Tùy bút của Lê Minh Hà: ĐẾN ĐỂ NGẮM, VÀ NGẪM

Thứ hai - 02/11/2009 23:52

Không biết trẻ con bây giờ có say đắm “Những ngôi sao thành Eger” (1) như tuổi chúng mình không? Có biết trận Mohács (2) “bao vạn đời trai đã lìa rơi tan nát - và đau buồn dân tộc mất quân vương...?” Có biết dân tộc đã từng than van “Bên Mohács đồng không ai cắt cỏ - mộ địa đây lớn nhất hoàn cầu - khăn liệm đó trùm lên toàn dân tộc - nước Hung này còn sinh phục nữa đâu” đang tồn tại như thế nào? – nhà văn Lê Minh Hà phân vân tự hỏi trước khi đặt chân đến Hungary.


Cầu Xích bắc ngang sông Danube

Bên này Buda, bên kia là Pest. Sông Danube khoan thai chảy trôi giữa hai bờ lịch sử của nước Hung, là chứng nhân im lặng tất cả thăng trầm của thành phố đôi này, thủ đô của đất nước này. Nhưng mấy ai biết điều này khi chỉ đến đây để ngắm. No mắt: sự uy nghi, tráng lệ, kiều diễm và bay bổng của sông nước, thành quách, lâu đài. Mỏi chân: nếu chỉ với tâm thế khách du lịch lang thang dăm ba buổi, vẻ đẹp của thành phố này sẽ nhanh chóng bão hòa củng vẻ đẹp của rất nhiều thành phố châu Âu khác.

Nhưng nếu đến để ngắm, và ngẫm?

Tôi người Việt Nam, bất chợt nhớ dòng Bến Hải quê hương chưa bao giờ đặt chân tới khi dừng trên cầu Xích soi bóng xuống dòng Danube – sông Đuno (Duna) với người Hung. Bất chợt nhớ một thành phố suốt đời tôi tự hào vì đã được sinh ra từ đó. Ôi! Thăng Long. Đông Đô. Hà Nội. Dù có đi bốn phương trời…

(…) Tôi đến Budapest một ngày thu ướt át. Lạnh. Mà cây vẫn còn chưa nhuốm màu thu. Dưới bầu trời xám buồn bã, quá khứ hiện diện qua những công trình kiến trúc thêm hùng vĩ. Choáng! Cứ nghĩ chắc đẹp nhưng nhỏ tí như Praha. Chọn sang đó chỉ để đỡ nhàm. Đến lúc đọc lịch sử của nó thì khiếp. Và đến lúc thực sự đứng giữa đất nước đã, chưa lâu, mất tới hai phần ba lãnh thổ và dân số, chỉ vì buộc phải theo Đức trong Thế chiến thứ nhất, đứng giữa mảnh đất trong lịch sử đã từng bị tàn phá 80% vì lũ lụt, chiến tranh, động đất... Đẹp mê man. Gần như một Paris.


Nhà Quốc hội Hungary

(…) Budapest may, không bị tàn phá kinh hoàng như Berlin sau Thế chiến thứ hai, dù đóng góp cơ man nhân mạng.

Đứng dưới con đường nhỏ nhìn ngược lên, Fischerbastei bên phía Buda còn diễm ảo hơn cả khi đi vào trong nó, với những vòm, những mái. Từng viên ngói nâu, vàng, xanh, đỏ màu bóng sáng lợp theo hình hoa lá trao cho sắc trời buồn những đốm hồi quang từ dĩ vãng. Phía bên này Pest, Nhà Quốc hội và một loạt công trình kiến trúc lâu đời đường bệ hắt bóng đồ sộ của mình xuống dòng Danube. Ở một góc khác của thành phố, khách du lịch chìm trong mê đắm dáng bay bổng của đại giáo đường Thánh István.

Nhưng thiên tai và nhân tai là chuyện của quả đất này, dân tộc nào tránh được. Người hướng dẫn cho chúng tôi thăm thú Budapest cười cười giảng giải thành phố này bị tàn phá nhiều trong thời hiện đại là do đâu. “Hồng quân phá đấy chứ”. Cảm như có một niềm gì trong giọng nói, hay là tôi tưởng thế, như vẫn hằng tưởng thế mỗi lúc gặp một người cùng chung rất nhiều ký ức thế hệ với mình.


Vương cung thánh đường Thánh István

Vâng, chúng tôi cùng một thế hệ. Chỉ cần thế và chỉ cần thêm dăm ba kinh nghiệm sống như nhau là đủ để giãi bày. (…) Tôi, với hai đồng hương đây, có chung một tiếng nói, một miền ký ức, một miền hoang tưởng về một mảnh đất cả nước hướng về - Hà Nội, về một thời buổi đó đã sinh ra, lớn lên cùng với nó. Chính cái chung này lại làm cho chúng tôi ở tuổi này có cùng những chạnh lòng, day dứt, dằn vặt, và nhờ vậy, rất dễ gần nhau dù hầu như chưa thực quen nhau.

Với chúng tôi, những kẻ buồn chân, nhờ thế lại còn có những hướng dẫn viên tuyệt hảo – là những người đã đi qua tuổi sinh viên nơi này, gắn kết với nơi này. Có phải thế mà anh GVC và NHL đã đưa chúng tôi tới quảng trường Anh Hùng để thấu hiểu niềm kiêu hãnh và tự hào của dân tộc Hungary, hay khuyên nhau tới Nhà Khủng Bố (Terror Háza) ngồi vào ghế tra tấn tù nhân, để mà hiểu thêm nỗi đau khổ của con người, để nhắc nhớ trong ngậm ngùi và thán phục một mùa thu bi tráng của nước Hung: mùa thu 1956.

Tôi không thể mang theo một thằng bé hai mươi tháng tuổi tới nơi này, nhưng đã dừng chân rất lâu bên bờ tường ngôi nhà, đọc những dòng ghi chú ở các tấm ảnh bày nơi đó và phát hiện ra rằng tất cả những người đàn ông trên di ảnh đều chết trong khoảng 1958 tới 1961 trước khi nhìn ra tấm biển đồng đề chữ Nhà Khủng Bố. Và hiểu: họ chính là những người anh hùng của dân tộc này, của cả thế giới này mùa thu 1956, những người dám đương đầu với xe tăng, đại bác của quân đội Xô-viết, vì khát vọng tự do.


Nhà Khủng Bố

Khai hóa cho nhau về đất nước mình đang sống, bất chợt ắng lại trước một câu hỏi: Chúng ta có gì để chỉ cho thế giới này về Tổ Quốc mình? Càng đi nhiều, tôi càng hiểu ra sức sống của các công trình kiến trúc. Đó chính là nơi phục sinh huyền thoại, cùng với ngôn từ, là nơi tạo ra sức nặng của niềm tin. Tỉ như câu chuyện về cánh tay phải của István Hung đế đang được lưu giữ trong ngôi nhà thờ hoành tráng và đẹp nhất Budapest.

Còn người Việt, giả dụ đưa du khách ra trước hồ Gươm – nơi các nhà khoa học đang đồng thanh cảnh báo không nạo vét ngay thì có nguy cơ biến thành đầm lầy để kể huyền thoại trả kiếm cho thần sau khi phục quốc giữa tiếng gầm rú của ô tô xe máy?

Hay đưa nhau lên chùa Một Cột? Không, nếu là tôi, tôi sẽ đưa khách tới chùa Diên Hựu khép nép bên Bảo tàng Hồ Chí Minh. Nhưng chẳng lẽ lại kể cho người ta nghe ngôi chùa cổ này tí nữa bị bẩy tận gốc dành chỗ cho bảo tàng?

Tiện nhất, đưa nhau ra bờ sông mà nhìn con đường gốm sứ tái hiện lịch sử nước nhà đang thi công để chào mừng 1.000 năm Thăng Long. Ấy nhưng đứng thì hít bụi mà ngồi trong ô tô chạy với tốc độ rùa cũng chẳng thấy gì ngoài đôi ba cánh chim lạc dài dài. Lý do không nằm ở thị lực gần mờ hẳn của tôi, mà là họa tiết bé tin hin, lụn vụn bên những logo đại tướng.

Không, đất nước mình có nhiều hơn thế. Nhưng nếu không phải là chuyên gia của một ngành nghề gắn chặt với lịch sử và nghệ thuật, như nhà văn Tô Hoài, nhà giáo Nguyễn Vinh Phúc, họa sĩ Phan Cẩm Thượng… thì e chẳng mấy người biết tới mà tìm đến chiêm ngưỡng. Mà, lịch sử cho thấy có cái gì là miên viễn đâu. Phải chờ có một lễ hội phục hiện nào chăng?

Sững sờ khi đứng trước tòa lâu đài xây cách đây cả trăm năm nhân kỷ niệm 1.000 năm lập quốc Hungary. Dàn dây leo nom y hệt một tấm khăn ren tinh xảo vắt ngang một mé lâu đài rực sáng trong đêm lạnh. Thấy trong mình lung lay một điều bao lâu nay vẫn cố tin: Nước mình khổ hơn nước người vì chiến tranh, vì vân vân...

Thêm buồn cười khi nhớ lại điều nhà thơ đã quá cố Phạm Tiến Duật giải thích cho Tây nghe cách đây có dễ mười năm chuyện tại sao Việt Nam không có những công trình kiến trúc thật sự đồ sộ, tráng lệ. Tại vì vua ta không độc ác như vua Tây, không bắt dân ta đóng góp. “Vua tôi thương dân tôi...” Chập chờn hồi ức Mỹ Sơn tháp cổ và những người dân Hời bị bắt đi biệt xứ ra Bắc xây sướng cho triều đình. Lại nhớ nỗi đau của Vũ Như Tô với Đan Thiềm.

Chỉ ra khỏi Việt Nam mình mới hiểu rõ hơn kích cỡ của Tổ Quốc mình, cũng như mới hiểu mình thiết tha với Tổ Quốc đến chừng nào. Không xa hẳn đi, không hiểu được điều này đến tận cùng, dù từng ngày, trước đó, tôi vẫn nói trong bao nhiêu giờ lên lớp về bao nhiêu biểu hiện của tình yêu đất nước. “Quốc thù vị báo đầu tiên bạch - Kỷ độ Long Tuyền đái nguyệt ma” (3) là yêu nước. “Bến Nghé của tiền tan bọt nước - Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây” (4) là yêu nước. “Vẫn biết thời cơ đã lỡ rồi - Đến nơi sự thế phải làm thôi” (5) là yêu nước. “Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển” (6); “Ta làm gì cho hết nửa đời sau” (7) là yêu nước. Một đất nước, chỉ có thể gọi bằng "NƯỚC CHÚNG TA".

… “Nước những người chưa bao giờ khuất
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về...
(“Đất nước” - Nguyễn Đình Thi)

Học, rồi đọc, rồi đi, quá nửa đời người, mới hiểu rõ hơn một điều hiển nhiên như chuyện Trung Quốc đông dân bộ đội hành quân đi đều: chỉ ý thức về nỗi đau, về trách nhiệm riêng mới thật là gốc của niềm kiêu hãnh, và chỉ nhờ thế mà lớn là một dân tộc, nhỏ là một cá thể người mới có thể sống và phát triển! Chỉ nhờ thế, chứ không phải đơn giản là nỗi đau, cũng như niềm tự hào chung chung.

Và, chỉ nhờ thế, mới có thể tự tin về tầm kích mình, bé nhỏ và duyên dáng.

Ghi chú (của NCTG):

(1) Tiểu thuyết lịch sử theo trường phái lãng mạn của nhà văn Gádonyi Géza (1863-1922), tập trung mô tả trận chiến bảo vệ thành Eger năm 1552, khi chừng 2 ngàn quân dân trong thành đã chiến thắng chừng 80 ngàn quân Thổ Nhĩ Kỳ thiện chiến. (Bản dịch Việt ngữ của Lê Xuân Giang.)

(2) Trận Mohács (diễn ra ngày 29-8-1526 ở gần vùng Mohács, miền Nam nước Hungary) giữa liên quân của Vương quốc Hungary và Bohemia và quân của Đế quốc Ottoman, dưới sự chỉ huy của Sultan Suleyman Đại đế. Đây được coi là thất bại lớn nhất của Hungary trong lịch sử nước này: vua Hungary Lajos Đệ nhị bị thiệt mạng và sau đó, đất nước Hungary bị chia cắt thành 3 phần.

(3) “Thuật hoài” của Đặng Dung (“Thù trả chưa xong đầu đã bạc - Gươm mài bóng nguyệt biết bao rày”, bản dịch của Phan Kế Bính)

(4) “Chạy giặc” của Nguyễn Đình Chiểu.

(5) Thơ Phan Đình Phùng.

(6) Thơ Du Tử Lê.

(7) Thơ Cao Tần (Lê Tất Điều).

Lê Minh Hà, từ Đức Quốc


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn