BIẾT ĐÂU NGUỒN CỘI

Thứ năm - 19/12/2002 23:05

(NCTG) Từ nhiều số báo qua, bạn đọc của NCTG ở Hung đã quen với cái tên Cỏ May (Praha) qua những bài viết vui tươi, dí dỏm mà đầy tính thông minh, trí tuệ.

Sinh viên Việt Nam ở Hung trong chương trình giao lưu với các bạn ngoại quốc (từ trái sang: Nguyễn Hoàng Nam, Nguyễn Thanh Hải, Lâm Tuấn Nghĩa)

Nhưng, có lẽ ít người biết rằng chị còn viết truyện ngắn, tùy bút, làm thơ, chính luận... và ở bất cứ lĩnh vực nào, Cỏ May cũng tỏ ra là một cây bút vững vàng và đậm tính nhân hậu. (NCTG đã có dịp đăng tải một số sáng tác của chị với những bút danh khác như Lê Tố Uyên, H.V., L.H., v.v...)

Trong số báo này, xin giới thiệu đến quý độc giả bài viết mới đây của chị, về một vấn đề mà người Việt ở nước ngoài - trong đó có khối người Việt đang cư ngụ tại Đông Âu - luôn quan tâm và lo lắng: làm sao giữ được "hồn Việt", văn hóa Việt cho những con em thuộc "thế hệ thứ hai, thứ ba...", thông qua việc giữ gìn ngôn ngữ Việt ở xứ người. Nhân đây, cũng xin có lời tri ân với Cỏ May, một CTV nhiệt thành và một độc giả bền bỉ của NCTG kể từ những ngày đầu... (H.Linh)

*

"Tôi vui chơi giữa đời (ối a) biết đâu nguồn cội
Tôi thu tôi bé lại làm mưa tan giữa trời..." (TCS)

Thời gian gần đây, cộng đồng người Việt ở Đông Âu hay cổ động và khuyến khích tổ chức các lớp học Việt ngữ cho trẻ em sinh trưởng ở nước ngoài. Đó thật sự là những cố gắng từ thiện chí của người có lòng. Song vì nhiều lý do, những lớp học này có, nhưng không nhiều con em theo học. Mỗi bậc phụ huynh đều có những lý lẽ riêng về chuyện có cần thiết cho con em theo học tiếng Việt hay không. Vậy, chúng ta hãy thử ngồi lại với nhau, nghĩ và suy về hai thế hệ, để xem, việc dạy tiếng Việt cho trẻ là việc làm thực tế hay thiếu thực tế, nên hay không nên?

Chúng ta đều nhận thấy, những đứa trẻ sinh trưởng ở nước ngoài đang từ từ trở thành "Tây con". Bởi, ngoài quan hệ tình cảm tất nhiên với cha mẹ, chúng có rất ít mối liên hệ khác về Việt Nam để mà yêu mến, gắn bó với những gì thuộc về Việt Nam. Gia đình nào có điều kiện lắm mới thỉnh thoảng cho con về đất Việt chơi một chuyến. Thế rồi, chưa kịp quen với khí hậu, người thân, lại nháo nhào bay sang cho kịp năm học, để bố mẹ đi làm... Chả biết chuyến về nghe & nói được bao nhiêu từ Việt, chỉ biết rằng những vết muỗi đốt là rất thật.

Trẻ em Việt sinh trưởng nơi đây, để hòa nhập và tiến bộ cùng xã hội, phải học khá nhiều. Khi ta bắt chúng học tiếng Việt, chúng sẽ bị mất thời gian, phân tán tư tưởng, có khi còn không kịp tranh đua với các bạn ở trường lớp. Thành ra, việc dạy tiếng Việt cho con em không chỉ là những trở ngại vì cha mẹ ít thời gian hay thiếu trường lớp. Chúng ta có nhiều lý do để thóai thác nhưng thường ngại nói ra vì dễ bị gán cho cái tội "mất gốc", "vọng ngoại".

Xét ra, tạo điều kiện cho con em trưởng thành trong môi trường song văn hóa, song ngôn ngữ là có lợi. Chúng thường thông minh hơn, nhanh trí hơn và tiến xa hơn trong các hoạt động về trí tuệ so với những đứa trẻ chỉ dùng một thứ ngôn ngữ. Bởi từ bé, đứa trẻ đã luôn luôn phải vận động não bộ và cảm năng để diễn tả bằng hai thứ ngôn ngữ, cảm nhận theo hai giá trị văn hóa khiến não bộ của chúng dần dần hoạt động theo một thói quen, gần như phản xạ.

Ngoài cái "lợi" đó, việc dạy con em biết tiếng Việt, văn hóa Việt còn mang một ý nghĩa khác. Đó là tránh cho con em những khủng hoảng về điểm tựa xã hội, về một quê hương tinh thần khi chúng lớn lên, va chạm vào đời sống thực tế. Không biết tiếng Việt, chúng lấy gì làm điểm tựa tinh thần khi sống trong một xã hội luôn coi chúng như người thiểu số? Bấy giờ, vấn đề không chỉ còn là chuyện kỳ thị, mà là sự dị biệt thật sự về chủng tộc, màu da. Đó là chưa nói đến những giá trị tâm linh, văn hóa Việt Nam chứa đựng trong ngôn ngữ và đời sống người Việt.

Phần đông trẻ em đã bối rối nơi trường học khi không biết đâu là quê hương. "Là nơi ta sinh ra, hay là nơi mẹ ta sinh ra? Là Việt Nam xa tít mù khơi hay là xứ sở ta thân quen từ tấm bé? Ta có được phép tự hào về các trang sử oai hùng, về đất nước xinh đẹp "của họ"? Và về Việt Nam, ta biết được những gì để tự hào?" Lúc đó, bậc phụ huynh chúng ta mới giật mình: "Sao ta lại lang bạt nơi đây, để con mình bơ vơ với thân phận ngoại quốc?", rồi chép miệng như một lời biện minh buồn: "Thôi kệ, ở đây dù sao chúng cũng có điều kiện hơn..."

Nhiều bậc phụ huynh còn lo sợ con mình "đuối" tiếng, đến trường không theo kịp chúng bạn, (đôi khi giáo viên còn vô tình khuyến cáo ta nên nói tiếng "của họ" trong gia đình), nên về nhà chúng ta cũng gắng nói thứ tiếng đó với con em. Đó là một sai lầm lớn. Trong thực tế, con em có rất ít thời gian nghe và nói tiếng Việt, chúng tiếp xúc với tiếng bản xứ phần lớn thời gian: chúng học ở trường cả ngày, về nhà còn làm bài tập, đọc sách báo, xem ti-vi.... Một thực tế nữa là phần đông bậc phụ huynh chúng ta không thông thạo tiếng bản xứ để có thể nói lưu loát, đúng cấu trúc văn phạm và âm ngữ. Khi ta nói chuyện với trẻ, vô hình dung ta dạy cho chúng nói lưu loát một thứ tiếng Tiệp, Nga, Hung... tồi.

Chúng ta, những người sinh trưởng ở Việt Nam, đã thấy phải khó khăn biết bao mới nghe, nói, đọc, viết được một thứ ngoại ngữ. Thế mà ngày nay, con em mình đang bỏ rơi tiếng Việt hay nói cho chính xác hơn là bậc phụ huynh chúng ta đang trực tiếp hay gián tiếp khuyến khích con em bỏ rơi nó.

Để nghe và nói được tiếng Việt, chỉ có gia đình cha mẹ mới giúp chúng được hiệu quả nhất. Chúng ta dậy con bằng cách trò chuyện với con hàng ngày, từ tấm bé. Khi nghe và nói được tiếng Việt, chuyện học đọc và viết sẽ đỡ vất vả hơn nhiều cho trẻ. Ta có thể tự chỉ dạy cho chúng hoặc để trẻ thu xếp thời gian theo học các lớp tiếng Việt.

Kể cũng lạ, có biết bao nhiêu người Việt chúng ta không hề cảm thấy ngượng ngùng khi viết sai tiếng mẹ đẻ nhưng lại thấy xấu hổ khi nói hay viết không đúng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tiệp, tiếng Đức...

Phải nhắc đến lòng tự trọng dân tộc ở đây, là chuyện có vẻ như chẳng ăn nhập gì với chuyện dạy và học tiếng Việt trên, nhưng khi đọc trên báo và nghe trên ti-vi nước bạn những cuộc phỏng vấn chớp nhoáng với người Việt, tôi nhận ra có một tầng lớp - không biết có thể gọi là "quan hệ rộng với... Tây" không (?) - tự coi mình không thuộc về cộng đồng Việt khi nói chuyện với người nước ngoài. Họ như muốn tách ra, không muốn "dính" tới khối đồng hương kia. Điều gì đã khiến họ sợ "mang tiếng" đến thế? "Nhiễu điều phủ lấy giá gương..." Làm sao ta có thể dạy cho con em về tình đoàn kết, tương nhân và lòng tự hào dân tộc đây?

Cộng đồng người Việt ở Đông Âu đa phần mải mê nơi chợ búa, tìm hạnh phúc trong công việc bán buôn nhọc nhằn và trong những sinh hoạt văn hóa hạn hẹp. Ngẫm lại xem, chúng ta còn lưu giữ được bao nhiêu trong đầu về văn hóa, lịch sử, địa lý Việt Nam để nói với trẻ về lòng yêu đất nước, cội nguồn? Chúng ta "sống" thế nào và dạy con cái ra sao khi cứ nhìn thấy cảnh sát, thuế vụ là giật mình. Cái giật mình chạy lan sang cả con trẻ. Làm sao ta có thể dạy chúng tính trung thực và công bằng, tôn trọng pháp luật, sống đường hoàng và tự tin?

Ngẩng mặt nhìn quanh xứ sở mà chúng ta đang sống, có biết bao nhân cách đẹp trong từng ngõ ngách đời thường. Chỉ một biểu hiện rất nhỏ mà chúng ta ai cũng dễ nhận ra trên đất châu Âu nói riêng này, là, đối với những lời chửi bới, nhục mạ, người ta thường quay mặt bỏ đi. Im lặng là biểu hiện thái độ khinh bỉ, mức văn hóa cao hơn kẻ nhục mạ kia một bậc. Nhưng người Việt Nam ta, trong trường hợp đó, sẽ xắn tay áo lên... Con em chúng ta sẽ nghĩ gì về cách hành xử đó khi ngày ngày chúng được thày cô rao giảng về lòng bao dung, nhân hậu?

Nói gọn lại, chúng ta - bậc phụ huynh - đang "sống" ra sao? Có thật sự chúng ta xứng đáng để lũ con trẻ hãnh diện mà nên người Việt Nam? Hay thôi, cứ để chúng đừng học tiếng Việt, quên đi cái gốc Việt nhục nhằn, mà thành người Tiệp, người Ba Lan, người Hung... dù chỉ là một thứ công dân "hạng nhì"?

Băn khoăn quá, biết đâu nguồn cội?

Lê Tố Uyên, Praha - Thu 2002


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn