VINAPHUNU, MỘT MÔ HÌNH HỘI NHẬP CỦA NGƯỜI VIỆT NGOÀI NƯỚC

Thứ sáu - 01/09/2006 20:50

(NCTG) Cộng đồng Việt Nam tại Berlin, đông đảo về số lượng và rất đa dạng về thành phần xuất thân, nghề nghiệp và chỗ đứng trong xã hội Đức, đã đi những bước dài kể từ mốc 1990, khi hai nhà nước Đông và Tây Đức thống nhất trong khuôn khổ Cộng hòa Liên bang Đức hiện tại.

Chị Hoài Thu, sáng lập viên và linh hồn của VINAPHUNU

Chị Hoài Thu, sáng lập viên và linh hồn của VINAPHUNU

 

Trong quá trình hội nhập lâu dài, bền bì và không ít những khó khăn, gian khổ ấy, đã có phần đóng góp hết sức quan trọng và to lớn của một đề án lớn mang tên VINAPHUNU (Phụ nữ Việt Nam), nằm trong khuôn khổ CLB Châu Á (ASIATICUS), đã hoạt động và được nhà nước Đức nhiều lần tưởng thưởng từ 15 năm nay.

CLB Châu Á cũng là nơi đã để lại ấn tượng sâu sắc cho chúng tôi, trong lần đặt chân đến Berlin mới đây, vì sự đón tiếp nồng hậu của vị chủ nhà, cũng như vì được dịp chứng kiến nhũng nỗ lực vượt quá sức người của người chủ trì, linh hồn của đề án kể trên.

VINAPHUNU là một tổ chức dành riêng cho phụ nữ Việt Nam, được Bộ Kinh tế, Lao động và Phụ nữ tiểu bang Berlin ủng hộ và tài trợ, với những hoạt động rất đa dạng cả về thể loại và nội dung, như tư vấn các vấn đề xã hội và cuộc sống thường nhật (hôn nhân, gia đình, giáo dục con cái, công việc, nhà cửa, thất nghiệp...), tư vấn pháp luật, dạy tiếng Đức cho phụ nữ Việt Nam, tiếng Việt cho các cháu thiếu niên, tổ chức các hoạt động văn hóa, hội nhập hết sức phong phú, có tác dụng nâng cao tầm nhận thức và kiến thức của phụ nữ Việt Nam trên xứ người...

Đặc biệt, VINAPHUNU còn có một thư viện nhỏ, nhưng rất đầy đủ và được sắp xếp rất trật tự, ngăn nắp, nhà nghề với 4 ngàn đầu sách và 2 ngàn băng đĩa, thỏa mãn mọi nhu cầu đọc và tìm hiểu thông tin, văn hóa... của mọi giai tầng độc giả.

Các khóa học, những buổi sinh hoạt nữ công, gia chánh của CLB, vừa để giữ gìn nghệ thuật ẩm thực truyền thống dân tộc, vừa tạo điều kiện để phụ nữ Việt Nam có dịp họp mặt trò chuyện thân mật, đọc báo, xem phim, đánh cờ, sinh hoạt văn nghệ và trao đổi kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực như hôn nhân, gia đình, nuôi dưỡng, giáo dục con cái... Đáng chú ý là tất cả những hoạt động trên đều miễn phí!

Chủ nhiệm, đồng thời cũng là người khởi thảo, duy trì và phát triển không ngừng đề án VINAPHUNU nói trên là chị Hoài Thu, một nhà Hán học, một phụ nữ Việt Nam mà tên tuổi được nhà nước Đức, cũng như cộng đồng Việt tại Berlin rất thân quen; chị cũng đã nhiều dịp xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước.

Là một trong những sáng lập viên CLB Châu Á năm 1990, đúng vào lúc nước Đức thống nhất và có rất nhiều biến chuyển chính trị khiến cộng đồng Việt Nam tại đây - đa phần là những người lao động, không thạo ngoại ngữ, không am tường văn hóa xã hội sở tại - bơ vơ đứng trước ngã ba đường, chị Hoài Thu có chủ ý thành lập một hội công ích, hoạt động trên nguyên tắc dấn thân cho sự ủng hộ, khuyến khích tài trợ cho việc giao tiếp và chung sống của con người đến từ những quốc gia và các nền văn hóa khác nhau.

Trong khuôn khổ CLB, đề án VINAPHUNU đặc biệt chú trọng đến những người phụ nữ Việt gặp trăm ngàn cản trở trong đời sống và sự hội nhập nơi xa xứ, vừa giúp họ chăm sóc và giữ gìn bản sắc văn hòa của mình, vừa khiến họ có khả năng hòa nhập với xã hội Đức, bỏ những mặc cảm, lo âu, trở thành những sứ giả tự tin và cởi mở của truyền thống văn hóa Việt Nam.

Qua rất nhiều khó khăn, nhất là sự đơn độc trong nhiều năm đầu, cũng như trước bộ máy hành chính Đức còn nhiều điểm nặng nề và ít cởi mở trước những sắc dân Á Đông, nỗ lực không mệt mỏi của chị Hoài Thu đã được đền bù xứng đáng trước sự vững mạnh của đề án "Phụ nữ Việt Nam", sự hưởng ứng và tham gia nhiệt tình của cộng đồng Việt tại Berlin.

Chị Hoài Thu cũng đã được trao giải thưởng "Người phụ nữ Berlin" năm 1999 và được tưởng thưởng Huân hiệu Huân chương Công trạng CHLB Đức năm 2001, là phần thưởng cao quý nhất dành cho những người có công lao lớn đối với nền văn hóa và sự hội nhập của xã hội Đức.

Nhắc đến đề án của mình, chị Hoài Thu cảm động cho chúng tôi biết, niềm hạnh phúc lớn lao của chị là ở chỗ, một nỗ lực cho dân mình, nước mình, vô hình chung, lại trở thành đóng góp lớn đối với xã hội Đức, được phía Đức ghi nhận! Người phụ nữ với ngoại hình to béo, nói tiếng Đức nhanh, mạnh và thành thạo như tiếng mẹ đẻ, tác phong nhanh nhẹn, cởi mở và hết sức "công nghiệp" với khả năng cùng một lúc làm được nhiều việc, đã cảm động và tự hào khi giới thiệu với chúng tôi về "15 năm ấy biết bao nhiêu tình".

Những ai có dịp chứng kiến "một không khí đầm ấm gia đình, một không gian văn hóa mang đậm dấu ấn Việt Nam, một tổ chức tư vấn và đào tạo tận tình, chuyên nghiệp, một thành viên trong đại gia đình đa văn hóa Đức" (lời chị Hoài Thu), hẳn sẽ còn thán phục chị hơn nữa nếu biết rằng VINAPHUNU, đứa con tinh thần của chị, ngày nay đã khang trang và bề thế, hẳn không thể ra đời và tồn tại được nếu không có công sức lao động nhiệt thành, chuyên nghiệp và không mệt mỏi của chị, 14-15 giờ mỗi ngày, từ khi CLB Châu Á được thành lập năm 1991.

Trong cuộc trò chuyện, chị Hoài Thu hào hứng liệt kê cho chúng tôi chuỗi hoạt động "chóng mặt" qua năm tháng của VINAPHUNU: viếng thăm những phòng tranh, triển lãm, bảo tàng, những danh lam thắng cảnh, những công trình kiến trúc lịch sử của Đức và Châu Âu; tổ chức và tham gia những hội thảo, nói chuyện chuyên đề, biểu tình... chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, chống tệ bạo hành phụ nữ và trẻ em trong gia đình...; cùng nhau xem một bộ phim, một vở kịch mới, cùng nhau bình một bài thơ hay, thả hồn nhớ về quê hương Việt Nam xa xôi; tổ chức đội múa Xinh Company của các cháu thiếu niên, nhi đồng, hoạt động hết sức chuyên nghiệp, thường xuyên có những đóng góp được phía Đức ghi nhận và đánh giá cao vào cuộc sống đa văn hóa của thủ đô Berlin.

Chị Hoài Thu đặc biệt nhấn mạnh việc kết hợp một cách hài hòa giữa tinh hoa của văn hóa nguồn cội và ưu điểm của nền văn minh phương Tây, một điểm mà VINAPHUNU đã rất thành công trong chặng đường đã qua: chỉ cần nhắc đến giải nhất của đội múa Xinh Company trong Đại Vũ Hội Hóa trang 2004 tại Berlin với hơn 180 đoàn nghệ sĩ của nhiều nước tham dự, khi những làn điệu, tà áo truyền thống dân tộc, những bước đi uyển chuyển của các cháu thiếu nhi - dưới sự thiết kế và dàn dựng của Vân Ngọc, ái nữ của chị Hoài Thu -, đã vinh dự đăng quang trước sự khâm phục và trầm trồ của người bản xứ.

Được thăm thư viện của VINAPHUNU, xem những tập ảnh dày cộp và đồ sộ ghi lại những hoạt động của CLB Châu Á từ năm 1991 tới giờ, được biết rằng thông qua VINAPHUNU, những tà áo dài Việt Nam đã có dịp là khách của tổng thống Đức, của thị trưởng Berlin và của những ngày hội, những lễ diễu hành đa văn hóa cuỉa Quận, của các hội đoàn..., chúng tôi ý thức được rằng cộng đồng Việt ở nước ngoài, muốn được chính quyền và xã hội bản địa lưu tâm và tôn trọng, phải có cái gì đó đặt lên bàn, thật cụ thể và thuyết phục, hay như cách nói của chị Hoài Thu, "phải có một hành trang văn hóa nhất định" và đây là điều mà VINAPHUNU đã làm được trong 15 năm đầu.

Là một phụ nữ hết sức "Tây" về phong cách và quan điểm làm việc, nhưng chị Hoài Thu cũng hết mực Việt Nam trong vai trò người quán xuyến công việc trong CLB: không chỉ với chị em phụ nữ và các cháu thiếu nhi, mà đáng ngạc nhiên thay, ngay cả những trang "nam tử", "hảo hán" Việt tại Berlin cũng tôn vinh chị như người chị lớn của họ.

Bao nhiêu ngày, giờ mà chị đã bỏ ra trong các trại giam, nhà tù của Đức tại Berlin để thăm hỏi, chăm lo, khuyên nhủ, giúp đỡ những người tù Việt - trong đó, không ít kẻ đã phạm tội sát nhân, thậm chí nhiều lần - đã khiến cả những phần tử bất hảo nhất trong đám giang hồ Việt ở Berlin cũng đều nhắc đến chị một cách hết sức tôn trọng.

Trên tường của tòa nhà nơi CLB Châu Á tọa lạc, chúng tôi đã được đọc những vần thơ mộc mạc, nhưng lắm khi rất "chuẩn" và "chỉnh" về vần điệu, câu cú, của dân "đầu gấu", sát thủ; tất cả đều nhắc đến chị Hoài Thu như một ân nhân, một người đã thay đổi những vùng tối trong cuộc đời họ, thắp lên trong tâm tưởng họ ngọn lửa của sự hoàn lương!

*

Tất bật chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 15 năm ngày thành lập CLB Châu Á và VINAPHUNU (trung tuần tháng Chín này), chị Hoài Thu đã có một bài viết chứa chất xúc cảm về những ngày tháng đã qua và những gì chị cùng các đồng sự và phụ nữ Việt tại Berlin đã làm được. Bài viết kết thúc với những dòng cảm động, nhưng cũng đầy tự hào:

"Là những phụ nữ tảo tần khuya sớm trong những cửa hàng hoa, trong những quán ăn, nhà hàng, trong những bệnh viện, nhà máy, ngoài trời, trong chợ những ngày đông tuyết phủ đến đầu gối... là những cô giáo, công nhân, kỹ sư... vì mưu sinh đã hy sinh sự nghiệp của mình cho gia đình, chồng con, quê nhà. Từng bước, từng bước với những hoạt động văn hóa, xã hội phong phú và bổ ích do VINAPHUNU tổ chức, chúng ta đã dần lớn mạnh, đã độc lập tự chủ, tự tin để tồn tại và sống với đúng nghĩa của nó ở xứ người. Đó cũng là mục đích và cũng chính là thành công của VINAPHUNU trong 15 năm qua".

Mang danh một chương trình tư vấn và đào tạo dành cho phụ nữ, nhưng trong thực tế, tầm ảnh hưởng của VINAPHUNU đã vượt qua giới hạn của một tổ chức phụ nữ. CLB Châu Á đã giải quyết được rất nhiều vấn đề của các gia đình, các cháu thanh thiếu niên và cả giới "mày râu" Việt Nam tại Berlin, trên con đường hội nhập đầy gian lao, nhưng không thể tránh khỏi.

Những thành công của VINAPHUNU đặt cho chúng ta một câu hỏi: phải chăng, một mô hình như thế không chỉ mang giá trị địa phương, mà có thể phát triển cho tất cả những cộng đồng Việt Nam trong vùng Đông Âu và Liên Xô (cũ)?

Chùm ảnh về VINAPHUNU:

Thư viện của VINAPHUNU với 4 ngàn đầu sách và 2 ngàn băng đĩa

Bảng thông tin của VINAPHUNU, có nhiều trang thơ của tù nhân Việt Nam tại Berlin tri ân sự giúp đỡ của chị Hoài Thu và VINAPHUNU

Nhà bếp của VINAPHUNU, nơi tạo bầu không khí gia đình cho CLB, mà chị Hoài Thu luôn là "đầu bếp trưởng"

Phòng truyền thống của VINAPHUNU, tấp nập trong những ngày kỷ niệm 15 năm thành lập

Chỉ những hoạt động cụ thể, hữu hiệu và thiết thực mới có thể khiến chính quyền sở tại để tâm và tôn trọng!

Những trang báo về VINAPHUNU

Cuộc hội ngộ giữa nhà giáo Nguyễn Hoàng Tuyên đến từ Hà Nội và người học trò cũ, nhà văn Lê Minh Hà (Berlin) tại VINAPHUNU

Bài và ảnh: Nguyễn Hoàng Linh, Berlin mùa Hạ 2006


 
 Từ khóa: VINAPHUNU
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn