Nhạc sĩ Phạm Duy (áo xanh) nhận hoa của khán giả trong đêm nhạc "Ngày trở về" (Hà Nội, 27-3-2009) - Ảnh: Ngô Bá Lục
Trên cái nền ấy, và trong khung cảnh nhạc Việt Nam đang bị thương mại hóa, tầm thường hóa về ca từ, đơn giản và nghèo nàn hóa về nhạc điệu, việc nhạc PD – cũng như nhạc của nhiều nhạc sĩ cũ, từng có thời bị cấm đoán, hoặc ít lưu hành - được công luận để tâm lưu ý, là điều dễ hiểu.
Và, khi đã nói đến tác phẩm, dư luận không khỏi không đề cập tới con người tác giả - ấy là trường hợp của Trịnh Công Sơn (qua bài viết của họa sĩ Trịnh Cung mới đây), cũng như, của PD qua bài báo “Nhạc Phạm Duy và những điều cần phải nói” của tác giả Khánh Thy, đăng trên “Công an Nhân dân Cuối tháng” (tháng 4-2009).
2. Tưởng đã qua rồi cái thời câu nói “văn tức là người” (bị quy cho văn hào Nga Maxim Gorky (1)) được diễn giải một cách thô thiển và tùy tiện, theo hướng đánh đồng một cách máy móc giữa tác phẩm và tác giả.
Với cách hiểu ấy, Vũ Trọng Phụng – tác giả những tiểu thuyết trứ danh về cái xấu xa, đen tối, bê tha của kiếp người – thì ắt hẳn phải là một kẻ tệ hại, hút sách và lưu manh. Ngược lại, các vị lãnh tụ được bộ máy tuyên truyền sùng bái và đánh bóng ở mức cao nhất, thì cứ phải là những bậc “đại bút” (2).
Theo quan điểm như thế, sẽ rất khó tin và chấp nhận, nếu chúng ta biết rằng nhà bác học Albert Eistein, cha đẻ của Thuyết Tương đối và của nhiều tư tưởng nhân văn, hay các nhà tư tưởng lớn như Jean-Jacques Rousseau, Karl Marx… đều là những người tệ hại trong đời tư, thiếu trách nhiệm trong các mối quan hệ tình ái, gia đình…
Tuy nhiên, lịch sử đã rất công bằng và họ đã được hậu thế đánh giá thỏa đáng thông qua di sản họ để lại cho đời!
3. Trở lại trường hợp PD, rất cần sự sòng phẳng, tránh lập lờ, “đánh tráo khái niệm”, khi cần đánh giá con người và sự nghiệp của ông!
Con người PD, bao gồm con người cá nhân và con người chính trị, có thể hay, dở tùy góc nhìn.
Về mặt cá nhân, ông có thể là con người “đào hoa”, lắm nhân tình nhiều nhân ngãi, nhưng đấy là chuyện cá nhân của ông và gia đình ông, người ngoài không ai có quyền tự tiện phán xét. Là một nghệ sĩ nhưng cũng có trách nhiệm đối với gia đình, PD đã nhận được sự đồng cảm, chia sẻ (hay chịu đựng) của người vợ hiền Thái Hằng, của các con trên con đường sáng tạo và đó là câu trả lời của gia đình ông đối với những ai muốn mang đời tình ái của PD để làm cớ bỉ thử ông.
Về chính trị, trong những trầm luân của đất nước và thời cuộc, PD luôn có những lựa chọn riêng cho mình. Đây cũng là điều có thể bàn cãi, tranh luận, nhưng nhất quyết không thể theo kiểu quy chụp cũ kỹ và ấu trĩ, khi cặp phạm trù đối nghịch “ta” – “địch” được coi là quyết định vận mệnh một con người và sự nghiệp của đương sự.
Một điều khó chối cãi: với tất cả những “đường đi nước bước” của mình, có thể đúng, sai xét trên những góc độ khác nhau, nhưng cuộc đời PD là một minh chứng về “vận nước nổi trôi” của đất Việt thế kỷ 20 mà ông đã là một chứng nhân tích cực với mọi nỗi “khóc cười” của mình!
Nhưng nói cho cùng, điều để lại của một nghệ sĩ và làm nên giá trị của họ, vẫn là những sáng tác mà nhờ đó, tên tuổi họ còn được “lưu danh thiên cổ”. Xét về dài hạn, công chúng rất công bằng và sáng suốt: không một thứ tuyên truyền nào, cho dù là từ phía chính quyền, từ những toan tính chính trị mà phần nhiều chỉ mang tính thủ đoạn, nhất thời, không một thứ PR nào từ báo chí và thị trường, có thể khiến một tác phẩm (và qua đó, tác giả) trường tồn, nếu bản thân tác phẩm là thứ vô giá trị!
Và, nhạc PD là như thế. Việc báo chí “săn đón và tâng bốc thái quá” (lời phàn nàn của nhạc sĩ Phạm Tuyên) các show diễn nhạc PD, chỉ là để đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn của đông đảo người yêu nhạc, muốn sống lại những năm tháng của đời mình với dòng nhạc vô cùng phong phú về thể loại và đa dạng trong cách thể hiện của PD. Hoặc đơn thuần, cho những ai muốn nghe nhạc “chất lượng”. Chấm hết!
Nói gì thì nói, bao nhiêu thế hệ dân Việt đã ý thức được bản sắc Việt, biết yêu “tiếng nước tôi”, người nước tôi, biết thương “mẹ Việt Nam không son không phấn”, yêu “con đường cái quan” tượng trưng cho đất nước để căm ghét chiến tranh tàn phá, hoặc cá nhân hơn, biết yêu thương người tình kể từ khi “ngày đó chúng mình” "đi nhẹ vào đời” - đấy là lời đánh giá chính xác nhất và xác đáng nhất về nhạc PD!
4. Trong số ba nhạc sĩ được tác giả Khánh Thy nhắc tới trong bài viết kể trên, Phạm Tuyên là một trường hợp đặc biệt.
Nếu không bị những quy chụp về thành phần gia đình, với tài năng của mình (mà đa phần, ông đã chứng tỏ trong những ca khúc mặc dầu mang tính tuyên truyền, cổ động, nhưng ít nhiều cũng có giá trị riêng của nó trong thời chiến và đến giờ vẫn được nhiều người nhớ), Phạm Tuyên đã có thể là một “công thần” trong làng nhạc XHCN, như Trọng Bằng, hoặc một quan chức âm nhạc như Hồng Đăng.
Có điều, cái án oan uổng và tàn độc đối với học giả Phạm Quỳnh (mà chỉ đến thời gian gần đây mới được cởi) cũng đã theo Phạm Tuyên đến già nửa đời. Để rồi, sau biến cố 1975, khi Phạm Tuyên đã có “Như có Bác trong ngày đại thắng”, bài ca để đời trong sự nghiệp phục vụ cách mạng của ông, thì sau đó ông cũng vẫn dễ dàng bị quy chụp khi phổ thơ Bùi Văn Dung thành ca khúc “Gửi nắng cho em”, hiền hậu pha chút lãng mạn “tiểu tư sản”, nhưng chả hề mang chút “hậu ý” nào.
Những tưởng, trong cảnh ấy, Phạm Tuyên có thể đồng cảm với những gì mà người nghệ sĩ cùng họ với ông phải chịu, và vui mừng cho những thành công của một đồng nghiệp, một người anh. Người viết những dòng này có dịp chứng kiến Phạm Tuyên vui vẻ, tay bắt mặt mừng bên PD trong buổi “Minh họa Kiều” (Kiều ca) đầu năm nay ở Hà Nội.
Nhạc sĩ Phạm Duy và nhạc sĩ Phạm Tuyên tại chương trình giới thiệu Kiều ca (Hà Nội, ngày 2-1-2009) - Ảnh: Trần Lê (NCTG)
Mười lăm năm trước, tôi đã từng thâu lại cả loại cassette của các nhạc sĩ miền Bắc – trong đó có Phạm Tuyên - để giúp PD có thêm tư liệu trong quá trình tìm hiểu và nghiên cứu các sáng tác của những đồng nghiệp ở nơi xa, mà ông luôn nhắc tới với sự trọng thị. Đầu xuân 2009, tôi đã vui mừng biết chừng nào trong dịp ấy, khi hai nhạc sĩ có dịp hạnh ngộ, dù chỉ là qua vài câu nói, nụ cười, ánh mắt.
Để đến bây giờ, đọc phát biểu của nhạc sĩ Phạm Tuyên, ánh lên những bất mãn, đố kỵ và cả yếu tố kích động, quy chụp khá lộ liễu, thấy buồn. Cách cư xử ấy không xứng đáng với cả một nghệ sĩ bình thường, nói gì đến một nhạc sĩ thuộc hàng “gạo cội” một thuở của miền Bắc!
Đã có nhiều người lên tiếng phản ứng về ý kiến của các vị Trọng Bằng, Hồng Đăng và Phạm Tuyên. Thực ra, những gì ba vị bày tỏ trong bài báo (giả thiết là các vị không phải nói theo chỉ đạo) không chỉ đã cũ mèm, quá lỗi thời và vì thế, ít được ai để ý, mà chúng còn phản ánh nhiều “ẩn ức” của chính họ, trên cương vị những “công thần” của dòng nhạc cách mạng.
Không thể giải tỏa, các vị buộc phải “trút” lên người khác, thành công hơn và được công chúng yêu thích hơn mà không thông qua bất cứ một mệnh lệnh, một sự “định hướng” nào!
Tiếc lắm thay!
(1) Thực ra, câu của Gorky là: “Văn học là nhân học”.
(2) Ngay như lãnh tụ Liên Xô một thời, Brezhnev, điển hình cho tuýp lãnh đạo dốt nát, khiến cả đất nước trì trệ, bế tắc, cá nhân thì không nói nổi mấy câu chúc mừng sinh nhật đồng sự nếu không có mục kỉnh… và “diễn văn” do thư ký viết sẵn, mà cũng cứ phải là tác giả được giải thưởng văn học nghệ thuật cao quý nhất, cho những hồi tưởng do… người khác viết hộ!
(*) Bài viết đã đăng trên mạng talawas.
Tuấn Hoàng
Theo dòng sự kiện
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn