Truyện ngắn của Nguyễn Hoài Phương: NHỮNG TRĂN TRỞ KHÔNG ĐÁNG CÓ CỦA MỘT CUỐI TUẦN

Thứ bảy - 02/05/2009 10:17

(NCTG) Gã cảm thấy rệu rạo, mệt mỏi, rã rời. Tất cả các bộ phận, từ cái con con, bé như cái móng tay, như sợi tóc, đến cái lớn, cái quan trọng hay cực kỳ quan trọng trên cơ thể gã đều như mượn của một bọn nào khác. Mà cũng toàn là những thứ phế thải của một bọn người chẳng ra gì. Hay nói đúng hơn là của một bọn rất vô trách nhiệm. Nếu là gã, có lẽ không bao giờ gã đang tâm mang cho hay là cho ai mượn những thứ chẳng dùng được vào việc nào như thế cả.

Có lúc, gã cảm thấy thật thiếu ý chí. Và điều đó thì hiển nhiên là đúng rồi. Nếu có một chút cái gì đáng gọi là “ý chí” ấy thì có lẽ gã cũng đã làm được một cái gì đó, nếu không phải cho cuộc đời thì cũng là cho bản thân gã.

Mà không chỉ là thiếu, là không có ý chí, đến tư cách gã cũng chẳng có nốt. Nhất là tư cách với cô vợ trẻ của gã. Dưới con mắt con người này, gã cảm thấy mình không được như một con số không. Thậm chí một con số âm cũng chẳng được luôn. Không nói ra, nhưng chắc là cô ta cũng coi gã như thế, là một thứ gì đó vô dụng, vô nghĩa, thí dụ như một cái đinh rỉ hay một cái gì đó tương tự và vì thế mà không thể đánh gía được bằng những con số.

“Có từ giã bút nghiên cũng được rồi đấy.”

Gã tự nhủ và cảm thấy sao mình tự nhiên lại bóng bẩy, sáo rỗng thế nhỉ. Sao không nói trắng ra là chán cái chuyện viết với lại chả lách này lắm rồi. Chỉ chuốc được mỗi cái mệt vào thân mà thôi.

“Mà làm quái gì có mà “bút” với lại chả “nghiên”. Lấy đâu ra “bút” với “nghiên””.

Gã hơi mỉm cười với suy nghĩ của mình lúc làm mấy động tác tắt cái máy tính, để đứng dậy, tính đi đâu đó, ừ thì như người ta vẫn gọi là cho nó thoáng, nó đỡ bí bích.

Đang chiều rồi, gã lần lần ra công viên. Gã đi loanh quanh một hồi rồi ngồi xuống một cái ghế bất kỳ thờ ơ nhìn vạn vật. Đang là mùa xuân, cây cỏ hoa lá, và nói chung là cả thiên nhiên đang xanh tươi, rực rỡ, đầy sức sống, nhưng những điều đó hình như cũng chẳng có tác động gì với gã lắm. Cũng như khi nhìn từng tốp, từng tốp trẻ con đang chạy tung tăng hay những đôi tình nhân đang dung dăng dung dẻ hoặc tựa vai vào nhau mà đi rất tình tứ trên những lối mòn thì gã cũng chỉ cảm thấy sao mà nhí nha nhí nhố, sao mà vớ vẩn đến vậy.

Gã ngồi im và chợt cảm thấy hay hay khi bỗng nhiên lại có thể bất động như một pho tượng hàng giờ lâu như thế. Mà có khi gã đã hóa thân trở thành tượng, thành đá, thành gỗ, thành đồ vật vô tri vô giác từ một lúc nào đó không hay rồi cũng nên. Thì đấy, đã bao nhiêu là người lớn cùng trẻ con đi qua đi lại trước mặt gã rồi, nhưng cũng có người nào tỏ thái độ gì với gã đâu, đã không lấy một cái nheo mắt, một cái nhếch mép cười thì lại càng không lấy một cái gật đầu.

Mà sao cứ phải “nheo mắt” “nhếch mép cười” với “gật đầu”, ra vẻ thân thiện với nhau làm cái gì cơ chứ. Từ lâu rồi, gã đã đâu có thích, có chờ đợi gì một cử chỉ có tính chất gần gũi như vậy của đồng loại. Cứ bất động, cứ dửng dưng, cứ vô cảm, thờ ơ, coi nhau như gỗ, như đá, như đã ở thế giới bên kia như thế có khi lại hay hơn. Chứ quan tâm quá đến nhau lại mệt. Người ta quan tâm đến mình thì mình phải quan tâm lại. Người ta nheo mắt với mình thì chẳng lẽ mình không nheo mắt lại đáp lễ. Người ta nhếch mép cười với mình chẳng lẽ mình không nhếch mép cười lại. Người ta gật đầu với mình, chẳng lẽ mình lại không gật đầu với người ta. Đại thể thế. Mà gã thì ngại vận động, ngại cử động dù bất kỳ một loại cơ nào, ngại vô cùng.

Vậy nên thật sự là gã cảm thấy hơi khó chịu khi có người nào đó ngồi xuống phần trống còn lại của cái ghế mà gã đang sở hữu. Mà không chì “ngồi xuống” rồi là hết đâu, cái “người nào đó” ấy còn thân mật đặt một bàn tay lên vai gã kèm với một lời chào với chất giọng (gã đoán là giọng Huế, hay ít nhất thì cũng là giọng Sài Gòn, Bến Tre gì đó) hết sức trừu mến.

“Chào anh N., anh có khỏe không?”

Gã như chợt tỉnh dậy. Dù không thiền nhưng gã có cảm giác như vừa bước ra khỏi một cơn thiền rất sâu và dần dần nhận ra người vừa chào hỏi mình. Thì ra vẫn là ông mục sư Jô quen thuộc. Vừa thoáng thấy mặt, chẳng hiểu sao, tự nhiên gã nghĩ ngay tới một lời nguyền “mỗi tuần phải kêu gọi được ít nhất là một con người, (tức một “linh hồn”) trở về với Chúa” của ông mục sư này. Hôm nay đã là cuối tuần và không biết ông ta đã hoàn thành kế hoạch tự đặt ra hay chưa và do đó mà chẳng biết việc ông ta ngồi xuống đây là ngẫu nhiên hay là có mục đích, ý đồ gì.

“À! Chào mục sư. Cũng bình thường thôi mục sư ạ”

Gã chào lại và hỏi, hết sức xã giao. Trong cách đối nhân xử thế của gã, một khi người ta đã cất công chào hỏi mình thì tối thiểu mình cũng phải chào hỏi lại, chứ không thể im lặng được:

“Còn mục sư thì thế nào? Có khỏe không?”

“Cảm tạ Chúa” - Mục sư Jô đáp lại bằng câu nói muôn thuở và làm gã dù không muốn cũng phải thấy buồn cười. - “Tôi cũng vẫn khỏe, và khỏe lắm anh ạ”

Rồi ông hỏi lại, (hay thực chất là bắt đầu cho một cuộc vận động, giác ngộ hoặc một cái gì tương tự như những người đi truyền giáo vẫn nói vậy):

“Mấy cuốn kinh thánh “Cựu Ước” và “Tân Ước” cũng như mấy tài liệu khác về nước Chúa tôi đưa cho hồi mấy tháng trước, anh đã đọc xong chưa?” Với gã, từ lâu mục sư Jô đã thấy rằng ngoài sách vở ra chẳng còn đề tài gì khác.

“Tôi đọc xong lâu rồi mục sư ạ. Mấy tháng mà chỉ đọc có mấy cuốn sách ấy thì ít quá. Để hôm nào tôi sẽ mang gửi lại mục sư”

Gã đáp. Gã cố tình hiểu sai ý mục sư Jô. Và quả nhiên thấy ông ta chối đây đẩy:

“Ấy… Ấy… Không… Không… Ý tôi không phải là như vậy. Anh cứ giữ lại mà đọc. Tôi đã đưa cho ai rồi là không bao giờ còn muốn lấy lại nữa đâu. Lời Chúa phải đọc đi đọc lại, phải suy ngẫm hàng ngày anh ạ. Ý tôi là anh có thấy gì khi đọc những cuốn sách ấy không mà thôi?”

Giọng mục sư Jô rất tận tình, chân thành. Nhưng làm như không nhận thấy điều đó, gã vẫn một mực khăng khăng:

“Không. Thế nào rồi tôi cũng sẽ mang trả mục sư. Tôi không cần, không muốn đọc lại mấy cuốn sách tẻ nhạt ấy dù chỉ một lần nữa. Mà ấy chết. Là tôi cứ hay có nhận xét về những cuốn sách, dù thể loại  nào cũng thế, như vậy. Xin mục sư tha lỗi cho tôi nhé”

“Anh thấy chúng tẻ nhạt lắm à?”

“Vâng. Tẻ nhạt và vô lý, giả dối”

“Lạy Chúa”

Mục sư Jô chắp hai tay lại, mắt ngước lên trời, cung kính và sợ hãi. Nhưng những hành động ấy của ông ta chẳng có tác động gì đối với gã. Hay nói đúng hơn, nó chỉ kích thích tính đối kháng trong gã nổi lên:

“Cả ông nũa, mục sư ạ, tôi thấy cuộc đời ông cũng tẻ nhạt, nhàm chán vô cùng. Tôi nói thật đấy. Có gì không phải xin ông bỏ quá cho”

Trái với bản tính của gã hay ít ra cũng là trái với một gã hàng ngày như mục sư Jô vẫn nghĩ vậy. Giọng gã hôm nay có vẻ gì đó rất khiêu khích. Có lẽ một phần cũng tại ông. Thì ai bảo tự nhiên ông ta phá vỡ sự yên tĩnh của gã. Nhưng cũng như gã, ông mục sư tỏ vẻ không nhận thấy điều ấy. Ông ta chỉ “lạy Chúa” thêm vài lần nữa và nói tiếp:

“Thì anh thấy như vậy. Còn tôi thì hoàn toàn khác. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Tôi rất bằng lòng với cuộc sống Chúa ban cho. Còn anh thì sao?”

Một kiểu cố đấm ăn xôi quen thuộc. Nhưng rồi như cũng phải thấy câu chuyện đã đi vào chỗ bế tắc, không thể tiếp tục được, mục sư Jô ân cần xin lỗi vì đã làm phiền gã rồi đứng lên nhẹ nhàng bước đi mà không chờ nghe câu trả lời.

“Phù…”

Gã thở ra một hơi dài như vừa thoát khỏi một sự phiền phức không đáng có. Bao giờ cũng vậy, phải nói những chuyện “tâm linh” với “đạo đức” với những người như mục sư Jô gã cũng cảm thấy căng thẳng, nặng nề đến khó chịu. Vậy mà chẳng hiểu sao ông ta cứ ám gã mãi. Thấy gã ở đâu cũng bằng mọi cách phải sán lại.

“Trên đời này có nhiều loại người thật khó hiểu” Gã nghĩ. Đàn bà, như cô vợ trẻ của gã đã khó hiểu lắm rồi, vô cùng là khó hiểu. Nhưng so với những người thuộc thành  phần thầy tu như ông mục sư Jô này thì sự khó hiểu của cô ta dù đã rất phong phú rồi cũng vẫn chẳng thấm tháp, chẳng là cái quái gì. Những người như ông ta mới thực sự là rắc rối của cuộc đời.

“Thế là hỏng mất một phần của buổi chiều rồi”

Gã nghĩ và nhắm mắt lại, cố một lần nữa hóa thân được thành tượng.

“Nhưng thế là hỏng hay là không hỏng nhỉ?”

Hay thực chất thì cô vợ trẻ của gã cũng chỉ là đàn bà như bao nhiêu đàn bà khác mà thôi. Nửa nhân loại này là đàn bà và mỗi người một vẻ có lẽ tất cả đều khó hiểu, đều vô lý như nhau, để gã cũng như số đàn ông còn lại khác chẳng dễ gì (nếu như không muốn nói là “mãi mãi, không bao giờ”) mà chọn được người như ý muốn.

Và vì vậy mà gã, khi được (hay phải nhỉ?) sống với cô ta để rồi hục hặc luôn luôn dù sao thì cũng vẫn chỉ là một chuyện bình thường ở đời này. Thằng đàn ông nào mà chẳng cần phải có đàn bà. Một viễn cảnh, đấy là gã đặt ra một giả thiết thôi, giả thử có một sức mạnh, một thế lực nào đó bắt gã phải sống chung với mục sư Jô dưới một mái nhà để hàng ngày nghe ông ta lải nhải nói đi nói lại mãi về một đấng tối cao vô hình nào đấy rồi bắt gã phải quỵ lụy, sám hối, ăn năn, cảm ơn..., bắt gã phải thay đổi, phải từ chối… thì sự thể sẽ ra sao nhỉ. Liệu gã có chịu nổi ông ta đến một ngày không? Chắc chắn là không rồi.

Và còn ông mục sư Jô nữa. Ông ta có hạnh phúc, có bằng lòng với cuộc sống, cuộc đời này như ông ta vẫn tự nhận và mang rêu rao khắp nơi hay không? Đấy là một câu hỏi lớn mà thỉnh thoảng gã lại đặt ra. Cũng như tại sao ông ta lại có những hành vi như vậy nhỉ? Có phải một phần lý do là vì hiện ông ta đang phải sống với một bà vợ hơi khác thường. Có phải vì bà ta cũng là một tu sỹ, và hơn nữa là một tu sỹ mà tiếng nói rất có uy tín. Có phải vì chắc chắn rằng dưới con mắt bà ta thì ông ta cũng chỉ là một thứ dụng cụ. Và dù theo bà ta thì đó là một thứ “dụng cu” đáng “hãnh diện”, “tự hào”, vì nó là “của Chúa”, “để phục vụ Chúa”, thì nó cũng chỉ là một cái đinh mà người ta, là ông Chúa vô hình kia, hay là bà, là những người được ông ta sai xuống, muốn đóng vào đâu thì đóng.

Gã chẳng muốn so sánh với ai. Lại càng chẳng muốn so sánh với mục sư Jô. Gã chợt thấy có lẽ nên tạm chấp nhận, tạm bằng lòng với hiện tại thì hơn. Bằng lòng với sự mệt mỏi, rã rời, với sự suy nhược của cơ thể. Cái gì phải đền sẽ đến. Muốn chống lại cũng chẳng được. Bằng lòng cả với việc chẳng có tư cách gì. Nhất là với cô vợ trẻ. Với cô ta, (và có lẽ với cô khác, nếu có, cũng vậy) chẳng tư cách nào của gã có thể đứng vững. Thôi thì mặc kệ.

Mặc kệ. Và bằng lòng vậy. Và nhất là không nhẫn tâm mang những bất hạnh ấy mà đổ lên đầu lên cổ đồng loại cùng với một loạt những ngụy biện viển vông, những gán ghép và cố chấp. Như mục sư Jô.

Nguyễn Hoài Phương, 1-5-2009 - Từ Đức Quốc


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn