LÉVAI BALÁZS: “ĐÔI KHI, NÊN THỬ LÀM CẢ NHỮNG VIỆC BẤT KHẢ!”

Chủ nhật - 07/02/2010 21:17

Cách đây gần 7 năm, vào hồi 10 giờ 30 phút tối 28-4-2003, Đài Truyền hình Hungary bắt đầu loạt chương trình phỏng vấn văn học “Thế giới là một cuốn sách mở” của BTV Lévai Balázs. Kể từ đó, 1 năm liền, mỗi tháng một lần, khán giả có dịp làm quen với một nhà văn quốc tế nổi tiếng trong khuôn khổ một cuộc “đàm đạo văn chương thế giới” kéo dài 30 phút.

BTV Lévai Balázs

Ngay lập tức, sự kiện này được coi như một “cột mốc lịch sử” trong nền truyền hình Hungary và thu hút sự quan tâm đặc biệt không chỉ của đông đảo khán giả yêu văn học, mà còn chinh phục cả những chuyên gia khó tính nhất trong ngành.

Lý do tưởng chừng đơn giản: bản thân những tên tuổi lừng lẫy như José Saramago, Helen Fielding, John Updike, Mario Vargas Llosa, Harold Pinter, Michael Cunningham, Paul Auster, Orhan Pamuk, Paulo Coelho…, đại diện cho nhiều thể loại, xu hướng văn học đương đại - đủ nói lên (và đảm bảo cho) tầm vóc của chương trình.

Tuy nhiên, loạt phỏng vấn nói trên không dừng lại ở mức báo chí thông thường, cũng không nhằm khai thác những chi tiết “dưa cà mắm muối”, scandal của các tác giả và văn nghiệp của họ, những điều có thể dễ dàng đáp ứng thị hiếu của một số giai tầng khán giả.

Với sự chuẩn bị kỹ càng, vốn hiểu biết đa dạng và kiến văn uyên bác, được thể hiện dưới một phong cách dung dị, cởi mở, nhiều khi hóm hỉnh mà không kém phần sâu sắc, BTV Lévai Balázs đã biến “Thế giới…” thành một “bữa tiệc văn chương” thịnh soạn và trang trọng, góp phần vinh danh lao động nghệ thuật của những cây bút lừng danh trên thế giới.

Nỗ lực ấy của Lévai đã được thừa nhận. Năm 2004, cuốn sách được xuất bản cùng tựa đề với chương trình truyền hình - gồm 12 chân dung nhà văn và các cuộc phỏng vấn ở dạng đã biên tập lại - trở thành một hiện tượng xuất bản ở Hungary.

Trong ba năm 2004-2007, ê-kíp của Lévai tiếp tục thực hiện “Thế giới…” với 19 nhà văn lớn khác, trong số đó, những cuộc mạn đàm với 13 nhà văn – gồm những cái tên “vương giả” như V. S. Naipaul, Umverto Eco, Jonh le Carré, Philip Roth, Bret Easton Ellis, Salman Rushdie, Margaret Atwood, Michael Ondaattje… - đã được đưa vào một tập sách thứ hai (1).

Năm 2006, “Thế giới…” được giới chuyên môn bình chọn là Chương trình phỏng vấn truyền hình xuất sắc nhất của năm.

Trả lời phỏng vấn báo chí, Lévai cho biết: những nỗ lực của ông, một phần cũng để duy trì “văn hóa đọc”, nuôi dưỡng thói quen đọc sách trong giới trẻ, đã bị thui chột nhiều trong “thế giới tiêu thụ” hiện tại với sự phát triển và lấn sân của “văn hóa nghe nhìn”, của mạng Internet và các phương tiện kỹ thuật khác.

Bên cạnh đó, về mặt cá nhân, Lévai chia sẻ: trên tư cách một người yêu văn học bình thường, ông ao ước được tiếp xúc với những tượng đài văn chương, được học hỏi sự sáng tạo, hết lòng với nghề của họ trong vài giờ tiếp cận. Thêm nữa, ông cũng muốn chứng tỏ rằng, những nhân vật nổi tiếng, đã trả lời hàng ngàn cuộc phỏng vấn, vẫn có thể thổ lộ được nhiều điều mà họ tâm đắc, điều rất quan trọng đối với khán giả, độc giả khi tìm hiểu về văn chương và sự nghiệp của các nhà văn lớn.

Trên tinh thần “thế giới là một cuốn sách mở, chỉ cần bạn nhấc nó khỏi giá sách và nghiền ngẫm”, một số bài phỏng vấn được thực hiện sau đây đối với Lévai Balázs sau khi ông thực hiện serie đầu cũng có thể đem lại cho độc giả những thông tin thú vị về công việc phỏng vấn và tổ chức phỏng vấn, đầy thú vị, bất ngờ nhưng cũng lắm gian truân và đòi hỏi lòng kiên nhẫn và trí tuệ.

Có thể coi đó là chút “hành trang” trước khi bước vào thưởng thức bản dịch tiếng Việt “Thế giới…” của Giáp Văn Chung, với hy vọng trong một tương lai gần, bạn đọc Việt Nam sẽ có điều kiện theo dõi toàn thể 25 chân dung văn học do Lévai Balázs thực hiện (2).

Bìa ấn bản Việt ngữ của cuốn sách

- Chỉ cần nhắc đến một vài cái tên John Updike, Harold Pinter, Jose Saramago hay Mario Vargas Llosa, tôi nghĩ ngay rằng điều ông muốn thực hiện thật là điên rồ. Ông nghĩ thế nào về chuyện này?

Thực sự, ngay từ giây phút đầu, ý tưởng này có vẻ hoàn toàn không hiện thực, dầu vậy, mọi thứ lại diễn tiến dễ dàng. Ít nhất là tôi cũng không gặp quá nhiều khó khăn. Beke Kata, cô giáo dạy môn Ngữ văn của tôi hồi Trung học, có nói rằng đôi khi, nên thử làm cả những việc bất khả, vì chúng ta có thể đạt được những kết quả thật bất ngờ từ đó.

Mùa thu 2002, công việc truyền hình của tôi không thành công lắm, tôi cảm thấy “khó ở” và mong muốn một thử thách mới nào đó. Buồn cười, nhưng rốt cục vợ tôi đã đề xuất ý tưởng đó. Một tối, cô ấy bảo: “Trong chương trình “Giờ kết” (Záróra), nhiều lần anh trò chuyện với các nhà văn Hungary, sao anh không thử điều đó với các văn sĩ ngoại quốc?

Tôi buột miệng: “Làm sao được? Bằng cách nào? Kinh phí đâu?” Nhưng rồi sau đó, tôi không rời được ý tưởng này. Tôi bắt đầu suy nghĩ, viết dàn ý, khởi thảo quan niệm và “thông điệp” của nó.

Bước đầu, tôi tới gặp và trình bày “sáng kiến” với Osztovits Levente (3) vì tôi biết rằng đại đa số các tên tuổi nước ngoài đều in sách tại NXB của ông. Đã quen biết tôi qua chương trình “Giờ kết”, ông niềm nở, nhiệt tình với ý tưởng, và hứa sẽ ủng hộ tôi. Vậy là tôi tìm được một đồng minh.

Tuy nhiên, cần thêm một “tên tuổi” nữa để chứng thực tính “chính đáng” của chương trình. Và thích hợp nhất đối với chuyện đó là một vị “bộ trưởng viết văn”: rất cởi mở, ông Görgey Gábor chấp nhận đề tài của tôi. Đến mức, hầu như ngay lập tức, ông đồng ý nhận vai trò nhà bảo trợ chính và còn hứa sẽ ủng hộ tài chính cho chuỗi phỏng vấn.

Sau đó, chỉ còn phải thuyết phục được Baló György, Giám đốc Văn hóa Đài Truyền hình Hungary (MTV). Dù không phải “nhiều lời” với ông, nhưng Baló đề nghị tôi phải chứng tỏ rằng tôi đã tiến hành những cuộc thương thảo đáng kể với tối thiểu là 6-7 tác giả. Bù lại, ông hứa ủng hộ tài chính, nhân lực và cho giờ phát.

Thậm chí, Baló György còn thuyết phục được hãng Vodafone làm đối tác viễn thông cho chương trình. Với hãng này thì các tên tuổi lớn đã có tác động: bên cạnh Beckham và Schumacher, Updike hay Eco cũng rất “phù hợp”. Cố nhiên, về tổng thể, phải mất nửa năm làm việc cật lực để đạt được những điều mà tôi chỉ liệt kê nhanh chóng ở đây.

- Làm sao anh gặp được các nhà văn và “xúi” được họ tham gia chương trình? Nghe những tên tuổi của chương trình, có thể giả định rằng anh đã gặp cả những “ca” khó?

Không hề đơn giản! Chúng tôi gửi thư đề nghị - được viết riêng cho từng nhà văn – cho các hãng đại diện văn học, viện dẫn giải Nobel của Kertész Imre, nêu tầm quan trọng của sự “kết nối tinh thần” rồi gọi đi gọi lại cho họ, nhưng gần như một tháng rưỡi đầu không có kết quả gì cả!

Thật đáng sợ! Chúng tôi nghĩ, thế là xong, chấm dứt, chịu! Sau đó, mọi thứ bắt đầu được khởi động. Điện thư (e-mail) đầu tiên tôi nhận được, rất dễ chịu, là từ Paul Auster, một nhà văn tôi ưa thích, ông bảo ý tưởng của loạt phỏng vấn là “tuyệt vời”.

Sau đó, bắt đầu thư đi từ lại. Cuối cùng, tới “công đoạn” thỏa thuận thời điểm phỏng vấn và một số vấn đề thứ yếu khác. Thậm chí, chúng tôi đã phải lịch sự “hoãn” một vài tác giả sang thời điểm khác, vì giữa chừng đã có những tên tuổi lớn hơn. Nổi tiếng vì kín đáo, nhưng Updike cũng đã trao đổi thư từ khá nhiều với chúng tôi, thời điểm cũng đã có, chỉ còn địa điểm phỏng vấn ở Boston là cần ấn định.

- Thế còn Tom Stoppard “khét tiếng”?

Tôi rất muốn phỏng vấn ông, từng là “dân sân khấu” (4), tôi rất mê những vở kịch và bộ phim của ông. Quan hệ đã có, trợ lý của ông trả lời nghiêm túc mọi thư của chúng tôi. Hiện còn ở Mỹ một tháng rưỡi, nhưng sau đó ông cũng sẽ ‘quy phục” chúng tôi.

Umberto Eco đề nghị chúng tôi để ông yên tới cuối hè, nhưng rồi cũng “hạ súng” trước chúng tôi. Cứ tưởng với Helen Fielding sẽ dễ dàng vì bà là tác giả đại chúng, nhưng không phải vậy. Thoạt tiên, bà không hề có ý đối thoại với chúng tôi, ít nhất là đại diện của bà đã chối chúng tôi thẳng thừng. Nhưng chúng tôi kiên trì và điều này đã có tác động.

Ngoài ra, điều thú vị là các nhà văn Mỹ chấp nhận chúng tôi dễ dàng hơn nhiều: Roth, Auster, Cunningham và Updike không để chúng tôi chờ đợi lâu. Sao đó, họ khoái hơn những người khác khi thấy một ê-kíp Hungary sang phỏng vấn họ. Lý thú là Harold Pinter đã đích thân trả lời, chứ không thông qua đại điện.

- Ông đã lựa chọn 12 nhà văn đầu tiên theo tiêu chí như thế nào?

Cùng các đồng nghiệp, chúng tôi ngồi vào bàn và khởi ra một danh sách, cuối cùng chứa tên của 33 tác giả. Rồi, chúng tôi tìm cách thu hẹp danh sách, xem ai là xuất sắc nhất, ai được biết tới nhiều nhất và ai có thể được độc giả để tâm nhiều nhất.

Chẳng hạn, Helen Fielding có thể bị coi là “tác giả lá cải”, nhưng trong thực tế trí thức cũng đọc bà nhiều ghê gớm. Bà là một nhân vật đặc sắc và theo tôi, có thể đưa vào diện “văn học” cũng được.

Cố nhiên, trong nhiều trường hợp, thứ tự các cuộc phỏng vấn được xác định bởi “cách cư xử” của các nhà văn: khi nào họ chịu tiếp xúc, khi nào tiếp chúng tôi, v.v… Điều thú vị là Paul Auster bị loại khỏi vòng đầu, mặc dù ông là người đầu tiên trả lời phỏng vấn. Lý do đơn giản: tôi phải kinh ngạc là cho dù giới chuyên môn rất coi trọng ông, song ngay cả bạn bè tôi, những người ham đọc sách, cũng không mấy biết về ông. Vậy là trên tư cách một BTV, tôi phải bắt đầu với những cái tên quen thuộc hơn.

- Danh sách 12 nhà văn đầu tiên, thoạt tiên còn có những cái tên Philip Roth, Umberto Eco. Tuy nhiên, thay vào đó là những nhà văn có thể ít tên tuổi hơn, nhưng cũng không kém phần thú vị, như Orhan Pamuk, Lyudmila Ulitskaya. Sao lại có sự thay đổi này?

Không phải bao giờ chúng tôi cũng quyết định được việc đưa ai vào chương trình. Rõ ràng là những tác giả đồng ý để chúng tôi phỏng vấn, thì có thể giới thiệu họ. Chủ yếu là trong các dự định đầu tiên, có những cái tên Umberto Eco, Philip Roth, và cả Kundera nữa. Chúng tôi không từ bỏ ý định phỏng vấn họ.

Có điều, hóa ra từ 25 năm nay, Kundera không trả lời phỏng vấn truyền hình. Chúng tôi có dịp trao đổi với ông qua một thư rất dễ thương. Ông có hồi âm tôi và quả thực, những gì ông viết thật có thiện cảm.

Về Philip Roth, tôi phải thú nhận là chúng tôi đã làm hỏng. Bởi lẽ, lần đầu ông đã chấp thuận và lẽ ra chúng tôi đã có cơ hội qua gặp ông. Nhưng đúng vào lúc ấy có quá nhiều nhà văn Mỹ gật đầu đồng ý, những tên tuổi như Updike, Auster và Cunningham cũng hồi âm. Chúng tôi hào hiệp nghĩ rằng, hãy hoãn Philip Roth một chút, rồi sẽ qua ông sau. Từ dạo đó, ông không tiếp chúng tôi.

Tôi không nghĩ là ông phật ý, cố nhiên, việc trả lời phỏng vấn của các nhà văn cũng phụ thuộc vào việc họ đang ở giai đoạn nào của công việc đang làm. Ai đang viết dở một cuốn sách và không thể dứt ra được, không chắc là người ấy chịu trả lời. Phải đến khi xong, họ sẽ trở lại “công diễn”.

Với Umberto Eco thì khác, ông là một tên tuổi khổng lồ, một “ca” vô cùng rắn! Hiện tại, vừa lóe lên một tia hy vọng: chúng tôi có thể tiếp cận ông với những cơ hội tối thiểu. Tôi không muốn “nói trước bước không qua”, nhưng có vẻ như đã có một đường mòn dẫn tới ông! (5)

- Thế còn Nick Hornby và Victor Pelevin, với họ thì mọi sự đến đâu rồi?

Nick Hornby là một trường hợp kỳ quặc. Qua các tác phẩm của ông, chúng tôi nghĩ sẽ hoàn toàn dễ dàng. Thế mà ông đã từ chối chúng tôi 6 lần, hoặc cũng có thể 8 lần. Chúng tôi tìm gặp đại diện của ông và được cho hay, ông đang sáng tác, gần nhất họa chăng có thể tìm lại ông vào tháng 1-2004. Lúc đó, chúng tôi lại tìm ông. Nhưng ông vẫn từ chối và tránh xuất hiện dưới mọi hình thức.

Không hiểu điều gì xảy ra với ông, có một giả thuyết là phải chăng, sự nghiệp viết văn của ông đang trong giai đoạn khủng hoảng. Ông viết rất hăng và nhanh trong giai đoạn đầu, cứ hai năm lại ra sách một lần và bây giờ thì chững lại. Có thể hình dung được là ông đang bế tắc: ông sáng tác quá nhanh và hiện đang gặp phải vấn đề với cuốn tiểu thuyết kế tiếp. Và vì thế ông không muốn phát biểu, vì đang gặp khó khăn. Đó là một giả thuyết khá thực tế.

Còn Pelevin thì quả thực là một nhân vật huyền thoại. Chẳng hạn, tôi được biết qua Ulitskaya tại Moscow rằng, một phần thời gian được ông “tiêu tốn” tại một chùa Phật giáo ở vùng Viễn Đông. Ông ghét giới báo chí, truyền thông, hầu như chả trò chuyện với ai. Rất nhiều lần, như M. Nagy Miklós (6) kể lại, người ta đã thông báo ở Moscow là có màn ký sách và giao lưu, nhưng ông đã không tới.

Tóm lại, đó là một người hết sức thất thường, khiến chúng tôi phải bó tay đầu hàng. Cho dù giá có được ông thì hay, ví dụ có thể sang Tây Tạng để làm chương trình với ông. Trong số các văn sĩ, có khá nhiều người như thế, thù ghét giới truyền thông.

- Trên mạng litera.hu (mạng văn học của Hungary), người hâm mộ có thể biểu quyết xem họ muốn “gặp gỡ” nhà văn nào trong chương trình tiếp tới. Cái tên Bret Easton Ellis cũng đã xuất hiện trong một kỳ “bỏ phiếu” như vậy. Một tác giả có thể chê trách về mặt đạo đức ở nhiều điểm như ông ta, có thể đưa vào chương trình hay chăng?

Chúng tôi hiện đang thuyết phục Ellis và tìm cách “đưa ông vào rọ”. Ông đáp rằng cám ơn, ông coi được đề nghị là vinh dự, nhưng cả ba lần ông đều từ chối chúng tôi, viện cớ đang viết dở dang một tiểu thuyết. Nếu mọi thứ kéo dài và cuốn sách ra đời, có thể cuộc phỏng vấn sẽ thành hiện thực.

Rằng tại sao tôi muốn chọn ông? Tôi nghĩ rằng không nên nói dối. Ellis là một nhà văn được ưa chuộng khủng khiếp! Cố nhiên, cần chỉ ra rằng ở đây, có những điểm chưa rõ ràng về mặt đạo đức: những tình tiết dữ dội, thô bạo và lắm thứ bệnh hoạn.

Độc lập với những yếu tố đó, tôi nghĩ rằng những gì ông viết cũng là văn học. Có thể tranh luận, chửi rủa vì điều này, nhưng theo tôi dù muốn hay không, vẫn phải coi đó là một phần của văn học. Ai thích thì hẵng đọc, không thì tránh xa mà! (7)

- Chuyển sang phương diện thực tiễn của vấn đề, việc các tác giả trên có mặt trong chương trình có khiến họ bán được thêm nhiều sách không? Có thể tìm được mối quan hệ đó?

Các NXB thường giấu, tôi cũng chả biết Ulitskaya hay Barricó bán được nhiều sách hơn. Nhưng tôi tin tưởng rằng chương trình đã khiến họ bán được nhiều hơn. Đơn thuần là có ít nhà văn và tác phẩm lọt vào truyền thông, để có thể đo lường được ảnh hưởng của một chương trình như thế.

Cố nhiên, tôi cũng hay trò chuyện với chủ nhiều hiệu sách lớn, và họ bảo tôi như vậy. Và rất thú vị là, không phải ngay sau giờ phát, mà nhiều tháng về sau, người đọc vẫn nhớ rằng, chẳng hạn, họ đã xem một phỏng vấn với Coelho và họ còn kể lại cho người khác. Ấy là một quá trình chầm chậm: phản ứng đầu tiên của khán giả không phải là nhào tới một hiệu sách, mà là khi nào có dịp qua hiệu sách, họ mới nhớ lại “mình đã thấy ông này trên TV”.

Liên quan đến điều này, tôi có một trải nghiệm thành công rất vui. Trong hiệu sách, sau lưng tôi, một cặp trai gái trẻ đang xem bản dịch cuốn “The Hours” của Cunningham. Chàng trai bảo cô gái: “Em à, mình xem trong TV ông này đấy”. Nghe vậy, tôi quay lại và bảo: “Đúng thế, các bạn đã thấy ông này trong TV. Và cả “ông này” nữa” (chỉ tôi).

- Nếu có thể phỏng vấn 3 tác giả đã quá cố của văn học thế giới, ông sẽ chọn ai, và vì sao?

Tôi muốn nhắc đến một tác giả còn sống, nhưng đang sống một cuộc sống hết sức bí ẩn: J. D. Salinger. Giá được trò chuyện với ông thì thật thích, rằng tại sao ông quyết định ẩn dật từ năm 1966!

- Nhưng có tin là từ bấy nay, ông ấy vẫn viết?

Vâng, có thể biết là như vậy. Thế, ông là người đầu tiên.

Thứ nhì là một tác giả dù không thuộc hàng các nhà văn tôi yêu thích, nhưng lại hết sức hấp dẫn: Heinrich von Kleist. Đời ông thú vị cả với vụ tự sát cùng người tình. Nhưng ngoài ra, những vở kịch của Kleist còn hết sức sinh động đến tận giờ. Nếu chúng ta xem lại những tác phẩm, vở kịch cùng thời (cuối thể kỷ 18, đầu thế kỷ 19), có thể thấy đa số đã lỗi thời, cũ kỹ.

Ngược lại, kịch của ông vẫn lóe sáng, sống động, có rất nhiều tài năng và sức lực trong đấy. Ông là một thần đồng. Goethe thù ghét ông, còn có câu chuyện là Goethe mang các bản thảo của Kleist vào nhà vệ sinh để chùi… Chuyện thật đấy.

Tác giả thứ ba là Bulgakov, về ông thì không cần phải nói nhiều.

Tôi cũng rất sẵn lòng tán gẫu với các nhà văn, nhà thơ Hungary: Ady Endre, Kosztolányi Dezső hay Karinthy Frigyes (8), nhất là bởi vì ở vào thời họ, văn học có trọng lượng lớn hơn bây giờ rất nhiều. Mọi lời của họ, mọi bài thơ, truyện ngắn đều là những sự kiện, được cả Budapest nhắc tới.

Được sống qua cái ý thức quan trọng, rằng những gì tôi viết quả thực đều là những giá trị, là một phần của cuộc sống, của lời ăn tiếng nói cộng đồng - quả thực là một trải nghiệm khác. Ngày nay, một nhà văn phải bươn chải ghê gớm để có thể lọt vào bất cứ vị trí nào đó. Điều này chỉ có thể đạt được qua con đường tiêu cực hay tích cực: hoặc bị phát hiện là… mật vụ trong chế độ cũ, hoặc là một giải Nobel Văn chương!

Ghi chú:

(1) Một số tên tuổi kiệt xuất như Viktor Yerofeyev (Nga), Arthur Philips (Mỹ), Günter Grass (Đức), Eszrerházy Péter, Nádas Pétes (Hungary), Andrzej Stasiuk (Ba Lan) đã không xuất hiện trong tập hai, vì “khuôn khổ có hạn” của sách.

(2) Công ty cổ phần VH& TT Nhã Nam, NXB Văn học ấn hành, 2009. Mười một tác giả được tuyển chọn trong bản Việt ngữ là John Updike, Paul Auster, Orhan Pamuk, Alexandro Baricco, Sir V. S. Najpaul, Umberto Eco, John Le Carré, Salman Rushdie, Philip Roth, Margaret Atwood và Kazuo Ishiguro.

(3) Dịch giả, Giám đốc NXB Châu Âu, NXB lớn và uy tín nhất của Hungary, chuyên xuất bản sách văn học. Qua đời năm 2006.

(4) Lévai Balázs tốt nghiệp khoa Lý luận Sân khấu.

(5) Về sau, Lévai đã phỏng vấn được Umberto Eco và Philip Roth, và đưa họ vào cuốn sách thứ hai.

(6) Dịch giả nổi tiếng của các tác phẩm văn học Nga ở Hungary. Hiện là TBT NXB Châu Âu, Hungary.

(7) Bret Easton Ellis đã được Lévai Balász phỏng vấn và đưa vào cuốn thứ hai. Năm 2008, nhà văn là khách mời danh dự của Hội chợ sách Quốc tế Budapest lần thứ 15.

(8) Những tên tuổi lớn của nền văn học Hungary đầu thế kỷ 20.

(*) Bài viết đã đăng trên chuyên san “Tuần Việt Nam” của mạng tin “VietNamNet”.

Hoàng Linh, 4-1-2010


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn