THỊ TRƯỜNG ĐÔNG ÂU VÀ VIỆC NHẬP KHẨU HÀNG VIỆT NAM VÀO CHÂU ÂU (3)

Chủ nhật - 26/09/2010 02:00

(NCTG) Hàng hóa Việt Nam có mặt trên thị trường thế giới và Châu Âu rất ít, lèo tèo vài loại, nếu có thì toàn ở chợ là chính, thế mà chợ sắp tới người bán đông hơn người mua chẳng nhẽ cứ ngồi cả ngày nhìn MADE IN VIỆT NAM nằm im một chỗ.

Xem Phần 2 của bài viết.

Các sản phẩm của nước ngoài thường được mô tả thân thiện với môi trường

● Hàng Việt èo uột trên thế giới, nguyên nhân ở đâu?

Cộng đồng Việt sống trên thế giới và Châu Âu rất đông, tại sao hàng Việt vẫn lèo tèo trên các thị trường này?

Phải chăng tại nhà nước ta… gây khó dễ? Không phải, ngày xưa có thể đổ lỗi được, chứ bây giờ nhà nước Việt Nam luôn có ý thức tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa để thu ngoại tệ về.

Tại hàng hóa Việt Nam sản xuất ra kém chất lượng? Không phải! Tôi hỏi cả ngàn khách hàng Châu Âu là hàng Trung Quốc có tốt không thì 100% mọi người đều trả lời là KHÔNG, thế mà hàng của họ có ở khắp nơi trên thế giới cả về số lượng đến chủng loại, thế thì tại sao?

Chẳng nhẽ ta lại đổ tại bên đầu Châu Âu nhập yếu: nếu đổ tại như thế thì có khác nào khi mang hàng đi bán, khách hàng không mua lại bảo họ ngu si!

Từ khi Việt Nam chuyển đổi nền kinh tế thị trường, một số doanh nghiệp đã tận dụng được thời cơ phát triển một cách nhanh chóng và bền vững, đó là tấm gương chúng ta phải học. Thế nhưng cũng cần phê phán một số doanh nghiệp mới chạy nửa đường đã dừng lại, nhìn cái bóng mình to đã nghĩ mình to, không chạy tiếp, phấn đấu tiếp.

Tôi có dịp tiếp xúc rất nhiều doanh nghiệp từ trong nước sang thăm Châu Âu, một lần có doanh nghiệp nói với tôi “hàng của anh xuất sang Mỹ, Úc, Nhật, chứ thị trường Hung, Tiệp bé”, tôi hỏi luôn thế anh sang đây làm gì. “Tôi đi tháp tùng chủ tịch”, anh đáp. Nhưng kỳ thực anh làm sao có đủ điều kiện để “tháp tùng”, chẳng qua là anh “trả tiền mua vé vào rạp”.

Tôi còn chưa nói cho anh ấy biết hàng năm doanh nghiệp Trung Quốc họ đưa hàng sang thị trường Hung xấp xỉ một tỷ đô-la Mỹ, anh quá bé anh lại đổi người ta bé!

Đấy là chưa kể một số doanh nghiệp thiếu kiến thức xã hội, mới có chút tiền đã tự nâng cao vai trò bản thân là “đại gia”, “đẳng cấp”, “thượng lưu”. Sai lầm của bản thân dẫn đến sản phẩm và đường lối kinh doanh của các doanh nghiệp đó cũng sai đường, chệnh hướng.

● Sai lầm trong định hướng tiếp thị, quảng cáo

Nói đến Việt Nam, người dân Châu Âu ai cũng nghĩ đó là một dân tộc anh hùng trong chiến đấu, cần cù lao động bằng hai bàn tay trong môi trường thiên nhiên trong sạch của trời và đất. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã sai lầm quảng cáo sản phẩm của mình là cao siêu, thượng hạng, làm ra từ những dây chuyền công nghiệp bằng sắt thép to lớn hiện đại. Khách hàng Châu Âu, nghe nhìn đã thấy ớn, huống chi là mua mang về.

Nói đến chè Lipton ai cũng nghĩ là của Anh Quốc, hoặc đồ ăn Nestlé của Thụy Sỹ, sản phẩm từ một nước có nền văn hóa và công nghiệp cao nhất thế giới thế. Mà họ quảng cáo sản phẩm không khoe máy móc kỹ thuật cao mà lại là những cánh đồng chè xanh tươi mênh mông bát ngát.

Bên cạnh là một nhà sư và một thanh niên Châu Âu vui cười đi ngắm nghía, vuốt ve sản phẩm. Nói đến nhà sư ai cũng biết đó là người có phẩm chất đạo đức cao, thật thà hiền lành sống bên cạnh thiên nhiên tĩnh mịch. Một con người mà không bao giờ nghĩ xấu ai, nói xấu ai, tấn công ai... mà ngược lại luôn đem lại phước lành cho người khác.

Đấy là còn chưa kể văn hóa Phật giáo của Châu Á là thị trường to lớn cần phải chiếm lĩnh. Các nhà sản xuất ôtô khổng lồ trên thế giới, quảng cáo sản phẩm của mình cho xe chạy vào trong rừng, ếch nhái nhảy xung quanh, vượn khỉ ôm nhau vui cười nhảy múa.

Tôi cho rằng các nhà sản xuất Việt Nam mang hàng sang Châu Âu bán, quảng cáo sản phẩm của mình nên dùng hình ảnh người với người đoàn kết thương yêu nhau, cùng chung nhau bảo vệ thiên nhiên cuộc sống, môi trường. Tôi khẳng định một điều nếu ta dùng con trâu kéo gạo đi bán thì dân Châu Âu sẽ đổ xô đến mua đông hơn là gạo chuyên trở trên xe ôtô.

Tôi có một nghiên cứu về thị trường và khách hàng ở Châu Âu như sau. Đầu thập kỷ 90, chúng tôi cầm mấy đồng hồ điện tử không mác hiệu xuống ga tầu điện ngầm nơi đông người qua lại, vừa rút hàng ra khỏi túi đã có rất nhiều người xồ đến mua. Còn bây giờ có cầm đồng hồ mác hiệu nổi tiếng, cũng đến đúng bến ga đó chìa ra bán, mặc dù giá rẻ một nửa so với cửa hàng nhưng cũng không ai mua.

Chúng tôi cầm một số mặt tiêu dùng nhẹ như chiếc bánh, lọ nước tắm mang ra phố chìa ra cho mọi người đang đi bộ, ai cũng né tránh chúng tôi, có ít người nhận, nhìn xem qua rồi vứt vào thùng rác, vài người nhận và cho vào túi, nhiều người nghĩ chúng tôi là những người lẩn thẩn...

Như thế, thị trường và phong cách mua hàng, tiếp cận hàng hóa của dân Châu Âu hoàn toàn khác hẳn. Nhiều lúc hàng rẻ, chất lượng tốt chưa chắc đã có người mua, hoặc đem hàng cho người ta mà không có phần giới thiệu “bắt mắt” người ta cũng không lấy. Thị trường hiện nay hàng hóa đầy rẫy cho nên khách hàng luôn cần một tên, một địa chỉ, một nội dung bảo hành tin cậy.

Có những sản phẩm rất đẹp, làm rất công phu nhưng rất ít người mua, nếu họ có mua thì không biết đến bao giờ mới mua tiếp lần thứ hai...” - Ảnh minh họa

Hàng hóa Việt Nam ít có mặt ở các cửa hàng Châu Âu với nguyên chính là rất nhiều nhà sản xuất ở Việt Nam không hiểu chút gì về thị trường Châu Âu, không hiểu cách thâm nhập một thị trường mới như thế nào, không biết cách chào hàng và làm marketing làm sao... Thật là sai lầm!

Rất nhiều nhà sản xuất Việt Nam chạy theo lợi nhuận trước mắt, dùng vốn sản xuất để đầu tư cái lợi “bong bóng” như: bất động sản, cổ phiếu, chứng khoán, mà quên mất những lợi ích lâu dài của nhà máy như: đổi mới công nghệ sản xuất, mở rộng thị trường, quảng cáo sản phẩm...

● Đề xuất phương hướng nhập hàng Việt

Hàng hóa Việt Nam sang Châu Âu chủ yếu ở các nước Đông Âu từ những thập kỷ trước trên cơ sở hiệp định ký kết giữa hai nhà nước. Sau này, các doanh nghiệp nhập sang chủ yếu bán ở chợ, hai phương thức này sẽ càng ngày càng teo đi không có hiệu quả.

Xin có một số kiến nghị cho các nhà sản xuất như sau:

1. Xây dựng chiến lược xuất khẩu hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài là việc làm “sống còn”, lợi ích này không chỉ có 5 hoặc 10 năm mà cả cho các thế hệ mai sau. Cho nên chúng ta quyết tâm phải làm.

2. Mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa là việc làm cực kỳ khó khăn cần đòi hỏi trí tuệ, công sức và tài chính nữa. Triển khai một mặt hàng mới ra thị trường mới, mất rất nhiều thời gian công sức và tiền bạc, số tiền để đầu tư triển khai thị trường mới ban đầu lớn hơn rất nhiều số tiền hàng mình nhập sang, thế nhưng về lâu dài có lợi rất nhiều.

3. Chi phí cho văn phòng đại lý hoạt động ở Châu Âu rất lớn, cho nên một cơ sở sản xuất không đủ tài chính nuôi nó, chúng ta có thể chung nhiều nhà máy, nhiều sản phẩm để mở văn phòng đại lý triển khai thị trường mới.

4. Các nhà sản xuất Việt Nam nên nghiên cứu chú trọng làm ra những sản phẩm tiêu thụ đại chúng, nhiều người mua, nhiều người dùng và dùng liên tục vừa dùng vừa vứt đi. Nói ví dụ: một đôi tất sẽ dùng nhiều và vứt đi nhanh hơn là chiếc áo sơ-mi, một gói bột canh sẽ dùng nhiều và thường xuyên hơn là gói mì ăn liền...

Tôi đi xem triển lãm hàng xuất khẩu của Việt Nam có nhiều sản phẩm rất đẹp, làm công phu nhưng rất ít người mua, nếu họ có mua thì không biết đến bao giờ mới mua tiếp lần thứ hai. Đó là những lọ hoa bằng đá, tượng khắc gỗ, tranh sơn mài, tranh thêu... Có những sản phẩm khác tuy đẹp, làm khó nhưng mang sang Châu Âu bán thì triệu người may ra mới có một người mua: tranh mầu sơn mài, khắc đá các vị lãnh tụ và các nhà hoạt động chính trị...

Xem tiếp Phần 4.

Phạm Ngọc Chu – Còn tiếp


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn