Dr. Végh Zsuzsanna, giám đốc Cục Nhập cư và Quốc tịch Hungary
Hãng Thông tấn Hungary MTI trích lời bà Végh Zsuzsanna, giám đốc BÁH, cho hay: thời gian 2006-2007, số người xin quy chế tị nạn tại Hungary tăng vọt (65%): trong tổng số 3.419 người nộp đơn, công dân Việt Nam chiếm “thượng phong” với 862 người, sau đó đến Serbia (800), Trung Quốc (417), Georgia (Gruzia, 128) và Iraq (135).
Còn theo “Nhật báo Kinh tế” (Napi Gazdaság), cùng người Mông Cổ, công dân Việt Nam cũng là một nguồn nhân lực chủ yếu trong một số ngành kinh tế Cộng hòa Czech: chủ yếu, người Việt làm việc tại những lĩnh vực có thu nhập thấp, và trước đó, để sang được xứ sở Đông Âu này, họ phải trả vài ngàn dollar cho thị thực Czech.
Dẫn tin của tờ “Mladá Fronta Dnes” (Cộng hòa Czech), “Nhật báo Kinh tế” cho biết: tại Việt Nam và Mông Cổ, thị thực Czech đã trở thành “món hàng” rất đắt giá và được ưa chuộng, đến nỗi để xin được nó, tệ đút lót, tham nhũng đã trở thành “ngày thường ở huyện”. Cường Hải là một hãng môi giới nhân lực của Việt Nam cho các “đối tác” Czech, cơ sở này than rằng để có được đủ nhân lực vào thời điểm cần thiết cho “phía bạn”, thay vì 240 USD theo lệ phí chính thức, phải trả tới 2.200 USD cho một visa Czech.
Người Việt tại Praha đón xuân Mậu Tý tại Trung tâm thương mại Sapa - Ảnh: Hội Czech - Việt
Bà Vũ Thị Nhương, giám đốc Công ty môi giới nhân lực Cường Hải, cho biết: những ai không đủ tiền để đút lót giới quan chức, phải chờ đợi tối thiểu 3-4 tháng, thậm chí nhiều khi họ còn không nhận được những giấy tờ cần thiết. Tình hình cũng diễn ra tương tự ở Mông Cổ, có điều tại đó, các “nạn nhân” không dám nói cụ thể về những khoản tiền họ phải chi trả để sang được Cộng hòa Czech.
Cộng hòa Czech rất cần nhân lực ngoại quốc và sau khi những “nguồn” từ Ba Lan, Ukrana và Slovakia đã cạn, các doanh nghiệp Czech bắt đầu tìm “nguồn” từ vùng Viễn Đông. Trong một thời gian rất ngắn, lao động Việt Nam và Mông Cổ trở nên phổ biến tại Czech: theo các dữ liệu chính thức của Cục Lao động nước này, nếu cuối năm 2005 mới chỉ có 256 ngưòi lao động Việt Nam đăng ký tại đây, thì con số này vào cuối năm 2007 đã lên tới 5.425. Cũng như vậy, lượng nhân công Mông Cổ ở Cộng hòa Czech tăng từ 1.800 người (tháng 12-2005) lên 6.997 người (tháng 12-2007). Cố nhiên, con số người Việt ở Czech lớn hơn thế nhiều (hơn 50 ngàn người, theo ước tính), nhưng đại đa số họ là các doanh nhân và như thế, không thuộc sự quản lý của Cục Lao động nước sở tại.
Nhân lực châu Á chủ yếu “đắc dụng” ở những ngành nghề được trả lương tồi tệ (công nghiệp dệt may, xây dựng và nông nghiệp), thậm chí, nhà máy chế tạo xe hơi TPCA Peugeot-Citroën-Toyota ở Kolín cũng đã “nhập” nhân lực từ Việt Nam. “Nhật báo Kinh tế” bình luận: “Mức lương trung bình của người lao động Việt Nam ở quê hương họ là 50-70 USD; ở Cộng hòa Czech, ngay cả những ngành nghề lương bổng rẻ mạt nhất cũng trả được cho họ hơn thế nhiều…”
Trần Lê, theo báo chí Hungary
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn