Tản văn của Nguyễn Hoài Phương: MONG MANH NHƯ NHỮNG GIỌT SƯƠNG

Thứ ba - 04/08/2009 13:51

(NCTG) Mong manh như những giọt sương. Nhưng nhiều khi một giọt sương mong manh như thế còn có ý nghĩa với con người ta hơn là một hồ nước mênh mang.

Một hồ nước mênh mang đến như chứa được cả một bầu trời thì một giọt sương mong manh cũng chứa được như thế. Và có khi còn hơn thế nữa… Những hồ nước cho người ta cái ám ảnh bởi sự mênh mang, vô tận của nó, những giọt sương cho người ta những ám ảnh ngay cả khi chúng không còn tồn tại…

Cũng như thế, một sợi tơ nhện mong manh và chắc chắn là vô dụng lại có ý nghĩa với người ta hơn cả những nọn tơ tằm mượt mà, ỏng ả, những dải lụa đã đi vào thi ca, đi vào nghệ thuật…

Một tình yêu, một mối tình trong sáng, cao thượng, đẹp đẽ và bền vững qua năm tháng, tất nhiên là đáng trân trọng, nâng niu, giữ gìn… Nhưng không vì thế mà nó có giá trị hơn một mối tình thoáng qua và ngay cả là tội lỗi…

Mà thế nào là tội lỗi kia chứ? Chả lẽ cứ Chúa, cứ dư luận, cứ lễ giáo, cứ truyền thống bảo rằng đấy là tội lỗi thì đấy sẽ là tội lỗi… Nhưng lễ  giáo, truyền thống đâu có phải là mãi mãi. Cũng như người ta cũng chẳng thể mãi mãi sống và chạy theo dư luận vốn rất đỏng đảnh. Còn Chúa, có thể đến một ngày nào đó sẽ có người chứng minh được rằng Ngài chỉ là kết quả của sự tưởng tượng.

Con người ta vốn yếu đuối, tìm được một cái gì đó làm nền tảng, một cái gì đó vững chắc làm nơi nương tựa thì tốt quá rồi… Nhưng nhiều khi cũng tìm được nơi nương náu bởi một cái gì đó rất mong manh nữa… và nhiều khi một tờ giấy trắng lại cho người ta thấy nhiều hơn những trang giấy dày đặc những ký hiệu…

Tại sao người ta cứ phải tìm một cái gì đó để đảm bảo cho lời nói? Vàng chẳng hạn. Chẳng lẽ lời nói được đảm bảo bằng vàng lại có giá trị hơn những lời nói khác. Chẳng có gì để đảm bảo cho lời nói của tôi cả. Tâm hồn tôi tan nát, u ám… Tôi  cũng chẳng có chút niềm tin nào… Vậy mà tôi cứ muốn đến với bạn.

Vô lý nhỉ…

Và càng vô lý hơn khi một hôm nào đó tôi nói với bạn rằng, tôi muốn tặng bạn khoảng trống trong tâm hồn tôi, một tâm hồn chưa được giải thoát.

Nhưng biết thế nào là “giải thoát”? Hình như cũng đã có khá nhiều định nghĩa cho hai chữ này. Vậy định nghĩa nào thì đúng hơn? Tin Chúa? Tin một “đấng” nào đó?  Hay là thiền? Hay là yoga? Hay là…. Tại sao lại cứ phải có, cứ phải đi theo một cái gì đó gọi là “thuyết”? Mà đã gọi là “thuyết” thì trước sau gì cũng mai một theo thời gian…. Cái được gọi là thuyết rất hiện đại hôm nay, ít hôm sau sẽ được gọi là truyền thuyết, nghĩa là chỉ đáng để tham khảo…

Chẳng có gì là đúng mãi mãi, kể cả những sai lầm và những mặc cảm cũng vậy. Một ngày nào đó, người ta sẽ không còn sử dụng những phép tính để giải những bài toán nữa. Một ngày nào đó, những bài toán sẽ biến mất, để sẽ chẳng còn ai phải phân vân với những lựa chọn đúng sai, được mất.

Và cả những trật tự cũng vậy. Người ta vẫn xóa bỏ những trật tự cũ để lập lên những trật tự mới. Song đến một ngày nào đó sẽ chẳng còn một trật tự nào tồn tại.

Hơn ai hết, các nhà văn vẫn hay phủ nhận những thành quả lao động của mình. Họ xóa đi những trang viết cũ để viết những trang mới. Nhưng, những trang này, chính họ biết, cũng chẳng tồn tại được bao lâu.

Cũng vậy, với các nhà thơ và các nghệ sĩ khác…

Có Thượng đế hay không, chẳng ai biết. Nhưng có lẽ chính Ngài cũng ghét sự nhàm chán, sự lặp đi lặp lại. Chính Thượng đế thỉnh thoảng cũng xóa bỏ một vài thiên hà, công trình do ngài sáng tạo lên… Nhưng xóa bỏ cũng vẫn là sáng tạo. Chẳng có thiên hà nào biến mất, chúng chỉ thay đổi vị trí và do đó mà có tên gọi khác trong vũ trụ mà thôi.

Có một hay nhiều Thượng đế? Hình như nhiều. Và hình như tùy thời điểm mà các ngài chọn cách đối đầu hay đối thoại với nhau…

Còn chúng ta là ai? Cứ soi ta vào giọt sương, kể cả khi nó không còn nữa.

Nguyễn Hoài Phương, từ Đức Quốc - Tháng 8-2009


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn