Người Việt tại Hungary: ĐÓN NĂM MỚI TRONG BÃO TÀI CHÍNH

Thứ sáu - 23/01/2009 00:51

Những bông tuyết lạnh lẽo và buốt giá rơi vần vũ trắng đường từ mùa Giáng sinh 2008 tại Hungary như đặt dấu chấm cho một năm hết sức khó khăn và buồn thảm về kinh tế của cư dân nước này, cũng như, của cộng đồng Việt Nam sinh sống tại đây.

SV Việt Nam tại Hungary tham gia lễ hội tết của cộng đồng

* Đòn nặng giáng xuống giới du học sinh (DHS)

Khủng khoảng trầm trọng về chính trị và kinh tế của nước sở tại Hungary thực ra đã bắt đầu từ năm 2006 khiến chính phủ nước này, từ 2 năm nay, buộc phải thực thi một chính sách “thắt lưng buộc bụng” vô cùng nghiệt ngã nhằm vào cả dân Hung lẫn ngoại kiều. Trên cái nền ấy, cơn bão tài chính toàn cầu như một đòn thứ hai giáng xuống chừng 5 ngàn người Việt tại Hungary mà giới DHS có lẽ là những người "chịu trận" nhất.

Với khoản học bổng vỏn vẹn 400 USD/tháng để chi trả cho mọi khoản chi phí, đối phó với cảnh giá thực phẩm và các nhu yếu phẩm hàng ngày tăng vọt không phải là bài toán đơn giản với 6-70 DHS Việt Nam tại đây. Đặng Văn Tuấn, sinh viên (SV) khoa CNTT (Đại học Kỹ thuật Budapest, BME) cho biết: "Giá cả leo thang trong khi học bổng vẫn giữ nguyên, đa số SV bọn em phải rất tiết kiệm trong chi tiêu, sinh hoạt hàng ngày. Một số phải đi làm thêm để trang trải thêm, tuy nhiên, kiếm việc ngoài giờ học sao cho phù hợp với mình giờ đây khó khăn hơn trước nhiều".

Đấy là chưa nói đến chuyện, "dưới ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính, nước sở tại đặt thêm nhiều quy định, luật lệ, yêu cầu cao hơn về kết quả học tập, sinh viên sống trong nỗi lo sợ bị đuổi học, nếu là SV du học tự túc, thì nhiều người không còn khă năng chi trả học phí... cuối cùng là lo ngại thất nghiệp hay không tìm được việc làm", như chia sẻ của Phạm Thị Huệ, SV khoa Sinh học trường BME.

Chính vì vậy, và phần cũng vì dịp Tết Kỷ Sửu trùng với thời gian thi cử nên khi được hỏi, giới SV Việt Nam tại Hungary đều cho biết các bạn không có chương trình đón tết gì nổi bật, mà chỉ tập trung nấu nướng theo từng nhóm nhỏ, hoặc tham gia chương trình tết chung của cộng đồng, sau đó ai về nhà nấy, thu xếp học tập. Có bạn thì "ra Tết thì đi ăn ké nhà người quen người Việt", như Trần Minh Trí, SV khoa CNTT (Đại học BME) dí dỏm cho biết.

* Các doanh nghiệp (DN) nhỏ: đi về đâu?

Tất nhiên, mối lo âu về kinh tế cũng ảnh hưởng nặng nề đến tâm trạng chung của đại đa số bà con tiểu thương Việt, chủ yếu kinh doanh ở các chợ trời và TTTM rải rác tại thủ đô Budapest. Không ít người, làm việc vất vả lam lũ ngày đêm, để rồi sau mùa Giáng sinh, tổng kết lại mới thấy mình đã “cả năm công cốc”.

Thêm vào đó, từ khi Hungary gia nhập Liên hiệp Châu Âu (2004), những lỗ hổng trong luật pháp, kinh tế dần dần được “lấp đầy”, các cơ quan Thuế vụ và Ngoại kiều ngày một kiểm tra gắt gao, việc làm ăn đối với ngoại kiều ngày một khó… Đấy là lý do khiến nhiều người, ngay sau khi xong “vụ Noel” (thường được coi là vụ chính của cả năm, mà năm nay cũng rất bi đát!), đã vội “khăn gói” về thăm nhà, vì đằng nào mấy tháng đầu năm làm ăn cũng khó nhọc, ở bên này có khi tiêu tốn, thà tranh thủ về với người thân còn… hợp lý hơn. Chợ Tứ Hổ, một thời từng là trung tâm buôn bán trong vùng Đông Âu, giờ chỉ đến trưa đã vắng tanh, không hề có khách!

Khu chợ sầm uất một thời, nay đã bị thu nhỏ và nhiều khi, chịu cảnh đìu hiu!

Đây cũng là lý do khiến câu hỏi "Hungary hội nhập EU, người Việt đi về đâu?" càng được đặt ra một cách gay gắt. Không phải ngẫu nhiên mà Hội Doanh nghiệp (HDN) Việt Nam tại Hungary đã lên kế hoạch tổ chức một hội thảo đầu năm với chủ đề này. Bởi lẽ, trong cảnh khó khăn ấy, vẫn có một số doanh nghiệp (DN) Việt tìm được lối ra và vững vàng trong cơn bão tài chính.

Chẳng hạn, anh Phạm Ngọc Chu, ủy viên BCH HDN, chủ nhân chuỗi cửa hàng bán lẻ tại Hungary, vẫn tự hào với doanh số ngày một tăng của mình. Với quan niệm cần giảm thiệu mọi chi phí thừa, nhưng không tiếc tiền cho tiếp thị và xây dựng "bộ mặt" DN, chủ trương bán hàng với phương châm "nhanh nhất, rẻ nhất", DN của anh được coi là một điển hình về sự thành công của việc chuyển địa bàn kinh doanh từ các khu chợ, TTTM ra mặt phố, tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng hàng ngày của nước sở tại. Không phải ngẫu nhiên mà anh chính là người được HDN Việt Nam tại Hungary giao nhiệm vụ chia sẻ những kinh nghiệm này cho đông đảo bà con tiểu thương, nhằm giúp bà con có được giải pháp khả dĩ.

* "Tết vẫn là Tết"!

Tuy nhiên, nói gì thì nói, cho dù khó nhọc, bươn chải đến mấy, thì cái Tết cổ truyền dân tộc vẫn là nét không thể thiếu trong lòng người Việt xa xứ. Ở Hungary, từ nhiều năm nay, cộng đồng luôn có dịp cùng nhau vui Tết trong một lễ hội tết thường niên được tổ chức quy mô và khá hoành tráng, có lúc thu hút được gần 1.500 bà con đến dự.

Năm nay, Lễ hội đón Xuân Kỷ Sửu 2009 của cộng đồng Việt tại Hungary sẽ diễn ra ngày 23-1 (tức 28 Tết) ở Nhà Văn hóa Quân đội Stefánia ở trung tâm thủ đô Budapest. Nội dung chương trình, như thường lệ, vẫn gồm các hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí truyền thống như cờ vua, cờ tướng, cây cảnh, câu đối Tết, các trò chơi dành cho thiếu nhi... Rất thu hút là mảng ẩm thực, gồm các món ăn dân tộc được các đầu bếp và nhà hàng Việt Nam phục vụ tại các quầy ẩm thực theo nhu cầu của thực khách.

Như thường lệ, "điểm nhấn" của đêm hội là chương trình văn nghệ đón Xuân, lần này sẽ rôm rả và hấp dẫn hơn với sự tham gia của giọng ca "nhí" Nguyễn Thanh Hiền (14 tuổi), người mới đây đã vượt qua hơn 10 ngàn thí sinh Hungary để lọt vào Top 6 cuộc thi tiếng hát truyền hình, tìm giọng ca triển vọng của năm 2008, do Kênh tv2 của Hungary tổ chức. Lần đầu tiên xuất hiện trước đông đảo bà con Việt với các ca khúc trình bày bằng 3 thứ tiếng Việt, Anh và Hung, hẳn Thanh Hiền sẽ một lần nữa chứng tỏ khả năng hội nhập của thế hệ thứ hai của cộng đồng Việt với những sinh hoạt "chính mạch" của Hungary.

Nguyễn Phạm Bảo Quỳnh sẽ hiện diện tại lễ hội mừng Xuân trên cương vị nữ MC của chương trình

Bên cạnh Thanh Hiền, sự có mặt của cô SV năm thứ hai Đại học Kinh tế Budapest Nguyễn Phạm Bảo Quỳnh - Hoa hậu Việt Nam tại Châu Âu 2008 - trên cương vị MC của chương trình cũng sẽ khiến đêm mừng xuân thêm phần rôm rả và trẻ trung.

Năm qua, giữa hoàn cảnh rất khó khăn, bà con Việt tại Hungary cũng đã có nhiều hoạt động đầy ý nghĩa như thành lập Hiệp hội người Việt Nam tại Hungary quy tụ tất cả các hội thành viên, khiến việc tổ chức các sinh hoạt động cộng đồng trở nên thống nhất và quy củ hơn; hay tổ chức Diễn đàn DN Việt kiều Châu Âu với sự tham gia của hơn 200 DN Việt kiều hàng đầu trong vùng…

Nhắc đến những nỗ lực ấy để thấy rằng người Việt ngoài nước, trong bất cứ hoàn cảnh nào, cũng không đầu hàng thực tại mà luôn năng động, cố gắng để làm được điều gì có ích cho mình, cho tập thể. Và, như lời của nhiều người, "Tết vẫn là Tết", một cuộc gặp mặt cuối năm đầm ấm chắc chắn cũng sẽ là dịp để bà con gặp gỡ, hàn huyên, nhìn lại năm qua và biết đâu, tìm ra những tia nắng sáng sủa trong năm tới, giữa trời Âu tuyết giá…

(*) Bài viết đã trích đăng trên "Tuổi Trẻ".

Nhật Minh


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn