Đối với khoảng trên dưới 5 ngàn người Việt Nam sống ở đất nước Hungary bé nhỏ nằm giữa trung tâm Đông Âu thì có lẽ cái Tết chỉ nhỏ nhẹ mong manh như một cánh của nụ hoa đào. Phần lớn mọi người tập trung làm ăn buôn bán ở thủ đô Budapest, tuy diện tich rộng chẳng kém gì Hà Nội nhưng dân số có lẽ chỉ bằng một Quận của thành phố. Cũng may do ông Trời sắp xếp, Tết ta thường bao giờ cũng sau Noel va Tết Tây đến cả tháng nên mọi gia đình có thì giờ chuẩn bị đón Tết ta tùy theo „năng suất thu được của vụ Noel”. Cả năm buôn bán có khi cũng chẳng được lời lãi bằng một tháng cuối năm, khi nhu cầu mua sắm của người dân ở đây tăng lên gấp bội. Vả lại, với tâm lý của bà con người Việt thì Noel và Tết Tây là tết của „người ta”, chẳng phải Tết của mình nên ai ai cũng dốc hết tâm trí sức lực vào buôn bán làm ăn, chạy hàng từ sáng sớm đến tối mịt, có khi cơm còn chẳng kịp ăn, sức đâu mà ngắm quang cảnh phố xá nhộn nhịp lúc cuối năm. Sau Noel, được vài ngày nghỉ ngơi, ngủ bù, ăn uống lấy lại sức, tính toán sơ bộ được thua, lời lãi ra sao, mọi người mới có thời gian và đầu óc nghĩ đến cái Tết „của mình”. Gia đình nào rủng rỉnh tiền, không vướng mắc con cái đi học thường lấy vé về Việt Nam ăn Tết. Vào thời điểm này, gíá vé máy bay đắt hơn, mua lại khó, nhưng nhiều người vẫn quyết tâm bất kể thế nào cũng về thăm bố mẹ, ông bà, họ hàng và cũng là để hưởng cái Tết ta 100%. Không ít người về lúc sang lại than thở rằng Tết bây giờ không còn giống như xưa nữa… Nhưng đó lại là chuyện khác.
Cũng có năm thời tiết trái khoáy, đang giữa mùa đông trời lại nắng nóng như đầu hè, hàng hóa chuẩn bị cho vụ Noel chẳng bán được ùn lại cả đống, nhiều người méo mặt chẳng thể nào dám về Việt Nam vì còn lo giải quyết nốt hàng tồn đọng. Qua tháng Một, tháng Hai Dương lịch, chợ búa vẫn thưa thớt khách. Người bán hàng mặt mũi ỉu xìu, ngồi ế ẩm càng nghĩ đến Tết lại càng thấy nhớ nhà và tủi thân. Nhiều người cầm đọc tờ báo tiếng Việt cố hình dung xem mọi người ở nhà giờ này đang chuẩn bị đón Tết ra sao. Gặp mấy chị mua được lá dong từ Việt Nam gửi sang để gói bánh chưng đon đả mời chào. Ai thấy vậy cũng đặt mua vài chiếc. Phải công nhận, bánh chưng mua được ở Hung cũng xanh, cũng rền và ngon chẳng kém gì bánh chưng gói ở nhà. Giò lụa, nước mắm, củ kiệu, v.v... cái gì cũng có. Chỉ có điều ngồi giữa mùa đông lạnh giá của Châu Âu mà ăn bánh chưng vẫn có gì đó không ổn. Hay tại ăn bánh chưng ở đây thiếu cái tiếng ồn ào của dòng người tranh nhau đi sắm Tết, thiếu cái mùi hương quyện vói mùi nước lá đun tắm tất niên, hay do không có được cành đào Tết mới mua với vô số nụ, hứa hẹn sẽ bền được đến tận ra Giêng? Tùy mỗi người giải thích theo một cách riêng. Những gia đình chơi thân với nhau tập trung lại nấu nướng. Dưới bàn tay khéo léo của các bà nội trợ, loáng một cái trên bàn đã đầy ắp các món ăn ngày Tết: nộm xu hào, nộm ngó sen, canh măng chân giò, nem, miến, gà lá chanh, bóng xào... Bây giờ dịch vụ nhập hàng từ Việt Nam sang rất nhiều nên chẳng thiếu thức gì. Ăn xong ai cũng khen ngon nhưng rồi lại thấy chẳng phải cứ ăn uống linh đình là Tết. Tết còn là cái gì đó khác ngoài những mâm cỗ bầy trên bàn.
Mừng xuân - Ảnh: Trần Minh Tâm (NCTG)
Đã cả chục năm nay ở Hungary, Tết năm nào ĐSQ cũng tổ chức gặp mặt đầu xuân cho kiều bào. Những năm gần đây, do được sự tham gia đông đảo của các hội đoàn, tổ chức như Hội người Việt Nam ở Hungary, Hội Doanh nghiệp, Hội Phụ nữ, v.v…, nhất là có thêm sự góp mặt nhiệt tình của các em sinh viên từ Việt Nam sang, nên những buổi tổ chức Tết ngày càng đàng hoàng, đông đúc với nhiều tiết mục phong phú. Ngoài phần nghi lễ như ngài đại sứ phát biểu, chúc Tết, trao bằng khen cho các em học sinh giỏi..., bao giờ cũng có những tiết mục ca nhạc „cây nhà lá vườn”. Mấy chị em hôm trước còn thấy ở chợ trùm khăn kín mít, mặc quần áo dày cộp để chống rét như người đi trượt tuyết, nay thướt tha duyên dáng trong bộ áo dài, phấn son vào lên sân khấu khó mà nhận ra. Vài giọng ca nam „điêu luyện„ từng đoạt giải trong các cuộc thi hát cộng đồng được khán giả vỗ tay nhiệt liệt. Sinh viên bao giờ cũng đóng góp các tiết mục hài vui, trình diễn thời trang áo dài, quay xổ số lấy may. Có năm còn có cả chương trình biểu diễn của trẻ em Việt Nam nhảy múa cùng trẻ em Hung rất đáng yêu. Nhưng chẳng có ai xem hết từ đầu đến cuối những màn trình diễn văn nghệ vui tươi ấy vì còn mải gặp nhau, chuyện trò huyên náo cả hội trường. Người nào đến đây cũng đều đảo qua khu ẩm thực mua mấy đĩa bánh cuốn, uống vội tách trà tầu hoặc làm bát xôi vò, thịt quay, thịt nướng bún chả. Bọn trẻ con tay cầm nem, bánh rán, chạy nhảy lăng xăng hò hét ầm ĩ. Chị em phụ nữ tranh thủ mua về nhà mấy thanh giò lụa, giò bò, bánh chưng… Hội thi đấu cờ tướng, cờ vua bao giờ cũng đến sớm nhất và về muộn nhất vì chui đầu vào bàn cờ thì chẳng còn biết trời đất gì nữa. Trong năm thỉnh thoảng cũng có những buổi gặp gỡ nhân Quốc khánh, Trung thu... nhưng có lẽ Tết mọi người mới tập trung đầy đủ như vậy. Thậm chí có những người ở tỉnh xa, quanh năm chẳng tiếp xúc với một người Việt nào, Tết đến là dịp đưa vợ con lên Budapest để gặp mặt „đồng bào” cho đỡ nhớ. Nhìn hội trường đông đúc là thế nhưng toàn những người quen biết nhau cả: nào bạn cùng một chợ, sang cùng một năm, nào bạn cũ học trên dưới nhau vài khóa. Cứ đứng một lúc thế nào cũng có người đến vỗ vai nhận ra người quen, tay bắt mặt mừng hỏi thăm tíu tít. Lâu lắm rồi họ chẳng gặp mặt nhau nếu không có dịp Tết như thế này.
Thế đấy, Tết ở Hungary chẳng có cành đào, chẳng có sự háo hức và cũng chẳng có cái tĩnh mịch của đêm trừ tịch. Phút giao thừa ở Việt Nam bên này mới là 6 giờ chiều, không phải ai cũng rỗi rãi để ngồi chở đón giây phút thiêng liêng đó. Người đang trên tàu điện từ chợ trở về, kẻ đang ngồi sau tay lái ô tô trên đường về nhà hoặc đi đón con, tuy vậy, chẳng ai quên được cái Tết trong lòng mình. Thắp nén hương lên bàn thờ để cúng „vọng” về nhà, tôi cảm thấy đỡ lẻ loi hơn vì biết rằng giờ phút này có biết bao nhiêu người ở quê hương cũng đang làm giống mình. Thằng cu nhà tôi thấy mẹ cúng cũng chắp tay ạ các cụ và cũng bắt chước lầm rầm khấn vái. Chẳng biết nó khấn những gì. Vậy là tôi vẫn chưa trả lời được cho nó Tết là cái gì. Thôi đành chờ nó lớn khôn hơn. Lúc đó tôi sẽ nói để nó hiểu rằng Tết là dịp để con người ta - dù ở bất kỳ đâu trên trái đất này - cũng nhớ đến gia đình, người thân và nhớ đến cội nguồn của mình. Chắc chắn tôi sẽ dạy nó được điều đó!
(*) Bài viết được chuyên mục "Người Viễn Xứ" của mạng tin "VietNamNet" đăng lại tại đây.
BS Đặng Phương Lan - Budapest, cuối năm Bính Tuất
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn