THỊ TRƯỜNG ĐÔNG ÂU VÀ VIỆC NHẬP KHẨU HÀNG VIỆT NAM VÀO CHÂU ÂU (1)

Thứ ba - 21/09/2010 01:31

(NCTG) “Khủng hoảng kinh tế đối với cộng đồng doanh nhân Việt Nam ở Đông Âu không phải bây giờ mới xảy ra, mà đã xảy ra hơn 10 năm về trước mà chúng ta không hay biết hoặc chưa ý thức được”, quan điểm của anh Phạm Ngọc Chu, một doanh nghiệp thành đạt tại Hungary.

Đã chấm dứt thời kỳ làm ăn dễ dàng của người Việt Nam tại Đông Âu - Ảnh: một gian hàng của người Việt tại chợ Sân Vận Động (Ba Lan), nay đã đóng cửa

LTS: Tháo gỡ, khắc phục những khó khăn, hậu quả của cuộc khủng hoảng toàn cầu và thúc đẩy hoạt động kinh doanh tại các nước sở tại là một trong những chủ đề chính của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam tại châu Âu lần thứ V, vừa được tổ chức tại Liên bang Nga vào trung tuần tháng 9 qua.

Xin giới thiệu với bạn đọc nội dung tham luận được đọc tại Diễn đàn của anh Phạm Ngọc Chu, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Hungary, Tổng giám đốc Công ty Limexport, về các vấn đề rất được quan tâm hiện nay như thị trường Đông Âu và việc đưa hàng Việt Nam vào thị trường này, cũng như, những kinh nghiệm về việc tạo dựng thương hiệu Việt tại Châu Âu.

Tựa đề và các tiểu tựa, phân đoạn… do chúng tôi tạm thực hiện (NCTG).

*

Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã gây hậu quả khủng khiếp, khiến bao nhiêu nhà máy đóng cửa, bao nhiêu công ty phá sản, hàng triệu người không có công ăn việc làm, sức mua của xã hội giảm sút nhanh chóng.

Khủng hoảng kinh tế cũng ảnh hưởng ghê gớm đến các cộng đồng Việt Nam ở Châu Âu, nhiều gia đình không dám mở rộng kinh doanh: vợ đứng bán, chồng phải chạy hàng hay ngược lại. Nhiều cặp vợ chồng phải gửi con về Việt Nam nhờ ông bà nuôi, hai người ở lại tiếp tục “chiến đấu”, không ít gia đình bế tắc trong cuộc sống, trong kinh doanh, không tìm ra lối thoát phải đưa nhau về Việt Nam sinh sống, như một cuộc di cư lần thứ hai...

Đó là một vài trong số rất nhiều hình ảnh đau buồn mà chúng ta đã và đang nhìn thấy.

● Một cuộc khủng hoảng đã được báo trước

Tuy nhiên, khủng hoảng kinh tế đối với cộng đồng doanh nhân Việt Nam ở Đông Âu thì không phải bây giờ mới xảy ra, mà đã có hơn 10 năm về trước mà chúng ta không hay biết hoặc chưa ý thức được.

Tại Hungary, từ khi nhà nước ra chính sách quản lý chặt chẽ và đánh thuế cao những mặt hàng tiêu thụ đặc biệt như: xăng dầu, thuốc lá, rượu, cà phê và kiểm tra chặt chẽ hàng không chính hiệu, đa số người buôn bán các mặt hàng này rơi vào hoàn cảnh khó khăn.

Ở Tiệp cũng vậy, khi giá cả nội địa tăng cao nhanh chóng, giá không chênh lệch nhiều so với các nước chung biên giới Đức, Áo, vì thế không chỉ chợ ở trong thành phố mà chợ ở các biên giới càng ngày càng vắng người mua.

Còn ở Ba Lan, khủng hoảng kinh tế đối với người Việt diễn ra từ khi nhà nước đóng cửa biên giới, người Nga sang Ba Lan phải xin visa, việc đi lại trao đổi hàng hóa càng trở nên khó khăn, thị trường bị thu hẹp.

Rồi ở Nga, khủng khoảng từ chỗ chính quyền phối hợp với cảnh sát nhiều lần ập vào khu người Việt Nam sinh sống và kinh doanh, tịch thu hàng hóa, tài sản, kể cả tiền mặt và đồ trang sức có giá trị.

Hơn nữa, khủng hoảng kinh tế đối với người Việt Nam còn ở chỗ chúng ta mang ồ ạt hàng Trung Quốc, hàng Thổ Nhĩ Kỳ sang bán và mở thị trường cho dân bản địa, rồi một thời gian sau hàng bán chạy họ “hất” chúng ta đi, tự tay họ đem đi bán.

Khủng hoảng do chúng ta buôn bán làm ăn mà ít khi chịu tìm tòi, nghiên cứu luật pháp chính sách nước sở tại, từ việc xin giấy phép đăng ký kinh doanh mở cửa hàng đến luật thuế hải quan, luật bảo vệ người tiêu dùng, vệ sinh dịch tế, phòng cháy chữa cháy... Luật lệ nước sở tại luôn thay đổi mà chúng ta không biết, nên chúng ta dễ làm sai và hay bị phạt...

● Thị trường Đông Âu qua các thời kỳ

Muốn chế ngự khủng hoảng, trước hết, cần xác định thị trường Đông Âu qua các giai đoạn hình thành và phát triển của nó. Xin được tạm chia làm ba giai đoạn như sau.

♦ Giai đoạn 1 (1990-2000): Đầu những năm 90, khi các nước Đông Âu thay đổi thể chế chính trị và xã, các đảng phái đang mải tranh giành quyền lực chiếm chỗ trong chính phủ, luật pháp mới chưa hoàn thiện, thị trường thì vẫn là mô hình kinh tế XHCN, sản xuất và phân phối theo kế hoạch, cho nên xã hội luôn luôn thiếu hàng hóa, cung không đủ cầu.

Người dân ở những nước này có tiền cũng không mua được hàng hóa, lúc đó buôn bán rất dễ dàng, nhiều người Việt hai tay sách hai túi hàng đi xe buýt đến chỗ đông người, trải tấm ni-lông bày hàng ra bán, chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ đến trưa là đã bán hết sạch hàng. Có người khác cầm mấy tút thuốc chưa đi đến ngã ba, ngã tư đã bán hết phải quay về lấy nhiều lần...

Bằng cách ấy, chúng ta cũng phát triển: mua được xe ôtô chở hàng, đi bán hàng không phải trải chiếu xuống đất nữa mà đã có cái bàn để bày hàng và chợ Việt Nam bắt đầu hình thành từ đây. Với kiểu làm ăn này, chúng ta đã giàu lên nhanh chóng, nhiều người “phất lên” từ đây trở thành các “đại gia” bây giờ. Giai đoạn này có thể gọi vui là “mưa vàng”, hay “chợ vàng” – đánh dấu mốc thành công nhất trong kinh doanh của cộng đồng người Việt ở Đông Âu.

♦ Giai đoạn 2 (2000-2010): Sau một thời gian dài nền chính trị các nước Đông Âu đã ổn định, pháp luật đã được sửa đổi nhiều lần cho phù hợp với tình hình kinh tế xã hội, các nhà máy mới bắt đầu được xây dựng, xã hội chuyển dần sang kinh tế thị trường tư bản ở giai đoạn đầu còn non trẻ nhưng báo hiệu một nền kinh tế phát triển, báo hiệu một xã hội sẽ tràn ngập hàng hóa trong tương lai.

Giai đoạn này cũng là thời kỳ các công ty đa quốc gia xâm chiếm ồ ạt thị trường Đông Âu: chỉ trong thời gian ngắn, các hệ thống bán lẻ đã mọc nhanh như nấm, các supermarket, các hypermarket, các trung tâm buôn bán lớn phát triển lan nhanh, trải rộng khắp thị trường Đông Âu từ thành phố đến nông thôn. Nhiều công ty bản xứ không cạnh tranh được phải phá sản, các cửa hàng đóng cửa và ông chủ phải đi làm thuê cho các công ty nước ngoài.

Đây là giai đoạn khó khăn nhất của người Việt Nam làm ăn ở Châu Âu: buôn bán trở nên khó khăn, cạnh tranh khốc liệt, người mua thì ít người bán thì nhiều. Thế mà suốt ngày cộng đồng người Việt còn bị các cơ quan chính quyền càn quét, dọa đóng cửa chợ. Các nước Đông Âu nhiều năm thâm hụt ngân sách cho nên nhà nước ra sức kiểm tra không chỉ công ty lớn, mà cả những người làm ăn nhỏ. Nhà nước không kiểm soát hàng hóa vào qua con đường nhập khẩu, cho nên hải quan, công an liên tục lục soát, hống hách khắp nơi, nhiều khi rất vô văn hóa.

Có những lúc, người làm ăn lương thiện cũng bị coi như kẻ gian, cảnh tượng ngoài chợ búa như là có chiến tranh khiến khách hàng cũng hoảng loạn bỏ chạy không biết bao giờ mới trở lại. Trong hoàn cảnh này, các doanh nghiệp Việt Nam làm sao yên tâm làm ăn, hàng ngày hàng tháng doanh thu giảm xuống một cách rõ rệt.

Ở đây, phải nói là các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã có những thay đổi theo từng thời kỳ. Từ việc bày hàng trên chiếu bán dưới đất đến có bàn bán cho lịch sự, trước đây bán hàng không có mái thì nay thêm mái che để tránh mưa tránh nắng. Hết cảnh đứng bàn, có các quầy hàng kiểu công-te-nơ và “cao cấp” hơn nữa, thuê ki-ốt 10-15-20m2... Tuy nhiên, như thế vẫn chưa đủ để cạnh tranh được với các hệ cửa hàng to lớn, hoành tráng ở nơi khác. Doanh nghiệp Việt Nam có thay đổi nhưng quá ít so với sự thay đổi của xã hội và mức độ phát triển nhanh của thị trường!

Tại sao như vậy? Có phải là chúng ta không có tiền? Thực chất chúng ta đã có tiền vì chúng ta đã làm thành công ở giai đoạn một, cái chính là chúng ta chưa nghĩ ra, không nghĩ lâu dài, hoặc sợ đầu tư tiếp... “Mưa đã tạnh” từ lâu, đã chuyển sang thời kỳ “hạn hán lớn”, chúng ta phải đi tìm mạch nước mới, nguồn nước mới. Giai đoạn này không còn là “chợ vàng” nữa, mà phải gọi là “chợ ma”, chợ vắng như chùa Bà Đanh. Chợ chuyển thành… trung tâm huấn luyện cờ Tây, cờ ta: trong giờ làm việc ra chợ, không thấy khách đâu mà toàn thấy mọi người xúm xít chơi cờ.

Một lần tôi đi thăm chợ, hỏi thăm chuyện buôn bán của bà con, có nguời nói luôn “hôm nay chả bán được tí gì”, có người nói “từ sáng đến 3 giờ chiều rồi mà vẫn chưa ai mở hàng”, người thì phàn nàn “dân bây giờ nghèo lắm, chỉ đi xem, mặc cả rồi bỏ đi”. Vừa rồi tôi có sang Đức thăm anh bạn sau 30 năm mới gặp nhau, ngoài chuyện hỏi thăm sức khỏe gia đình, chuyện làm ăn, anh kể mấy năm trước có 3 cái buffet, cả nhóm nguời làm thuê, bây giờ chỉ còn một và không thuê ai, vợ chạy bàn chồng lắc chảo xào nấu và anh cũng nói dân Đức bây giờ cũng nghèo lắm.

Có phải dân bản địa nghèo đi như nhiều người thường nghĩ không? Nếu ai đã từng sống liên tục từ năm 1985 đến giờ thì thấy cuộc sống của nguời dân Đông Âu khá lên rất nhiều. Ngày xưa người dân ở đây chỉ được xem dăm bảy tờ báo, một vài kênh TV, bây giờ thì báo chí đầy rẫy, vô tuyến có hàng trăm kênh. Ngày xưa nguời dân chỉ được đi du lịch nội địa hoặc mấy nước XHCN lân cận, giờ họ đi khắp thế giới. Ngày xưa 15-20 gia đình mới có 1 ôtô mà toàn xe xấu, cũ kỹ như Lada, Wartburg, Skoda, Trabant... còn bây giờ toàn xe “đời mới”, hiện đại tối tân mà gần như nhà nào cũng có 1 hoặc 2 chiếc.

Trên các phương tiện truyền thông, chúng ta cũng có thể theo dõi những con số phát triển kinh tế và thu nhập quốc dân tăng hàng năm, mức lương tối thiểu luôn được tăng cao và tăng đều theo sự phát triển kinh tế. Như vậy dân Đông Âu không nghèo, có chăng, chúng ta nghèo suy nghĩ, lười vận động, không có ý thức “đuổi” theo dân, “bám” theo dân mà bán hàng.

Dân Đông Âu bây giờ đã hoàn toàn thay đổi phong cách mua hàng so với những năm truớc đây. Một điều dễ hiểu một gia đình nghèo đi chợ mua từng tí một, dùng hết, hoặc thiếu cái gì mới chạy đi mua cái đó, chính vì thế những năm trước đây có nhiều các cửa hàng nhỏ, còn bây giờ những cửa hàng như thế cứ dần dần tự mất đi. Ở Việt Nam có nhiều gia đình nghèo mới sinh ra các chợ “cóc”, chợ “tạm” mọc lên ở các ngõ, ngách, những nơi đông dân cư; còn ở đâu cũng thế, gia đình khá giả có thể mua nhiều thứ một lần vừa dùng vừa… vứt đi. Xã hội càng phát triển thì càng có nhiều gia đình giàu có, đời sống cao, nên sức tiêu thụ hàng hóa càng lớn.

Châu Âu có ngành công nghiệp khổng lồ với kỹ nghệ cao cùng với sự bùng nổ ngành văn hóa vui chơi giải trí, nguời dân luôn phải làm việc căng thẳng để tránh bị sa thải, ngoài giờ làm việc họ rất thích vui chơi hưởng thụ nhất là đi du lịch, cho nên họ dành thời gian đi mua bán rất ít mà đã đi mua là mua luôn một thể, mua luôn cho cả tuần từ đồ ăn đến đồ mặc, đồ dùng trong nhà, đồ làm thơm, đồ tẩy sạch... - đó chính là nguyên nhân hình thành ra các trung tâm mua bán khổng lồ mà chúng ta đã thấy, hàng ngày dân chúng ùn ùn đi mua chở đầy xe hàng mang về nhà, điều này càng thầy rõ nhất vào ngày cuối tuần.

Xem tiếp Phần 2.

Phạm Ngọc Chu – Còn tiếp


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn