Truyện ngắn của Nguyễn Hoài Phương: CHUỒN CHUỒN

Thứ năm - 03/06/2010 22:42

(NCTG) Chẳng biết từ bao giờ tôi đã bị tiêm nhiễm một tư tưởng rằng đã là chuồn chuồn thì lúc nào và thế nào cũng đẹp.



Và khi tôi mang những suy nghĩ ấy kể lại cho em nghe, thì Hạnh nói: “Sao lại “tiêm nhiễm”, hả anh? Người ta chỉ bị tiêm nhiễm những cái xấu thôi. Còn chuồn chuồn, theo anh, đẹp như vậy, thì làm sao có thể gọi là tiêm nhiễm được. Anh dùng từ không chính xác rồi, thi nhân ơi…”

Tôi định chống chế rằng cái gì cũng chỉ là tương đối mà thôi. Có thể rất đẹp với người này nhưng với người khác thì lại rất xấu. Thí dụ khi nghe tôi nói có những cái đẹp rất tự nhiên nhưng cũng rất mơ hồ, khó hiểu, rất khó diễn tả, nắm bắt, như cái đẹp của chuồn chuồn chẳng hạn, thì Liên giẫy nẩy lên, bảo: ”Anh tiểu tư sản quá. Bằng này tuổi đầu rồi mà anh không tìm được cái gì khác để quan tâm và suy nghĩ đến hay sao?”

Nhưng tôi chỉ mới “định” vậy thôi chứ chưa nói gì với Hạnh. Vì rất có thể là em nói đúng, và tiêm nhiễm chỉ nên dùng khi có dính dáng đến cái gì xấu xa.

Như rất nhiều người khác, thật sự là đến tận bây giờ tôi cũng vẫn chưa hiểu “tiểu tư sản” là cái gì. Và tôi đoán chắc là Liên cũng vậy. Chắc là cũng như tôi, Liên chắc cũng chỉ biết đến ba chữ ấy qua đài báo hay các cuộc họp, các cuộc thảo luận mà thôi. Thấy người ta nói tiểu tư sản là không tốt, phải lên án thì cũng chỉ biết nói theo, nghĩ theo là nó không tốt, là phải lên án nó. Còn tại sao lại như vậy thì chịu chết. Thế nên, khi nghe Liên bảo “anh tiểu tư sản quá đấy” thì tôi cũng sợ.

Một cái sợ mơ hồ thôi nhưng mà cũng rất rõ ràng. Tuy không nhìn thấy, và thậm chí là cả không nghe thấy nữa, nhưng tôi cảm thấy rất rõ rằng, cứ dính dáng đến ba chữ này là cuộc đời đi đến chỗ tăm tối, đến ngõ cụt rồi. Tôi mơ hồ cảm thấy đâu đó xung quanh mình có những tiểu tư sản này, tiểu tư sản kia đang bị theo dõi một cách sát sao, đang phải kiểm thảo, kiểm điểm, đang bị giam lỏng hoặc thật sự đang trong vòng vào tù ra tội. Mà vào tù ra tội, để rồi bị tra tấn, bị bỏ đói, bị sỉ nhục; bị hành hạ, bị những cái gỉ cái gì nữa… thì tôi chẳng muốn tí nào. Tôi còn quý mạng sống của của tôi lắm. Càng quý hơn là sống và được tự do. Thì chí ít cũng là được tự do ngắm chuồn chuồn.

Tôi không tin và cũng chẳng thích sự phải thật chính xác của chữ nghĩa cho lắm. Chính xác tuyệt đối thì lại càng không. Hình như ông Lenin có nói ở đâu đó rằng trên đời này chỉ có một sự tuyệt đối là mọi cái đều tương đối. Và tôi tin là ông ta nói đúng. Mà cũng tuyệt đối tin luôn, nhất là trên phương diện chữ nghĩa vốn đầy rẫy những ma mãnh, éo le, rắc rối này. Nhưng dù có chắc chắn như vậy đi chăng nữa thì tôi cũng chưa bao giờ muốn là tín đồ của Lenin cũng như của bất cứ ai khác. Lenin hay bất kỳ ai đi nữa thì cũng có những cái và những lúc tin được, cũng có những cái và những lúc chẳng thể nào tin được. Như chuồn chuồn không nhất thiết là cứ phải bay thẳng. Có lúc nó phải bay dọc, lại có lúc nó phải bay ngang. Có lúc nó phải bay cao, có lúc nó phải bay thấp. Có lúc nó phải tiến. Có lúc nó phải lùi. Có lúc nó phải đứng yên.

Nhưng cũng là chỉ nói vậy thôi. Chứ nhiều khi tôi cũng vẫn quan tâm, phân vân về sự chính xác của chữ nghĩa lắm. Biết cái gì cũng chỉ là tương đối thôi, nhưng phải phải vừa vừa như thế nào là đủ, là được, như thế nào là quá lố, quá đáng. Sự thật là khi nghe hoặc đọc ở đâu mấy chữ của câu thành ngữ: hoa thơm bướm lượn, tôi cũng suy nghĩ lắm. Vì ai mà chẳng biết, giống như cái tàu lượn với sải cánh rất dài, khi những con chim, đại bàng, bồ câu, diều hâu…. chẳng hạn, muốn lượn loanh quanh trên bầu trời thì đôi cánh của chúng cũng phải bất động cho đúng quy luật của khí động học và đúng định nghĩa của chữ nghĩa, ít nhất là theo từ điển.

Đằng này, trừ những lúc đậu yên ở đâu đó, cánh bướm lúc nào cũng phấp phới, phớp phới. Mà đã vậy thì làm sao có thể nói là bướm lượn được. Phải nói là bướm bay mới đúng chứ. Bướm đậu rồi bướm ối a nó bay, và hình như là chỉ có hai trạng thái đó thôi. Với lại, chắc gì bướm đã thực sự lượn vì hoa thơm. Theo tôi thì khả năng bướm lượn vì sự rực rỡ, vì sự sặc sỡ nhiều mầu sắc của hoa là nhiều hơn chứ.

Tôi vẫn hay lang thang, cả trong thực tế lẫn trong tâm tưởng, theo những cánh chuồn chuồn đi khắp mọi nơi mọi chốn. Và vì thế mà tôi có cơ sở để nghĩ rằng chỉ có chuồn chuồn là lượn theo đúng nghĩa của cái từ này nhất. Nhưng trong thực tế thì có lẽ ngoài các nhà khoa học, các nhà thiết kế chế tạo máy bay ra, rất ít người và ít khi người ta nói chuồn chuồn lượn. Thực tế người ta chỉ nói chuồn chuồn bay. “Chuồn chuồn có cánh thì bay - Có thằng cu tí bắt mày chuồn ơi”. Thực tế là đã lâu lắm rồi và có lẽ sẽ còn rất lâu nữa, có thể sẽ là mãi mãi tôi sẽ không còn được gặp lại những thằng cu tí một thuở nào đó của mình. Buồn thật. Buồn miên man. Và có lẽ còn miên man buồn hơn biết bao nhiêu vào những đêm dài không ngủ được như thế này.

Cũng như bao nhiêu người khác, thực tế là chưa bao giờ tôi biết chuồn chuồn ngủ ở đâu. Hình như thực tế là chẳng ai biết đâu là tổ của những con chuồn chuồn cũng như chẳng ai biết là thực tế chuồn chuồn có tổ hay không nữa. Và cũng như những con bướm, chuồn chuồn có ngủ không nhỉ? Chắc là có. Và cũng chắc là chúng cũng ngủ mơ nữa. Chắc là những giấc mơ của chúng cũng rất đẹp, rất nên thơ. Vậy chúng có mất ngủ không? Chắc là không. Chắc là trong số đồ ăn và đồ uống của chúng, chẳng thứ nào có chất kích thích tương tự như nước chè xanh hay cà phê, như của tôi, hồi chiều tối hôm qua chẳng hạn, chúng cũng chẳng phải suy nghĩ hay toan tính điều chi phức tạp.

Chuồn chuồn có tình yêu không? Một lần nào đó, nghe tôi hỏi như vậy, Hạnh đáp: “Phải có chứ, anh nhỉ?” Em đã nói thế, vậy thì chắc là chuồn chuồn cũng có tình yêu. Và vậy thì cũng chắc là một tình yêu hết sức thầm kín. Vì rất ít, rất ít khi có ai đó thấy được hai con chuồn chuồn sát cánh bay bên nhau. “Thế thì cũng buồn, anh nhỉ?”, Hạnh bảo vậy. “Ừ. Buồn quá đi chứ. Yêu nhau mà chẳng được bay khắp nơi cùng nhau thì còn gì đáng buồn hơn nữa”, tôi đáp vậy. Miệng cười mà mặt nhăn nhăn nhó nhó, buồn rũ rượi.

“Theo em thì chuồn chuồn có biết buồn không, Hạnh?”, tôi lại hỏi tiếp. “Em cũng không biết nữa”, Hạnh trả lời. “Thế thì tại sao rất ít khi chuồn chuồn bay với nhau? Chắc là do hoàn cảnh thôi...”

Ừ, đúng đấy, chắc là do hoàn cảnh thôi. Dù chưa biết là hoàn cảnh gì, hoàn cảnh như thế nào…. Nhưng đã yêu nhau thì ai mà chẳng muốn lúc nào cũng ở bên nhau, ở bên nhau mãi mãi. Phải không mọi người? Phải không em?

Chỉ có bướm là hay bay thành đàn thôi. Ít khi người ta thấy chuồn chuồn bay thành đàn, nhưng từng đàn bướm tung tăng thì hình như ai cũng thấy. Chỉ những khi trời sắp mưa và cũng họa hoằn lắm người ta mới thấy một đàn mươi mười lăm con chuồn chuồn là là bay sát mặt sông hay mặt ao hồ. Nhưng những đàn bướm thì sáng, trưa, chiều và cho đến tận hoàng hôn, hình như lúc nào cũng có thể trông thấy được.

Nhưng anh nghĩ là bướm vẫn cô đơn, Hạnh ạ…. Một buổi chiều, khi cùng nhau bước trên những thảm cỏ rất êm bên bờ sông Châu Giang, tôi nói với em như vậy. Để rồi nghe Hạnh ngạc nhiên: “Anh nói sao cơ? Cả một đàn bướm hàng ngàn con thế kia?” “Nhưng Hạnh ơi, em cứ để ý mà xem…”. “Hàng ngàn con thật, nhưng chúng chỉ chấp chới, chấp chới loạn xạ lên thế kia mà thôi. Có con nào bay với con nào đâu?”. “Ừ nhỉ. Vậy nên anh nghĩ bướm cũng cô đơn lắm. Và cả đàn bướm rất nhiều kia, thật ra chỉ là tập hợp của những cá thể rất cô đơn lại mà thôi”. “Thế cũng buồn, anh nhỉ?”. “Ừ... Và có khi còn buồn hơn là cả chuồn chuồn nữa”. “Nhưng chỉ là buồn về phương diện tình yêu thôi, phải không anh? Có thể chúng phải tập hợp thành đàn vì sự tồn tại?”. “Có thể như thế lắm. Nhưng tồn tại mà chẳng có tình yêu thì tồn tại làm gì phải không em?”.

Có một con chuồn chuồn đậu im lìm như một cái que trên cành táo, mầu xanh xanh, bạc bạc của nó hòa với mầu xanh xanh bạc bạc non xanh của cành lá, nếu không để ý thì rất khó phát hiện. Chúng tôi đến gần hơn một chút nữa và chăm chú ngắm con chuồn chuồn. So với cơ thể của chính nó thì mắt chuồn chuồn quả là khổng lồ. Nhưng sự mất cân đối ấy, chẳng làm mất vẻ đẹp vốn có của nó đi tẹo nào. Mà ngược lại là đằng khác. Hạnh bảo: “Em thấy yêu cặp mắt của những con chuồn chuồn này quá. Chúng nó có thể quan sát cả thế giới một cách dễ dàng”. “Anh cũng thế. Anh cũng yêu những chiếc cánh của nó”. “Em yêu sự nhẹ nhàng của nó”. “Ừ, cái gì của nó cũng đáng yêu cả em ạ”. “Cả sự im lặng của nó nữa chứ?”. “Đúng rồi! Cả sự im lặng của nó nữa”.

Chúng tôi hay nghĩ, hay nói về chuồn chuồn một cách viển vông như vậy. Và rõ ràng là thừa biết ở đâu đó, chuồn chuồn vẫn bí mật ngốn ngấu những con bọ gậy và đã cắn là cắn rất đau thì chúng tôi vẫn thấy nó đẹp và vẫn yêu nó vô cùng. Tôi đã mấy lần để chuồn chuồn cắn cho đến chảy máu ngón tay. Nhưng điều đó đâu cũng có hề chi, vì chỉ sau một lần để chuồn chuồn cắn rốn, sau đúng bốn ngày, thì dù hãy còn bé tí, tôi vẫn có thể bơi lội như thường.

Liên vẫn bảo tôi là bảo thủ và đôi khi là kiêu căng, là thiếu khiêm tốn nữa, mặc dù trong các cuộc trannh cãi điều qua tiếng lại rất hiếm hoi giữa hai người thì phần thắng khi nào cũng thuộc về cô và chỉ thuộc về cô mà thôi.

Cũng đã lâu lắm rồi tôi và Liên không nói chuyện với nhau về chuồn chuồn. Vì nói làm sao được khi đụng đến đề tài này là cô cứ một mực khăng khăng quy cho tôi là tiểu tư sản, khăng khăng nhất quyết bắt tôi phải sửa đổi.

Vậy nên, tôi mới hết sức ngạc nhiên khi một buổi chiều tháng năm rất thanh bình tự nhiên cô từ đâu chạy về và cầm tay kéo một mạch tôi chạy ra bờ con sông nhỏ gần nhà. Chúng tôi đứng trên cầu và nhìn xuống dòng nước trong veo lững lờ chảy. Chợt Liên chỉ cho tôi một mảng gì đó lấp lánh ánh bạc đang từ từ trôi đến và cất giọng rất lạ: “Anh nhìn kìa!”.

Tôi nhìn cái mảng bạc càng lúc càng trôi đến gần ấy và dần dần nhận ra đấy là những cánh chuồn chuồn. Tôi không thể biết là chuồn chuồn từ đâu ra mà nhiều đến vậy, và lại càng không thể biết tại sao chúng lại đồng loạt chết hàng đàn lớn lớn như thế này, trên ngay con sông này.

Rất nhiều... rất nhiều những ánh mặt trời phản chiếu từ mặt sông và từ những cánh chuồn chuồn hắt lên làm tôi lóa mắt. Vẫn đẹp quá, phải không em? Tôi nói với Liên mà như nói với Hạnh và vì thế mà cũng không thấy ngạc nhiên lắm khi nghe cô khẽ đáp: “Vâng!”

Nguyễn Hoài Phương, từ Đức Quốc - Ngày 12-5-1010


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn