“SÂN CHƠI BỔ ÍCH CHO GIỚI TRẺ VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI”

Thứ ba - 17/11/2009 00:56

(NCTG) Như NCTG đã đưa tin, vòng chung kết cuộc thi Hoa hậu Việt Nam tại Châu Âu 2009 (Miss Vietnam in EU 2009) sẽ được tổ chức vào tối 9-1-2010 tại miền Nam nước Đức. Nhân sự kiện này, NCTG đã có một cuộc trao đổi với BTC cuộc thi liên quan tới một số thông tin đang được nhiều thí sinh và bạn đọc quan tâm.


Website của cuộc thi

NCTG:Kể từ khi BTC ra thông báo và được nhiều cơ quan truyền thông - đặc biệt là VTV4 - đăng tải, sự hưởng ứng của các thí sinh với cuộc thi ra sao? Tính đến giờ đã có chừng bao nhiêu thí sinh đăng ký?

BTC: Chúng tôi cũng đã tổ chức nhiều sự kiện văn hóa ở Đức, ví dụ như đã tham gia tổ chức cuộc thi Hoa hậu Thế giới Người Việt lần thứ nhất, nhưng cuộc thi Hoa hậu Việt Nam tại Châu Âu lần này, đã được rất nhiều ưu ái của giới truyền thông ở Việt Nam, cũng như các báo của người Việt ở châu Âu.

Vì thế, số lượng thí sinh đăng ký lần này so với các lần trước là tương đối đông. Cho đến nay, đã có hơn 100 thí sinh Việt Nam ở các nước Châu Âu đăng ký dự thi từ Đức, Cộng hòa Czech, Pháp, Anh, Na Uy, Hungary…

NCTG:Đặt tên cuộc thi là Miss Vietnam in EU 2009, BTC có tính đến sự tham dự của các thí sinh ở các nước Châu Âu, nhưng chưa thuộc EU (Nga, Ukraine, các nước Nam Tư cũ, v.v...)?

BTC: Đây là lỗi của BTC. Tên chính thức (tiếng Việt) của cuộc thi là là Hoa hậu Việt Nam tại Châu Âu, nhưng khi đặt tên trang web thì lại viết thành EU. Lẽ ra phải viết Europa mới đúng. Nhưng vì đã trót quảng cáo rồi nên đành để vậy.

NCTG:Những thí sinh sinh sống ở Châu Âu lâu năm, không thạo tiếng Việt, hoặc cần phải có phiên dịch khi trả lời ứng xử, có bị thiệt thòi nhiều không khi bình chọn so với những thí sinh nói được thạo tiếng Việt? Bởi lẽ, đây là sự lo ngại của nhiều thí sinh khi đến với cuộc thi và thực chất, nếu muốn vận động được đông đảo các em thuộc thế hệ thứ hai, ba của các cộng đồng Việt Nam tại Châu Âu, phải tính đến và khích lệ sự tham dự của các em này...

BTC: Qua thực tế tổ chức các lần trước, chúng tôi cũng rút được kinh nghiệm cho việc này và cố gắng làm sao cho các thí sinh cảm thấy không ngại ngùng, lúng túng khi trình bày trên sân khấu bằng các thứ tiếng khác nhau.

Trong phần thi Ứng xử, các thí sinh sẽ được giới thiệu về bản thân mình trong khoảng 2 phút bằng tiếng Việt hoặc tiếng nước nào mà họ xử dụng thành thạo nhất. Trong mẫu đơn đăng ký dự thi, cũng có câu hỏi để thí sinh cho BTC biết họ có cần hỗ trợ của phiên dịch không.

Nhưng vì có nhiều nước khác nhau nên BTC thống nhất chỉ dùng tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Đức trong cuộc thi. Ở cuộc thi tại Châu Âu, chúng tôi không phân biệt các thí sinh giỏi hay không giỏi tiếng Việt, nhưng để trở thành đại diện của người Việt ở châu Âu về Việt Nam thi thì người thạo tiếng Việt đương nhiên có lợi thế hơn.

Xin được nhắc lại là cuộc thi này sẽ chọn ra những người đẹp, đại biểu cho người Việt ở Châu Âu, về Việt Nam tham gia các cuộc thi hoa hậu cấp quốc gia như Hoa hậu Toàn quốc, Hoa hậu Thế giới Người Việt lần thứ 2 (tuy đã có thông báo hoãn cuộc thi trong năm 2009, nhưng qua một nguồn tin nội bộ, có thể sang năm 2010, cuộc thi này sẽ được tổ chức). Các thí sinh này sẽ được vào thẳng vòng chung kết.

NCTG:Những cuộc thi sắc đẹp Việt Nam tại Châu Âu (như cuộc thi năm ngoái tại Vương quốc Anh mà thí sinh Nguyễn Phạm Bảo Quỳnh đến từ Hungary đã đăng quang) có mang tính tiếp nối và kế thừa nhau hay không? Cho dù mỗi năm, BTC lại thay đổi theo từng nước, nhưng để có được sự nhất quán về danh hiệu và phương thức tổ chức, các BTC có sự phối hợp hoặc liên lạc gì với nhau không?

BTC: Tại cuộc thi tổ chức ở Anh năm 2007, được coi như là lần thứ nhất, bản thân chúng tôi cũng không có nhiều thông tin. Khi đăng cai tổ chức lần này, chúng tôi cũng không có ý thức coi đây là cuộc thi hoa hậu lần thứ hai ở Châu Âu. Nhưng do báo chí viết như vậy, chúng tôi cũng không cải chính, nên mặc nhiên có sự tiếp nối thứ tự như thế.

Nhưng ngay từ khi viết đề án cho cuộc thi lần này, chúng tôi đã bàn bạc với các nhà bảo trợ, các BTC ở các nước để tiến tới một sự thống nhất, lần lượt tổ chức cuộc thi hoa hậu tại Châu Âu tại các nước. Năm nay là Đức, vì Đức có sự kiện kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao Việt - Đức, sang năm có thể ở Cộng hòa Czech hoặc một nước nào đó, và cứ thế làm tiếp.

Như vậy, vừa dễ dàng hơn cho công việc tổ chức, vừa tạo ra một thương hiệu có tính tiếp nối, truyền thống và là một sân chơi bổ ích cho giới trẻ Việt Nam ở nước ngoài. Và không chỉ là thi hoa hậu, mà còn có thể mở rộng sang các hoạt động văn hóa, thể thao, giáo dục khác.

NCTG:Cuộc thi năm nay có điểm gì đặc biệt và mới hơn, so với kỳ năm ngoái tại Anh?

BTC: Như đã nói ở trên, thực tế chúng tôi không có nhiều thông tin về cuộc thi hoa hậu lần trước ở London (Anh), nhưng có thể nói cuộc thi lần này được nhiều biết đến từ khi bắt đầu ra thông báo, lại được sự ủng hộ của Ủy ban Quốc gia về người Việt Nam ở nước ngoài (trực thuộc Bộ Ngoại giao) nên có rất nhiều nơi, nhiều tờ báo đăng tin, quảnh cáo cho cuộc thi mà chính BTC cũng không biết.

Ví dụ rõ nhất là báo NCTG hay tuần báo “Sao Việt” - các tạp chí của cộng đồng Việt Nam tại Hungary - đã đăng thông tin về cuộc thi hoa hậu do chúng tôi tổ chức, mà cho đến hôm nay, nếu không có cuộc phỏng vấn này, thì chúng tôi cũng hoàn toàn không biết.

Vì vậy, xin các anh chị nhận cho lời cảm ơn của BTC chúng tôi tới báo NCTG, tuần báo “Sao Việt” và hy vọng chúng ta sẽ tiếp tục hợp tác để khỏi có những lời cảm ơn muộn màng như ngày hôm nay.

NCTG:Chúc BTC và cuộc thi thành công!

Trần Lê thực hiện


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn