VĨNH BIỆT HOÀNG CẦM, THI SĨ ĐẤT KINH BẮC

Thứ năm - 06/05/2010 01:29

(NCTG) Theo tin từ trong nước, nhà thơ Hoàng Cầm, tên thật là Bùi Tằng Việt, sinh ngày 22-2-1922 tại xã Phúc Tằng, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, đã qua đời hồi 9 giờ 30 sáng 6-5 ở tuổi gần 90.

Nhà thơ Hoàng Cầm (1922-2010)

Ông được coi là một thi sĩ đã phối hợp nhuần nhuyễn nhiều yếu tố cách tân vào dòng thơ truyền thống một cách tài ba và tinh tế, để lại dấu ấn trong thi đàn Việt Nam thế kỷ XX.

Những tác phẩm lớn đã mang lại tên tuổi cho ông như hai vở kịch thơ “Hận Nam Quan”, “Kiều Loan”, cùng các thi phẩm “Lá diêu bông”, “Bên kia sông Đuống”..., trong một chừng mực nhất định, đã trở thành kinh điển trong thể loại của chúng.

Là thành viên phong trào Nhân văn Giai phẩm, ông đã bị khai trừ khỏi Hội Nhà văn (mà ông là một thành viên sáng lập trước đó 1 năm), bị kiểm thảo và cải tạo lao động, và trong vòng 30 năm, các tác phẩm của ông bị cấm in ấn.

Ông phải làm nhiều nghề chân tay để kiếm sống cho gia đình, như kéo xe bò, làm phim đèn chiếu, viết lời thuyết minh, đứng máy tại xí nghiệp Nhà máy gỗ Hà Nội... Tuy nhiên, ông vẫn âm thầm sáng tác nhiều tác phẩm giá trị: “Kinh Bắc” (thơ, 1959), “Men đá vàng” (truyện thơ, 1973), “Mưa Thuận Thành” (thơ, 1959), “Lá Diêu Bông” (thơ, 1993), “Đến từ hư không” (thơ, 2000)...

Đầu thập niên 80, vì đưa bản thảo tập thơ “Về Kinh Bắc” cho một người bạn mang ra nước ngoài, ông bị giam cầm 18 tháng. Cũng trong thời gian đó, người vợ của ông qua đời, khiến ông bị hẫng hụt, khủng hoảng về tinh thần: trong vài năm, ông mắc chứng bệnh tâm thần ở hai dạng hoảng loạn và trầm uất.

Phải đến năm 1988, ông mới được phục hồi bằng cách mời lại vào Hội Nhà văn và được nhận lương. Các tác phẩm của ông dần dần được in ấn trở lại - năm 2007, ông được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật do Chủ tịch nước ký quyết định tặng riêng.

Những năm cuối đời, sức khỏe ông rất yếu. Vì một cú ngã, ông bị bại chân từ nhiều năm nay và chỉ ngồi được một chỗ trong căn phòng nhỏ trên con phố Lý Quốc Sư.

Ông qua đời sau hơn 3 ngày nằm viện cấp cứu, để lại một khoảng trống trong văn đàn Việt Nam và trong người hâm mộ. Nhưng những vần thơ huyền ảo, “sáng bừng trong giấy điệp” của ông, thì sẽ vẫn còn mãi:

Em ơi!
Buồn làm chi
Anh đưa em về bên kia sông Ðuống
Ngày xưa cát trắng phẳng lỳ
Sông Ðuống trôi đi
Một dòng lấp lánh
Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ...

***

Từ TP HCM, nhạc sĩ Phạm Duy, người bạn tự thuở kháng chiến của Hoàng Cầm, đã chia sẻ cùng NCTG những dòng ông viết chia tay thi sĩ.

Hai nghệ sĩ lớn của Việt Nam thế kỷ XX đã có một tình bạn dài hơn nửa thế kỷ, nhiều khi cách trở về không gian và ý thức hệ, nhưng tựu trung, họ luôn gặp nhau ở một điểm: tình dân tộc và tính nhân bản. (*)

Nhà thơ Hoàng Cầm và nhạc sĩ Phạm Duy (năm 2008) - Ảnh do nhạc sĩ Phạm Duy cung cấp

12 giờ trưa ngày thứ năm, 6 tháng 5 - 2010

Ông Hoàng của tôi ơi!

Tôi vừa soạn xong bản nhạc phổ thơ bài “Bên kia sông Đuống” và đã đưa cho người soạn hòa âm để thu thanh, với ý định tặng riêng ông cho ông nghe để ông đỡ buồn (vì thấy ông không có một bài viết nào trên các báo Xuân vừa rồi, nghĩ rằng ông ốm...) thì nghe tin ông vừa qua đời sáng hôm nay!

Thế là tôi lại mất đi một người bạn tốt, đã từng chia sẻ với nhau những vinh quang và tủi nhục của cuộc đời Việt Nam trong một thời gian đang thay da đổi thịt.

Phải xa nhau gần nửa thế kỷ, khi cuộc đời Việt Nam đã bình thường rồi thì chúng ta đã trao đổi thư từ trong đó, hai ông già ngoài 70 tuổi vẫn cứ xưng hô mày tao như trong tuổi 20. Chúng ta đều cho rằng cả hai thằng bạn, vào lúc gần đất xa trời, rốt cuộc đều thấy đời mình chỉ là một cuộc chơi! Cuộc chơi đã đưa hai đứa lên rất cao, rồi cũng đã dìm hai thằng xuống rất sâu nhưng cả hai kẻ đãng tử này đều được cứu rỗi bởi một sợi dây bí ẩn. Đó là sợi dây cảm nhận, rung động và sáng tạo nghệ thuật làm cho chúng ta, sau nhiều cơn vật vã, vẫn có thể gạn đục khơi trong rồi làm ra những vần thơ điệu nhạc lung linh sức sống kỳ diệu của con người. Vâng! Nghệ thuật đã rửa hồn chúng tôi, như Hoàng Cầm nói: ton art purifie ton âme và sẽ còn giúp chúng ta đi nốt con đường chúng ta đã chọn: CON ĐƯỜNG TÌNH, tình nước, tình người.

Vĩnh biệt người bạn cố tri. Chúc Ông yên vui trong giấc ngủ ngàn thu.

(*) Trong 4 tập Hồi ký, Phạm Duy đã dành nhiều trang rất trân trọng để nói về Hoàng Cầm. Hai ông cũng có những ký ức rất đẹp và động lòng về nhau, trong hai bài ký “Hoàng Cầm trong tôi” (Phạm Duy) và “Phạm Duy và tôi” (Hoàng Cầm).

NCTG


 
 Từ khóa: Hoàng Cầm
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn