Giáng sinh “nóng” ở Hawaii, không có tuyết nhưng vẫn có ông già Tuyết
Đọc bài “Đếm từng ngày trên đất Mỹ” (tâm sự của Thùy Dương) và các lời bình luận trên mạng vnexpress.net liên quan tới đời sống của các du học sinh Việt Nam tại nước ngoài, tất nhiên tôi không khỏi nghĩ đến trải nghiệm của bản thân mình, bởi vì tôi cũng đã du học ở Mỹ, sống một mình gần 4 năm ở Hawaii, nơi được coi là “thiên đường” trên trái đất.
Phải nói là tôi có sự may mắn hơn Thùy Dương là tôi du học theo diện học bổng của chính phủ Mỹ, nên về mặt tài chính không gặp khó khăn gì nhiều. Khi đến nơi lại được bạn bè chưa quen ra đón, mời ăn tối, đưa đi chợ, hướng dẫn đủ điều. Vì vậy, có nhiều nỗi khổ của Thùy Dương, có lẽ tôi sẽ chẳng bao giờ hiểu hết được.
Song, nói như vậy không có nghĩa là tôi hoàn toàn hạnh phúc và tự mãn với cuộc sống sinh viên du học của mình. Tôi cũng cô đơn lắm chứ, cũng tủi thân khi nằm ốm một mình chứ, nhớ và thương mẹ vô cùng, nhớ người yêu, nhớ đồ ăn Việt Nam chứ, cũng đã từng thầm đếm khi hết một tháng ở Mỹ là “được 1/24 thời gian rồi”, và khi được 2 tháng thì lại tự nhủ “được 1/12 thời gian rồi...” (Số phận xoay vần, học xong bằng thạc sĩ, tôi quyết định học tiếp tiến sĩ nên mới ở Mỹ lâu như vậy).
Mỗi cá nhân có một tính cách, một hoàn cảnh sống khác nhau, tôi chỉ xin nói về những điều mà tất cả chúng ta đều có thể có được hay trải qua.
Khi 9 tuổi, tôi đã rất thích thú khi được giúp mẹ đi xếp hàng mua rau và đậu phụ ở cửa hàng cách nhà mình gần 2 km, rồi hì hục xách làn nặng về nhà, và tự hào là mình tuy nhỏ bé nhưng cũng rất khỏe và kiên nhẫn.
Vì vậy, khi phải đi bộ 4 km từ siêu thị về ký túc xá với chiếc ba-lô trên vai và hai túi đủ thứ đồ ăn lỉnh kỉnh nặng ngót 20 kg cho cả tuần, tôi chỉ thấy khát nước chứ chẳng cảm thấy tủi thân hay khổ sở gì hết.
Khi 11 tuổi, có bận bố mẹ tôi đã yên tâm để tôi trông nhà một mình suốt 3 ngày vì có việc tang lễ đột xuất ở quê. Tôi đã rất vui sướng vì sự tin cậy và cơ hội được tự lo cơm ăn nước uống cho mình trong mấy ngày đó.
Và khi sống một mình cô đơn, tôi luôn nghĩ đến một điều: “Nothing lasts forever”. Mọi thứ đều sẽ kết thúc, cứ kiên nhẫn học và chờ đợi, cũng như trước đây mình đã từng đợi bố mẹ về.
Khi 22 tuổi, mặc dù sống và làm việc ở Hà Nội, tôi đã xin phép bố mẹ cho thử nghiệm tự thuê nhà, sống hoàn toàn độc lập về tài chính cũng như tổ chức cuộc sống trong 6 tháng để biết cảm giác và những khó khăn của nó. Trong nửa năm đó, tôi gầy rộc đi, ăn uống thất thường, phải đối mặt với một tình huống bị quấy rối tình dục, nhưng rốt cục đã thoát ra được và cảm thấy tự tin hơn nhiều. Đó là một trải nghiệm rất lý thú và theo tôi là sự chuẩn bị không tồi cho việc du học của tôi 5 năm sau đó.
Cùng hai người bạn Việt Nam tại một nhà hàng ăn Việt Nam ở Chinatown, New York, Tết 2010 (tác giả ngồi giữa)
Và điều quan trọng nhất, tôi biết là mọi thứ đều có cái giá của nó. Muốn học hành tử tế thì phải vất vả, muốn có sự nghiệp tốt đẹp thì phải hy sinh chút hạnh phúc yên ấm bên gia đình, muốn trưởng thành thực sự thì phải bỏ bớt những cái phù phiếm xa hoa. Tôi nghĩ, nếu chúng ta nghĩ được như vậy, thì mọi khó khăn gian nan sẽ bớt nặng nề đi rất nhiều. Điều này nói ra có thể hơi nghiệt ngã, nhưng nếu bạn quá tình cảm, quá tha thiết với quê hương và gia đình, có lẽ bạn đừng nên cố gắng đi du học làm gì cho khổ. Nên biết rõ cái gì đối với mình là quan trọng hơn.
Kể cũng lạ, cái mà tôi thấy khó khăn nhất thì Thùy Dương lại không hề nói đến. Đó là áp lực học hành nặng khủng khiếp. Số sách phải đọc mỗi tuần quá nhiều, trung bình 3-4 quyển, khoảng 1.000 trang, bằng tổng số sách tôi phải đọc suốt 4 năm đại học (không kể các giáo trình ngoại ngữ). Chỉ đọc thôi chưa đủ, sinh viên lại còn phải viết tiểu luận, bình luận sách hàng tuần. Hơn nữa, giáo sư Mỹ yêu cầu sinh viên phải viết một cách có tư duy phê phán, sáng tạo, điều mà ở Việt Nam hoàn toàn xa lạ.
Cuối học kỳ, tuần nào tôi cũng phải giam mình trong phòng 24/7 để viết final research (bài tiểu luận cuối kỳ), ăn uống hoàn toàn ở trong phòng. Tôi đã gần như không bao giờ có những ngày nghỉ cuối tuần. Thậm chí, khi đến dịp nghỉ Giáng sinh và hè thì lại bị sốc vì nhịp độ học và hoạt động trí não bị phanh đột ngột, lại mong được đi học trở lại để trốn cảm giác hẫng hụt cô đơn.
Vì Thùy Dương đã có chồng, nên ít nhiều bạn cũng “ván đã đóng thuyền,” tình cảm riêng tư có phần vững vàng, không như rất nhiều du học sinh khác, chỉ sau một thời gian ngắn, đã không còn đủ tự tin và chung thủy với người yêu ở nhà (điều này thường xảy ra cả từ hai phía). Trong không ít trường hợp, việc chia tay, sa vào các mối quan hệ khác và gặp sóng gió vui buồn là tất yếu...
Tôi thấy tiếc cho Thùy Dương, sống ở Hà Nội, chẳng lẽ bạn chưa bao giờ nghe nói đến Viện Giáo dục Quốc tế, nơi tôi đã từng làm việc trước đây? Viện này mỗi năm tổ chức 2 đợt đào tạo tiền du học hoàn toàn miễn phí vào tháng 6 và tháng 12, với sự chuẩn bị hết sức công phu và có sự tham gia của các sinh viên đã và đang du học ở Mỹ, kéo dài trong 2 ngày. Theo tôi, nó rất hiệu quả trong việc chuẩn bị tinh thần và kiến thức văn hóa, cách học, cách sống ở Mỹ cho các sinh viên đã có visa mời học, sắp lên đường đi du học.
Ngoài ra, đa số các trường đại học ở Mỹ đều có một văn phòng hỗ trợ sinh viên nước ngoài, đặc biệt là các sinh viên mới (tôi muốn nói đến các trường tốt hay trung bình khá với thứ hạng thứ 3 trở lên - ở Mỹ có khoảng 3.000 trường thế này). Bạn có thể liên hệ trước để được hướng dẫn hay đón ở sân bay, hay trợ giúp việc tìm nhà, chuyển nhà. Có nhiều điều Thùy Dương nói đáng lẽ ra đã hoàn toàn có thể tránh được hay ít ra là chuẩn bị tinh thần để không bị sốc nếu bạn đã có dịp tham gia một khóa đào tạo tiền du học như vậy.
Cuối cùng, đáng ra Thùy Dương có thể cảm thấy mình may mắn khi có điều kiện du học ở Mỹ, nơi giá trị bằng cấp khá cao, nơi sự khác biệt màu da, văn hóa, quan điểm, ngôn ngữ... nhìn chung được chấp nhận, và cư dân châu Á chiếm khá đông nên hầu hết sinh viên Việt Nam không cảm thấy quá lạc lõng thèm nhớ hương vị đồ ăn quê nhà.
Đỗ Ngọc Bích, từ Connecticut, Hoa Kỳ - Ảnh do tác giả cung cấp
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn