GIA ĐÌNH GIÀU, CỘNG ĐỒNG VỮNG MẠNH

Thứ năm - 26/11/2009 09:15

(NCTG) Ngày 24-10-2009 vừa qua, tại Vienna, thủ đô Cộng hòa Áo, Hội Doanh nghiệp người Việt tại Áo đã tổ chức Đại hội Lần thứ nhất (nhiệm kỳ I).



Anh Hoàng Mạnh Huê, chủ tịch Liên hiệp các Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Châu Âu chúc mừng tân chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Cộng hòa Áo, Thạc sĩ Đinh Kim Dung


Đến dự Đại hội, có những vị khách mời (đại diện ĐSQ Việt Nam tại Áo, đại diện Liên hiệp các Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Châu Âu và đại diện Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại các nước Hungary, Slovakia, Cộng hòa Czech) và đông đảo hội viên là những chủ doanh nghiệp đang kinh doanh tại Áo.

Đại hội đã thông qua Điều lệ hội và bầu Ban Chấp hành gồm 7 thành viên, do Thạc sĩ Đinh Kim Dung làm chủ tịch.

Thay mặt Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Hungary, anh Phạm Ngọc Chu - ủy viên Ban Chấp hành Hội - đã có một bài phát biểu chia sẻ một số kinh nghiệm và ý tưởng trong kinh doanh, được cử tọa rất tán thưởng. NCTG xin đăng tải toàn văn phát biểu đó để bạn đọc có thêm thông tin.


Anh Phạm Ngọc Chu - ủy viên Ban Chấp hành Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Hungary - phát biểu tại Đại hội thành lập Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Áo


Tôi rất thích khẩu hiệu này: một đất nước có nền văn hóa cao thì chúng ta hãy xem báo chí xuất bản hàng ngày, một đất nước có nền kinh tế mạnh thì chúng ta hãy xem hệ thống giao thông.

Cũng như vậy, một gia đình giàu có, chúng ta xem họ ăn mặc như thế nào, chúng ta thấy họ hay đi chơi, du lịch. Có cuộc sống cao mới có thể hay đi lại, thăm hỏi nhau, trưóc thì làm quen, sau thì làm thân, sau nữa cùng nhau phối hợp làm ăn, như các cụ nhà ta thường nói: “Buôn có bạn, bán có phường”. Trong làm ăn, gặp nhau, bắt tay nhau, trao đổi địa chỉ, số điện thoại đã là một nửa của thành công.

Chúng ta rất vui mừng trước sự ra đời của Hiệp hội Doanh nghiệp Việt kiều tại Châu Âu để tập hợp, đoàn kết các doanh nghiệp đang làm ăn, sinh sống ở khắp mọi nơi. Chúng ta cũng rất vui mừng khi bầu ra được một Ban lãnh đạo tài giỏi và nhiệt tình, đứng đầu là anh Hoàng Mạnh Huê, chủ tịch Hiệp hội. Và hôm nay, chúng ta lại vui mừng hơn nữa với sự ra đời của Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Áo.

Cộng hòa Áo là một nước đại tư bản, có nền văn hóa lâu đời, có nền kinh tế hùng mạnh, một “anh nhà giàu” nhất trong khối chúng ta, chúng ta phải bám vào “nhà giàu” để xin học, học không được thì… xin ăn, như các cụ ta thường dạy “thấy sang bắt quàng làm họ”. Thay mặt toàn thể anh chị em doanh nghiệp Việt Nam tại Hungary, cho tôi được gửi tới anh chị em doanh nghiệp tại Áo lời chào chân thành nhất, chúc các anh chị mạnh khỏe, đoàn kết làm ăn, phát đạt. Chúc đại hội thành công tốt đẹp!

Kính thưa các đại biểu,

Trong một xã hội lớn, có một hai gia đình giàu là chuyện bình thường – làm sao cho nhiều gia đình giàu mới là khó. Trong một xã hội lớn, có một vài gia đình chơi với nhau cũng là chuyện bình thường – thế nhưng làm sao để nhiều gia đình đoàn kết, thân thiết với nhau mới là chuyện khó khăn.

Để giải bài toán khó này, không có ai khác, chính là những người lãnh đạo, đứng đầu Hội. Một đất nước lớn hay nhỏ, một nhà máy to hay bé, một tổ chức xã hội đông hay ít người, có vững mạnh đoàn kết, cùng nhau làm ăn phát triển đi lên, hay dậm chân tại chỗ, tụt hậu, phụ thuộc rất nhiều vào Ban lãnh đạo và người chủ tịch. Vì vậy, chúng tôi hy vọng rằng, ngày hôm nay, chúng ta sẽ bầu ra được một Ban lãnh đạo tuyệt vời, đủ khả năng và tâm huyết lái con tàu ra biển lớn, hội nhập cùng “hạm đội” Châu Âu hùng mạnh của chúng ta và mãi mãi không bao giờ lo sợ trước sóng to bão lớn.

Thưa các đại biểu,

Vừa rồi, tôi cùng các anh trong Ban chấp hành có dịp về Việt Nam dự Đại hội thành lập Liên hiệp hội Doanh nghiệp Việt kiều Thế giới. Đại hội quy tụ được sự tham dự của rất nhiều đại diện từ năm châu: ngoài những đoàn của các nước lớn như Mỹ, Nga, Đức, Ba Lan, Cộng hòa Czech…, tôi còn gặp đại biểu từ các nưóc nhỏ, xa xôi như Israel, New Zealand, Dubai…

Thế nhưng, tôi có thể khẳng định rằng cộng đồng doanh nghiệp chúng ta tại Châu Âu là nòng cốt, là lá cờ đầu, nếu thiếu lá cờ đầu này, thiếu “hạm đội” chủ lực này, khi cần chiến đấu lại lội bơi lõm bõm thì nên… đầu hàng cho sớm! Ý tôi muốn nói rằng, trong kỷ nguyên hiện đại này, chúng ta đi ra ngoài nước, tới những chốn xa xôi làm ăn, rất cần có sự đoàn kết, kỷ luật và kỹ thuật cao, tự tách rời khỏi tập thể là chính mình tự đào thải mình!

Châu Âu là một trung tâm kinh tế, chính trị và văn hóa của toàn thế giới, chính Châu Âu – chứ không phải Mỹ, Nhật hay Trung Quốc! – là khu vực có nguồn kim ngạch xuất nhập khẩu mạnh nhất thế giới. Tôi còn nhớ, Giải Vô địch Bóng đá Thế giới Tổ chức (World Cup) ở Mỹ năm 1994 và ở Nhật – Hàn Quốc năm 2004, Ban tổ chức bắt các cầu thủ thi đấu vào giữa trưa nắng chang chang 30-35 độ C, và vào đêm khi dân địa phương đã đi ngủ cả, để phục vụ dân Châu Âu được xem vào buổi chiều sau khi đi làm về, nghỉ ngơi ăn uống đàng hoàng, có thể vừa ăn vừa thưởng thức các pha bóng hấp dẫn. Chứ dân Châu Âu mà… đi ngủ là mất thị trường!

Nói vậy để thấy được tầm quan trọng và quy mô của thị trường Châu Âu - nhất là từ khi các biên giới không còn rào cản, giao thương đi lại tự do, dễ dàng, không còn bị kiểm soát - một thị trường rộng lớn với sự sát nhập của thị trường Đông Âu non trẻ, còn thiếu thốn hàng hóa.

Nược Áo chính là cây cầu nối hàng hóa giữa Tây và Đông, các nước Đông Âu có hàng ngàn khu chợ, hàng trăm ngàn doanh nghiệp Việt Nam, nếu các anh chị bên này chạy đúng nguồn hàng, đúng sự kiện thì các anh chị có chở hàng sang bằng tàu hỏa hay tàu biển chúng tôi cũng mua hết!

Là một thị trường rộng lớn, Châu Âu luôn luôn có sự chênh lệch về hàng hóa và giá cả, không phải do mặt bằng đời sống mà do sự sản xuất và tiêu thụ ở từng vùng, từng khu vực có khác nhau. Xin đưa ra một số ví dụ. Nước tắm Camay ở Hungary bán rất chậm nên giá thành rẻ, mọi người chở cả… xe tải về Czech bán thì lại rất được và có giá. Hoặc, tôi thấy ở Hung có người nhập rất nhiều bia lager Hà Lan để bán, rồi thì ở Ba Lan chở đồ ngọt sang đây đổi lấy dầu ăn… Sơ qua, cũng thấy là khả năng trao đổi hàng hóa ở Châu Âu rất lớn và có rất nhiều tiềm năng, thế mà chúng ta chưa tận dụng được mấy, hoặc nếu có thì vẫn ở mức độ nhỏ, lèo tèo, không chính thức và chưa có quy mô lớn.

Kính thưa các anh chị,

Tại Hungary, tôi có một hệ cửa hàng bán lẻ, hàng ngày tôi nhận được rất nhiều hàng mẫu từ khắp nơi gửi đến, thế nhưng nhìn các mẫu hàng thì thấy hàng từ Tây Âu là biết ngay. Vì sao? Vì hàng Tây Âu bao bì đẹp, hình thức bắt mắt và chất lượng tốt. Không những thế, đứng sau mỗi một mặt hàng Tây Âu là cả một hệ thống tiếp thị (marketing) dày đặc và sâu rộng. Do vậy, chúng tôi thích nhập hàng từ Tây Âu để bán và bán rất chạy. Ví dụ, ở Áo có những mặt hàng nổi tiếng, tiêu thụ rất mạnh ở Đông Âu như kẹo sô-cô-la Mozart, nước uống tăng lực Red Bull…

Một thuận lợi lớn của Cộng hòa Áo là xuất phát từ đây, nếu chúng ta đi ngang dọc Châu Âu, từ Anh đến Hy Lạp, từ Bồ Đào Nha đến Ba Lan, chúng ta đều có thể sử dụng được tiếng Đức. Bởi lẽ, ở Châu Âu, tiếng Đức là một ngôn ngữ chính, ngang hàng với tiếng Anh và Pháp. Chúng tôi đi mua hàng mà nói tiếng Hung hay tiếng mấy nước Đông Âu, mặc cả xong thì… hết ngày, chua nói là chờ hàng về, về tới nơi thì chợ đã đóng cửa!

Mỗi một đất nước, mỗi một vùng, một khu vực đều có những điểm mạnh, điểm yếu, nếu chúng ta biết khai thác sức mạnh tiềm tàng, kết hợp với thời cơ, thì chúng ta sẽ có nhiều “bữa cơm” thịnh soạn và ngon miệng. Nếu các anh chị ăn không hết thì mời hàng xóm chúng tôi sang ăn cùng, đúng với ý tưởng các anh chị doanh nghiệp Việt Nam tại Áo đề ra: GIA ĐÌNH GIÀU, CỘNG ĐỒNG VỮNG MẠNH!

Một lần nữa, xin chúc các đại biểu mạnh khỏe. Chúc đại hội thành công rực rỡ!

Phạm Ngọc Chu


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn