GIẢI NOBEL VĂN CHƯƠNG 2009 TỪNG CÓ Ý ĐỊNH TỰ VẪN

Thứ hai - 16/11/2009 11:06

(NCTG) Herta Müller, giải Nobel Văn chương 2009 từng nghĩ đến chuyện tự vẫn vì thường xuyên bị Securitate (cơ quan mật vụ chính trị cộng sản Romania) sách nhiễu – đó là tiết lộ của nữ văn sĩ trong buổi nói chuyện mới đây tại Berlin.


Herta Müller

Herta Müller sinh năm 1953 tại Niţchidorf, một làng ở vùng Banat (miền Tây Romania), nơi sinh sống của nhiều cư dân gốc Đức. Sau khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Timişoara, cùng một số cây bút sáng tác bằng tiếng Đức ở Romania, bà thành lập Aktionsgruppe Banat, một nhóm văn bút độc lập, theo xu hướng đối lập, chỉ trích chính quyền và do đó,  bị coi là cái gai trong mắt thể chế độc tài Ceausescu.

Làm việc trên cương vị một phiên dịch, nhưng vì không chịu hợp tác với cơ quan Securitate nên Müller bị đuổi việc. Hai tác phẩm đầu của bà chỉ được ra mắt tại Romania sau khi đã bị cắt xén, kiểm duyệt kỹ càng. Bị sách nhiễu liên miên, đầu năm 1987, Müller cùng chồng di tản sang Tây Belin, thành phố trước đó 3 năm đã ấn hành tập truyện ngắn “Niederungen” của bà.

Trong buổi nói chuyện mới đây tại Berlin, Herta Müller cho biết: do bị sách nhiễu liên tục, đã có lúc bà muốn tự vẫn. Tuy nhiên, sau khi nhận được một số lời đe dọa thủ tiêu, bà từ bỏ ý định trên và chọn con đường di tản. Bởi lẽ, theo lời nhà văn, bà không muốn làm “công việc bẩn thỉu” thay cho những kẻ đàn áp bà.

Trong tiểu thuyết mới nhất mang tựa đề “Atemschaukel”, Müller phác họa số phận một thanh niên Romania gốc Đức bị đày ải trong trại lao động cưỡng bức ở Ukraine sau năm 1945. Tuy nhiên, theo lời nhà văn, bà không muốn thực hiện bất cứ sự ủy nhiệm “trong hay ngoài” nào. “Đơn thuần, tôi chỉ cố gắng để hiểu được điều cũng đã xảy ra với mẹ tôi”, bà tuyên bố (sau Đệ nhị Thế chiến, thân mẫu của Müller từng trải qua 5 năm trong trại lao động cưỡng bức tại Liên Xô).

Herta Müller được coi như một tác gia hàng đầu của nền văn học đương đại Đức. Trong hai thập niên trở lại đây, bà đã ấn hành hơn 20 tác phẩm và đã nhận được rất nhiều giải thưởng văn học.

Trần Lê, theo mạng “Lịch sử”


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn