Danh nhân Hungary: WIGNER JENŐ, NGƯỜI LÀM BIẾN ÐỔI THẾ GIỚI

Thứ năm - 12/12/2002 00:28

(NCTG) “Có lẽ đánh giá của tờ “Thời báo New York” (The New York Times) nhân một dịp tưởng nhớ về Wigner, là chính xác nhất: “Wigner là một trong số những nhà bác học sinh ra và trưởng thành ở Budapest, nhưng đã có tầm nhìn hướng về tương lai. Rồi họ qua Phương Tây và làm biến đổi thế giới hiện đại”.


Hai người khổng lồ đến từ Hungary: Wigner Jenő và Teller Ede

Lời Tòa soạ​nGiới thiệu đến đông đảo bạn đọc những danh nhân văn hóa, khoa học Hung, cũng như những ưu việt của nền giáo dục & đào tạo Hungary là một trong những tiêu chí của NCTG từ khi mới ra đời và trong 50 số báo vừa qua, tờ báo cũng đã ít nhiều làm được việc đó.

Trong mục “Danh nhân Hungary” lần này, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Wigner Jenő Pál, một trong những nhà vật lý xuất sắc nhất của thế kỷ 20, xin có bài về thân thế và sự nghiệp của ông. (BBT)
 
*

Nhà khoa học Wigner Jenő Pál (Eugene Paul Wigner) ra đời ngày 17-11-1902 trong một gia đình khá giả. Những năm phổ thông, Wigner theo học trường Trung học Tin lành Fasor tại Budapest (Fasori Evangélikus Gimnázium); mái trường này cũng từng nuôi dưỡng và đào tạo những nhà khoa học lừng danh khác của Hung như Harsányi János (Giải Nobel Kinh tế học) và Neumann János, nhà bác học mà sau này, Wigner Jenő coi là “thiên tài duy nhất của thế giới”.

Tại trường này, Wigner Jenő đã được hưởng một bầu không khí học tập tuyệt vời về mặt tinh thần mà anh sẽ nhớ suốt đời: trên bức tường căn phòng của ông ở Mỹ, lúc nào cũng có tấm ảnh Rátz László, người thày giáo Toán lừng danh của trường. Những giờ Vật lý của thầy Mikola Sándor đạt “chất lượng” cao đến mức sau này, khi học đại học, Wigner đã coi những tiết Vật lý chỉ là nhắc lại những gì anh từng biết ở thời phổ thông.

Ngoài ra, mặc dù giỏi và yêu thích các môn Toán, Lý, Wigner Jenő còn xuất sắc về Văn học và là một học sinh rất toàn diện. Năm 17 tuổi, chàng trai Wigner Jenő đã lựa chọn cho mình sự nghiệp trong tương lai một cách không hoàn toàn... tự giác. Khi cha của Jenő biết con trai ông muốn trở thành nhà vật lý, ông hỏi ngay lại: “Con, thử nói cha xem nào, ở nước ta liệu mấy người có thể kiếm việc trong ngành Vật lý?”. Wigner đáp, hơi khoa dụ: “Con nghĩ là bốn...”.

Rồi chàng trai trở thành kỹ sư hóa học, thực ra chỉ trên giấy tờ thôi, vì Wigner và Vật lý đã tìm đến nhau rất nhanh. Ðang học Hóa ở trường Ðại học Kỹ thuật Budapest, anh sang Ðại học Kỹ thuật (Technische Hochschule) Berlin và tại đó, năm 1925, Wigner lấy bằng tiến sĩ dưới sự hướng dẫn của giáo sư Polányi Mihály (con trai giáo sư, ông John Charles Polányi, năm 1986 được giải Nobel Hóa học).

Sau những năm tháng ở Berlin, Wigner Jenő hồi hương và trong một thời gian ngắn, ông làm việc tại nhà máy da (Mauthner Bőrgyár Rt.) của thân phụ ông. Tuy nhiên, sau khi được biết các kết quả trên lĩnh vực cơ học lượng tử của Heisenberg và Bohr, ông đã vội vã quay lại Berlin, rồi đến Göttingen năm 1926 và làm việc dưới sự chỉ đạo của nhà vật lý vĩ đại Max Born (giải Nobel Vật lý năm 1954).

Thời đó, Göttingen là trung tâm khoa học của châu Âu: tại đây, hàng loạt các nhà vật lý và toán học lớn nhất đầu thế kỷ như Werner Heisenberg (Giải Nobel Vật lý năm 1932), Wolfgang Pauli (Giải Nobel Vật lý năm 1945), Enrico Fermi (Giải Nobel Vật lý năm 1938), James Franck (Giải Nobel Vật lý 1925), Neumann, Teller và Robert Oppenheimer đã làm việc trong những khoảng thời gian dài ngắn khác nhau.

Tuy nhiên, Wigner Jenő không thể lưu lại lâu ở Göttingen vì sự “lấn sân” của chủ nghĩa phát-xít ngày càng khiến ông không có khả năng làm việc và sinh sống. Sau chút ngần ngại, Wigner nhận lời mời qua Hoa Kỳ; từ năm 1930, ông dạy học tại Ðại học Princeton (bang New Jersey) và trở thành một trong những nhà bác học gốc Hung đã làm chấn động đời sống khoa học Mỹ. Trong số đó, cạnh Wigner Jenő, phải kể đến Lánczos Kornél, Teller Ede, Szilárd Leó, Szentgyörgyi Albert (Giải Nobel Y học năm 1937), Kármán Tódor và tất nhiên, Neumann János, người bạn học (dưới Wigner một lớp) mà Wigner đặc biệt đánh giá cao.

Trong những năm 30 của thế kỷ trước, những thành tựu mà Wigner Jenő đạt được trong lĩnh vực cơ học lượng tử đã được coi như những cột mốc sừng sững của ngành Vật lý Nguyên tử. Wigner chỉ ra rằng trên cơ sở cơ học lượng tử, có thể hiểu được cấu trúc của hạt nhân nguyên tử. Ông cũng nhận ra rằng lực hút giữa hai chất điểm của hạt nhân chỉ có tầm tác động rất nhỏ, cũng như tổng số các hạt proton và neutron phải cố định. Năm 1939, Wigner khởi thảo lý thuyết vật lý của sự phân rã hạt nhân. Trong các công trình nghiên cứu khoa học, Wigner thường đề cập đến các vấn đề cơ học lượng tử, cấu trúc đối xứng và lý thuyết nhóm.

Sau khi các nhà bác học Ðức cũng tìm ra nguyên lý của sự phân hạch, Wigner Jenő quyết định phải có một hành động chính trị. Cùng Szilárd Leó và Teller Ede, hai “người khổng lồ” khác của nhóm các nhà khoa học gốc Hung, ông tìm gặp Albert Einstein (Giải Nobel Vật lý năm 1921), người cha của Thuyết tương đối, và yêu cầu nhà bác học vĩ đại này cầm một lá thư đến tổng thống Mỹ Roosevelt (lá thư do Szilárd và Wigner viết, nhưng chữ ký cuối thư là của Einstein).

Trong thư, nhà bác học Ðức cảnh báo người đứng đầu tòa Bạch Ốc về việc nước Ðức có thể sử dụng phản ứng hạt nhân vào mục đích quân sự một cách rất nguy hiểm. Lá thư đã có tác động rất lớn đến chính giới Hoa Kỳ và chủ yếu nhờ nó mà nước này đã bắt đầu xây dựng lò phản ứng hạt nhân đầu tiên của thế giới vào năm 1941 và đến tháng Chạp năm sau, đã cho vận hành nó. Chính Wigner là người đã tính ra khoảng thời gian để tự khởi động phản ứng dây chuyền. Là một phần của Chương trình Manhattan, Wigner Jenő đã thiết kế những lò phản ứng hạt nhân với công suất 500 ngàn kW ở Hanford, nơi sản xuất chất plutonium cho bom nguyên tử.

Sau Ðệ nhị Thế chiến, ông là giám đốc một học viện nghiên cứu, phát triển các loại lò phản ứng hạt nhân mà ngày nay, chúng ta vẫn sử dụng (trong những năm tháng này, ông đã có tổng cộng 37 phát minh về các loại lò phản ứng hạt nhân!). Năm 1963, Wigner Jenő được tặng giải Nobel Vật lý dành cho những công trình nghiên cứu xuất chúng về hạt nhân nguyên tử và chất điểm, nhất là sự phát minh ra những cấu trúc đối xứng cơ bản.

Chiến tranh lạnh kéo dài giữa các siêu cường đã khiến Wigner Jenő chỉ về được quê hương vào năm 1977, khi ông đã 75 tuổi. Khi đó, ông được Hiệp hội Vật lý Eötvös Loránd bầu làm hội viên danh dự. Phải chờ thêm 10 năm nữa, trường Ðại học Tổng hợp Budapest (ELTE) mới có dịp tặng nhà vật lý vĩ đại - Giải Nobel Vật lý năm 1963 - danh hiệu tiến sĩ danh dự. Tiếp đó, năm 1988, Wigner được bầu làm viện sĩ danh dự của Hàn lâm viện Khoa học Hung.

Sau 60 năm sinh sống ở Mỹ, Wigner Jenő vẫn coi mình là người Hung: ông coi nền thi ca Hung là nền thi ca đẹp nhất của Châu Âu, những bài ca và thơ Hung - cũng như nền văn hóa Hung - mãi mãi đọng lại trong ông, trong khi, đến cuối đời, nhiều nét của nền văn hóa Mỹ vẫn xa lạ đối với ông.

Wigner Jenő mất ngày 4-1-1995 tại Princeton. Ðánh giá ông, năm 1950, tạp chí khoa học “Fortune” đã gọi Wigner là “thiên tài bình lặng”, người đã thiết lập một bộ phận đáng kể của môn vật lý học hiện đại. Học trò của ông, nhà vật lý nổi tiếng người Mỹ - ông Alvin Weinberg -, trong bài viết gửi “Acta Physica Hungarica” (số tưởng niệm Wigner), đã trân trọng nhìn nhận thày là “người cha của khoa học hạt nhân”.

Tuy nhiên, có lẽ đánh giá của tờ “Thời báo New York” (The New York Times) nhân một dịp tưởng nhớ về Wigner, là chính xác nhất: “Wigner là một trong số những nhà bác học sinh ra và trưởng thành ở Budapest, nhưng đã có tầm nhìn hướng về tương lai. Rồi họ qua Phương Tây và làm biến đổi thế giới hiện đại”.

Nguyễn Hoàng Linh


 
 Từ khóa: Wigner Jenő
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn