Paul McCartney
Mặc dù luôn có một cảm tình đặc biệt với Paul MacCartney (như với một thiên tài âm nhạc cũng như với một con người), tôi mường tượng ra một concert rất chuyên nghiệp như phần lớn các buổi công diễn của các ngôi sao. Paul chắc sẽ hát phần lớn các bài của "The Beatles", sẽ hát một số bài solo của mình. Tất cả sẽ được trình diễn rất "nhà nghề", rất hoàn hảo. Sau 2 tiếng, Paul sẽ mỉm cười chào khán giả và đáp lại những tràng vỗ tay không ngớt, anh sẽ quay lại hát thêm một, hai bài rồi... kész!
Tôi đến Cung Thể thao lúc 19 giờ 30; trong vé ghi buổi diễn bắt đầu vào 20 giờ. Tôi cứ "kinh nghiệm" đi sớm một chút, nhỡ có chặn đường, tắc xe, chuyện hay xảy ra khi có các chương trình ở Budapest. Khi bước vào Cung Thể thao, tôi thấy cũng đã có nhiều người, nhưng nhìn chung vẫn rất vắng vẻ. Chỗ xem đứng chỉ có một đám đông tụ tập trước sân khấu, còn nơi xem ngồi thì rất thưa thớt. Tôi nghĩ có lẽ báo chí viết cũng đúng là còn thừa nhiều vé vì ai cũng kêu ca là vé đắt quá. Ông hàng xóm tôi cũng mê nhạc lắm, nhưng khi biết giá một vé đứng là 15.000 Ft thì khoát tay: "Beatles thì Beatles nhưng tiền đấy thì để mua bia rồi... bật CD nghe cũng được".
Khi kim đồng hồ chỉ 8 giờ tối thì trái với dự đoán của tôi, sàn diễn đã khá đông tuy vẫn còn chỗ trống. Từ các cửa, dòng người vẫn tiếp tục vào, trên sân khấu thì chưa có biểu hiện sẽ bắt đầu. 20 giờ 15, đã xuất hiện những tiếng huýt sáo. Tôi vẫn bình thản, chuyện bắt đầu chậm là "truyền thống" của các ngôi sao. 8 ruỡi tối, bây giờ thì tôi cũng bắt đầu sốt ruột. Không lẽ thần tượng của tôi cũng đi lại vết mòn chung? Cô gái ngồi cạnh tôi hét lên bằng tiếng Anh: "Paul, sự chờ đợi của chúng tôi là có hạn!"
20 giờ 45: bên những tiếng huýt sáo liên tục đã kèm thêm những tiếng la ó bất bình. Tôi cũng bắt đầu thất vọng thì ánh đèn bừng sáng trên sàn diễn cùng sự xuất hiện của các diễn viên múa trong bộ hóa trang thành người Venezia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản... Các điệu múa rất rực rỡ nhưng không phải vì thế mà người xem đến đây. Dường như hiểu được điều đó, chỉ dăm mười phút sau Paul xuất hiện. Chiếc đàn ghi-ta quàng qua cỏ, trong bộ quần Jeans, áo phông đỏ với chiếc áo vét lụa kiểu thời Beatles, anh bắt đầu với bài "Hello Goodbye". Không thể nói đó là chàng trai 20 tuổi, nhưng cũng không ai nghĩ rằng đây là người đàn ông đã 61. Giọng ca tuy không còn dược trong và khỏe như những năm 60 thế kỷ trước, nhưng sự trẻ trung, lôi cuốn vẫn còn đó. Khi Paul chào khán giả bằng tiếng Hung "Jó estét, Budapest! Minden OK?" thì có lẽ tất cả đã quên đi sự chờ đợi trước đó...
Paul McCartney biểu diễn tại Budapest - Ảnh: tư liệu
Paul hát say sưa và cử động hoàn hảo đến tự nhiên. Anh thay ghi-ta, cởi áo vét như đang hát trước sân trường ở Liverpool hơn 40 năm về trước. Dàn nhạc với 2 tay ghi-ta, 1 tay trống và 1 đàn phong cầm chơi điêu luyện vừa ở trình độ chuyên nghiệp cao, vừa hòa hợp tạo nền tảng cho cả chương trình. Tôi cùng nhiều người xung quanh cũng đập chân, nhún mình hòa theo tiếng hát nhiệt tình và sự duyên dáng đàn ông của Paul. Rồi anh ngồi xuống bên chiếc đàn piano và đọc bằng tiếng Hung: "Bài hát này tôi viết cho Linda, xin hát tặng những người đang yêu". Tiếng hát thiết tha cùng tiếng đàn dương cầm của anh cũng lôi cuốn không kém khi anh cầm chiếc ghi-ta trong tay. Trước khán giả là Paul McCartney chứ không chỉ là một cựu thành viên của "The Beatles". Anh đã chứng tỏ được điều đó một cách tự nhiên, tự nhiên đến bất ngờ.
Không một phút nghỉ ngơi, Paul đưa người xem từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Sau 10 bài hát, cả dàn nhạc rút lui. Chỉ còn Paul một mình với cây đàn ghi-ta gỗ trong tay. Khi anh vừa cười vừa nói vui( chính xác hơn là đọc bằng tiếng Hung) "Họ bỏ lại mình tôi với các bạn" thì anh và hơn 10 ngàn khán giả đã hòa thành một khối. (Tôi lướt mắt nhìn quanh - không còn một chỗ trống nào). Nghe Paul hát "If you were here", ca khúc anh viết khi biết tin Lennon mất, tôi nhìn thấy nhiều giọt nước mắt lăn trên gương mặt những người xem. Rồi anh kể chuyện, anh hát về Harrison, về Ringo Star, những thành viên khác của "The Beatles".
Tôi được sống lại với Beatles cùng những bài bất hủ như "Michelle", "Can't buy me love", "Let it be", "Hey Jude"... Khán giả thì cả chân, tay, người đều theo điệu nhạc. Tôi chợt thấy ghen tị với những người xem đứng- họ có thể nhún nhảy, quay vòng một cách thoải mái! Có phút, không cầm được, tôi đã chuồn ra nơi bậc thang để nhảy theo. Cô gái hét lời bất bình bằng tiếng Anh lúc trước giờ cởi cả áo phông để khua và cô lại hét bằng tiếng Anh: "Paul, I love you!" Ngồi hàng ghế trước tôi có 2 bác (chắc đã bậc ông bà vì tóc bạc phơ) tay trong tay, người nhún nhảy và hát "Da da da dá da". Mọi người lại thấy một Paul sôi động, thật có duyên và trẻ trung. Anh dường như trẻ lại ba chục tuổ. Paul hát không vì trong chương trình lưu diễn, mà anh hát từ chính mình, hát hết mình, hát cho anh, hát cho khán giả. Khi bắt nhịp cho cầu trường cùng hát bài "Hey Jude" thì anh đã chinh phục hoàn toàn được khán giả Hung. Anh nói (chứ không đọc) trơn tru tiếng Hung và tiếng Anh giữa lúc hát cả - "Most mindenki" "Now everybody" . Tôi nghĩ mỗi người xem đều có cảm giác không chỉ họ đến đây vì anh, mà anh cũng rất hạnh phúc được đứng trước họ và hát cho họ nghe. Một sự tôn trọng và đồng cảm với khán giả như thế, tôi chưa hề được cảm nhận mặc dù đã xem nhiều buổi công diễn của các ngôi sao âm nhạc khác. Có lẽ đây cũng là một trong những yếu tố làm nên sự thành công của Paul.
Giờ phút chia tay - Ảnh: tư liệu
Tôi không nhận ra thời gian trôi qua. Khi Paul chào khán giả, đã quá 11 rưỡi đêm. Cả Cung Thể thao đứng lên, vỗ tay, dậm chân, không muốn buổi diễn kết thúc. Paul cùng dàn nhạc quay lại diễn tiếp bốn, năm bài. Paul chào và anh quay lại lần thứ hai. Anh lại hát tiếp, vẫn say sưa, vẫn nồng nhiệt. Anh chào và anh quay lại lần thứ ba. Khi anh cười và nói bằng tiếng Hung: "Most mennünk kell!" (Bây giờ thì chúng tôi phải ra về rồi) thì hơn 10 ngàn khán giả cùng hét bằng tiếng Hung và tiếng Anh: "Nem, nem" "No, no". Rồi Paul lại cầm chiếc ghi-ta và hát "Yesterday".
"Oh, I believe in yesterday!" Cám ơn Paul! Anh hát về hôm qua nhưng qua buổi diễn này, anh đã chỉ cho tôi thấy phải sống thế nào trong ngày mai.
Phan Bích Thiện
Theo dòng sự kiện
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn