Truyện ngắn của Nguyễn Thị Bích Ngọc: KHOẢNG TRỜI RIÊNG MÀU TÍM

Thứ sáu - 14/08/2009 18:11

(NCTG) Chiều mẹ gọi điện ra thủ thỉ: “Mai bắt đầu hội làng rồi đấy, năm nay làng mình mở hội to lắm. Về con nhé? Con đừng nghĩ ngợi nhiều mọi chuyện tự nó cũng nguôi ngoai. Mai về con nhé?”

Bốn năm rồi tôi đã không về quê. Bốn năm tôi không được gục vào lòng mẹ, lòng dì để thủ thỉ với mọi người về cuộc sống, tình yêu và mọi suy nghĩ của mình. Khoảng trời riêng của tôi, ôi khoảng trời đớn đau và tội lỗi! Nỗi ân hận lại cồn lên vò xé tâm can tôi.

Tôi đặt máy điện thoại nhìn sang, chồng tôi vẫn đang cặm cụi mài mình bên bản vẽ. Làm sao anh biết giờ tôi đang nghĩ đến ai! Tôi kéo ghế ngồi sát vào anh. Mắt không rời bản vẽ, anh kéo đầu tôi vào ngực anh, tôi cảm thấy lòng mình nhẹ nhàng trở lại.

- Mai mình về quê, anh nhé?

Anh hôn nhẹ lên tóc tôi:

- Ngày kia đi, mai anh phải báo cáo bản vẽ này rồi.

Tôi vùng vằng hất tay anh ra, anh ghì đầu tôi lại:

- Thôi, sáng mai anh đưa em và con về trước, báo cáo xong ngày kia anh về, được không?

Tôi luôn cảm thấy mình nhỏ bé bên anh.

*

Sáng hôm sau, chúng tôi dậy từ tờ mờ sáng. Anh bảo đi thế để anh còn kịp quay về viện trước bảy giờ. Quê tôi cách Hà Nội hơn năm mươi cây. Chỉ có năm mươi cây thôi mà đến bốn năm trời tôi không dám một lần lai vãng.

Vẫn con đường ấy, nhưng giờ đã lỗ chỗ ổ gà. Vẫn những hàng bạch đàn ấy, nhưng giờ đã cao vút đứng trắng hai bên đường thì thào với gió. Tôi nhắm mắt để tận hưởng hương vị trong lành của buổi sớm mùa xuân. Cái mũi đã quen với khói xe giữa Hà Nội chật chội, ngột ngạt giờ về đây tôi cảm thấy bầu trời hôm nay có vẻ như rộng ra và không khí mới thoáng đãng trong lành làm sao. Tôi mỉm cười nhìn xuống thằng con, nó ngủ ngon lành, không biết mình đang đi đâu.

Đến cổng làng, tôi hoàn toàn ngỡ ngàng trước những đổi mới của làng quê, những ngôi nhà mái bằng mọc lên san sát. Con đường gạch ngày xưa giờ chỉ còn trong chuyện kể, đã được láng xi măng trông bề thế và khang trang hơn. Làng tôi giống như một thị trấn nhỏ. Các bà lão bỏm bẻm nhai trầu vui vẻ trong chiếc áo màu nâu tất bật xách lễ lên chùa. Thanh niên trai gái í ới gọi nhau đi hội. Lòng nôn nao, tôi chợt thấy bóng hình mình hơn mười năm về trước. Cũng vui vẻ, cũng hớn hở và vô tư như thế. Thời gian trôi nhanh quá, thoắt cái mình đã ba mươi rồi.

Thả tôi trước cổng nhà mẹ, anh vội vã đi luôn. Tôi chỉ kịp với theo "Mai về anh nhé!" Mẹ từ trong bếp chạy ra. Mẹ vẫn có thói quen dậy sớm nấu cám cho lợn như mọi khi. Mùi khói rơm và mùi ngai ngái của cám xộc vào mũi cay nồng, tôi ào vào lòng mẹ, thằng con tôi giật mình tỉnh giấc, nó hốt hoảng mở choàng mắt: "Ở đâu đấy mẹ?". "Quê mẹ đấy!" Mẹ cười, chưa bao giờ tôi thấy mẹ vui như vậy, kể cả ngày tôi đi lấy chồng. Mẹ lấy khăn định lau những hạt nước li ti trên mặt và tóc tôi, nhưng tôi giữ lại:

- Đừng mẹ. Mưa xuân mà mẹ!

Tôi vào trong nhà, đồ vật và cách trang trí vẫn thế. Hình như mọi đổi mới bên ngoài không len chân vào ngôi nhà cổ của tôi. Cúi đầu lặng lẽ chuộc lỗi bên bàn thờ tổ tiên, tôi cảm thấy từ trên ấy, ánh mắt bà nhìn tôi da diết. Không phải tôi không nhớ đến quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn của mình, không phải tôi không thương dì - người con tật nguyền của bà - mà bởi vì tôi không thể làm khác được.

Bao năm qua tôi đã ra đi, như một kẻ chạy trốn. Cố quên đi, cố vùi lấp một khoảng trời. Khoảng trời mà tôi và người ấy đã sống. Bốn năm, một khoảng thời gian không phải là ngắn nhưng vẫn chưa đủ dài để nguôi ngoai những ký ức tưởng chừng đã vùi sâu trong lớp bụi thời gian. Chồng tôi không biết, nhưng mẹ tôi biết và ngôi nhà này biết. Chắc ở bên kia người ấy cũng đã biết tôi về.

Vài sợi nắng yếu ớt rơi nhẹ lên hàng gạch đầu tiên dưới sân. Cả nhà tôi vui mừng đùa nghịch bên thằng bé. Lần đầu về quê, lần đầu được chạy nhảy trong cái sân to như thế. Nó cười đùa hò hét bên những nụ cười rạng rỡ của ông bà và các bác.

Tôi đứng dựa vào cột ngoài hiên, nơi ngày bé đã bao lần tôi và người ấy bị bà trói vào vì tội đi chơi quá bữa không chịu về và nó cũng là nơi mà chúng tôi thường đo xem mỗi ngày mình cao lên bao nhiêu. Cái cột, một nhân chứng cho tuổi thơ và tình yêu của chúng tôi. Tôi vòng tay ôm lấy nó, màu nâu bóng mát lạnh dưới bàn tay mình. Vết khắc vẫn còn đây, giờ tôi đã cao hơn nó rất nhiều.

Tôi nhớ vào ngày mồng một tết năm ấy. Tôi cũng đứng như thế này và người ấy đã đeo vào tay tôi một chiếc vòng. Không phải vòng bạc, cũng chẳng phải vòng vàng mà nó là vòng inoc. Chiếc vòng nặng trĩu trong cổ tay mảnh mai của tôi, và tay người ấy, cũng một chiếc như thế. Người ấy thì thầm: "Nó do chính tay anh làm đấy". Tôi đặt chiếc vòng lên môi mình, lạnh cóng.

Một bàn tay đặt nhẹ lên tay tôi. Người run bắn lên, tôi không quay lại, chỉ cần nhìn đám mây đen bất chợt bao phủ trước mắt mẹ, tôi biết ai đang đứng đằng sau mình. Bàn tay ấy bóp chặt lấy tay tôi. Tôi cảm nhận một đôi môi mềm và ấm đang lướt trên cổ mình. Tôi không thể điều khiển được mình, chỉ muốn, nếu có thể quay lại được, để gục vào vai người ấy, khóc nức nở.

Ánh mắt mẹ tôi hốt hoảng hơn, mọi người không ai biết gì vẫn mải đùa với con tôi. Chợt thằng bé trượt chân ngã sõng soài xuống sân. Tôi bừng tỉnh lao ra, nó đã tự lồm cồm bò dậy vừa cười vừa phủi quần áo. Tôi cảm thấy tự hào trước mọi người vì hành động của nó. Tôi đã dạy nó cách đứng dậy sau mỗi lần ngã.

Mẹ nhìn tôi:

- Con không sao chứ?

Tôi lắc đầu. Dì lộc cộc chống nạng đi sang:

- Mẹ con cái Dung về đấy hử? Đâu bà xem thằng cháu bà nào?

Thằng con tôi co rúm người lại khi nhìn thấy hai chân teo tóp lủng lẳng lưng chừng nạng của dì. Một thoáng buồn lướt qua trên gương mặt khắc khổ, dì chìa tay về phía nó:

- Lại đây với bà, nào?

Tôi bước tới ôm lấy đôi vai gầy bé nhỏ của dì, đôi vai đã phải gồng lên nâng đỡ cuộc đời tật nguyền bước qua bia miệng thế gian nuôi đứa con trai duy nhất cho đến ngày hôm nay. Bà tôi kể ngày dì sinh con, rất nhiều người đến thăm kể cả những người không quen biết, ai vào cũng nhòm bằng được mặt đứa bé. Lúc đầu bà đã cả mừng, nhưng sau mới vỡ nhẽ mọi người đến chỉ cốt xem nó có giống chồng mình không. Từ đấy bà không cho ai vào thăm mẹ con dì cả. Bà thương dì nhiều lắm. Lúc sắp đi xa bà cứ trăn trở mãi về dì, bà cầu xin mọi người đừng bỏ rơi dì. Và tôi, tôi đã hứa với bà sẽ chăm sóc dì cẩn thận.

Dì bảo mẹ con tôi sang nhà dì chơi, con dâu dì mới ở cữ. Tôi nhìn mẹ, mẹ cúi xuống bế thằng con tôi rồi xăm xăm đi trước.

Mảnh đất này do ông bà ngoại tôi để lại. Ông bà không có con trai chỉ có hai người con là mẹ tôi và dì. Hai nhà chúng tôi không có ranh giới, cả cái sân rộng chơi chung. Tôi đỡ dì đi vào nhà, dì lắc đầu:

- Kệ dì, con, bao năm qua dì vẫn tự làm được mà.

Nghe như có mũi kim lách vào tim mình, đau buốt.

Con dâu dì lụp xụp trong một đống khăn khố bước ra chào tôi rồi vội vã quay vào buồng với con. Có một cái gì đau đáu trong tim. Tôi vào theo, giật mình, bức tranh nụ hồng người ấy tặng tôi ngày sinh nhật vẫn còn. Bức tranh ấy tôi đã vò nát vậy mà nó đã được vuốt phẳng phiu còn lồng vào khung kính đặt ngay ngắn ở đầu giường.

Tôi ngước nhìn lên tường, bức tranh con thuyền đang vật lộn với sóng gió giữa biển khơi tôi tặng ngày người ấy cưới cũng được treo trên đó. Ánh mắt người con dâu dì nhìn tôi, có thể cô ấy cũng biết chuyện của tôi. Trực giác của những người vợ khi đứng cạnh tình địch của mình bao giờ cũng rất nhạy cảm.

Người ấy bước vào buồng:

- Chị mới về.

Tôi gật đầu mà không dám ngẩng lên, thấy bỏng rát nơi cổ mình khi nãy.

Tôi bồng thằng nhỏ lên tay. Vợ người ấy bước ra nhà ngoài đỡ dì tôi ngồi xuống chiếc tràng kỷ giữa nhà. Người ấy vội kéo tay tôi và nắm chặt trong tay mình:

- Dung, tại sao em không ngẩng lên nhìn anh? Tại sao cưới xong em đi mất tăm không ngoái đầu lại? Bao năm qua anh đã phải sống khổ sở như thế nào em biết không?

- Đừng làm thế Đăng, em tuy ít tuổi hơn anh thật nhưng em là chị họ của anh cơ mà?

Vợ người ấy bước vào, trân trối nhìn chúng tôi. Tôi luống cuống rút tay ra. Không gian dường như đứng lại. Mặc cảm tội lỗi trào dâng trong lòng. Giá như chúng tôi tỉnh táo, giá như chúng tôi nghe lời mẹ, hàng bao nhiêu cái giá như dồn dập trong đầu tôi. Phải làm gì đây trước tình cảnh này? Tôi và người ấy, hai kẻ đã biến một tuổi thơ ngọt ngào thành nỗi đau dai dẳng, dùng dằng suốt những năm qua. Tôi đưa mắt nhìn lên, khoảng trời thơ mộng tím sẫm một màu thương nhớ mông lung. Tất cả đã đi qua. Sẽ cố để chẳng còn lại gì trong trái tim mỗi khi nhớ về khoảng trời này.

Tôi đưa đứa bé cho mẹ nó rồi lấy hết can đảm nhìn thẳng vào mắt người ấy, chợt chùn lại, vẫn đôi mắt to cương nghị dưới đôi mày rậm, vẫn gương mặt quá đỗi thân yêu và đôi môi, đôi môi đã bao lần hôn lên môi tôi. Cố nén mọi cảm xúc, tôi nói:

- Đăng này, cả hai chúng ta đều đã có gia đình và con cái. Chuyện ngày xưa hãy để nó ngủ yên, đừng đánh thức cho nỗi đau dày lên. Kẻ có lỗi không phải là tuổi thơ, không phải là định mệnh hay số phận mà bao lần chúng ta từng nguyền rủa, mà kẻ có lỗi chính là chúng ta. Hãy làm một người chồng, người cha tốt để em có thể thường xuyên về thăm mẹ, thăm dì. Đừng bắt em phải chạy trốn nữa, được không?

Vợ Đăng cúi xuống nén gạt dòng nước mắt. Tôi với tay cầm khung ảnh nụ hồng trên đầu giường, nhẹ nhàng tháo lớp kính và rút bức tranh ra xé vụn trước sự ngỡ ngàng của Đăng. Vợ Đăng bật khóc tức tưởi. Tôi bước ra nhà ngoài quì xuống gục vào lòng dì:

- Dì ơi, hãy tha lỗi cho con.

Tiếng nấc của dì nghẹn lại:

- Tại sao lại vậy hở Dung?

Khoảng trời màu tím rơi xuống, vỡ òa trong tim tôi bật thành dòng nước mắt mặn chát chảy dọc bờ môi. Tôi rất muốn cho chồng tôi biết giờ tôi đang nghĩ đến ai.

Nguyễn Thị Bích Ngọc, tháng 12-1998


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn