MỘT NĂM THÀNH LẬP HỘI DOANH NGHIỆP NGƯỜI VIỆT TẠI CỘNG HÒA ÁO

Thứ năm - 30/09/2010 00:28

(NCTG) Cách đây 1 năm, tại thủ đô Vienna (Cộng hòa Áo), Hội Doanh nghiệp Người Việt tại Cộng hòa Áo (AVBA) đã được thành lập và tổ chức Đại hội Lần thứ nhất (nhiệm kỳ I), đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong đời sống cộng đồng và kinh doanh của người Việt ở xứ sở xinh đẹp này.

Chị Đinh Kim Dung, Chủ tịch AVBA, cùng các thành viên Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Hungary ở Đại hội I

Là một nước láng giềng, có lịch sử và nền văn hóa gần gũi với Hungary, với diện tích và dân số bằng chừng 4/5 của Hungary, Cộng hòa Áo là một quốc gia rất phát triển trong vùng Trung Đông Âu.

Xứ sở tươi đẹp

Nhìn lại lịch sử, sau Đệ nhị Thế chiến, nước Áo bị quân đội Đồng Minh chiếm đóng và chia làm bốn vùng. Nước này chỉ được độc lập vào mùa hạ năm 1955, sau khi cam kết không gia nhập một “liên minh” nào nữa, và sẽ giữ trạng thái “trung lập vĩnh viễn”.

Cam kết được ghi vào Hiến pháp đó đã khiến đất nước xinh đẹp và hài hòa này tránh được những đụng độ căng thẳng thời Chiến tranh lạnh, để tới nay, Áo là nước công nghiệp phát triển với phúc lợi xã hội cao, thu nhập bình quân đầu người đứng thứ 12 trên thế giới (38.839 USD, số liệu năm 2008).

Thủ đô Vienna, cạnh New York và Geneva, là trụ sở thứ ba của văn phòng Liên Hiệp Quốc. Trên 50.000 công dân Áo là quân nhân, quan sát viên quân sự, cảnh sát dân sự và chuyên gia dân sự của UN trên toàn thế giới. Vienna còn là nơi đặt trụ sở của nhiều tổ chức quốc tế,  v.v... cùng nhiều tổ chức phi chính phủ khác.

Thủ đô Vienna tráng lệ với những thành quách, cung điện của vương triều Habsburg

Với bề dày lịch sử và văn hóa đáng nể, Vienna còn là trụ sở thứ ba của văn phòng Liên Hiệp Quốc (cạnh New York và Geneva), đồng thời, cũng là nơi đặt trụ sở của nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA, từ 1957), Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE), Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC), v.v...

Là nước có nền du lịch rất mạnh, dựa trên tầm văn hóa cao, hệ thống hạ tầng phát triển, cùng những thắng cảnh, di tích và các bể tắm chữa bệnh, hàng năm, có hơn 30 triệu du khách ngoại quốc đến Áo và doanh thu từ du lịch của Áo đứng vào các nước hàng đầu thế giới. Ngoài Vienna, du khách thường không bỏ qua Salzburg, quê hương của thần đồng âm nhạc Mozart, hay Tyrol, Linz, những thành phố xinh xắn với vẻ đẹp như trong tranh.

Nói đến Áo, còn phải nhắc đến một vương quốc của âm nhạc với Trường phái Cổ điển Vienna lừng danh và các nhà soạn nhạc hàng đầu thế giới như Joseph Haydn, Wolfgang Amadeus Mozart, Franz Schubert, Johann Strauß (cha), Johann Strauß (con - được mệnh danh là “ông vua của điệu waltz”)...

Các đô thị Vienna và Salzburg gắn liền với khái niệm nhạc cổ điển và các sinh hoạt âm nhạc tầm vóc quốc tế. Viện Hàn lâm Âm nhạc Vienna, Dàn nhạc Giao hưởng Vienna và Nhà hát Opera Quốc gia Vienna là những chuẩn mực trong nền âm nhạc cổ điển thế giới.

Đặc biệt, buổi hòa nhạc năm mới của Dàn nhạc Giao hưởng Vienna được truyền đến 44 quốc gia trên thế giới, thu hút hàng tỉ người theo dõi, là một sự kiện âm nhạc mang tính hoàn cầu.

Đất lành của cộng đồng Việt

Cộng hòa Áo và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao vào cuối năm 1972, nhưng phải đến mùa hè 1991, phía Việt Nam mới mở ĐSQ thường trú tại Áo. Cũng phải chờ 7 năm nữa, phía Áo mới mở ĐSQ thường trú tại Việt Nam.

Tuy nhiên, cộng đồng Việt Nam tại Áo thì đã hình thành và phát triển trước hai mốc thời gian sau này khá lâu. Khởi đầu là những người Việt nhập cư Áo sau biến cố 1975 và sau đó, từ những năm 90 thế kỷ trước, có thêm nhiều du học sinh sang Áo, ở lại làm việc, sinh sống.

Cùng các thân nhân nhập cảnh Áo theo diện đoàn tụ gia đình, hiện tại, Cộng hòa Áo là quê hương thứ hai của chừng 4-5 ngàn người, đại đa số đều có cuộc sống ổn định. Nhiều người trong số đó là những doanh nhân thành đạt.

Thời gian gần đây, quan hệ ngoại giao và thương mại Việt Nam - Áo từng bước được đẩy mạnh. Áo đã tài trợ cho Việt Nam trên 3 lĩnh vực trọng tâm là đường sắt, y tế và giáo dục đào tạo; viện trợ phát triển (ODA) của Áo được đánh giá là thực hiện có hiệu quả tại Việt Nam.

Tính đến năm ngoái, đã có hơn 200 doanh nghiệp vừa và nhỏ của Áo đang hoạt động tại Việt Nam, đóng vai trò đáng kể cho sự thành công của các hoạt động hợp tác kinh tế song phương.

Ngoài ra, thông qua Chương trình hợp tác ASEA-UNINET, hàng năm Áo cung cấp cho Việt Nam khoảng 20 học bổng đào tạo sau đại học.

Những bước tiến trong quan hệ hợp tác giữa hai nước, cũng như sự phát triển của cộng đồng Việt tại Áo đặt ra nhu cầu thành lập những hội, đoàn mang tính xã hội và chuyên môn, mà Hội Doanh nghiệp Người Việt tại Cộng hòa Áo (AVBA) là tổ chức đầu đàn.

“Doanh nghiệp đi trước, làng nước theo sau”

Thành lập ngày 2-9 và tổ chức Đại hội Lần thứ nhất ngày 24-10-2009, sự có mặt của AVBA là một biến cố đáng kể trong sinh hoạt cộng đồng và đời sống kinh doanh của người Việt tại Áo.

Được hình thành trên nguyên tắc tự nguyện, đặt mục tiêu tăng cường sự hợp tác, trao đổi thông tin, giúp đỡ nhau trong hoạt động kinh doanh và bảo vệ quyền lợi chính đáng của các hội viên, AVBA hướng tới việc mở rộng hoạt động kinh doanh, tăng cường sự liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam phát triển.

Ngoài ra, AVBA còn có kỳ vọng đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội nước Áo, cũng như, góp phần tăng cường quan hệ kinh tế hai nước Áo - Việt Nam. Thạc sĩ Đinh Kim Dung, đại diện các doanh nghiệp Áo tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam tại Châu Âu 2008 (tổ chức tại TP Balatonfüred, Hungary), được bầu làm Chủ tịch Hội, lãnh đạo một Ban Chấp hành gồm 7 thành viên.

Ban Chấp hành AVBA chụp ảnh kỷ niệm cùng các đại diện doanh nghiệp Việt Nam tại Đông Âu

Sự ra đời của AVBA còn có ý nghĩa ở chỗ, nó khẳng định doanh nghiệp Việt Nam là một bộ phận của cộng đồng Việt Nam tại Áo, và là tiền đề tiến tới thành lập Hội người Việt Nam tại Áo, như nhận định của Đại sứ Nguyễn Bá Thân trong Đại hội I.

Một năm trôi qua, vào cuối tuần này, AVBA sẽ kỷ niệm một chặng đường tuy ngắn nhưng nhiều ý nghĩa của mình. Được biết, tại lễ kỷ niệm, sẽ có sự hiện diện của nhiều đoàn doanh nghiệp Việt Nam tại các nước láng giềng, đã hỗ trợ và song hành cùng AVBA trong thuở ban đầu.

Có thể kể đến đoàn từ Hungary (Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Lê Thanh Bình dẫn đầu), từ Slovakia (Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Trần Văn Kha dẫn đầu), từ Cộng hòa Czech (Chủ tịch Hội người Việt Nam Hoàng Đình Thắng dẫn đầu)... Đại diện Liên hiệp các Hội doanh nghiệp Việt Nam tại châu Âu, ông Hoàng Mạnh Huê cũng sẽ có mặt trong buổi kỷ niệm.

Phù hợp với vai trò “đầu tầu” của giới doanh nghiệp trong các hoạt động cộng đồng, hy vọng rằng trong một tương lai không xa, những tổ chức xã hội khác của bà con Việt Nam cũng sẽ được thành lập, làm phong phú hóa đời sống của cộng đồng Việt Nam trên nước bạn.

Hoàng Linh, từ Budapest


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn