Aymi Tran: “BẢO VỆ ĐỘNG VẬT HOANG DÃ CŨNG CHÍNH LÀ BẢO VỆ CON NGƯỜI!”

Chủ nhật - 02/08/2009 19:50

(NCTG) “Năm ngoái, khi tôi ở Việt Nam một thời gian dài với bạn trai là Nemanja Vucicevic, hai chúng tôi đã phát hiện một đều rất đặc biệt là có rất nhiều người Việt có thể hành hạ thú vật từ mèo đến chó một cách bình thường, không ai để ý đến và cũng không mấy người thấy điều đó là phải lo lắng”, Aymi Tran (Trần Vân Ngọc) thổ lộ về xuất phát điểm của một say mê khiến cô đến với con đường quảng bá cho việc bảo vệ động vật hoang dã.

“Vô tội bị kết án tử hình”, tác phẩm đầy ám ảnh của Aymi và bạn trai

Năm nay 26 tuổi, sinh sống tại Đức cùng gia đình từ khi còn rất nhỏ, nhưng Aymi Tran vẫn nói thạo tiếng Việt và có vốn hiểu biết đáng nể về văn hóa và truyền thống Việt Nam. Năm ngoái, cùng Nemanja Vucicevic, cô đã đoạt giải nhất cuộc thi “Thiết kế mẫu quảng cáo cho báo in” chủ đề về bảo vệ động vật hoang dã do WWF Greater Mekong (tổ chức bảo vệ động vật và thiên nhiên, môi trường) phối hợp cùng TRAFFIC Đông Nam Á phát động và tổ chức trên toàn quốc, với sự tham dự của nhiều tác giả trong và ngoài nước.

Cuộc thi cũng được sự hợp tác của các đối tác lớn và uy tín, như LeMedia, Info TV, Công ty quảng cáo quốc tế Saatchi & Saatchi và nhà tài trợ Canon.

“Người mà hành hạ thú thì cũng rất dễ là hại người”

Đó là chia sẻ của Aymi trong cuộc trao đổi với chúng tôi trong vấn đề bảo vệ động vật hoang dã. Cô cho biết rằng các nghiên cứa khoa học đã chứng minh, những kẻ tội phạm bị án tù giam đều có tuổi thơ dính líu đến bạo lực, trong đó bạo lực đối với thú vật chiếm tỉ lệ không nhỏ.

Năm 2008, trong một thời gian tương đối dài, Aymi có điều kiện về Việt Nam làm việc tại một công tay quảng cáo quốc tế. Chấn động khi phải chứng kiến những cảnh, những hành vi bạo hành của con người với thú vật, lại tình cờ được biết đọc trên báo về cuộc thi kể trên, thế là Aymi rủ bạn trai cùng thiết kế ảnh dự thi.

Cô cho biết: “Hồi đó, hoàn toàn tôi vô tình thấy có cuộc thi, và tôi đã tham gia mà không đặt mục đích để thắng, nhất là không chỉ thắng một cuộc thi mới chỉ đặt ra vấn đề bảo vệ thú hoang dã, bởi vì tôi muốn mọi mọi người nên suy nghĩ về đối xử với gia súc tốt hơn trước khi nghĩ đến những thú hoang dã”.

Thiết kế là một trong những sở trường của Aymi Tran, bên cạnh những khả năng nghệ thuật khác mà cô đều chịu khó tìm hiểu và học hỏi, như biên đạo múa, hát, vẽ tranh sơn dầu, tranh lụa, sơn mài. Thêm vào đó, được đào tạo bài bản về văn hóa Phương Đông tại khoa Đông Nam Á của Đại học Humbold (Berlin, Đức), và sau đó, chuyển sang học thiết kế truyền thông tại London (Anh Quốc), cái nhìn của cô trong nghệ thuật đã kết hợp được yếu tố thế giới và những nét truyền thống Á Đông.

Chọn gấu và hổ trong số 6 loài động vật hoang dã (rắn hổ mang, tê tê, tê giác, gấu, hổ, và rùa biển) được chọn làm chủ đề của cuộc thi, hai tác phẩm dự thi của Aymi Tran và Nemanja Vucicevic đã lột tả được tấn bi kịch của những loài vật từng đã có rất nhiều tại Việt Nam, trên nguyên tắc được bảo vệ bởi luật pháp Việt Nam và Công ước quốc tế, nhưng hiện bị tiêu diệt thường xuyên và ở mức độ ráo riết, tới mức có nguy cơ tuyệt chủng.

Hình ảnh chú hổ và gấu bé nhỏ, mang hai cái tên Lành và Hảo, bị bịt mắt và chuẩn bị phải lên giá treo cổ, cùng những lời trần tình thơ ngây và tội nghiệp về địa ngục mà con người đã tạo ra cho hai loài vật hoang dã quý hiếm ấy, đã được Aymi và bạn trai khắc họa rất ấn tượng, xúc động và đầy ám ảnh.

Vượt qua 200 bài dự thi để giành giải nhất, tác phẩm “Vô tội bị kết án tử hình” của hai bạn trẻ được đánh giá là mang tính sáng tạo nghệ thuật cao, đồng thời, có tính giáo dục cộng đồng sâu sắc, phù hợp với tiêu chí và thông điệp của cuộc thi, cũng như của cuộc triển lãm các xuất phẩm xuất sắc nhất được tổ chức sau đó. Đây cũng là một phần của dự án nâng cao nhận thức cộng đồng, trải dài trong 4 năm nhằm giảm việc săn bắn, giết mổ và tiêu thụ trái phép, trên quy mô lớn các sản phẩm từ động vật hoang dã tại Việt Nam.

Cuộc triển lãm tác động đến nhận thức con người

Từ Anh trở về nhận giải vào ngày 15-10-2008, Aymi Tran rất cảm động khi được cùng mẹ, chị Hoai Thu Loos (Nguyễn Thị Hoài Thu) trong giây phút hạnh phúc ấy.

Từng được trao giải thưởng “Người phụ nữ Berlin” (năm 1999) và Huân hiệu Huân chương Công trạng CHLB Đức (năm 2001) cho sự những nỗ lực quê mình và không mệt mỏi đối với nền văn hóa và sự hội nhập của xã hội Đức - thông qua đề án VINAPHUNU của CLB Phụ nữ Việt Nam tại Berlin mà chị là sáng lập viên và điều hành suốt 20 năm qua - chị Hoài Thu là người rất quan tâm và khởi nguồn cho những say mê văn hóa, nghệ thuật của Aymi.

Đặt mục tiêu hướng về những phụ nữ Việt gặp muôn vàn khó khăn trong đời sống và sự hội nhập nơi xa xứ, vừa giúp họ có cơ hội học hỏi, trau dồi và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa khiến họ bỏ được những mặc cảm, âu lo, gia tăng sự cởi mở và khả năng hòa nhập với xã hội Đức, VINAPHUNU đã tổ chức rất nhiều hoạt động chất lượng và ấn tượng. Ngay từ nhỏ, Aymi đã tham gia các sinh hoạt của CLB dưới sự khích lệ và hướng dẫn của mẹ để rồi dần dần, trở thành một “đầu tầu” của CLB.

Ý thức được rằng muốn có được những kết quả khả quan trong vấn đề bảo vệ thú vật nói riêng, và động vật hoang dã, quý hiếm nói riêng, phải có sự tác động nhằm thay đổi từng bước nhận thức cố hữu của con người, vào ngày 26-6 vừa qua, trong khuôn khổ một hoạt động của CLB Phụ nữ, Aymi Tran, Nemanja Vucicevic và chị Hoài Thu lại có dịp để có những tiếng nói có trọng lượng trong đề tài này.

Phát biểu khai mạc của chị Hoài Thu

Khởi đầu vào hồi 19 giờ tối, cuộc triển lãm ảnh và giới thiệu về hiện trạng bạo hành thú vật, cũng như ý nghĩa của việc bảo vệ chúng đã diễn ra với sự hiện diện của hàng trăm vị khách mời cùng các thành viên CLB Phụ nữ, các bằng hữu, các cháu thanh thiếu niên, sinh viên các lớp tiếng Việt, tiếng Đức của CLB.

Về phía Đức, có thể ghi nhận sự hiện diện của các nhân viên Bộ Phụ nữ Tiểu bang, các thành viên nhiều tổ chức văn hóa như Kinderhilfe Hy Vọng, BI (tổ chức sáng kiến các quyền lợi vì công dân nước ngoài), OASE (tổ chức văn hóa cho người nước ngoài, hoạt động tại Nhà Đa Văn hóa), Hội Đức - Việt, cũng như các thày, cô giáo người Đức của CLB, v.v...

Cuộc triển lãm đã có một tiết mục mở màn ấn tượng: nữ nghệ sĩ vilon người Đức Anna Katharina Kaufmann - đồng thời là thành viên của CLB từ khi bắt đầu hoạt động - trình diễn một ca khúc bà sáng tác riêng cho triển lãm. Lấy ý một thành ngữ của thổ dân da đỏ, bài hát có đoạn (dịch ý): “Chỉ khi nào con chim cuối cùng ngừng hót - con cá cuối cùng ngừng bơi - dòng sông cuối cùng khô cằn - con người ta mới hiểu được rằng tiền bạc không phải là thứ trên hết...”

“Hầu hết ai đến cũng bị chấn động”

Đó là nhận xét của Aymi khi thuật lại với chúng tôi về sinh hoạt tâm huyết của cô và các thành viên CLB Phụ nữ.

Sau phát biểu khai mạc của chị Hoài Thu, triển lãm tiếp tục với phần trình bày của Aymi Tran và Nemanja Vucicevic về những gì họ đã “tai nghe mắt thấy”. Được biết, vì sức chức của CLB không lớn, nên chỉ đủ chỗ cho 17 tấm ảnh từ khổ A5 cho đến A1, có nguồn từ nhiều tổ chức nhu WWF, Animals Asia (Động vật Châu Á) và của nhiều tác giả ẩn danh, mà để có được những bức ảnh tư liệu quý báu như thế, nhiều khi cần lòng dũng cảm không nhỏ.

Phần thuyết trình của Aymi Tran và Nemanja Vucicevic

Hai bạn trẻ còn tự biên tập một đoạn video của WWF, có nội dung về sự hành hạ gấu và lấy mật trong những trang trại ở Việt Nam, như một minh họa khủng khiếp cho những phóng sự về đề tài này mà thời gian gần đây đã được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện truyền thông trong nước. Đoạn phim có phụ đề tiếng Việt này dài chừng 5-6 phút, được chiếu liên tục trong buổi tối hôm ấy, đã có tác động mạnh mẽ tới cử tọa, theo lời Aymi: “Không ai có thể tưởng tượng được những hành động dã man đến mức khủng khiếp như vậy, nhiều người không xem được đến cuối”.

Cạnh đó, một số bài viết, ấn phẩm cùng chủ đề cũng được in ấn, người tham dự có thể đọc và mang về, nhưng không ít người cũng chỉ dám đọc một phần các tư liệu đó, vì sự kinh hoàng và tàn ác đối với động vật được thể hiện trong những trường hợp trong đó.

Sau khi thuyết trình, Aymi và bạn trai của cô đã có phần giao lưu và trả lời câu hỏi của khán thính giả. Aymi cho hay, có những câu hỏi thú vị như tại sao cô lại đặt tên 2 con gấu và hổ là Lành và Hảo? Ấy là vì theo suy nghĩ của cô, trong tiếng Việt tên nào cũng có ý nghĩa: hai cái tên Hảo và Lành đều mang tính thánh thiện và nghĩa là tốt lành, gợi những tình cảm tốt, nhân đạo ở con người. Qua đó, cô muốn cho mọi người hiểu rằng những con thú đó đều tốt, không bao giờ có thể hại con người như những người hại chúng.

Một tiến sĩ người Việt đứng tuổi khác thì thắc mắc: một ảnh con hổ ngoài thiên nhiên chắc là bây giờ không có thật nữa, vì theo thống kê, hơn 100 năm trở lại đây, số lượng hổ bị giảm 95%, 3 loài hổ đã bị tuyệt chủng, loài thứ tư từ 25 năm gần đây chỉ còn thấy trong vườn thú. Tóm lại, một điều có thể nhiều người khó ngờ tới: lượng hổ tồn tại hoang dã không còn mấy, nên ảnh con hổ ngoài thiên nhiên treo ở triển lãm được coi là rất hiếm!

Bạo hành động vật ảnh hưởng đến toàn thể hệ thống sinh học và con người

Một điểm son của cuộc triển lãm là ngay trong tối khai mạc, cử tọa đã tự nguyện đóng góp hơn 500 Euro với mục đích góp vào một quỹ của WWF nhằm giải cứu những con gấu đang còn bị giam giữ giữa những điều kiện hết sức vô lương tâm, và và cho việc giáo giục học sinh tiểu học, giúp các em nắm bắt được tầm quan trọng của bảo vệ động vật. Bởi lẽ, như Aymi Tran tâm niệm, để con người có được những nhận thức tích cực là quả một quá trình lâu dài.

Hơn nữa, cô hy vọng rằng qua cuộc triển lãm nhỏ này (kéo dài tới cuối tháng 7-2009), sẽ có thêm nhiều người quan tâm đến vấn đề bảo vệ động vật hoang dã và nhận thấy bạo hành, tàn sát chúng là một vấn đề trầm trọng, “không chỉ dừng ở những con gấu hoặc hổ mà còn ảnh hưởng đến toàn thể hệ thống sinh học, con người”. Như thế, bảo vệ động vật cũng chính là bảo vệ con người chúng ta!

Giáo dục cho học sinh từ bậc tiểu học cũng là điều rất cần thiết

Được biết, theo kế hoạch, vào tháng 3-2010, CLB Phụ nữ sẽ tổ chức một chuyến thăm Việt Nam cho một đoàn phụ nữ Việt Nam - Đức, và toàn bộ số tiền quyên góp được sẽ được chuyển tận tay cho tổ chức WWF. Aymi cũng cho biết thêm rằng, sau triển lãm cô vẫn sẽ cố gắng tiếp tục những gì đã và đang làm, với những hoạt động cụ thể như cùng CLB thu thập chữ ký phản đối Khách sạn Him Lam (Điện Biên Phủ) giam giữ 2 con gấu và 1 con khỉ, hay liên hệ hợp tác với chi nhánh tại Philippines của PETA (People for the Ethical Treatment of Animals, tổ chức bảo vệ động vật lớn nhất trên thế giới với gần 2 triệu hội viên).

Chia tay với Aymi và chúng mừng cô vì những gì đã đạt được, trong lòng chúng tôi vẫn bị ám ảnh bởi một nhận xét của cô: vấn đề bảo vệ động vật hoang dã ở Việt Nam chưa được sự quan tâm thỏa đáng từ chính người trong nước, do đó, “phải có người ở nước ngoài tham gia làm”. Phải chăng, bao nhiêu bài báo, phóng sự về hiện thực bạo hành động vật kinh hoàng tại Việt Nam chưa đủ để chúng ta - người dân và chính quyền - nghiêm túc suy nghĩ và làm một điều gì đó để ngăn chặn những hành vi đi ngược lại nhân tính của một nhóm người trong chúng ta?

Trần Lê


 
Tổng số điểm của bài viết là: 13 trong 4 đánh giá
Xếp hạng: 3.3 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn