ Hungary, Benedekfi István và Benedekfi Zoltán được mời sáng tác phần nhạc cho phim.

Hai nhạc sĩ người Szeged này (một trong số họ còn chưa tốt nghiệp nhạc viện) dù đã có một số sáng tác trước đây, nhưng đây là lần đầu họ sáng tác nhạc phim. Dầu vậy, các nhà phê bình quốc tế đã công nhận tài năng chín muồi của họ và đánh giá phần âm nhạc đã góp phần rất nhiều cho thành công của phim trên trường quốc tế.

Chúng tôi mong rằng khán giả Hungary cũng sẽ cảm nhận được điều này trong tương lai không xa.

Phan Anh Sơn dịch, “Dân tộc Hungary”


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn